Du xuân trẩy hội làng
Những ngày này, cư dân các vùng An Định (Đại Đồng), Hoán Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa), huyện Đại Lộc; Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên)… lại nô nức trẩy hội. Những lễ hội làng diễn ra xuyên suốt, tiếp nối mạch nguồn văn hóa xứ Quảng.
Ngày xuân, khắp vùng Đại Lộc, Duy Xuyên… lại rộn ràng âm vang của lễ hội, mang đậm giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian của vùng đất ven sông Vu Gia - Thu Bồn. Do ảnh hưởng từ quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt - Chăm trải hàng ngàn năm, đời sống, tín ngưỡng, tập tục của cư dân vùng sông nước Đại Lộc vẫn còn lưu giữ tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân Việt trên hành trình “Nam tiến” và tín ngưỡng thờ mẹ xứ sở cư dân bản địa người Chăm. Ở Đại Lộc, những lễ hội suy tôn công đức của bà Chúa xứ, mẹ xứ sở, những vị thần nữ với những hóa thân bà Chúa Ngọc, bà Phường Chào, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thánh Mẫu Thiên Y Ana… đã tiếp nối diễn ra ở nhiều địa phương vào mùa xuân. Chưa kể, khắp vùng đất Đại Lộc cũng xuất hiện nhiều lễ hội gắn với dinh Bà, miếu Bà, lăng Bà, am thờ Bà, mang đậm sắc màu tín ngưỡng dân gian. Trong khi đó, ở khắp vùng đất Duy Xuyên, tín ngưỡng cùng những vết tích thờ thần nữ, bà Chúa xứ, mẹ xứ sở cũng đậm đặc trên khắp rẻo đất chạy dài theo triền sông Thu. Ở vùng Duy Xuyên, lễ hội Bà Chiêm Sơn (Bà Đá) ở Duy Trinh được xem là lễ hội làng còn duy trì những nghi thức tế lễ, cúng kiếng theo lối cổ lễ với những nghi thức độc đáo. Lễ hội này còn phát huy vai trò của cộng đồng - chủ thể của lễ hội…
Tế lễ tại khu vực lăng mộ Bà Phường Chào (khu Hoán Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc). Ảnh: Hoàng Liên |
Mùng 10 tháng Giêng, sau khi lễ hội Bà Chúa Ngọc (còn gọi là lễ Bà Chúa Tiên hay Thánh mẫu Thiên Y Ana), vị thần nữ từng được triều đình nhà Nguyễn sắc phong là “Hồng Nhân phổ tế linh ứng Thượng đẳng thần” kết thúc, người dân Đại Lộc lại nô nức trẩy hội tại lăng Bà Phường Chào. Từ rất sớm, các bô lão, những chức sắc của làng Hoán Mỹ trong trang phục khăn đóng áo dài đã tề tựu, trang nghiêm tế lễ. Lễ kỷ niệm sắc phong Bà Phường Chào năm nào cũng thu hút đông đúc người dân, du khách thập phương tựu về khu vực lăng Bà trẩy hội, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu tài cầu lộc đầu năm. Tương truyền, Bà Phường Chào tên là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25.2 năm Cảnh Thịnh bát niên (1800) tại làng Phường Chào (thuộc châu Phiếm Ái, nay là thôn 10, xã Đại Cường, Đại Lộc). Ngoài ngày kỷ niệm bà được phong sắc, cư dân nơi này còn chọn ngày 25 tháng Chạp và 19.11 làm ngày giỗ Bà. Lễ hội năm nào cũng diễn ra với hai phần: phần lễ gồm những nghi thức cúng thổ thần, hát lễ tri ân công đức của Bà, phần tế lễ cầu ban phước lộc, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Sau nghi thức kỵ cơm, cúng bái, dâng hương, cầu xin lộc tài đầu năm là phần biểu diễn hát tuồng để phục vụ dân làng và khách thập phương. Theo ông Lương Đức Ngơm - Trưởng ban lễ tự, phần mộ của Bà Phường Chào và gia quyến của bà được dời chuyển từ Đại Cường về nằm trên gò cao của khu Hoán Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa) để tránh sự tàn phá, xâm phạm của dòng sông Vu Gia mùa nước lũ, nhưng ở Đại Cường, nhiều nơi vẫn lập miếu và dinh thờ bà. Trước công đức cứu nhân độ thế của bà, triều Nguyễn từng sắc phong bà là “Thượng đẳng thần”. Ngoài ý kiến cho rằng Bà Phường Chào là một hóa thân của nữ thần Thiên Y Ana (mẹ xứ sở của người Chăm), có người còn cho rằng, bà là chị em với Bô Bô phu nhân, nữ thần Chăm được nhà Nguyễn sắc phong “Trung đẳng thần”, được dân gian hóa thành Bà Thu Bồn. Dân gian có câu: “Bô Bô nói với Phường Chào/Xem tôi với chị bên nào hiền hơn”. Huyền tích Bà Phường Chào còn gắn với Chợ Được, vùng Bình Triều, Thăng Bình. Cư dân vùng Bình Triều và vùng lân cận cũng thường tổ chức lễ hội rước Cộ Chợ Được.
Ngày 12 tháng Giêng, tại làng Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên), lễ hội bà Chiêm Sơn cũng là dấu ấn khai hội của mùa xuân xứ Quảng. Tương truyền, bà Chiêm Sơn còn được gọi là Bà Đá, tức Bô Bô Thái Dương phu nhân, vị nữ thần được dân làng tin tưởng là vị phúc thần phù trợ cho xứ sở. Những truyền thuyết về sự linh ứng của vị thần nữ dày lên theo dấu vết thời gian. Ngày lễ bà chính thức diễn ra vào 12 tháng Giêng, song nhiều hoạt động, nghi thức cúng tế đã diễn ra từ ngày 10, 11 tháng Giêng. Lễ vật cúng tế trong dinh Bà gồm cơm, thịt heo, trái cây, bắt buộc phải có một con cua đồng, một nhánh tỏi, một cây cải và một con chồn, người có lòng thành thì cúng dâng một đĩa xôi, một con gà luộc. Những người dâng lễ là các hương lão làng Chiêm Sơn, khoảng 20 - 30 người, vốn là các vị cao niên có uy tín trong làng. Vị chủ bái đội khăn đen, áo dài thụng tay rộng màu thiên thanh, quần dài lụa trắng, đi chân trần. Ba ngày trước khi tế lễ, vị chánh bái phải kiêng cử, chay tịnh như người tu hành. Trước khi tế, vị chánh bái dùng loại nước được nấu từ lá cây và hoa thơm để tắm rửa pho tượng gọi là lễ mộc dục. Tối 11 tháng Giêng, dân làng Chiêm Sơn làm lễ cúng tiên thường gọi là lễ Túc Yết để hương chức trong làng dâng lễ vật ra mắt các vị thần, mời bà về dự. Sáng 12, dân làng tề tựu đông đủ tham gia lễ rước sắc, khởi đi từ Bến Giá bên bờ sông Thu Bồn về dinh Bà Chiêm Sơn. Đi đầu các đám rước là đội múa lân sư, đến đội chiêng, trống cái, theo sau là bát âm, kiệu nông sản và kiệu sắc do trai tráng trong làng khiêng, rồi đến đoàn lính phù giá và toàn thể nhân dân trong làng cùng khách thập phương. Khi về đến dinh Bà Chiêm Sơn, đoàn rước dừng lại, kiệu sắc tiến vào dinh. Cùng với rước sắc, dân làng còn làm lễ tuyên sắc để tưởng nhớ công đức của bà trước khi tế thần. Theo các bô lão, lễ hội Bà Chiêm Sơn được thực hiện với nghi thức đại tế, diễn ra trang nghiêm với 20 lần xướng cùng với tiếng chiêng, trống hòa với nhạc lễ. Bên cạnh phần lễ trang nghiêm là phần hội hè với múa lân sư, không gian chợ quê, cờ tướng, hô hát bài chòi, thi nghé khỏe nghé đẹp… là dịp để nhân dân và du khách thập phương có những trải nghiệm thú vị đầu xuân, tinh thần cố kết cộng đồng được thắt chặt…
HOÀNG LIÊN - BÍCH LIỄU