Tuyến Vĩnh Điện - Cửa Đại có từ bao giờ?
Trước đây, cứ mỗi lần đi trên con đường Vĩnh Điện - Hội An tươi xanh, trong lành, thơ mộng, tôi luôn tự hỏi tuyến đường này có từ bao giờ, do ai chủ xướng mà đắc địa thế. Nó với dòng sông Vĩnh Điện như cặp đôi giao thông của hai vùng Điện Bàn và Hội An, từ đó kết nối với nhiều vùng miền.
Tra tìm trong các thư tịch liên quan địa chí trước triều Nguyễn như Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục hay thời Nguyễn như Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí… vẫn không thấy thông tin về tuyến đường này. Chỉ có ghi chép về sông Vĩnh Điện: “ở cách huyện Diên Phước 5 dặm về phía bắc, cửa sông ở xã Câu Nhi chảy về phía bắc đến xã Cổ Mân, hợp với sông Cẩm Lệ đổ ra cửa biển Đà Nẵng. Xét: trước có đường sông quanh co khuất khúc, lâu ngày bị bồi lấp, năm Minh Mạng thứ 3 (1822), sai Cai bạ là Lê Đại Cương khai thông sông cũ mà đào từ xã Câu Nhi đến xã Cẩm Sa hơn 850 trượng gọi là sông Vĩnh Điện, thế sông nông hẹp chỉ có thể đi thuyền được, đến năm thứ 4 (1823) lại sai Thống chế Trương Văn Minh chỉnh lý đường sông dời xuống hơn 40 trượng, mở riêng cửa sông để tiếp nước cho sông cái, chăng dây cho thẳng, bắt dân phu hơn 8.000 người đào lại mấy tháng mới xong. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) đúc cửu đỉnh, khắc hình tượng sông này vào Dụ đỉnh” trong Đại Nam nhất thống chí (Quyển VII: tập 2, tr.421-422). Phạm Phú Thứ trên lộ trình xuất dương để đưa tiễn Ngô Hội Lân quan nhà Thanh về nước đã tranh thủ về thăm quê nhà và làm bài thơ Vĩnh Điện giang khẩu hành chu (Đi thuyền ở cửa sông Vĩnh Điện): Cửa sông mới Vĩnh Điện/ Quê ta đó, phiêu du/ Cụm Ngũ Hành choài biển/ Ba dải nước chia lưu/ Bến dâu chìm mưa tận/ Nhà nông ngóng vụ thu/ Gió mát lay cành sớm/ Xuôi tiễn mái chèo mau.
Ảnh: MINH HẢI |
Đại Nam thực lục có một chỉ báo ít ỏi thông qua sự kiện: “Đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam. Xứ ấy có con sông nhỏ, từ xã Cẩm Sa (dài hơn 1.640 trượng), đường nước nông hẹp, sai Cai bạ Lê Đại Cương đốc suất 3.000 dân trong hạt để đào cho rộng ra. Người làm việc được cấp hậu tiền gạo (mỗi người mỗi tháng cấp tiền 3 quan, gạo 1 phương). Đào hơn 2 tháng thì xong. Cho tên là sông Vĩnh Điện. Cầu sông ấy cũng gọi là cầu Vĩnh Điện. Thưởng cho Đại Cương 80 quan tiền, 2 tấm sa, 1 thứ kỷ lục, từ chuyên biện trở xuống thưởng tiền theo thứ bậc. Dinh thần lại tâu rằng từ dinh thành đến cửa biển Đại Chiêm từ trước đến nay chỉ do đường nhỏ bờ sông mà đi, xin khi đào sông xong đắp luôn đường mới (dài hơn 2.380 trượng) để tiện đi lại. Vua y cho. Lại dụ rằng: “Đào sông đắp đường, công việc kế nhau, nhân dân cũng khó nhọc, bọn ngươi nên khéo phủ dụ” (tập 2, tr. 338 - 339), nhưng chúng ta không biết rõ quá trình thực hiện và kết quả xây dựng con đường đó như thế nào từ bộ sử tịch này.
Quyển Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng đồ sộ xuất bản gần đây cũng không nhắc đến lịch sử, địa lý của tuyến đường này.
Năm 2010, khi thực hiện nghiên cứu đề tài về văn bia Quảng Nam, tôi phát hiện một thác bản văn bia lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có đề cập tuyến đường này. Đó là thác bản Tân trúc lộ bi ký (ký hiệu N0 19327) do Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tổ chức sưu tầm in rập vào đầu thập niên 40 của thế kỷ trước. Tấm bia này hiện vẫn còn trên thực địa ở Hội An, với hình dáng như một cột mốc giao thông, đôi chữ mòn mờ rất dễ nhìn nhầm. Nội dung văn tự trên tấm bia: “Vào thời gian tháng 5 năm Minh Mạng thứ 5 (1824), vâng mệnh xây dựng mới con đường về phía đông dài 1.544 tầm 4 thước kéo dài đến phố thị Hội An, thêm 2.616 tầm kéo dài đến cửa biển Đại Chiêm; con đường về phía tây dài 2.112 tầm 3 thước 5 tấc kéo dài đến dinh thành (thành tỉnh), nối đường thiên lý thêm 1.880 tầm kéo dài đến cửa sông Vĩnh Điện”. Theo quy định về đơn vị đo lường dưới triều Nguyễn, 1 tầm là 8 thước, 1 thước là 0,425 mét.
Con đường bộ này có giá trị thông thương, giao lưu kinh tế cho đến tận bây giờ, nối liền từ vùng biển Cửa Đại (Hội An) xuyên qua khu phố Hội An lên đến Vĩnh Điện (Điện Bàn), giáp con đường thiên lý Bắc Nam nối liền mọi nẻo. Xét trong điều kiện địa dư đương thời, con đường này nối liền giữa vùng biển với đồng bằng và tiếp tục đi lên vùng núi phía tây của Quảng Nam; nó còn là con đường nối liền cảng thị mang tính quốc tế - cửa Đại Chiêm với tỉnh thành Quảng Nam tại La Qua. Hiện nay, tuyến đường này có các công trình di tích lịch sử văn hóa cũng như các trụ sở cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, đây là “đề xuất” của quan dân địa phương và được vua Minh Mạng đồng ý ngay, chứ không phải là chỉ dụ từ triều đình; vua lo ngại cho dân khó nhọc, nhưng họ làm việc liên tục và sớm hoàn thành. Điều đó cho thấy tầm nhìn chiến lược về “quy hoạch” đô thị cũng như tinh thần lao động trách nhiệm, tạo sự thuận tiện thông thương, tăng cường trao đổi hàng hóa… trong kế sách phát triển của người Quảng Nam.
Tuyến đường này xây dựng mới vào năm Giáp Thân, đã mở ra sự phát triển cho địa phương. Hy vọng năm Bính Thân này, tuyến đường sẽ được đầu tư mở rộng để tạo vận hội mới cho sự phát triển của Điện Bàn, Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung.
NGUYỄN DỊ CỔ