Tục cúng lăng Ông
Đã thành thông lệ, cứ đến mùng 7 tháng Giêng hằng năm sau bao bận rộn lo toan ngày tết, người dân làng Bình Yên (xã Phước Ninh, Nông Sơn) lại cùng nhau sắm sanh lễ vật cúng bái lăng Ông...
Tích xưa
Theo những người già trong làng kể lại, lăng Ông thờ một vị tướng lĩnh nhà Nguyễn hy sinh trong trận chiến ở khu vực núi Bàn Cờ. Từ bấy đến nay, lụt lội đã nhiều lần làm trôi lư hương thờ vị tướng này, từ núi Bàn Cờ, Vực Miếu, Vực Chùa, Dốc Ông, Nà Chùa và đến lăng Ông bây giờ. Cứ lư hương trôi đến đâu người dân lại lập lăng thờ Ông ở đó. Tương truyền, Ông rất linh thiêng. Thời trước cọp hay bắt người trong làng. Đến kỳ cúng lăng, dân làng khẩn cầu, Ông giáng về nói năm đó người tuổi nào không được vào rừng, nếu không sẽ bị cọp vồ. Mà đúng như thế thật, cứ ai có tuổi Ông đã phán mà năm đó vào rừng là y như cọp ở đâu chờ sẵn, vồ mang đi ngay. Sau đó, cọp quấy phá dữ quá, dân làng lại cúng cầu xin, Ông hiển linh cho hai lá bùa, một dán ở truông Dốc Lách, một lá dán ở truông Khe Rinh, tạo thành thế kìm bao vây. Từ đó về sau, cọp không còn ra làng quấy phá, bắt người nữa.
Cứ đến mùng 7 tháng Giêng hàng năm, người dân làng Bình Yên (xã Phước Ninh, Nông Sơn) lại sắm sanh lễ vật cúng bái lăng Ông. |
Người trong làng cũng tương truyền rằng, chị gái Ông là Bà Trà Linh, vợ Ông là Bà Thu Bồn. Vì thế, mỗi khi tham gia hội đua thuyền, thuyền đua Trà Linh (Hiệp Đức) và thuyền đua Thu Bồn (Duy Xuyên) đều bơi ghe vào lăng Ông để cúng xin giải. Ông hiển linh về, bảo nhường giải cho Bà nào là y rằng năm ấy thuyền đua của đội Bà đó thắng. Nghe dân làng đồn lại, cứ hễ Ông đã cho đội nào thắng là thuyền đua của đội đó cứ thả dầm xuống nước sẽ lao tới như gió. Dù có đang bơi ở vị trí cuối cùng cũng vượt lên ăn giải một cách ngoạn mục.
Kể tích về Ông, ông Bùi Cầm (sinh năm 1973) hát cho chúng tôi nghe câu hát của người xưa: “Dầm sen chút mái dịu dàng/ Sinh ba nhịp một đưa chàng về quê”. Ấy là khi ghe Ông xuống Duy Xuyên tham gia hội đua, khi về Bà Thu Bồn hát câu tiễn Ông về lại quê hương bổn xứ Bình Yên.
Đặc sắc lễ hội
Nét đặc sắc của hội Khai Hạ và cúng lăng Ông là phần nghi thức lễ tế, trong đó có lễ hạ cây nêu mà dân làng đã làm lễ dựng lên từ ngày 25 tháng Chạp. Trước khi vào lễ vài ngày, các cụ ông và bà con nhân dân trong thôn tổ chức quyên góp tiền nong mua heo gà, vàng hương, lễ vật. Người góp tiền, người góp con gà, nải chuối, cũng có người chỉ là bó hoa dâng lễ, tất cả đều được thành tâm đón nhận. Ban tế lễ tập hợp bà con dân làng phân chia công việc cho các bộ phận để lễ cúng được thực hiện trang nghiêm, đúng nghi thức. Riêng ban cúng gồm có 11 người, trong đó vị chánh bái là người có uy tín trong làng.
Cuộc tế lễ diễn ra trang trọng, thành kính. Các vị lão làng trong thôn trang phục áo dài, khăn xếp trịnh trọng. Dân làng đàn ông, trai tráng đều ăn bận chỉnh tề, có mặt ngay từ sáng sớm để phục vụ lễ hội và bái vọng thần thánh. Chiêng trống vang trời, khói hương nghi ngút, dàn nhạc bát âm cùng tiếng tế lễ vang vọng một vùng núi non. Trên mâm lễ gồm có con heo luộc, ba con gà, xôi chè, hoa quả, hương đèn… để cúng Ông - vị tiền bối che chở cho dân làng bao năm qua.
Vừa tròn 80 tuổi, đến nay hơn nửa cuộc đời cụ Bùi Cầm nhận trọng trách chánh bái trong lễ cúng lăng Ông. Cụ Cầm cho biết: “Bài cúng thể hiện lòng biết ơn Ông đã che chở cho dân làng, cầu mong Ông phù hộ ban phước một năm mới mưa thuận gió hòa, để mọi người có sức khỏe dồi dào, cửa nhà ấm êm, làm ăn phát đạt. Đồng thời bày tỏ lòng tri ân những bậc tiền bối đã khai sơn phá thạch lập ra làng”. Trong lăng, ở giữa thờ Ông, bên trái thờ Bà Ngũ Hành, bên phải là thờ 5 cậu (cậu Cả, cậu Quý, cậu Trà, cậu Hiển, cậu Xuân). Ngoài ra còn thờ các vị tiền hiền của làng, gồm ba tộc Bùi, Nguyễn Viết, Nguyễn Đình.
Nét đẹp văn hóa tâm linh
Sau khi cúng tế, lễ vật được dọn xuống bày biện tại chỗ, mọi người quây quần ăn uống, vui vẻ coi như là dịp gặp mặt đầu năm cùng chúc nhau sức khỏe, công việc làm ăn năm mới thuận lợi hanh thông.
Lễ cúng lăng Ông ở làng Bình Yên diễn ra nhộn nhịp đông vui. Những người con quê hương làm ăn xa xứ, đến ngày mùng 7 tháng Giêng dù bận mấy cũng sắp xếp về dự lễ để xin lộc cầu may. Mỗi người đến đây đều mang theo lời nguyện cầu, hoài vọng về một cuộc sống thanh bình, yên vui, sung túc. Chuyển ra Đà Nẵng sinh sống đã gần mười năm nay, nhưng năm nào ông Nguyễn Đình Quý (sinh năm 1937) cũng về thăm quê hương và dự lễ cúng lăng. Ông Quý chia sẻ: “Cúng lăng Ông là cầu cho xóm làng làm ăn phát đạt, cầu cho mọi người sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu; cầu cho đất nước thanh bình, con cháu chăm ngoan học giỏi, nhà nhà sung túc, no đủ, cho mọi điều tốt lành trong cuộc sống. Đây cũng là dịp để bà con trong làng, con em xa quê sum họp, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, động viên, chúc tụng nhau một năm mới thuận lợi. Đó là một nét đẹp văn hóa tâm linh mà chúng ta cần phải giữ gìn và lưu truyền cho muôn đời sau”.
TÂM LÊ