Phục dựng cây nêu ngày tết

HOÀNG LIÊN 16/02/2016 09:18

Như đã thành lệ, mỗi dịp tết đến xuân về, tại nhiều địa phương xứ Quảng như Hội An, Điện Bàn… hình ảnh cây nêu ngày tết được phục dựng ở các đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc đã làm cho hương vị, cảnh sắc ngày xuân thêm ấm cúng, đậm đà.

Với phố cổ Hội An, đây là năm thứ 7 phong trào phục dựng cây nêu ngày tết được phát động, nhận được sự hưởng ứng của nhân dân, ban trị sự các đình làng, chùa, miếu mạo và tạo sự mới lạ, thích thú trong mắt du khách đến với phố cổ. Du xuân phố cổ những ngày đầu xuân, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh cây nêu sừng sững mọc lên tại gần 50 điểm nhà thờ tộc, văn miếu, đình làng, chùa chiền, trở thành biểu tượng của ngày tết cổ truyền. Người phố Hội dựng nêu đón tết từ những ngày cuối tháng Chạp với nghi lễ cúng dựng nêu diễn ra trước đó, gồm nghi thức cúng đất đai, thổ thần với phẩm vật là con gà trống tơ, hương đèn, hoa quả, kim ngân, trầu cau, gạo muối. Lễ cúng hạ nêu diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Giêng với lễ vật cũng gồm con gà trống tơ, hương đèn, hoa quả, kim ngân diễn ra theo đúng nghi thức của cư dân bản địa. Vào những thời khắc cuối cùng của những ngày cuối năm, người người xúm xít chọn những cây tre già, thẳng, dài, có ngọn và lá tươi. Sau đó dùng dây giằng cây nêu, treo lên bên dưới chùm lá tre cờ hội vuông cỡ lớn, loại cờ ngũ hành, giữa lòng màu đỏ hoặc vàng, diềm ngoài không phải màu đen hoặc tím sậm. Trên đỉnh cây nêu, người dân sẽ trang trí lồng đèn tạo màu sắc và chủ yếu cũng là các màu truyền thống đỏ, vàng. Lá phướn (treo cùng vị trí cờ hội) xưa bằng giấy thì nay có thể thay thế bằng vải màu đỏ, bên trên viết những câu chữ mang ý nghĩa tốt đẹp chúc mừng năm mới như: “Tân niên kính chúc quốc thái dân an phong điều vũ thuận” hoặc câu “Chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng”… Trên cây nêu còn được bố trí những dụng cụ tạo âm như chuông đất, khánh sành hoặc chuông gió, kèm theo vật mang ý nghĩa tâm linh như cành lá đa tươi, lá dứa hay nhánh xương rồng, giỏ đan bằng tre chứa các loại vàng, mã não, gạo muối, trầu cau và biểu tượng “tứ tung ngũ hoành”. Thành phố còn khuyến khích người dân trang trí xung quanh cây nêu lồng đèn, hình ảnh con giáp hay biểu tượng phúc lộc thọ, những hình ảnh ngợi ca quê hương, đất nước…

Tục dựng cây nêu ở một nhà thờ tộc, xã Điện Trung (Điện Bàn). Ảnh: Hoàng Liên
Tục dựng cây nêu ở một nhà thờ tộc, xã Điện Trung (Điện Bàn). Ảnh: Hoàng Liên

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa TP.Hội An cho hay, dựng cây nêu là một mỹ tục của người Việt Nam nói chung, cư dân Hội An nói riêng. Tết đến, bên cạnh mua sắm, làm bánh mứt, vệ sinh, trang trí nhà cửa, trước sân nhà hay sân đình đều có dựng cây nêu. Đây là biểu tượng của sự trừ tà, trấn ác, ước mong bình an, mưa thuận gió hòa và khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất đai của gia đình, làng xóm, cộng đồng. Vì vậy, tục dựng nêu vừa mang màu sắc tâm linh, vừa là hình ảnh sinh động của mùa xuân. Nằm trong chuỗi hoạt động của Hội Tết Nguyên đán 2016, hoạt động “Phục dựng cây nêu ngày Tết” cũng nhằm phục hồi, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của Hội An nói chung, tạo thêm sắc xuân, không khí vui tươi đón chào năm mới. “Lệ thường, cùng với lễ hạ nêu, ban tổ chức còn chấm điểm, trao giải cho những đơn vị, địa phương dựng và trang trí cây nêu giàu tính thẩm mỹ, đáp ứng yêu cầu ban tổ chức đặt ra. Không chỉ trong lòng phố cổ, tục dựng nêu đã lan tỏa ra những địa phương nằm ở vùng ven Hội An và được các địa phương này hưởng ứng” - ông Trung nói.

Mùng 7 tháng Giêng, lễ hạ nêu diễn ra khắp nơi trong lòng phố cổ cùng những mâm lễ cúng được bày biện sẵn. Và lễ hạ nêu cũng diễn ra tất bật không kém gì lễ dựng nêu. Với người dân phố cổ, nhiều năm liền, cây nêu đã trở thành biểu tượng quen thuộc, đặc biệt là với lớp trẻ, cây nêu mang ý nghĩa giáo dục nguồn cội, truyền thống. Ông Võ Tiếp (80 tuổi), sống cạnh đình làng Thanh Hà chia sẻ: “Cây nêu ngày tết đã đi vào tâm thức của bao thế hệ xưa, là biểu trưng không thể thiếu của ngày tết song mỹ tục này gần như bị quên lãng tại nhiều nơi. Việc khôi phục lại mỹ tục này ở phố cổ thể hiện ý nghĩa giáo dục truyền thống rất lớn, giúp con cháu không quên truyền thống của cha ông”. Cũng như Hội An, dịp tết, vùng Gò Nổi (Điện Bàn), lễ dựng nêu và hạ nêu cũng diễn ra trong không khí đông đủ, tề tựu những người già, các vị chức sắc của làng và cháu con. Theo các bậc cao niên xã Điện Trung, Điện Bàn, do đặc trưng của cư dân Điện Bàn nói riêng, xứ Quảng nói chung đều lập làng ven sông, để chắn gió phương Bắc và giữ đất, làng nào cũng trồng tre. Cây tre đã trở thành biểu tượng của làng quê. Ngày xưa, cây nêu (cây tre) chủ yếu chỉ được dựng lên ở miễu (thờ ông Cọp) ven đường, ví như một số làng của xã Điện Trung dù mất miễu do chiến tranh tàn phá song tại nơi đó, người làng vẫn dựng lên cây nêu, ngoài khẳng định lãnh thổ, còn mang ý nghĩa tri ân thổ thần, thổ công. Riêng các thôn Phong Lục, Phong Ngũ (xã Điện Thắng), tập tục dựng nêu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của cư dân bản địa. Bên cạnh ý nghĩa “tống cựu nghinh tân”, cầu mong mưa thuận gió hòa, may mắn mà còn là mang sắc màu tâm linh. Truyền thuyết dân gian cũng kể về câu chuyện giành lãnh thổ giữa người và quỷ. Và cây nêu được dựng lên giữa trời nhằm trừ ma quỷ nhân cơ hội về quấy nhiễu. Dân gian có câu: “Cành đa lá dứa treo cao/Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà/Quỷ vào thì quỷ lại ra/Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm”… Ngoài ý nghĩa tâm linh thì hình ảnh cây nêu - cây tre còn là biểu trưng cho cốt cách, tâm hồn dân tộc, khẳng định chủ quyền, lãnh thổ. Còn với nhiều nhà nghiên cứu thì phục dựng cây nêu giữa bầu trời là để cầu may mắn, bỏ qua những điều muộn phiền, những hơn thua tranh giành trong cuộc sống và hòa lòng cùng thiên nhiên đất trời.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN