Tìm về dinh trấn Thanh Chiêm

KHÁNH LINH 11/02/2016 10:42

UBND thị xã Điện Bàn đang xúc tiến lập hồ sơ trình Sở VH-TT&DL tham mưu tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận dinh trấn Thanh Chiêm (Điện Phương, Điện Bàn) là di tích lịch sử cấp quốc gia, mở ra triển vọng  trong việc xác lập lại danh phận của một nơi vốn được xem như cái nôi ra đời của chữ quốc ngữ.

Trung tâm chính trị xứ Đàng Trong

Lịch sử vùng đất Thanh Chiêm trong quãng 700 năm qua gắn liền với hành trình mở đất của các vương triều Việt Nam về phương Nam. Khởi đầu từ mối lương duyên Chiêm Thành – Đại Việt với đám cưới giữa công chúa Huyền Trân với vua Chiêm Chế Mân (1306), đã giúp Đại Việt có được hai châu Ô, Lý từ sính lễ của Chế Mân (sau được nhà Trần đổi thành Thuận châu, Hóa châu), giúp địa giới Đại Việt mở rộng thêm tới bờ bắc sông Thu Bồn. Đến thời nhà Hồ, trải qua các cuộc chinh phạt (1402) lãnh thổ nước Đại Việt tiếp tục vươn về phía nam với việc lập bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (bao gồm đất Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay). Sau chiến thắng Trà Bàn (1471) của vua Lê Thánh Tông, Quảng Nam Thừa tuyên đạo ra đời, biên giới nước Việt kéo dài đến núi Thạch Bi (Phú Yên). Năm 1558, Đoan quận công Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn thủ Thuận Hóa theo kế sách “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhằm tránh thế lực nhà Trịnh. Đến năm 1568 Nguyễn Hoàng đã được vua Lê cho kiêm lãnh trấn Quảng Nam, khởi đầu một giai đoạn mới xây dựng và củng cố quyền lực của mình.

Nhà thờ Anrê Phú Yên được phỏng định xây dựng trên nền móng cũ của một nhà thờ đạo có lịch sử từ thế kỷ 17. Ảnh: K.LINH
Nhà thờ Anrê Phú Yên được phỏng định xây dựng trên nền móng cũ của một nhà thờ đạo có lịch sử từ thế kỷ 17. Ảnh: K.LINH

Sách Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang (NXB Văn học, tái bản năm 2001, tr 109 và tr 125) ghi rõ: “Đời vua Anh Tông, năm Mậu Ngọ, chính trị năm đầu (1558), tháng 10, Đoan quận công Nguyễn Hoàng cùng đoàn tùy tùng do cửa Việt lên sông Quảng Trị, đóng dinh tại làng Ái Tử… Hoằng Định năm thứ 3 (1602) chúa đi chơi núi Hải Vân, thấy núi non hiểm trở, nói rằng “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng” rồi vượt qua núi, xem xét hình thế, sai lập dinh ở xã Cần Húc (nay thuộc Duy Xuyên), xây kho tàng chứa lương thực, sai công tử thứ 6 là Nguyễn Nguyên trấn giữ”. Một thời gian sau dinh được dời từ Cần Húc về Thanh Chiêm huyện Điện Bàn (?). Năm 1604, chúa cho cải đặt tên các khu vực hành chính hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn quản 5 huyện là Tân Phước, An Nông, Hòa Vinh, Diên Khánh và Phúc Châu lệ thuộc vào xứ Quảng Nam.

Nhà nghiên cứu Châu Yến Loan trong cuốn Dinh trấn Thanh Chiêm – kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong cho rằng, với việc xác lập các kho tàng, hạ tầng quân sự, văn hóa và bố trí các thế tử trấn giữ, dinh trấn Thanh Chiêm đã được xem như triều đình thứ hai của chúa Nguyễn vì đây là nơi các thế tử tập sự điều hành đất nước trước khi ra chính dinh Thuận Hóa. Dù chỉ tồn tại 200 năm (1801) nhưng dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò và vị trí rất quan trọng trong tiến trình mở cõi của dân tộc về phía nam. Đặc biệt, nơi đây được xem cái nôi ra đời của chữ quốc ngữ trong buổi sơ khai.    

Xác lập danh phận

Dinh trấn Thanh Chiêm ngày nay hầu như không còn vết tích gì, dù địa danh vẫn  hiện hữu khá nhiều trong ký ức của người dân trong làng như dinh thự (hành cung), thành Vệ, chợ củi, kho muối, nhà lao, tàu tượng, mô súng, vọng khuyết, gò sài, Văn Miếu… Theo ông Đinh Trọng Tuyên (Điện Phương, Điện Bàn), người có nhiều năm nghiên cứu dinh trấn Thanh Chiêm, hiện một số vị trí xưa vẫn có thể xác định được tại nhiều nơi ở Điện Phương như Hành cung, nay là nền đất của trường THCS Nguyễn Du; kho muối, hiện là nhà thờ Tiền hiền và đình làng Thanh Chiêm; Gò Sài đã trở thành một gò đất nằm trên trục giao thông đi từ Thanh Chiêm đến Hội An… “Những di tích còn lại cho thấy dinh trấn Thanh Chiêm xưa không chỉ nằm trên địa phận của làng Thanh Chiêm mà còn mở rộng sang các làng lân cận như Phước Kiều, An Quán, Đông Khương, An Nhơn, Văn Đông (Cần Húc), Phú Chiêm (Triêm Trung, Triêm Đông, Triêm Tây, Triêm Nam), Điện Bình, Khúc Lũy và Uất Lũy, tức là toàn bộ xã Điện Phương và một phần của xã Điện Minh ngày nay” - ông Tuyên khẳng định.

Đặc biệt, Thanh Chiêm còn được xác định là điểm phát xuất của chữ quốc ngữ, nơi nhà truyền giáo Francisco de Pina (Bồ Đào Nha) làm việc, nghiên cứu về chữ quốc ngữ trong một thời gian dài và sau đó là Alexandre de Rhodes (Pháp) tiếp tục hoàn thiện chữ quốc ngữ tạo cơ sở quan trọng để phát triển chữ Quốc ngữ (1651) như ngày nay. Ông Đinh Trọng Tuyên cho biết, hiện phía sau nhà thờ Anrê Phú Yên  (Điện Phương) vẫn còn hai ngôi mộ cổ nằm sâu dưới mặt đất gần 2 mét, một trong 2 ngôi mộ đó được cho là của giáo sĩ Francisco de Pina (?). Tuy nhiên, theo ông Hồ Xuân Tịnh – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL để xác định đó có phải là mộ của giáo sĩ Francisco de Pina hay không cần phải có cứ liệu khoa học chứng thực, còn hiện nay mới chỉ xác định vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm với tư cách là một trung tâm văn hóa, chính trị, quân sự của cả xứ Đàng Trong. “Vai trò của dinh trấn trong lịch sử phát triển của Quảng Nam và mở cõi về phương nam trong hơn hai thế kỷ 17 – 18 là không bàn cãi, kể cả trên phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao của xứ Đàng Trong; từ những đóng góp để làm nên diện mạo cảng thị Hội An đến việc ra đời chữ quốc ngữ, nên nó xứng đáng là một di tích quốc gia” - ông Hồ Xuân Tịnh phân tích.

Thực tế, sự tồn tại, thịnh vong của dinh trấn Thanh Chiêm dưới thời chúa Nguyễn đã được nhiều tài liệu xác nhận và chứng minh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, hiện việc lập hồ sơ công nhận dinh trấn Thanh Chiêm là di tích lịch sử đang gặp khó khăn, chủ yếu  là tư liệu khảo cổ học. Đến nay, cũng mới chỉ duy nhất có GS-TS. Kikuchi Seiichi (trường Đại học nữ Chiêu Hòa Nhật Bản) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 3 lần khảo cổ Thanh Chiêm vào các năm 1999, 2000, 2001 bằng phương pháp khai quật và sử dụng ra-đa thám hiểm lòng đất. “Theo yêu cầu của Cục di sản thì vướng mắc chủ yếu của hồ sơ công nhận di tích quốc gia dinh trấn Thanh Chiêm là chứng cứ khảo cổ học để xác nhận dinh trấn đã và đang tồn tại trong lòng đất của Thanh Chiêm hôm nay. Vì vậy, bên cạnh những tài liệu khảo cổ học của gs. Kikuchi cung cấp nếu vẫn chưa đủ chứng minh thì thị xã sẽ đề xuất tỉnh kiến nghị với Bộ VH-TT&DL tổ chức một đợt khảo cổ học để tìm cứ liệu bổ sung nhằm công nhận di tích cấp quốc gia cho dinh trấn Thanh Chiêm” - ông Hà nói.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH