Khuôn hình của lão Thiệp
Nguyễn Thanh Thiệp có tuổi đời và tuổi nghề thuộc hàng nhất nhì trong sân chơi sắc màu ánh sáng – phân ngành nhiếp ảnh thuộc Hội VH-NT tỉnh. Ở tuổi 75, ông vẫn mê cầm máy, nên tôi gọi những ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ ấy là: khuôn hình của lão Thiệp.
Lão Thiệp hiện là chủ hiệu ảnh Nam Phương, thuộc Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn. Ngót 40 năm cầm máy, vừa chụp dịch vụ, ông vừa đi sáng tác ở nhiều nơi. Thỉnh thoảng ông bỏ ra nhiều ngày rong ruổi hang cùng ngõ hẻm, truy tìm khuôn hình ưng ý. Điều mà ai cũng nhận ra ở ông là sự say nghề: hễ có dịp là ông lên đường cùng nhóm “phó nháy”.
Mẻ lưới hoàng hôn. |
Ảnh của Thanh Thiệp, người xem ít thấy sự can thiệp, chỉnh sửa của buồng tối hoặc photoshop. Nhiều khuôn hình có thể rực lên màu sắc (màu nóng xen màu lạnh trong ảnh) hoặc thiếu một ít sáng, thiếu chút không gian; song bù vào đó là ánh sáng của tự nhiên. Vui buồn nghề dịch vụ ảnh, ông kể: Ngày trước (tức giai đoạn chụp film cuộn – 36 kiểu, đen trắng và chưa có máy kỹ thuật số), dùng máy ngắm cạnh, khi chụp đám cưới đã vô ý không mở nắp bảo vệ và sau khi để “lộ sáng”, cả cuộn film đều hỏng! Khi khách hàng “bắt đền”, ông chỉ biết… khóc. Nên bài học của người nhiếp ảnh là phải công phu, chỉnh tề, nhanh chóng tìm khoảnh khắc nhưng phải cẩn trọng. Phải giữ chữ tín với khách hàng.
Ngoài việc mưu sinh, theo ông, chơi ảnh nghệ thuật phải đầu tư và chú tâm, chọn thời gian, góc chụp, độ sáng… thích hợp để bấm máy. Mỗi lần lang thang đi sáng tác, ông thường tự nhắc mình: nghề làm ảnh không nên chạy theo lợi nhuận mà bất chấp điều tiếng. Chụp ảnh dịch vụ dễ rơi vào chuyện… ăn cắp bản quyền, nên người chụp phải luôn tỉnh táo. Và luôn học hỏi, kể cả công nghệ và kỹ thuật để theo kịp giới trẻ. Lấy niềm vui, đam mê làm chính và cạnh tranh lành mạnh để có những tác phẩm nghệ thuật khiến người xem rung động.
Âm vang. |
Ông hóm hỉnh, mình sinh ra ở Quế Xuân 1 (Quế Sơn), về định cư Điện Nam Đông (Điện Bàn) hay chơi và thường chụp ảnh ở phố cổ Hội An; từ nghề giáo chuyển sang nghề nhiếp ảnh, con cháu không ai theo nghề này, song mỗi lần cùng anh em đi sáng tác là mỗi lần vui và như trẻ ra. Anh em đồng môn có chung nhận xét, sự kiên trì mai phục, săn ảnh như lão Thiệp chắc nhiều tay máy trẻ cũng… đuối hơi.
Trong nghiệp và nghề cầm máy của mình, lão Thiệp thật tình: “Tôi chỉ đoạt vài giải nhỏ tại cuộc liên hoan ảnh địa phương mang tính phong trào, phần lớn tác phẩm được cấp bằng chứng nhận và được chọn triển lãm”; trong đó, bức “Ra lò” và “Hạnh phúc” được chọn triển lãm tại Cuộc thi ảnh quốc tế - Brazil. Liên hoan ảnh nghệ thuật quốc tế Gia Định - tại TP.Hồ Chí Minh, bức “Văn hóa Việt” được chọn treo. Tại các cuộc Liên hoan ảnh khu vực miền Trung và Tây nguyên các năm 2010, 2013, lần lượt các bức “Lúa mới”, “Vụ cá nam”, “Vận hành” được chọn triển lãm. Hay như tác phẩm “Mẻ lưới hoàng hôn” được chọn treo tại liên hoan khu vực, lúc mới tái lập tỉnh, bấy giờ Quảng Nam đăng cai. Cuộc thi với nhiều đơn vị phối hợp tổ chức gồm Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm, Tổng cục Du lịch, Cục Di sản văn hóa, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, với chủ đề Các di sản Thế giới của Việt Nam – 2011, bức “Vẻ đẹp di sản” của ông được triển lãm. Cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc về môi trường và cuộc sống người nghèo, bức “Nguy cơ” đặc tả nạn đào đãi vàng ở Quảng Nam, chọn treo. Tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật và thời sự: 40 năm xây dựng và phát triển Điện Bàn (có sự bảo trợ của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh), lão Thiệp có nhiều tác phẩm dự treo; trong đó có các bức “Quê tôi”, “Đường về”, “Sắp xếp”.
BÙI MINH PHỤNG