Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ & Năm tháng tình người

XUÂN LAN 07/02/2016 12:06

Năm 2015, NXB Hội Nhà văn xuất bản hồi ký “Năm tháng tình người” của nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, viết về đất nước sau 1975, được công chúng nồng nhiệt đón nhận.

Sức hút trước hết là từ tác giả - nhân vật lịch sử Lê Công Cơ, bí danh Lê Phương Thảo,  một thủ lĩnh nổi tiếng pha chút huyền thoại trong phong trào sinh viên, học sinh (SVHS), văn nghệ sĩ, trí thức đấu tranh chống Mỹ tại các đô thị miền Nam trước 1975. Năm 2006, thầy Cơ  viết “Năm tháng dâng người”, mở hàng cho tủ sách truyền thống Đáp lời Sông núi (hợp tác giữa  NXB Trẻ và ĐH Duy Tân) cùng những thước phim về phong trào SVHS (đã được Hãng phim Thanh niên bấm máy)... Tiếp đó, sau gần chín năm “thai nghén” , tháng 6.2015, “Năm tháng tình người”  ra đời, tiếp tục khắc ghi phong trào SVHS “Sống đẹp” thời ấy.

Giá trị lớn nhất của hồi ký là góc nhìn chân thực của Lê Công Cơ  về  đất nước từ sau 1975 đến nay.  Ở  tuổi 74, tác giả mạnh bạo vẽ một “bức tranh đời” đậm nét, sống động, dù chỉ thông qua thực tế thu hẹp liên quan đến cá nhân mình, nhất là quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng. Cuốn sách chỉ  360 trang, kết cấu đơn giản như tiểu thuyết chương hồi. Bạn đọc sẽ thấy cuộc đời thầy Cơ có nhiều phen gặp bế tắc và hiểm nguy tưởng chừng chỉ có cái chết mới giải quyết được. Một thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào SVHS như ông, dù được Bí thư Tỉnh ủy  Hồ Nghinh bảo lãnh, vẫn bị đình chỉ công tác để điều tra. Trong 3 năm chịu nạn đó, Lê Công Cơ phải viết tự thuật hơn 800 trang,  trả lời 35 vấn đề, còn vấn đề cuối cùng: Mối quan hệ với Hoàng An, Trưởng mật vụ của chính quyền Sài Gòn tại miền Trung là thế nào? Hoàng An là ai, ông Cơ không hề biết? (tr.99). Khi Nhà nước xét thành tích tham gia kháng chiến của Lê Công Cơ, đã gửi Huân chương  Độc lập hạng Nhì vào Huế để UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trao thì tỉnh không nhận và gửi trả với lý do Lê Công Cơ không còn công tác ở Huế (tr.172). Họa vô đơn chí, ở tuổi 51 làm Giám đốc Công ty Du lịch QN-ĐN đang phất lên thì Lê Công Cơ được thông báo “Thường trực tỉnh ủy không phân công công tác cho đồng chí được nữa”...

Phải chăng, người trí thức hay nói thẳng, nhưng nói thẳng thì lãnh đạo ít tin dùng. Người trí thức không thích địa vị nhưng không có một chút địa vị thì khó mà công bố ý tưởng… là tâm sự của Lê Công Cơ và cũng của nhiều trí thức chân chính. Lê Công Cơ viết và nói thẳng những suy tư của một trí thức trước thời cuộc, nhất là hướng về phía trước cho đất nước phát triển. Ông nhấn mạnh: “Di sản là Ngày mai. Có nghĩa là, ánh sáng của dĩ vãng chỉ có giá trị khi biết soi chiếu vào hiện tại và hướng về Tương lai. Cũng có nghĩa là, mọi nỗ lực hướng về ngày mai chỉ có ý nghĩa khi Biết Lắng nghe, để có thể đón nhận những tiếng nói khác; thậm chí, những “tiếng nói ngược” (tr.315).

Đặc biệt, tuy có duyên nợ với việc dạy học khi 18 tuổi, nhưng nghỉ hưu thầy Cơ mới dồn hết tâm huyết cho ngành giáo dục. Thầy Cơ cho rằng, với một dân tộc, cái gốc là ở giáo dục, và với nền giáo dục tốt thì đất nước đó sẽ phát triển nhanh chóng. Thầy tâm đắc: “Anh hãy kể cho tôi nghe, dân tộc anh đang học gì, tôi sẽ nói đất nước anh đang đi về đâu”. Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam  đang rối như “bòng bong” thì  mô hình  Đại học Duy Tân nổi lên như điểm sáng. Và, thành công ấy gắn liền với trí tuệ, tiền bạc, mồ hôi và nước mắt không chỉ  riêng thầy Cơ mà của cả tập thể 24 thành viên Hội đồng sáng lập  quy tụ từ Bắc chí Nam. May mắn, lúc ấy có tân Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN Mai Thúc Lân hết sức đồng tình. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hồng Quân ủng hộ. Và  tên trường: Đại học Dân lập Duy Tân phải đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt có bút phê mới thành! (tr. 273). Thầy Cơ dành hẳn cả chương IX, với 48 trang  suy nghĩ và chia sẻ các bí quyết thành công của  Đại học Duy Tân - ngôi trường Đại học Tư thục đầu tiên và lớn nhất của miền Trung. Có thể nói, đây chính là lực hút thứ ba của tác phẩm và cũng là đóng góp quan trọng nhất của Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục Việt Nam.

XUÂN LAN

XUÂN LAN