Rủ nhau chơi hội bài chòi
Rủ nhau đi đánh bài chòi
Để cho con khóc đến lòi rún ra
Đã là dân sống ở các làng quê xứ Quảng, ít ai không biết đến trò chơi bài chòi, và cũng chính vì thế, khi xa xứ, mỗi độ tết đến, nhớ về quê nhà không ít người đã nhắc tới trò chơi này với câu ca dao “Xa quê nhớ lắm ai ơi. Nhớ miếng bánh tổ, nhớ trò chơi bài chòi”.
Có người sẽ hỏi, trò chơi này có gì trong đó mà diễn đạt nghe hung rứa hè? Xin thưa, có chứ, với tôi, mà có lẽ với nhiều người ở quê tôi, trò chơi ấy đã in đậm trong ký ức bao nhiêu kỷ niệm, để rồi mỗi dịp tết đến, cồn cào với bao nỗi nhớ quê, lại nhớ tới bài chòi. Đúng nghĩa thì bài chòi chỉ là một trò chơi, nhưng ở quê tôi, một vùng đất ven sông Thu Bồn, người ta quý và thích trò chơi này lắm nên gọi đó là hội. Tôi còn nhớ như in, hồi còn bé, cứ vào sáng mùng Một, đám con trẻ chúng tôi, đứa lớn, đứa nhỏ đều dậy sớm, xúng xính trong những bộ quần áo mới còn thơm mùi vải, chuẩn bị để chúc tết ông bà, cha mẹ trước khi tung tăng ra đường, đổ về phía cái chợ nhỏ nằm giữa thôn - nơi có tiếng trống đang vang lên dồn dập, báo hiệu hội chơi bài chòi sắp bắt đầu.
Hội bài chòi. Ảnh: P.V |
Trên mảnh đất rộng, lúc này mọi người đã tụ lại trông nhộn nhịp lắm. Từ chiều hôm trước, bà con đã dựng sẵn một cái chòi chính cùng những cái chòi con, với tranh tre còn mới. Chung quanh cờ hoa được trang hoàng rất lộng lẫy. Trước cái chòi chính (còn gọi là chòi cái), người ta còn đặt một khúc chuối cây và cắm lên trên ấy những chiếc cờ đỏ và gần đó là cái ống tre đựng sẵn những con cờ. Chòi cái cũng giống các chòi con về kích thước, chỉ khác hơn là ở đây được bố trí một cái trống cán (trống lệnh), còn các chòi con thì mỗi chòi được bố trí một chiếc mõ tre dùng để đánh báo hiệu khi chòi mình tới bài.
Để khai hội, những hồi trống lệnh được đánh vang lên, dồn dập, tiếp đó là lễ cúng các vị thần nhân dịp đầu năm rồi chỉ một thời gian ngắn sau thì trò chơi được bắt đầu với lời hát giới thiệu của anh Hiệu. Mỗi anh Hiệu có kiểu nhập đề khác nhau, nhưng dù xa quê đã 40 năm, có một câu mà tôi còn nhớ mãi, đó là:
Gió xuân phảng phất nhành tre
Xin mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi
Trẻ già cứ ngồi lại hẳn hoi
Tôi sẽ hô rành rọt để các chòi cùng nghe!
Khi các thẻ bài được chia xong cho các chòi, anh Hiệu tiếp tục hô chào:
Kính thưa bà con!
Phát bài đã đủ
Hiệu thủ bài tì
Ai thủ lá gì
Phải nghe cho rõ
Ai có lá đỏ
Gõ mõ ba dùi
Đừng tới đừng lui
Kẻo mà lộn xộn…
Trò chơi bài chòi được điều hành duy nhất chỉ có một người, đó là anh Hiệu. Ở quê tôi ngày ấy, có khá nhiều anh Hiệu hô bài chòi giỏi, giọng rất ngọt. Mỗi người một giọng điệu song tất cả rất lôi cuốn. Thông thường, các anh Hiệu đều ăn nói lưu loát, không chỉ thuộc nhiều lời thơ, nhiều câu ca dao, mà anh còn có khả năng sáng tác rất nhanh những lời hát có duyên, có ý nghĩa, phù hợp với từng con cờ khi rút ra. Tết này đến tết khác, bọn nhỏ chúng tôi dần dà thuộc lòng những câu hát ấy. Đây là lời hát về con Nhì nghèo mà anh Hiệu hát kèm với khuôn mặt nhăn nhó, đói khổ:
Tại anh không chịu làm ăn
Thành thằng rượu chè công việc chẳng lo
Xóm làng ai cũng nhỏ to
Không mau sửa đổi để cho đỡ nghèo
Úy, chôi cha, trời ơi
Mau mau sửa đổi để cho bớt nghèo
Là con Nhì nghèo!
Còn đây là câu hát dành cho con bài Tứ cẳng:
Lấy chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi bé không nằm với tôi
Đến khi mười tám đôi mươi
Tôi nằm dưới đất chồng lôi lên giường
Lên giường chồng nói: anh thương
Một anh thương, hai anh thương, ba anh thương
Anh thương em chi hung dậy
Cho bốn cái cẳng giường nó rung rinh.
Trời ơi! Thương chi đến nỗi bốn cẳng giường rung rinh
Bốn cẳng giường bà con ơi! Là con Tứ cẳng
Mặc dù, lúc thắng, các tay bài được thưởng tiền, nhưng chuyện tiền nong, thắng thua ở trò chơi này ít được chú ý. Mọi người đến với trò chơi bài chòi là để đón nhận cái không khí rộn ràng của ngày xuân. Nếu ai nhận được cờ và thưởng tiền thì coi như mình may mắn, được nhận lộc đầu năm mới. Hội chơi bài chòi ở quê tôi thường kéo dài từ ngày mùng Một đến mùng Ba tết. Có khi đêm đến, người ta còn thắp đèn để chơi đến tận khuya mới nghỉ. Đây cũng là lúc những chàng trai, cô gái làng có dịp gần gũi, chuyện trò, có người, qua đó, tranh thủ nói chuyện yêu đương. Còn bọn con trẻ, thì khỏi phải bàn. Chúng tôi chạy hết chòi này đến chòi kia, nô đùa thỏa thích, đôi khi còn được người chơi cho gõ mõ mỗi khi bài tới…
Trong những cuốn sách mà khi lớn lên chúng tôi được đọc, người ta nói rằng, bài chòi là trò chơi diễn ra ở khắp các tỉnh thuộc khu vực Nam - Trung bộ. Đây là trò chơi có từ thế kỷ 16, do ông Đào Duy Từ sáng lập, khi vị quan này được lệnh vào miền Trung lo việc di dân lập ấp. Trong thời kỳ đầu khai khẩn đất hoang, người ta phải cất những cái chòi cao làm bằng tranh, tre để canh thú rừng, bảo vệ hoa màu. Trên mỗi chòi đều có mõ, thanh la, trống hoặc các thứ để gây tiếng động mỗi khi có thú rừng kéo đến. Từ việc tổ chức các chòi canh để bảo vệ sản xuất, ông Đào Duy Từ mới nghĩ ra một trò chơi trong dịp tết, đó chính là Hội chơi bài chòi. Chẳng rõ sự lý giải trên chính xác bao nhiêu phần trăm, nhưng rõ ràng trò chơi trên đã thành niềm vui không thể thiếu tại làng quê chúng tôi cũng như nhiều vùng đất khác nằm dọc hai bên bờ sông Thu Bồn.
Gia đình chúng tôi rời quê, vào Nha Trang sống đã mấy mươi năm, nhưng những kỷ niệm về ngày tết ở quê luôn đọng mãi trong lòng mỗi người. Tuần trước, khi cả nhà ngồi bàn chuyện tết, mẹ tôi bảo: “Ở quê mình bây giờ chắc bà con cũng chuẩn bị tranh, tre để dựng chòi chơi bài chòi đây!”. Nói rồi bà nghêu ngao đọc: Dù nghèo quần áo tả tơi. Cũng mong đến tết để chơi bài chòi…
HOÀNG NHẬT TUYÊN