Tranh thiếu nữ của Đinh Cường

23/01/2016 08:55

Tôi kém tuổi thầy Đinh Cường đến 17 năm, thầy hay đến nhà bà o tôi chơi với anh Hoàng Phủ Ngọc Tường ở xóm kiệt gần chợ Xếp thành nội Huế. Nhà ba mẹ tôi ở bên cạnh cũng trong khu vườn của bà nội (mẹ anh Tường là chị ruột của ba tôi). Dẫu bé con nhưng có thể tôi đã thích và nhìn quen những nghệ sĩ  trong  ngôi nhà tranh của các anh Tường  - còn được gọi là Tuyệt Tình Cốc mà các thi sĩ nhạc sĩ, họa sĩ… thường đến vui chơi tự trình diễn các sáng tác của mình. Lại quen với người em của thầy là họa sĩ Đinh Tráng nên thỉnh thoảng lén vào xưởng họa của ông.Thầy Đinh Cường hay vẽ thiếu nữ. Điều mà các họa sĩ từ Đông sang Tây, từ xa xưa những tranh cổ của Trung Quốc đến các họa sĩ thời Âu Châu từ những thế kỷ trước và nay vẫn tiếp tục vẽ. Các họa sĩ phái Ấn Tượng vẽ nhiều nhất và chuyên chân dung như họa sĩ Amedeo Modigliani, Ý. Việt Nam cũng có nhiều họa sĩ vẽ thiếu nữ thường áo dài hoặc áo tứ thân, bà ba… trong thời chiến tranh có thêm bộ bảo hộ hay quân phục cả du kích trang phục theo miền. Nhìn chung cách tạo hình cũng khá giống nhau. Nhưng kỳ lạ là trong những năm chiến tranh khốc liệt tranh Đinh Cường luôn luôn và cả hôm nay là hình ảnh thiếu nữ tóc thề, vai gầy, cánh tay dài, ngón để thuôn hoặc cầm nhánh hoa (thường hoa hồng); tư thế đứng, thường nhìn nghiêng (profile) hoặc ngồi theo thế thư giãn không toàn thân, cả bán thân chỉ một ít là vẽ quá cổ một chút. Nhiều bức luôn có phần nền sau là hình ảnh nhà thờ. Có vài bức vẽ những năm 1967 về trước có thêm cái khăn trùm đầu nhưng vẫn rõ chân dung, sau này thì người thiếu nữ có vẻ thị thành với cái khăn quàng cổ duyên dáng. Tôi đã từng giải mã điều này và cố gắng đọc xem  những nhà phê bình nghệ thuật viết về đề tài và cách vẽ của ông. Vẫn có những điều bí ẩn. Nhiều nhà lý luận nghệ thuật đã nhận định rằng: xã hội thế nào thì nghệ thuật thế ấy. Nên, khi những người bạn ở Huế gần nghề ông như họa sĩ Bửu Chỉ, từng đấu tranh bằng cách vẽ tranh đả kích chống Mỹ, thầy giáo dạy Triết, ông Tường bỏ phố rời mái ấm cha mẹ lên rừng kháng chiến còn nhạc sĩ Trịnh thì soạn những ca khúc phản chiến… Thầy Cường thì lặng lẽ vào với  thế giới những thiếu nữ mảnh mai trong  nền màu sương khói, một chút lạnh se với cái khăn quàng cổ lật trong gió. Thầy trốn chạy ư? Vẫn thấy thấp thoáng vài con chim hoặc bồ câu với ước nguyện hòa bình hay màu tối trầm như bài thánh ca nguyện cầu bình yên cho mọi người trong tranh ông. Tôi không rõ! Nhưng có vẻ cho tôi tin rằng cái nhà thờ được vẽ làm nền có lẽ là cái nhà con gà - nhà thờ  lớn ở Đà Lạt, mà thầy và những người bạn đã từng rong chơi ở đó đã ám ảnh thầy như một cuộc  tình với một người nữ nào đó ở xứ cao nguyên mà mọi ngày đều lạnh nên luôn choàng khăn. Vâng, chỉ là sự ước đoán trừ phi được chính họa sĩ giãi bày. Và cũng vì thao thức với  thiếu nữ trong tranh của ông mà tôi - hồi học trung học đã xao xuyến với người nữ sinh đi ngược chiều với cái khăn quàng nâu trong trường nữ thành nội, kiểu em tan trường về… ngày xưa Hoàng thị. Nếu vẽ là nhớ lại hay rõ thêm là yêu lại thì chính những bức tranh họa sĩ Đinh Cường vẽ thiếu nữ là những hoài niệm, những khung trời yêu êm, ả trầm  với màu nâu, thỉnh thoảng với màu xanh coban.Những bức tranh về phái đẹp của Đinh Cường.Có người nói về sự ảnh hưởng của ông với họa sĩ Âu Châu như  Modigliani (Ý), một chút màu xanh của Marc Chagal (Nga), hay Paul Gaugin (Pháp) nhưng tôi chỉ lại thấy thoáng qua trong tranh ông một chút của họa sĩ Matisse (Belarus) như bức Người ngồi cũ kỹ - là màu xanh coban lóe lên của họa sĩ Paul Gaugin. Đâu đó có sự gặp gỡ nhau. Có ảnh hưởng là chỉ vài bức mà thôi. Đinh Cường - một họa sĩ có nhiều tác phẩm vẽ về đề tài thiếu nữ mà nhiều họa sĩ từ thế hệ 5X của tôi về sau này và cả hôm nay vẫn bắt chước vẽ: với cái khăn quàng cổ, vai gầy, tay dài buông xuôi, ngón thuôn... Thầy Đinh Cường cũng là thi sĩ, một nhà văn với những truyện ngắn, thêm một chút nhà biên kịch mà tôi từng có dự định viết cùng ông khi còn ở trường Mỹ thuật và cả  những số lượng lớn ấn phẩm đồ họa Mỹ thuật là bìa sách được họa sĩ Đinh Cường trình bày cho nhiều nhà thơ, nhà văn và cả sách khoa học, khảo cứu....Thầy vừa ra đi. Tôi viết những dòng này như dâng một nén hương và cầu nguyện linh hồn nhân từ của thầy phiêu diêu trong miền nghệ thuật kỳ ảo. Nếu có cuộc xếp loại về tranh vẽ thiếu nữ của nền hội họa thế giới  thì tôi nghĩ rằng cần phải  đưa vào bộ sưu tập vẽ  về phái đẹp của họa sĩ Đinh Cường.NGUYỄN THƯỢNG HỶ