Bảo vật xứ Quảng

LÊ QUÂN 17/01/2016 08:19

Chỉ trong năm 2015, Quảng Nam có 2 cổ vật thuộc nền văn minh Chămpa được công nhận là bảo vật quốc gia, bao gồm Ekamukhalinga được phát hiện ở Mỹ Sơn và đầu tượng thần Shiva, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam.

Một nhóm tháp ở Mỹ Sơn đã được trùng tu. Ảnh: Hứa Thạnh.
Một nhóm tháp ở Mỹ Sơn đã được trùng tu. Ảnh: Hứa Thạnh.

Tiếp nối câu chuyện về hành trình tìm kiếm cổ vật, duyên cớ để 2 bảo vật quốc gia được công nhận lần này ra mắt người xứ Quảng có khá nhiều chi tiết thú vị.

Tình cờ phát hiện… Ekamukhalinga

Tốp người làm công việc bảo tồn tại Mỹ Sơn vẫn chưa thể quên một ngày mưa năm 2012, tại đền tháp này, họ đã chạm vào một trong những kiệt tác của nền điêu khắc Chămpa – Ekamukhalinga bằng đá đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam. Ông Nguyễn Công Khiết, Phó ban Quản lý Di tích Mỹ Sơn cho biết yêu cầu mở lối mòn chạy quanh bên ngoài nhóm tháp E để tiện cho công việc bảo quản, trùng tu là căn duyên đầu tiên để bảo vật lộ diện. “Sau những ngày mưa lớn, lớp đất mới bị trôi đi, thì phát lộ một vật thể lạ ngay trên mặt đất. Vị trí phát hiện nằm ngay trên khu E, về hướng đông bắc, cách tòa tháp E8 và E9 hơn 10m. Tổ chức khai quật thì chúng tôi xác định được đây là một Ekamukhalinga  được tạc từ khối đá sa thạch màu vàng nâu, hạt liên kết to, đá có đường vân khá lạ và đẹp” - ông Khiết kể. Gọi là tình cờ nhưng công việc tìm kiếm Ekamukhalinga đã manh nha từ hơn 10 năm trước, bởi chính các chuyên gia Ý khi tổ chức trùng tu nhóm tháp E cũng đã đặt ra nghi vấn rằng khu vực này còn chứa nhiều hiện vật có giá trị. Cùng với đó, nhiều người liên tưởng đến câu chuyện mang hơi hướng huyền nhiệm, ngay sau khoảng thời gian không xa khi đặt tượng thần Shiva lên cao hơn mặt đất tại khu hành lễ ở đài E – tránh sự tác động của du khách, thì Ekamukhalinga  lại lộ diện, như một kỳ duyên. Ekamukhalinga làm từ đá sa thạch vàng nâu, với chất liệu đá giống với những khối đá đài thờ, mi cửa, chân trụ tháp E1 thế kỷ VIII. Tuy nhiên, Ekamukhalinga vẫn là hiện vật độc bản, bởi trong số hơn 1.000 hiện vật tại Mỹ Sơn, đây là cái duy nhất. Ông Hồ Xuân Tịnh – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, người nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Chăm, nhận định: “Đây là Ekamukhalinga cực kỳ quý hiếm, có niên đại khoảng thế kỷ thứ VIII” và cũng cho biết thêm, dưới lòng thánh địa Mỹ Sơn vẫn còn rất nhiều bí ẩn, ngoài khoa học và khảo cổ, còn cần phải có cơ duyên mới khám phá hết được. Chính H.Parmentier, nhà khảo cổ học người Pháp đã từng ước định: “Nếu kể cả những ngôi đền đã từng hiện hữu ở Mỹ Sơn thì số kiến trúc có thể vượt xa 70 công trình kiến trúc so với kiểm kê ban đầu”.

Ekamukhalinga tại Mỹ Sơn. Ảnh: LÊ QUÂN
Ekamukhalinga tại Mỹ Sơn. Ảnh: LÊ QUÂN

Lại nói về Ekamukhalinga, thông tin do Ban Quản lý Di tích Mỹ Sơn đưa ra, cho rằng các nhà nghiên cứu kết luận nhiều khả năng đây chính là linga trên đài thờ Mỹ Sơn E1 từng được nhắc đến trong các văn bia Chăm. Ekamukhalinga này có ba phần gần bằng nhau gồm hình tròn, hình bát giác và hình vuông. Phần hình tròn có chạm nổi một đầu tượng (cao 21,5cm, rộng 13,5cm, dày 12cm), phần cổ của đầu tượng gắn liền với linga. Linga thể hiện một đầu thần Shiva - là Đấng Hủy diệt và Tái tạo Vũ trụ trong Ấn Độ giáo của vương quốc cổ Champa. PGS-TS. Ngô Văn Doanh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, đánh giá Ekamukhalinga tại Mỹ Sơn với cấu trúc và tạo dáng như một linga và với sự xuất hiện đầu tượng thần Shiva, thì “đây là một Ekamukhalinga điển hình được thể hiện với đầy đủ chuẩn mực về hình dáng và ý nghĩa biểu tượng của một Ekamukhalinga. Đây chính là phẩm chất tạo hình của phong cách điêu khắc Mỹ Sơn E1” - ông Doanh cho biết.

“Cứu”… bảo vật Shiva

Hơn 18 năm sau ngày được phát hiện, đầu tượng thần Shiva bằng vàng mới được công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện tại ở Bảo tàng tỉnh đang trưng bày một phiên bản của bảo vật này. Đây cũng là một bảo vật mà hành trình trở về với địa phương có khá nhiều tình tiết thú vị. Ông Hồ Xuân Tịnh cho biết, đầu tượng thần Shiva được tìm thấy ở Phú Long (Đại Thắng, Đại Lộc) năm 1997, là đầu tượng Shiva của một Ekamukhalinga, niên đại vào thế kỷ thứ X. “Đây là một bản gò bằng vàng, nặng 0.58kg, cao 22cm, nên gọi là duy nhất cũng đúng. Hiện vật này về đường nét có nhiều điểm tương đồng với pho tượng Shiva trong tháp C1 của Mỹ Sơn, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng” - ông Tịnh nói.

Đầu tượng thần Shiva (phiên bản) trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Đầu tượng thần Shiva (phiên bản) trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Tuy nhiên, ngay tại địa danh Phú Long, ngoài đầu tượng bằng vàng, giới khảo cổ học cũng như nghiên cứu không thể tìm thấy thêm bất cứ di chỉ hay hiện vật Chămpa nào. Đầu tượng Shiva là một bộ phận bị tách rời từ những linga-kosa của Chămpa. Giới nghiên cứu cho rằng một ngẫu tượng linga (hiện thân của thần Shiva) sẽ được bao bọc phần trên cùng bằng kim loại, gọi là kosa. Vào những dịp lễ trọng, người Chăm sẽ mở kosa để tiến hành nghi lễ tẩy rửa linga. Theo Bảo tàng lịch sử Việt Nam, hiện tại đã có trên 20 đầu tượng thần Shiva bằng kim loại được biết đến, trong số đó có khoảng 8 đầu tượng bằng vàng hoặc hỗn hợp vàng – bạc và khoảng 12 cá thể bằng bạc. Tuy nhiên, đa số chúng đã bị bán ra nước ngoài và trở thành tài sản của tư nhân hoặc vài bảo tàng trên thế giới. Thông tin do ông Hồ Xuân Tịnh đưa ra thêm, ở Việt Nam hiện nay, ngoài bảo tàng Quảng Nam thì tại Bảo tàng Lịch sử hiện tại vẫn còn một đầu tượng thần Shiva bằng vàng khác.

Đầu tượng thần Shiva Phú Long được tìm thấy và trải qua một quá trình lưu lạc khá ly kỳ, từ lúc được đào lên, trải qua nhiều tay buôn cổ vật, sự vào cuộc của công an tỉnh, thì bảo vật này mới trở về với địa phương Quảng Nam. Câu chuyện đào vườn được tượng vàng vô giá của cha con anh Nguyễn Văn Nông là đề tài bàn tán suốt nhiều năm của người dân Đại Thắng, Đại Lộc. Cái giá phải trả khá cao khi những người liên lụy trong phiên mua bán này hơn 18 năm về trước, có người phải vào tù vài tháng đến vài năm. Và may thay, cổ vật này vẫn còn duyên để ở lại trong nước (công an tỉnh Quảng Nam khi ấy di lý hiện vật từ TP.Hồ Chí Minh trao về cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam). Từ khi được tìm vào tháng 7.1997, đến năm 2015, sau khi Bảo tàng tỉnh hoàn tất, có đủ không gian để trưng bày thì hiện vật này mới được ngành văn hóa tỉnh làm hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia, để tiện việc quảng bá với khách tham quan.

Hiện tại, hai bảo vật quốc gia này đều đã được làm thêm một phiên bản để người dân xứ Quảng được mục sở thị.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN