Di sản của đồng bào Cơ Tu
Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản cấp quốc gia, nghệ thuật nói lý, hát lý trở thành niềm tự hào của đồng bào Cơ Tu. Cùng với điệu tâng tung da dá, nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật này đã tạo bản sắc cho văn hóa truyền thống, vốn là những giá trị độc đáo đang cần được bảo tồn.
Vang câu lý làng Voòng
Làng Voòng (xã Tr’hy, huyện Tây Giang) như một đóa pơ-lang bung nở, đẹp ngỡ ngàng giữa trập trùng xanh của núi. Giữa vẻ đẹp còn rất ban sơ ấy, câu lý vẫn ngân nga, góp thêm hương sắc cho vùng biên ngày mới…
Dưới thung lũng Đh’hy
Chúng tôi đã có một hành trình dài qua các bản làng của người Cơ Tu ở Nam Giang, Đông Giang, rồi ngược Tây Giang tìm về những “cái nôi” của câu nói lý, hát lý. Làng Voòng là cái tên được ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cũng là một nhà nghiên cứu về văn hóa Cơ Tu - nhắc đến như chỉ dẫn địa lý cuối cùng trong hành trình ấy. Vậy là ngược núi, về với Tr’hy, vùng biên khu 7 mù sương. Chúng tôi hỏi già làng. Đấy là lệ, không chỉ của người Cơ Tu, nhưng không gặp. Dân làng chỉ cho chúng tôi một người khác: Clâu Blao.
Một góc làng Voòng. |
Dưới thung lũng Đh’hy, những nóc nhà nhỏ của cư dân làng Voòng thấp thoáng trong màn sương. Nhà già Clâu Blao nằm chênh vênh trên đỉnh đồi, nhìn xuống mái gươl lớn của làng dưới thung lũng. Tiếng đục đẽo vang vang một góc làng. Già làm tượng. Một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ, như giải thích của già, đặc tả người đàn ông ngồi hát lý trong lễ cưới. Lũ trẻ con như bị hút hồn theo từng nhát đục của già, cùng những câu chuyện gắn với làng, với nghệ thuật nói lý, hát lý mà làng Voòng là một trong những địa danh nức tiếng ở vùng cao này.
Ở tuổi ngoại lục tuần, già Blao là một trong những người “giữ chuyện” của làng Voòng, cùng hai vị cao niên khác là già làng Clâu Blưa, và ông Coor Tám. Ông dừng tay đục, trải tấm chiếu giữa nhà đón khách, cùng với rượu r’đin, thứ rượu đặc sản của vùng cao khu 7. Lũ trẻ, theo lời già, đi gọi những người khác trong làng. Họ đến, già có, trẻ có, thêm một, rồi hai tấm chiếu nữa được trải xuống sàn nhà. Chúng tôi đề nghị được nghe già nói lý. Ông chợt đứng dậy, giở ché, và trong sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông đóng tấm tút dài thay cho chiếc áo cũ đang mặc. “Như thế này mới đúng”, ông nói, rồi ngồi vào mâm rượu, bắt đầu nói lý. Giọng của già Blao bỗng rầm rì, ánh nhìn thấp xuống, không còn sang sảng như trước. Rất lạ, nói lý mở đầu bằng cách hạ mình, khiêm nhường trước người khác, không chỉ trong từng lời nói, mà còn trong cả thái độ. Như cái cách già Blao nhìn xuống mâm rượu, rầm rì, rầm rì. Dân làng im lặng dõi theo, như nuốt từng lời của già Blao. Chợt ông cất cao giọng. “Ô... ô... ô... Azô achoọng...”. Đó là đoạn mở đầu của lời hát, một dấu hiệu để tất cả người Cơ Tu từ già đến trẻ đều nhận biết rằng đang trong cuộc hát lý. Giọng già Blao rung lên, những thanh âm kéo dài như gió, như suối tuôn, nhẹ nhàng mà bền bỉ, vang vọng mà dẻo dai. Chúng tôi như bị cuốn theo ngữ điệu ấy, cuốn theo những câu hát của vị già làng, mê đắm như đang nếm vị rượu tr’đin ngọt dịu trong tiết trời se lạnh…
Già Clâu Blao, một trong những người giỏi nói lý - hát lý ở làng Voòng (xã Tr’hy, Tây Giang). |
Như tiếng chiêng ngân
Không ai biết tục nói lý, hát lý có từ bao giờ. Người Cơ Tu, già trẻ trai gái, khi “nhìn thấy mặt trời” đã được nghe nói lý, hát lý. Trong mọi dịp, từ sinh hoạt đời thường đến hội họp, chỉ cần có 2 người là đã có thể nói lý. Những sự kiện trọng đại như đám cưới, lễ kết nghĩa, giải quyết công việc nội bộ… nói lý, hát lý là nghi thức không thể thiếu. Già Blao nói với chúng tôi rằng, nói lý, hát lý có một thứ quyền năng không thể nào lý giải. Mừng chuyện vui, xóa hiềm khích, an ủi khi có chuyện không may, hay khuyên nhủ ai đó sửa chữa sai lầm. Từ xưa đến nay, vẫn vậy. Những người giỏi nói lý, hát lý càng được dân làng nể trọng, nhất là những già làng. Ở làng Voòng, người giỏi nói lý, hát lý nhất chính là già làng Clâu Blưa, anh ruột của già Blao. Ông Blưa là người đại diện cho làng “vào cuộc so tài” nói lý, hát lý trong hầu hết sự kiện. Người nối tiếp sẽ là ông Blao, hoặc Coor Tám. “Hễ có khách là người Cơ Tu, chủ nhà sẽ khơi cuộc nói lý. Tùy vào mức độ quan trọng của sự kiện, ít người hay đông người mà có thêm hát lý. Vì thế nên hầu như tuần nào, tháng nào ở làng cũng có người nói lý, hát lý, như hôm nay” - già Blao diễn giải cho chúng tôi. Nghĩa là chỉ cần khách là người Cơ Tu, hiểu tiếng Cơ Tu, câu lý sẽ ngân lên, như một lời chào đón về với bản làng.
Hóa ra, câu lý hiện diện gần như trong mọi hoạt động, từ đời thường đến cả những sự kiện trọng đại của làng. Trong trí nhớ của dân làng, giữa bộn bề khó khăn những ngày đầu giải phóng, nhờ cuộc nói lý, hát lý của các già làng đã giúp cư dân hai làng Voòng và Dầm (xã Tr’hy) kết nghĩa anh em. Xóa đi khoảng cách, địa vị, giàu nghèo, người dân hai làng cùng ăn trâu, uống rượu, cùng làm chung rẫy, chung máng nước. Những mâu thuẫn đời thường nảy sinh cũng được hòa giải bằng câu hát lý. “Bơr bẹ dợ đơc ma’đhị, oó đoong t’gúh, pa’chăh” (hai cái ché đặt gần nhau, đừng để đụng nhau mà bể). Đó là lời ví trong câu nói lý để khuyên nhủ con cháu bỏ qua bất hòa, thắt chặt tình anh em. Nhẹ nhàng mà sâu sắc, đơn giản mà thâm thúy, nghệ thuật nói lý, hát lý thuyết phục người nghe bằng sức mạnh vô hình của ngôn từ, bằng tình cảm trong từng câu nói, câu hát. “Muối có thể lạt, cơm có thể thiếu nhưng tục thì chưa mất được” - già Blao nói chắc nịch.
Những nóc nhà quây quần ôm lấy mái gươl làng Voòng, như một vòng tròn bảo bọc trước những xô lệch của giao thoa văn hóa. Thế hệ người làng Voòng hôm nay cũng đang tiếp nối vòng tròn ấy, khi những cuộc nói lý, hát lý bắt đầu có sự hiện diện nhiều hơn của người trẻ tuổi. Bh’ling Mút, Bh’ling Mười… là những người kế cận đầy tiềm năng của làng Voòng trong những cuộc so tài ấy. Chính họ, bằng học hỏi, sáng tạo, sẽ còn mang câu hát lý đi xa, như tiếng chiêng ta - sáu ngân vang khắp các bản làng Cơ Tu miền tây xứ Quảng…
Mình về, ta hát nhau nghe
Nói lý, hát lý không xa lạ với đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang. Nghệ thuật này khá phổ biến trong rất nhiều hoạt động sinh hoạt đời thường lẫn sự kiện trọng đại của cộng đồng làng.
Nghệ thuật từ những cuộc so tài
Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, nghệ thuật nói lý, hát lý (P’rá pr’ma, têng bh’noóch, tr’a) là một trong những hình thức tự sự dân gian đặc sắc và độc đáo của người Cơ Tu. Loại hình này gắn liền với lời ăn tiếng nói của đồng bào, thể hiện lối giao tiếp, ứng xử, biểu lộ tâm tư, tình cảm của cá nhân và cộng đồng. Xuất hiện thông qua các cuộc so tài đối đáp theo hình thức ứng khẩu, người nói lý, hát lý phải diễn đạt, truyền tải sao thấu tình đạt lý, thông qua nhiều hình ảnh dùng để so sánh, ẩn dụ. Câu lý vì vậy thường phức tạp sâu lắng về ý tứ, cô đọng về tính chất, thâm thúy về nội dung, đòi hỏi người cùng nói hoặc hát phải suy nghĩ cân nhắc, và chắt lọc nhằm am hiểu đích thực nội dung của bên kia đưa ra để có cách đối đáp phù hợp.
Các già làng Cơ Tu ở Tây Giang “so tài” nói lý, hát lý tại lễ hội ăn mừng lúa mới, được tổ chức năm 2014. |
Trong cuốn sách “Văn hóa người Cơ Tu” (NXB Đà Nẵng) của tác giả Bh’riu Liếc - Bí thư huyện ủy Tây Giang - nói lý, hát lý của người Cơ Tu không phải dùng triết lý để mổ xẻ, phân tích một sự việc, hiện tượng mà dùng hình tượng ẩn dụ, theo kiểu ví cái này để hiểu nghĩa cái kia. Không có bài mẫu chung, nói lý, hát lý hoàn toàn phụ thuộc vào tài ứng khẩu tùy theo trình độ, khả năng, kinh nghiệm sống của từng cá nhân. Song, cái chung của nói lý, hát lý là phải có ít nhất hai đối tượng: chủ - khách, để đối đáp như một cuộc “so tài” thực sự. Những câu lý mang nhiều lớp nghĩa, ý càng sâu, kín đáo, đối thủ không hiểu (không còn “đấu” lại được) thì càng chứng tỏ tài của người hát. “Do tính phổ biến của nói lý, hát lý trong đời sống, sinh hoạt của người Cơ Tu nên ở nhiều vùng, tập tục này vẫn còn được lưu giữ và phát triển. Nhất là trong lễ cưới hỏi, hoặc dịp kết nghĩa, giải quyết các mâu thuẫn nội bộ, không thể thiếu nói lý, hát lý” - ông Bh’riu Liếc cho biết thêm.
Khi hát lý, người hát lắng nghe đối tác của mình muốn nói điều gì thông qua những câu hát, đồng thời nhanh nhạy dùng những hình ảnh hát đối lại sao cho người nghe hiểu được ý mình muốn nói trong đó. Do vậy, họ không chỉ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm sống và kinh nghiệm của cha ông đi trước, mà còn phải có tư duy tốt, am hiểu phong tục tập quán, ứng khẩu nhanh áp dụng vào nói lý, hát lý. Đây sẽ là những người được tin cậy đại diện cho dân làng trong các hoạt động quan trọng như tiếp đón khách, đối đáp giải quyết các sự việc nảy sinh với làng khác, hoặc trong lễ hỏi, cưới.
Di sản độc đáo
Chủ: Không đủ kịch độc để đi bắn hạ con chim, con thú/ Con trăn, con rắn hổ mang thì không bắt nổi, đành phải để cho nó về rừng. |
Bí thư Huyện ủy Tây Giang - ông Bh’riu Liếc cho hay, cái độc đáo của nói lý, hát lý là ở chỗ kích thích được người nghe để đối phương hiểu sâu việc được truyền tải một cách cặn kẽ, chí tình và đạt được sự đồng cảm cao giữa hai bên. Những việc này, thường khó diễn đạt hết bằng lời nói thông thường, mà phải dùng lý một cách tế nhị, tránh tổn hại hoặc đụng chạm đến đối phương. Khi bắt đầu diễn ra cuộc nói lý, hát lý, chủ nhà thường bày tiệc, sau đó khởi xướng đầu tiên (người Cơ Tu gọi là h’la), bằng cách nói khiêm tốn, hạ mình trước khách. Đáp lại, khách nói khéo léo để nâng cao giá trị vật chất, tinh thần của chủ. Những ý này hoàn toàn được biểu đạt bằng hình ảnh so sánh, ẩn dụ rất độc đáo.
Khách: Thật tội nghiệp. Con thằn lằn thì nhỏ bé, được mang về gươl, nhưng lại không đủ thịt để chia cho dân làng. |
Già Clâu Blao (thôn Voòng, xã Tr’hy, Tây Giang) chia sẻ một đoạn h’la: “Cắh zập ch’pơơr đoong nghi’panh chêệt achiim, ađhăh/ Ca’xanh ch’gruôn, ađhur ơy căh ra nghi’coop, hấ vaih nghi piloóh đoong u chô ooy ca’coong” (Không đủ kịch độc để đi bắn hạ con chim, con thú/ Con trăn, con rắn hổ mang thì không bắt nổi, đành phải để cho nó về rừng). Ý của chủ nhà là không đủ điều kiện để tiếp đón khách đàng hoàng, trang trọng. Đáp lại, khách nói: Azô cơy. Coon agung đu ca´tứi, hấ nghi đơơng chô ooy gươl, căh zâập đhanắh đoong nghi cheer; ý ví mình là con thằn lằn (a’gung) được dân làng đem về gươl, nhưng không đủ thịt để chia, không có tác dụng gì, nghĩa là tự ví mình nhỏ bé, không xứng đáng với sự tiếp đãi trọng thị của chủ. Tương tự như vậy, tùy trình độ, vốn sống, trí tuệ của người đối đáp mà những hình ảnh, câu ví sẽ được sử dụng sao cho phù hợp, tương xứng với hoàn cảnh.
Không có một khuôn mẫu, hình ảnh chuẩn nào cho câu nói lý, hát lý của người Cơ Tu. Những “tác phẩm” vì thế đến và đi chỉ trong khoảnh khắc, trong ý nghĩ, rồi trôi qua. Vì thế, nói lý, hát lý là sự sáng tạo không có giới hạn, rất sâu sắc nhưng cũng rất đời thường, rất nhiều tầng nghĩa, lớp nghĩa nhưng cũng rất dễ đồng cảm, thuyết phục. Ở đó, phần nào đó toát lên tính cách của người miền núi: trọng nghĩa trọng tình. Ngay cả ở hiện tại, nhiều công việc không thể giải quyết được bằng luật, tục, nhưng lại êm xuôi nhờ nói lý, hát lý. “Nhờ vai trò, lợi ích rất lớn trong đời sống, sinh hoạt nên nói lý, hát lý vẫn giữ được giá trị, vị trí đối với đồng bào Cơ Tu. Đây là một nét nghệ thuật văn hóa truyền thống độc đáo, cần phát huy và giữ gìn, nhất là đối với thế hệ trẻ” - ông Liếc nói.
Chung tay giữ lý cho làng
Mang giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo, tuy nhiên, việc bảo tồn hát lý, nói lý đang là thách thức cho cả ngành văn hóa lẫn chính quyền các địa phương, bởi tính đặc thù của di sản này.
Không phải chỉ đến khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chính quyền các địa phương mới tìm cách duy trì, gìn giữ nghệ thuật độc đáo này. Ở Đông Giang, nhiều năm qua đã hình thành các câu lạc bộ (CLB) nói lý, hát lý, quy tụ nhiều già làng, những người cao tuổi có khả năng nói lý, hát lý. Tại xã Arooih, cách làm này đang là một trong những phương thức bảo tồn khá hiệu quả, khuyến khích và tạo được sự thu hút đối với thế hệ trẻ. Ông Hôih G’ong - Chủ nhiệm CLB nói lý, hát lý xã Arooih chia sẻ: “Lâu nay, chỉ có người già, người lớn tuổi mới quan tâm, tìm hiểu và biết nói lý, hát lý. Lớp trẻ bây giờ phải học dần dần, để sau này còn có người tiếp nối truyền thống của dân tộc mình. Do vậy, CLB sẽ là nơi vừa tổng hợp, sưu tầm những câu lý hay, độc đáo, vừa chỉ dạy cách nói lý, hát lý cơ bản nhất để từ đó thành viên có thể ứng dụng, sáng tạo và duy trì nghệ thuật này”.
Chủ trương thành lập CLB nói lý, hát lý đã nhận được sự ủng hộ của không chỉ chính quyền địa phương mà còn với nhiều người ở nhiều lứa tuổi. Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay, CLB nói lý, hát lý xã Arooih đã phát triển lên hơn 30 thành viên, trong đó các cụ cao niên là đội ngũ cốt cán truyền dạy, hướng dẫn. Theo ông Hôih Bảy - Chủ tịch UBND xã Arooih, với đa số dân cư là người Cơ Tu, việc bảo tồn nghệ thuật nói lý, hát lý thông qua CLB này trở thành hướng đi mới nhằm cụ thể hóa chủ trương giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhất là đối với di sản nói lý, hát lý vừa được công nhận. “Sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển quy mô của CLB thành nhiều tổ, nhóm ở các thôn, bản. Những tổ, nhóm này sẽ phụ trách vừa sưu tầm và gìn giữ, vừa đào tạo, truyền đạt cho thành viên khác, nhất là đối với lớp trẻ” - ông Bảy nói.
Xây dựng đề án bảo tồn Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, do tính chất đặc thù của di sản nói lý, hát lý nên việc bảo tồn sẽ gặp nhiều khó khăn. Hướng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản này, Sở VH-TT&DL đang xây dựng đề án cụ thể, trong đó đề cập việc tìm các giải pháp phù hợp. “Về phía cơ quan chuyên môn, chúng tôi sẽ nỗ lực tìm hướng giữ gìn, phát huy giá trị của di sản. Tuy nhiên, công tác bảo tồn vẫn phụ thuộc rất lớn vào cộng đồng người Cơ Tu - chủ thể của di sản này. Do đó, thời gian tới, sở sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng cao về giá trị của di sản này” - ông Tịnh cho biết thêm. |
Ngày nay, nói lý, hát lý vẫn giữa vai trò nhất định trong cộng đồng làng người Cơ Tu. Ở nhiều bản làng, nghệ thuật này được sử dụng tại các sự kiện quan trọng như: lễ cưới hỏi, lễ kết nghĩa, mừng lúa mới,... Trong dịp này, sự tiếp nối diễn ra một cách tự nhiên giữa các thế hệ, theo hình thức tự tiếp thu, học hỏi từ lớp người đi trước. Già làng Bh’ling Hạnh (thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang) cho hay, có khá nhiều người ở lứa tuổi trung niên biết nói lý, hát lý nhờ tham gia các buổi so tài giữa các cụ cao niên trong làng. Sự kiện có quy mô nhỏ, ở cấp gia đình sẽ là cơ hội để nhiều người tập nói lý, hát lý. Trên cơ sở đó, trình độ nói, hát sẽ dần được trau dồi, tiếp nối. Đây cũng là một trong những tín hiệu đáng mừng cho công tác gìn giữ, bảo tồn loại hình di sản độc đáo này. Tuy nhiên, theo già làng Y Kông - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, ở một số vùng thấp tại địa phương, công tác bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn. “Địa bàn xã Ba, xã Tư vẫn còn khá nhiều làng của người Cơ Tu. Tuy nhiên, nhiều năm nay, thế hệ trẻ không còn quan tâm đến truyền thống của đồng bào mình. Không chỉ là nói lý, hát lý, mà cồng chiêng, trang phục truyền thống và nhiều nét văn hóa khác đang đứng trước nguy cơ bị mai một” - già Y Kông trăn trở. Đây cũng là áp lực rất lớn cho chính quyền các địa phương miền núi, nhất là đối với việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể.
Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng cần có công trình nghiên cứu chuyên sâu về hát lý, nói lý của người Cơ Tu, đồng thời khuyến khích duy trì, phát triển hoạt động này trong đời sống sinh hoạt của người dân vùng cao. “Ngoài ra, ngành văn hóa cũng cần tổ chức các cuộc thi biểu diễn hát dân ca trong đó có nói lý, hát lý để tìm ra những nghệ nhân, già làng giỏi về loại hình này. Song song với đó, cần ghi âm, biên soạn lại các lời nói lý, hát lý để lưu giữ, phát sóng để phổ biến cho đồng bào về nội dung, ý nghĩa, cái hay cái đẹp của điệu lý Cơ Tu” - ông Liếc nhấn mạnh.
THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC