Bảo tồn và phát triển di tích Chăm: Quá nhiều cái khó!

QUỐC TUẤN 18/12/2015 08:21

Trong khi quần thể di tích Mỹ Sơn được đầu tư hàng chục tỷ đồng để trùng tu và phát triển du lịch thì trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều di tích Chăm trầm lắng với bao nỗi niềm.

Gian nan trùng tu

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Quảng Nam có 24 hạng mục thuộc 16 di tích cấp quốc gia được trùng tu với số tiền hơn 50 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn. UBND tỉnh cũng hỗ trợ thêm 36,5 tỷ đồng để tu bổ các di tích nhưng các nhóm tháp Chăm nằm rác rải trên địa bàn tỉnh không nằm trong danh mục này và hầu như không được sự hỗ trợ đáng kể nào. Hầu hết ngọn tháp thuộc ba di tích Bằng An (phường Điện An, thị xã Điện Bàn), Chiên Đàn (xã Tam An, huyện Phú Ninh) và Khương Mỹ (xã Tam Xuân, huyện Núi Thành) đều bị mất chóp, cỏ mọc um tùm trên phần đỉnh tháp; còn Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) chỉ còn là phế tích với một mảng tường xiêu vẹo phải chằng chống chằng chịt bằng các thanh sắt, thép. Nghiêm trọng hơn, nhóm tháp Khương Mỹ còn bị tình trạng mủn gạch làm hư hỏng nhiều khu vực tường tháp, đe dọa đến hiện trạng của di tích.

Nhóm tháp Khương Mỹ có cấu tạo rất đặc biệt khiến nhiều đơn vị tu bổ khó phục dựng. Ảnh: QUỐC TUẤN
Nhóm tháp Khương Mỹ có cấu tạo rất đặc biệt khiến nhiều đơn vị tu bổ khó phục dựng. Ảnh: QUỐC TUẤN

Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam bộc bạch: “Ở lĩnh vực trùng tu di tích, mọi chuyện không đơn giản như mọi người nghĩ. Không tiền thì chắc chắn không làm được gì nhưng có tiền mà không có giải pháp kỹ thuật để trùng tu một cách chân xác cũng đành chịu, thậm chí có khi được chi nhiều tiền quá để trùng tu cũng không tốt”. Ông Cẩm cũng cho biết thêm, tuy người Chăm vẫn còn sinh sống rất nhiều ở khu vực Nam Trung Bộ nhưng khi ông vào tìm hiểu, tham quan nhà cửa của họ thì nhận ra họ rất mù mờ về kiến trúc xây dựng của tổ tiên, nên hầu như chẳng thể khai thác, học hỏi được gì. Điều đó thúc đẩy Quảng Nam tiến hành hợp tác với nhiều cơ quan để tìm hướng bảo tồn, trùng tu phù hợp. Trước đây, nhiều đơn vị đã bất lực trước việc tìm kiếm giải pháp khả thi để phục dựng nhóm tháp Khương Mỹ. Thậm chí có đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đã ký kết hợp đồng nhưng khi đang trùng tu giữa chừng cũng phải tạm dừng để nghiên cứu bởi giải pháp kỹ thuật “có vấn đề” và chưa hẹn ngày trở lại. Thành công lớn nhất trong việc chống thẩm thấu tại nhóm tháp Khương Mỹ lại đến từ một phát hiện tình cờ của ông Cẩm và một người bạn. Quy trình trùng tu có phần thủ công khi đặt ống nước ngầm và lấp con mương chảy bên cạnh nhưng đem lại hiệu quả khá cao.

Nghị quyết 161 của HĐND tỉnh đã duyệt chi 80 tỷ đồng (mỗi năm đầu tư khoảng 16 tỷ đồng) từ ngân sách để tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó nhóm tháp Khương Mỹ, Phật viện Đồng Dương và thành cổ Trà Kiệu nằm trong danh mục tu bổ trong nhiều năm liên tiếp có thể xem là một cứu cánh khi Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa kết thúc vào năm 2015. Thế nhưng, theo ông Cẩm, kế hoạch năm 2016 ngân sách duyệt chi đã giảm bớt 6 tỷ đồng và chỉ còn lại 10 tỷ đồng nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những dự định tu bổ di tích Chăm trong thời gian tới.

Loay hoay phát triển du lịch

Điều đáng nói là số lượng khách tham quan tại các di tích Chăm nằm rải rác trên địa bàn tỉnh lại đang giảm dần trong thời gian gần đây. Tại tháp Chiên Đàn, từ đầu năm đến nay chỉ có khoảng 800 lượt khách đến tham quan (doanh thu khoảng 8 triệu đồng) và khá nhiều trong số đó là các nhà nghiên cứu. Trong khi đó, con số này khoảng 5 - 6 năm về trước thường xuyên đạt khoảng 30 triệu đồng. Chị Phạm Thị Mỹ Dung, nhân viên bảo vệ di tích này tâm sự: “Sự sụt giảm này một phần là bởi quốc lộ 1 mới được chỉnh trang xong, phân làn đường một chiều làm xe du lịch từ phía Nam ra ngại dừng đỗ, trong khi các chuyến từ phía Hội An chạy vào lại bị khuất lấp bởi nhà dân. Mới đây, bảng giới thiệu di tích tháp Chiên Đàn mới được lắp đặt, hy vọng sẽ khắc phục điều này”. Tại nhóm tháp Khương Mỹ, lượng du khách tham quan cũng chỉ còn lác đác và thể hiện sự sụt giảm đáng kể trong vài năm qua kể từ khi chính quyền TP.Tam Kỳ tiến hành rào chắn đường vào di tích tại đường tránh Nguyễn Hoàng và cấm xe du lịch lớn dừng đỗ tại khu vực này. Nếu khách muốn vào đây phải di chuyển vòng xuống ngã ba Tam Xuân, vòng vèo hơn nên mất đi lượng khách đáng kể.

Bà Phan Thị Thái Hoa - Tổ trưởng tổ xúc tiến du lịch thị xã Điện Bàn cho biết, hiện tại tổ cũng đã tham mưu với UBND thị xã Điện Bàn về đồ án thành lập công viên tháp Chăm tại di tích tháp Bằng An nhằm tạo cảnh quan ấn tượng và có thêm nhiều dịch vụ để thu hút du khách. Thế nhưng, dự án này vẫn còn bỏ ngỏ bởi hiện tại ngân sách của thị xã đang tập trung vào nhiều vấn đề bức thiết hơn và đành để ý tưởng này vào chế độ “chờ”. Ý tưởng xây dựng tour tuyến du lịch Nam Quảng Nam với nhiều điểm đến hấp dẫn và đa dạng như Bãi Sậy Sông Đầm - Nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công - tháp Chiên Đàn - hồ Phú Ninh - làng cổ Lộc Yên - Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng đã hình thành từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai hiệu quả. Theo thử nghiệm, tour du lịch thú vị này kết thúc vừa vặn trong một ngày. Hiện tại những chuyến du lịch theo hành trình trên diễn ra khá thường xuyên nhưng vẫn chưa vào quy củ và chuyên nghiệp. Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, trước mắt cần phải tập trung nguồn lực để bảo tồn các di tích Chăm nằm rải rác trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển du lịch là điều cần thiết nhưng cần phải cân nhắc phát triển bền vững và xem xét tính hiệu quả của nó.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN