"Tai nghe trống chiến trống chầu"

PHÙNG TẤN ĐÔNG 13/12/2015 10:15

Ông bà ta có câu “Hát bội hành tội người ta”. Với nhạc sĩ - nhà nghiên cứu Trương Đình Quang và người vợ quá cố - nhà nghiên cứu Kim Viên, có lẽ, cùng với trò chơi bài chòi, hô hát bài chòi, các làn điệu dân ca xứ Quảng… thì hát bội đã “hành tình, hành tội” các nhà nghiên cứu không biết bao giờ cho xong nợ. Một món nợ ân tình với quê, với xứ. Một món “nợ” của niềm đam mê sân khấu. Và dường như với nhà nghiên cứu Kim Viên thì “nợ tình mang xuống tuyền đài chưa tan”…

Ra mắt tập sách “Tai nghe trống chiến trống chầu” của Trương Đình Quang.
Ra mắt tập sách “Tai nghe trống chiến trống chầu” của Trương Đình Quang.

“Người say mê men rượu hồng đào” - nhạc sĩ Trương Đình Quang - sau những cuốn sách nghiên cứu dày công về dân ca, bài chòi, ca kịch bài chòi xuất bản trong những năm gần đây,  năm 2015 này đã tập hợp và xuất bản tập sách “Tai nghe trống chiến trống chầu”.

Với tham vọng “viết sách phổ thông về việc tìm hiểu hát bộ” (như  “trích dẫn” của Hoàng Hương Việt trong “lời đưa duyên” đầu cuốn sách) - Trương Đình Quang đã chia cuốn sách ra làm 4 phần (1/ Giới thiệu về nghệ thuật; 2/Giới thiệu tác phẩm, một số trích đoạn nổi tiếng; 3/ Ý tình dân gian xứ Quảng với hát bộ; 4/ Giữ gìn, phát huy hát bộ xứ Quảng). Ở phần giới thiệu về bộ môn hát bộ ở xứ Quảng, tác giả đã bằng những viện dẫn các cứ liệu lịch sử, xác định hình thái trò diễn hát bộ “thịnh hành trong dân gian nhưng ở cung đình vẫn dùng để tiêu khiển”  (tr.11). Nhận định này thể hiện sự “dè dặt học thuật” của tác giả - khi mà các nhà nghiên cứu bộ môn này vẫn chưa có đầy đủ “luận cứ” về “uyên nguyên” hay nguyên lai của bộ môn này tại nước ta.

Trương Đình Quang, Kim Viên đề cập các sự tích về hát bộ Quảng Nam, các làng hát bộ nổi tiếng trong “ký ức dân gian”… rồi bằng sở học của mình đã “bóc tách” các lớp phủ văn hóa, giải mã các hiện tượng, sự kiện để có một cái nhìn khá chân xác về lịch sử hát bộ Quảng Nam, chẳng hạn như khung thời điểm ra đời của bộ môn này chắc chắn là vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XIX. Trong phần I, các tác giả đã giới thiệu hết sức “bình dị” về “học thuật hát bộ” như về các vị tổ nghề được thờ (Ông làng), các nhạc cụ chủ chốt như trống chiến, trống chầu, các làn điệu, bài, lý, các loại hơi, cách luyến láy trong hát, dàn nhạc hát bộ, đặc trưng của nghệ thuật hát bộ - sân khấu của các thủ pháp “cách điệu, ước lệ, tượng trưng”, mỹ học hát bộ là mỹ học của “cái bi”, “cái hài”, “cái bi tráng”… Ở phần này, người đọc hẳn sẽ thú vị khi được các tác giả kể về các vai diễn của “ông làng” như vai “ấu chúa” trong tuồng “San hậu”, “Dương Chấn Tử”  (Đổng Kim Lân, Triệu Đình Long bồng (cứu khốn phò nguy), vai con của Kỷ Lan Anh trong “Hộ sanh đàn”, của chị Ngộ trong tuồng “Gia đình chị Ngộ”. Các tác giả cũng viết hết sức thuyết phục về các động tác “ước lệ hóa”, “cách điệu hóa” trong biểu diễn hát bộ như động tác đóng, mở cửa, đi thuyền, đi ngựa, sự phân biệt giữa các động tác hình thể rất riêng của hát bộ như khi nào thì “kí, xiến, lỉa” khi nào thì “bê, lăn”, giải thích động tác múa trong hát bội là múa ‘nội tâm hóa” chứ không chỉ đơn thuần là múa hát tương tác một cách ‘máy móc” kiểu “hát” đi liền với “bộ”. Những người “tri kỷ’ với hát bộ, với âm nhạc hẳn sẽ thú vị khi được biết rằng làn điệu hát ru thường được gọi là “lý tang tít” là một sáng tạo của người nghệ sĩ hát bộ trong vở tuồng “Gia đình chị Ngộ” (nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mượn chất liệu âm nhạc của “lý tang tít” để sáng tác ca khúc “Quảng Nam yêu thương” theo sự phân tích của nhạc sĩ Phan Văn Minh). Các tác giả cũng phân tích việc phân cảnh trong hát bộ “đi 3 vòng sân khấu, hát hết 3 câu hát nam là “biến đổi một không gian”.

Phần II tập sách tập trung giới thiệu - kèm sự bình phẩm của một người “tri kỷ tri âm” với sân khấu truyền thống - các vở tuồng “mẫu mực”, các vở lớn như “Vạn bửu trình tường”, “Quần phương hiến thụy”, các trích đoạn “kinh điển” của hát bộ như “Trương Phi ở cổ thành”, “Trụ vương giỡn tượng”… Đặc biệt, phần IV các tác giả đã dựng chân dung các nghệ sĩ tuồng “trác tuyệt” của Quảng Nam - niềm tự hào về vùng đất Quảng Nam.

Về hướng bảo tồn, phát huy bộ môn này các tác giả đã bàn đến những giải pháp cụ thể để cấp thiết bảo tồn hát bộ - nhất là trong thời buổi hát bộ cũng như các bộ môn sân khấu truyền thống đang có nguy cơ mai một. Tập sách đậm tính chất tản văn, tùy bút nhưng cũng đồng thời là những “tiểu luận khoa học” của một nhà nghiên cứu, phê bình.

Chỉ cần một đốm lửa nhỏ được nhóm lên, rồi được sự chung tay nhen nhóm của những người tâm huyết, ngọn lửa sẽ lan tỏa, bùng cháy. Tập sách là một “chứng cớ” để chúng ta - những bạn đọc tâm huyết với hát bộ - tin vào sự hồi sinh của một bộ môn nghệ thuật vô giá của dân tộc, của quê hương.

PHÙNG TẤN ĐÔNG

PHÙNG TẤN ĐÔNG