Hội nghị khoa học đầu tiên về Hội An
Năm 1985, nhằm thông qua việc nghiên cứu khoa học để thẩm định giá trị nhiều mặt của phố cổ Hội An (năm 1983 được xếp hạng di tích quốc gia), hội nghị khoa học đầu tiên về khu phố cổ Hội An được tổ chức trong hai ngày 23 & 24.7.1985. Đây có thể coi là hội nghị khoa đã đi vào lịch sử và để lại nhiều dấu ấn rất đặc biệt của Quảng Nam cũng như cả nước.
Bóng dáng chợ xưa Hội An đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu |
1. Trải qua đúng 30 năm, nhưng tài liệu về hội nghị đã được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An trân trọng lưu giữ trong một kỷ yếu dày dặn 380 trang. Đọc lại kỷ yếu “Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An 23 & 24.7.1985”, người viết bài này có thể mạnh dạn khẳng định: “Đây là cuốn kỷ yếu về một hội nghị khoa học được ghi chép chi tiết, tỉ mỉ, công phu và rất có giá trị trong nghiên cứu về Hội An từ trước đến nay”. Hội nghị tổ chức sau ngày quê hương giải phóng được 10 năm nhưng đã có sự góp mặt tới 268 đại biểu, trong đó có 203 nhà khoa học thuộc 40 cơ quan, bộ, cục, vụ, viện, trường đại học. Ban chủ tọa hội nghị là các nhà khoa học tên tuổi như: GS. Trần Quốc Vượng, Vũ Trung Lương, Hoàng Đạo Kính, đứng đầu là GS. Phạm Huy Thông và Thứ trưởng Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) Nông Quốc Chấn. Có 36 báo cáo khoa học thành văn và 36 ý kiến được phát biểu tại hội nghị. Đến nay điểm lại nhiều nhà khoa học tên tuổi đã lần lượt ra đi, trong đó có kiến trúc sư người Ba Lan Kazic hay như GS. Trần Quốc Vượng, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên…
Kết quả hội nghị đã gây tiếng vang lớn trong cả nước, bởi trong hoàn cảnh đất nước mới thoát khỏi chiến tranh được 10 năm, lại đang ở giai đoạn bao cấp đầy khó khăn, việc tổ chức một hội nghị khoa học về một khu di tích là một cố gắng và nỗ lực tuyệt vời của Hội An và của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Việc làm kỷ yếu hội nghị không chỉ mang ý nghĩa như sự hàm ơn các bậc tiền bối trong khoa học mà còn là hình thức ghi nhận sự kiện đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong chặng đường lịch sử khu phố cổ Hội An đến với danh hiệu Di sản văn hóa thế giới. Như lời giới thiệu của ban biên tập kỷ yếu: “Xin cảm ơn và mãi mãi biết ơn những khởi đầu từ Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An lần thứ nhất”.
Kỷ yếu hội nghị khoa học đầu tiên về Hội An cách đây 30 năm. Ảnh: V.V.T |
2. Tổng thuật giới thiệu các báo cáo tham luận về vấn đề sự xuất hiện và phát triển của đô thị cổ Hội An (qua ghi âm) do GS. Trần Quốc Vượng trình bày là bản tổng thuật ngắn gọn và đầy đủ nhất cả 15 bản tham luận tại hội thảo khoa học. GS. Trần Quốc Vượng nêu: Báo cáo của giáo sư lão thành Nguyễn Văn Xuân đã cho chúng ta một niên hiệu hết sức chi tiết về Hội An trong bối cảnh của toàn đất nước và cho toàn thế giới có liên quan… Đây là một niên hiệu hết sức công phu cũng có thể còn có niên hiệu này, niên hiệu khác chúng ta sẽ thảo luận nhưng dù sao đó cũng là những điều hết sức là tốt. Báo cáo của đồng chí Đỗ Bang - giảng viên Đại học Huế, người từng 5 năm lăn lộn với Hội An đã đem về cho hội nghị một chút thôi nhưng là một chút có ý nghĩa thực địa. Bản báo cáo của đồng chí Nguyễn Duy Hinh ở Viện Khảo cổ học cho chúng ta và thế giới hiểu kỹ vị trí Hội An trong mạng các đô thị cổ Việt Nam. Bản báo cáo của đồng chí Trần Viết Ngạc, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh rất ngắn gọn, rất rõ ràng, cho chúng ta biết mối quan hệ giữa Hội An và Đà Nẵng. Bản báo cáo của đồng chí Bùi Thiết ở Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam với những tư liệu rất khan hiếm, những bản đồ cổ được sưu tầm và giới thiệu ở một panô trong hội nghị này, vạch cho chúng ta và đưa chúng ta tìm về cội nguồn sự hưng khởi của Hội An. Bản báo cáo của GS. Lê Văn Hảo đưa ra một bối cảnh trong nước và của thế giới để giúp chúng ta hiểu về quá trình hình thành và phát triển của đô thị cổ Hội An. Bản báo cáo của đồng chí Hồng Kiên ở Xí nghiệp Bảo quản di tích trung ương cũng vạch cho chúng ta một số nét về lịch sử Hội An và trên nền móng của lịch sử đó biết cái giá trị của những kiến trúc cổ trên mảnh đất Hội An. Bản báo cáo của các đồng chí Nguyễn Duy Hinh - Viện Khảo cổ học và Nguyễn Thịnh ở Cục Bảo tồn bảo tàng (Bộ VH-TT) đưa lại cho chúng ta một số suy nghĩ đến bình đồ của Hội An… Với cách tóm tắt rất ngắn gọn như vậy, GS. Trần Quốc Vượng đưa ra 5 vấn đề lớn để hội thảo tiến hành. Và vấn đề thứ nhất, cơ bản nhất đó là vấn đề Hội An. “Gốc rễ của nó là một cái chợ, một cái chợ nội địa, ven sông, một cái chợ lớn hay là một khối chợ người ta hay dùng để chỉ cái tính khoa học ở phương Tây... Nó trở thành một đô thị cảng nhưng nó là cảng cửa sông, cửa biển”. Cái chợ Hội An theo như GS. Trần Quốc Vượng bây giờ còn tiếp tục bàn thảo.
3. Tham luận khoa học của kiến trúc sư Kazic (K.Kwiatcopxki) do Trương Quốc Bình dịch từ tiếng Ba Lan có nhan đề “Hội An - Một di sản kiến trúc đô thị”. Trong tham luận này Kazic đưa ra một số luận điểm mới mẻ, thú vị như, qua bố cục kiến trúc và kiểu thức xây dựng khu đô thị cổ Hội An đã phản ánh nó được xây dựng vào các thế kỷ XVI - XVII và cả trong thời kỳ từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng của mình trên con đường giao thương, Hội An đã một thời đóng giữ vai trò trung tâm thương mại quốc tế quan trọng trên bán đảo Đông Dương. Tại các di tích kiến trúc ở Hội An dễ thấy những yếu tố phong cách kiến trúc Việt Nam, phong cách kiến trúc Trung Quốc và phong cách kiến trúc Nhật Bản. Sự kết hợp và sự hòa hợp các kiểu thức, phong cách trên đã tạo thành phong cách riêng biệt cho đô thị cổ Hội An. Song, cũng cần nói rõ rằng kiến trúc cổ Việt Nam chưa bao giờ các yếu tố ngoại lai lấn át được các yếu tố bản địa. Luận điểm này một lần nữa được khẳng định và thừa nhận qua các kết quả nghiên cứu, khảo cổ bước đầu về lịch sử kiến trúc các ngôi nhà ở Hội An. Kiến trúc sư Kazic cho rằng, công trình kiến trúc của Hội An được làm theo “đơn đặt hàng” của thị dân cũng như cố đô Huế trước đây đã được xây dựng theo ý đồ của triều đình nhà Nguyễn. Đây là một gợi ý đáng suy ngẫm cho giới nghiên cứu và cũng cho tất cả những ai yêu mến Hội An. Ngay như GS. Trần Quốc Vượng trong báo cáo tham luận khoa học của mình cũng đã dành cho Hội An một tình cảm đặc biệt: “Nhìn ráng nắng chiều rực rỡ mà có thể cảm thông được những sớm trưa Hội An đẹp nắng, phong nhiêu. Nắng hoàng hôn Hội An như một chất men kích thích đẩy chúng ta lần tìm trong chiều sâu thời gian, trong bề dày lịch sử, trở về với buổi bình minh của hừng đông Hội An - Cửa Đại”.
VÕ VĂN TRƯỜNG