Thu Bồn có phải sông nước mùa thu?

NGUYỄN DỊ CỔ 05/12/2015 08:54

Năm 2006, nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy cho rằng Thu Bồn “秋 湓” có nghĩa “sông nước mùa thu” hay “nước mùa thu sông Bồn” và dẫn dụng bài thơ Thu Bồn dạ bạc 秋 湓 夜 泊của vua Lê Thánh Tông. Từ đó một số nhà nghiên cứu khác theo giả thuyết này và có sự phát triển xa hơn. Người thêm bản dịch, người tạo hồn Thu Bồn thành “dòng sông thơ”, người băn khoăn “có phải Lê Thánh Tông ban cho” tên gọi này. Nhưng đối chiếu với các văn bản khác có chữ Hán “Thu Bồn” thì lại không có tự dạng như của Nguyễn Sinh Duy dẫn ra. Đồng Khánh địa dư chí đều chép chữ Hán các địa danh của sông Thu Bồn và xã Thu Bồn với tự dạng là “秋 盆” không có bộ chấm thủy (氵). Quyển 13 bộ Giá Viên toàn tập của Phạm Phú Thứ có nhắc tên 3 lần “Thu Bồn” và 1 lần “Bồn giang” mà cũng không có bộ chấm thủy. Phải chăng “Thu Bồn” có thêm một nghĩa khác, khác với “sông nước mùa thu”?

Một khúc sông Thu Bồn.  Ảnh: trang VietEcology
Một khúc sông Thu Bồn. Ảnh: trang VietEcology

Chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng (đoạn) sông Thu Bồn sẽ có một cái tên gọi nào đó theo tiếng nói của người Chăm - chủ nhân thổ trước, còn cái tên gọi theo âm Hán Việt này chỉ là sự kí âm cho một danh xưng bằng tiếng Chăm đã có. Cũng nói thêm rằng, bài thơ của Lê Thánh Tông là thơ chữ Hán, từng con chữ trong bài thơ đều là chữ Hán, và mỗi chữ Hán sẽ có một âm Hán Việt tương ứng. Trong đợt Nam chinh này, Lê Thánh Tông cũng làm một bài thơ chữ Hán Hải Vân hải môn lữ thứ. Trong đó từ “Đồng Long”, “Lộ Hạc” được ghi bằng chữ Hán trong câu “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền” lại lần lượt chỉ về địa danh Vũng Thùng (Đà Nẵng) và Locac (thuộc về bán đảo Mã Lai). Chúng ta không thể dựa vào “Đồng Long” để giải thích là “con rồng” gì gì được; “Lộ Hạc” có nghĩa là “con hạc” gì gì được. Cho nên, thực ra, “Thu Bồn” trong bài thơ của Lê Thánh Tông có thể chính là kí âm từ “sumut drak” của ngôn ngữ Chăm với Sanskrit là “samudra”. “Sumut drak” cũng viết “sumutdrak”, có nghĩa là “biển”, “bờ biển”. Từ ngữ này từ sớm đã có mặt trong tác phẩm sử thi của người Chăm còn lưu giữ đến ngày nay. Xét địa lí của vùng sông Thu Bồn từ thế kỉ XV về trước, nơi đây có lẽ cũng là một vùng sông nước mênh mông như “biển”. Lại thêm, cũng trong đợt thân chinh này, Lê Thánh Tông nhắc về Vũng Thùng mà không có một câu chữ nào nhắc về hòn Non Nước, để sau này Hoàng Diệu lấy làm lạ và suy đoán thời bấy giờ hòn Non Nước bị biển bao quanh mà không có lối ra đó. Cho nên, không gian sóng nước của sông Thu Bồn đương thời ắt rộng lớn gấp nhiều lần so với bây giờ. Xét về mặt ngôn ngữ học, “Thu Bồn” kí âm cho “sumut drak” (đọc nhanh chỉ còn “sumut”) cũng theo quy luật phổ quát: s ~ th (sư ~ thầy, sơ ~ thưa (sưa ~ thưa), sở ~ thửa, sự ~ thờ…); b ~ m (bàn ~ mâm, bê ~ me, bươi ~ moi…); uôn ~ ut (mưa tuôn ~ mưa trút, cuốn vào ~ hút vào…). Như vậy, một giả thuyết mới, Thu Bồn là tên gọi để chỉ dòng sông, vùng sông nước rộng lớn - nơi hòa vào Đại Chiêm hải khẩu.

Sông Thu Bồn hiện nay có tên tiếng Anh thông dịch là “Thu Bon river”, trong tiếng Hán là “Thu Bồn hà”. Trở lại xưa hơn nữa, nó được ghi chép bằng cái tên “Sài thị giang” (sông chợ Củi) trong các thư tịch Hán Nôm, hay trên bi kí Chăm là “kraun Sinhapura” (kraun ~ kron ~ krong ~ klong ~ kong = sông). Cho nên bản thân chữ “bồn盆” đó không thể mang nghĩa là sông để cấu tạo “Thu Bồn” thành “sông nước mùa thu”. Có một điều thú vị cần nói thêm rằng, Trung Quốc cũng có một Bồn giang, tên gọi khác là Bồn thủy, chảy từ thành Cửu Giang tỉnh Giang Tây, nhập vào Trường Giang, nay gọi là sông Long Khai (Long Khai hà). Sông Bồn được nhắc đến trong tác phẩm Tì bà hành: “Trú cận Bồn giang địa đê thấp/ Hoàng lô khổ trúc nhiễu trạch sinh = Bến Bồn đất thấp ở kề/Lau vàng trúc cỗi bốn bề bao vi (Trần Trọng Kim dịch)”. Sông Bồn trở nên nổi tiếng nhờ lưu dấu thi nhân kiệt xuất Bạch Cư Dị (772 - 846, nhà thơ lớn đời Trung Đường, tên tự Lạc Thiên, tên hiệu Hương Sơn cư sĩ và Túy Ngâm tiên sinh, từng làm quan đến chức Thái tử Thiếu phó nên cũng được gọi là Bạch Phó). Phải chăng chính vì vậy mà sau này, khi đứng trước dòng Thu Bồn của Quảng Nam, hoàng đế Lê Thánh Tông ở thế kỉ XV hay đại thần Phạm Phú Thứ của thế kỉ XIX đều có khắc họa lại chân dung Lạc Thiên - Bạch Phó trong cảm tác của mình. Với Lê Thánh Tông: “Viễn biệt thần kinh ức khứ niên/Bồn giang kim hữu tải ngâm thuyền (…) Sầu lai ngẫu trị điểu phi tất/ Thỉ tín kim thân thị Lạc Thiên = Nghĩ lại xa cách kinh đô từ năm ngoái/ Nay thì thuyền khách thơ đã đậu bến Thu Bồn (…) Cơn buồn chợt nổi lên thì một bóng chim lướt qua/ Mới hay rằng thân ta giờ đây chính là Lạc Thiên” (Tổng tập văn học Việt Nam, tập 5, tr.136 - 137, dẫn lại từ chú thích của Nguyễn Sinh Duy). Với Phạm Phú Thứ: “Nhất bệnh thiên thâu Bạch Phó nhàn (…) Phi độ Thu Bồn kỉ khúc san = Một khi lâm bệnh chỉ trộm nghĩ đến cái nhàn của Bạch Cư Dị (…) Chèo như bay trên mấy đoạn sông Thu Bồn uốn theo núi”.

Định danh “Thu Bồn”, dẫu “danh” không “định” hết nghĩa của dòng sông, nhưng Thu Bồn đã đi vào tâm thức của người dân xứ Quảng từ hơn nửa thiên niên kỷ nay, là ranh giới của dòng chảy lịch sử, là cửa ngõ giao lưu văn hóa. Chỉ có hiểu “Thu Bồn” với nghĩa tiếng Chăm “sumut drak” là cửa biển, là “đại dương” thì mới thấy hết được vẻ “hùng vĩ, đẹp đẽ, uyên áo thay một danh xưng sông nước làng xã quê hương Quảng Nam” như lời kết của Nguyễn Sinh Duy trong bài viết Sông nước mùa thu.

NGUYỄN DỊ CỔ

NGUYỄN DỊ CỔ