Vàng này phải giữ ra sao?

22/11/2015 06:26

Từ góc độ tu bổ tôn tạo di tích, luôn có nhiều cách làm cũng như ý kiến trái chiều về phương pháp tiến hành trên từng hiện vật, từng di tích, hầu giữ lại nguyên vẹn giá trị của lịch sử dân tộc, của cha ông. Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, thử nhìn lại công việc khó khăn này - ở Quảng Nam.

TU BỔ THEO CÁCH CỦA NGƯỜI NHẬT

Đô thị cổ Hội An từ những năm của thế kỷ 16, 17 đã có nhiều thuyền buôn, các thương nhân người Nhật Bản đến buôn bán. Chuyện đó nhiều người biết. Nơi này cũng như các làng quê vùng Quảng Nam có nhiều kiến trúc cổ như nhà ở, đình chùa, miếu thờ… bằng  thảo mộc  tre - gỗ  đang tồn tại. Việc gìn giữ, bảo quản đến tu bổ các giá trị  vật thể mang ý nghĩa  lịch sử - kiến trúc - nghệ thuật là công việc quan trọng của những người làm công tác bảo tồn bảo tàng.

Tại một di chỉ khảo cổ học ở Na Ra, Nhật Bản. (Ảnh tác giả cung cấp)
Tại một di chỉ khảo cổ học ở Na Ra, Nhật Bản. (Ảnh tác giả cung cấp)

Học từ xưởng mộc của thầy Daifumi

Thật may mắn, nếu không nói là có duyên để tháng 8.1995, nhờ sự giúp đỡ của thầy Shieegda Yutaka - giáo sư, kiến trúc sư Trường Đại học Nihon, tôi được dẫn đến xưởng mộc của thầy Daifumi. Chúng tôi thường gọi Daifumi là thầy Tanaka. Tại vùng ngoại ô của thủ đô Tokyo, một xưởng mộc của Công ty Maki của thầy Tanaka ở TP.KaShiwa - nơi này tôi bắt đầu câu chuyện học cách tu bổ các kiến trúc gỗ do các thợ mộc giỏi nghề  hướng dẫn.

Những rào cản về ngôn ngữ là khó khăn đầu tiên để tôi có thể hiểu được về phương pháp tu bổ các di tích kiến trúc mà các nhà bảo tồn Nhật Bản đã tiến hành ở kiến trúc bằng vật liệu bằng gỗ. Dẫu là những tháng trước đó (từ tháng 5 đến tháng 7) tôi đã được thực tập tại công trường với các địa điểm khảo cổ học (học đo vẽ hố đào, hiện vật và chụp ảnh) cùng những lần đi thăm nhiều kiến trúc gỗ, tham khảo các giải pháp tu bổ các kiến trúc này ở Nara, Kyoto… nhờ sự giúp đỡ của các thầy ở Học viện Nghiên cứu và bảo tồn ở thành phố cổ Nara.  

Đã có nhiều trường phái, cả phong cách, phương pháp tu bổ di tích và từ suy nghĩ đơn giản tu bổ là làm mới lại cái đã bị hỏng nên đã có nhiều di tích - nhất là kiến trúc - bị biến dạng, các vật liệu truyền thống bị thay thế bằng vật liệu mới. Đến hôm nay các cách tu bổ của nhiều quốc gia vẫn còn tranh cãi về sự lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, được giới nghiên cứu cũng như các nhà bảo tồn trên thế giới chấp thuận với hiến chương Athens 1932 thì việc theo giải pháp trùng tu khảo cổ học trong sự thận trọng, bảo đảm tính chân xác, tôn trọng yếu tố gốc, tránh làm mới phục nguyên di tích đã được các nhà bảo tồn Nhật Bản tiến hành. Quan sát những người thợ mộc tại công trường hay tại xưởng gia công đang cố gìn giữ các cấu kiện gỗ đã bị mối mọt hoặc hủy hoại do khí hậu, tôi có thể hiểu ngay sự tôn trọng các yếu tố gốc, các thành phần cũ là như thế nào. Việc hàn gắn, gia cố bằng kỹ thuật nối mộng, sử dụng keo hay chất kết dính để gia cố, gia cường cấu kiện là những công việc vừa tỉ mỉ vừa mang tính kỹ thuật cao. Mục đích chủ yếu là tôn trọng những giá trị gốc. Nhiều ngày tôi cùng các người thợ mộc trực tiếp đi thi công tại những di tích như đền Mizahara (ở tỉnh Karasuyama) hay tu bổ ngôi nhà xưa ở tỉnh Okada. Tôi cũng được cùng kỹ sư, kiến trúc sư  bảo tồn của công ty đo vẽ, ghi chép chụp ảnh các kiến trúc cổ như bệnh viện cổ ở tỉnh Sakura kết hợp được tham quan những công trình mà Công ty Maki thực hiện.   

Áp dụng ở Việt Nam

Nhiều chuyên gia Nhật Bản có mặt tại vùng đất Quảng Nam là các giáo sư thuộc những ngành khảo cổ như TS.Yamagata Mariko, TS. Kikuchi, TS.Nishimura (qua đời năm ngoái ở Việt Nam). Ngành kiến trúc có GS. Tomoda, Đại học Nữ Chiêu Hòa, GS. Shieegda Yutaka Đại học Nihon và nhiều kiến trúc sư, kỹ sư các thực tập viên của các trường đại học danh tiếng Nhật Bản đã đóng góp về việc nghiên cứu, bảo tồn các kiến trúc cổ ở Quảng Nam. Đã có nhiều đóng góp trong công việc tu bổ các kiến trúc bằng gỗ ở Đô thị cổ Hội An từ những năm 90 của thế kỷ XX. Một địa phương gần đó là cố đô Huế với những kiến trúc cung đình bằng gỗ thời Nguyễn  cũng được các chuyên gia kiến trúc Nhật Bản dành nhiều sự quan tâm. Nhiều lớp tập huấn cũng như các workshop, các hội thảo về bảo tồn kiến trúc cổ đã tổ chức ở  Hội An và TP.Huế. Việc bảo tồn kiến trúc bao giờ cũng có sự phối hợp với các nhà khảo cổ nên luôn mang tính khách quan cao và tính khoa học.

Sau khi từ Nhật Bản trở về,  tôi cùng các cộng sự có nhiều lần tham gia cùng các nhà bảo tồn Nhật Bản trong tu bổ kiến trúc ở phố cổ Hội An (cùng các kiến trúc sư Nhật Bản đi khảo sát, vẽ ghi những ngôi nhà ở phố Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai), tham gia dự án bảo tồn các kiến trúc cổ truyền với việc cùng GS.Shieegda  đi khảo sát, đo vẽ những ngôi nhà xưa ở các huyện thuộc Quảng Nam. Và hiện tôi tiếp tục các công việc nghiên cứu kiến trúc truyền thống ở miền Trung và miền Nam.

Nhìn chung các phương pháp, các giải pháp tu bổ bắt đầu từ khảo sát kiến trúc đến hạ giải và đánh giá tình trạng các cấu kiện và tiến hành để tu bổ các thành phần cấu kiện thì hầu như các chuyên gia Nhật Bản đều có tính thống nhất cao. Nghĩa là từ xưởng mộc của thầy Tanaka đến thực tế tu bổ tại  phố cổ Hội An, cố đô Huế đều thống nhất trong các giải pháp. Việc áp dụng các phương pháp tu bổ học tập từ xưởng mộc của thầy Tanaka được tôi áp dụng ở những lần nghiên cứu, tu bổ các kiến trúc gỗ tại Quảng Nam như: Nghiên cứu, đánh giá lại các kiến trúc đã tu bổ;  Phỏng vấn, điều tra, khảo sát hiện trạng kiến trúc;  Đánh giá hiện trạng kiến trúc sau khi đã hạ giải; Lên phương án, giải pháp tu bổ với các mục đích sau: 1/Đo vẽ ghi lại hiện trạng di tích thật kỹ càng theo  phương pháp của kiến trúc sư bảo tồn đã làm; 2/Cố gắng giữ lại những cấu kiện gỗ cũ mà cho phép có thể gia cường được bằng mộng nối, keo dán; 3/ Chỉ phục chế những chi tiết chạm trổ, trang trí nếu biết chắc chắn và cùng niên đại (phỏng theo những di tích đồng đại); 4/ Mời những người thợ mộc truyền thống tham gia; 5/ Sử dụng vật liệu truyền thống như ngói lợp, mảnh sành sứ, các chất kết dính như vôi; 6/ Không sử dụng sơn PU để phủ lên các cấu kiện gỗ (làm bóng) khi đã xong việc tu bổ.

Vài băn khoăn

Công việc tu bổ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chẳng hạn khi thiết kế cũng như khi kết luận về chọn phương án tu bổ thường tổ chức kỹ lưỡng từ những chuyên gia và kiến trúc sư bảo tồn có kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhà thầu và đội ngũ thi công thường thiếu chuyên nghiệp (nhiều công ty tu bổ thiếu kiến thức và năng lực về bảo tồn) dẫn đến công việc tu bổ mắc nhiều khuyết điểm. Và điều quan trọng nhất là phải luôn tư vấn cho mọi hoạt động về tu bổ di tích kiến trúc nếu trong điều kiện có thể. Việc lắng nghe góp ý từ những chuyên gia bảo tồn không phải lúc nào cũng được các lãnh đạo địa phương chấp thuận - dù chỉ là trong mức độ nào đó. Nên đôi khi phải dùng áp lực của giới truyền thông. (NGUYỄN THƯỢNG HỶ)

CHỌN LỐI DUY TU

Không phải ngẫu nhiên khi mới đây, chính phủ Ý quyết định tài trợ 70% với tổng số vốn lên đến 27 tỷ đồng cho dự án “Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di sản tại Quảng Nam” giai đoạn 2015-2018. Câu chuyện trùng tu, phục hồi di tích như thế nào là đúng, cần sự hiểu biết từ rất nhiều phía.

Trùng tu  khu di tích Mỹ Sơn.
Trùng tu khu di tích Mỹ Sơn.

Quảng Nam được xếp vào một trong những tỉnh thành có số lượng di tích khá cao, với hơn 60 di tích cấp quốc gia, 300 di tích cấp tỉnh. Riêng số lượng di tích - danh thắng TP.Hội An thống kê và đưa vào danh mục bảo vệ của đô thị này lên đến hơn 1.400 di tích. Kinh phí đầu tư cho bảo tồn di tích cũng được xếp vào dạng ưu tiên, khi mới đây HĐND tỉnh thông qua đề án “Tu bổ di tích quốc gia và cấp tỉnh” giai đoạn 2016 - 2020 với tổng kinh phí 80 tỷ đồng, sau khi cơ chế “tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh” với tổng số vốn 36.5 tỷ đồng vừa kết thúc. Với Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn thì có cơ chế kinh phí riêng, do địa phương tự quyết để thực hiện công tác duy tu di tích. Thế nhưng không phải cứ tiền rót ra nhiều thì di tích được giữ nguyên vẹn. Không trực tiếp phá dỡ công trình cũ, nhưng việc làm mới một số kết cấu trong tổng thể kiến trúc cũ, là một sai lầm trong trùng tu di tích.

“Mới hóa” di tích trong vài năm trở lại đây là câu chuyện khá đau đầu với công luận. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, điều dễ nhận thấy, các di tích văn hóa, lịch sử ở Việt Nam (đình, chùa, miếu, mạo,…) được tạo ra bởi các nguyên vật liệu chủ yếu gắn với những nghề thủ công truyền thống của nước ta như: nghề gốm, nghề mộc, nghề sơn. “Điều đó có nghĩa, việc “đòi hỏi” các công trình phải trường tồn với thời gian, không bị hư hại gì là điều không thể có. Trùng tu, tôn tạo di tích là việc làm đúng và cần thiết để giảm thiểu hư hại của các di tích, nhưng không phải ai cũng có nhận thức và cách làm đúng về quá trình này” - ông nói. Cũng theo họa sĩ Lê Thiết Cương, việc cần kíp nhất trong tu bổ, phục hồi giá trị di tích hiện nay, không phải là cần bao nhiêu tiền, mà là đội ngũ trùng tu phải thật sự giỏi nghề, hiểu nghề. Đồng quan điểm này, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ sớm xúc tiến dự án đào tạo nghề “trùng tu di tích”, để có một thế hệ nghệ nhân kế cận trong mảng tu bổ, phục hồi di tích.

Bên cạnh việc đào tạo một đội ngũ thợ trẻ lành nghề, câu chuyện trùng tu di tích vẫn còn khá nóng, không chỉ riêng với Quảng Nam. Có khá nhiều trường hợp trùng tu di tích tại Đô thị cổ Hội An vấp phải dư luận trái chiều. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, việc bảo tồn, phát huy di tích nằm trong quần thể một di sản sống như Hội An, tưởng dễ nhưng lại rất khó. “Dễ, bởi nhận thức của chủ nhân di tích, họ hiểu được giá trị di tích, và khả năng di tích sinh lời cho họ rất cao. Khó, bởi chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt với điều kiện tự nhiên của vùng đất, nguyên liệu trùng tu hay mâu thuẫn khi du lịch phát triển mạnh” - ông Trung nói. Trong khi đó, tại một cuộc hội thảo bảo tồn di sản và phát triển du lịch do UBND tỉnh tổ chức tại Hà Nội, KTS-GS. Hoàng Đạo Kính chia sẻ: “Cần dứt khoát không ứng xử với các di tích như với các công trình xây dựng cơ bản. Ví dụ, cần phải có quy chế riêng, đơn giá riêng, thợ chuyên nghiệp, làm rõ sự khác biệt giữa trùng tu với xây dựng. Rất nhiều cuộc trùng tu lại bị đánh đồng với xây dựng cơ bản dẫn đến di tích bị “cải lão hoàn đồng”. Rốt cuộc cứu mà hóa triệt”.

Địa phương nào cũng muốn di tích của mình được công nhận, rồi cấp vốn trùng tu, sẽ lại gây khó cho nhà quản lý văn hóa. Dẫu biết di tích là tinh túy văn hóa của vùng miền, nhưng nếu việc công nhận cũng như trùng tu không có giới hạn, thì lại vô tình đánh mất cơ hội của những di tích đang xuống cấp trầm trọng khác. Còn nhớ cụm nhà cổ tại làng cổ Lộc Yên, khi địa phương này đã bao nhiêu năm chờ đợi quyết định được công nhận là Làng cổ quốc gia, thì một số chủ nhân những ngôi nhà cổ ở đây, tự bỏ tiền để sửa sang lại nhà mình. Và cách “chữa” thì không tốp thợ nào giống nhau, dẫn đến các ngôi nhà có tuổi đời gần trăm năm mất đi những đặc trưng của mình.

Như KTS-GS. Hoàng Đạo Kính chia sẻ, “đã đến lúc phải tổng rà soát lại việc công nhận di tích và nên chấm dứt quá trình... nâng đời cho di tích. Một khi “lạm phát” di tích thì việc bảo tồn trở thành bất khả thi”. (LÊ QUÂN)

DI SẢN TƯ LIỆU HÁN – NÔM: TRĂM CHUYỆN GOM VỀ…

Rất khó để xác định loại hình thư tịch cổ hiện tại ở xứ Quảng còn bao nhiêu. Nhưng lại dễ dàng nhận ra các tàng thư này đang đối mặt với những thất thoát lớn…

Có khá nhiều lý do khiến loại hình di sản thư tịch này bị mai một. Hoàn cảnh lịch sử cộng với cách bảo tồn còn hời hợt khiến kho “tàng thư xứ Quảng”, từ mộc bản, văn bia, sắc phong, gia phả… rơi vào cảnh im lìm. Giữ đã khó, tìm cách phát huy giá trị của nó, càng khó gấp bội. Cả trăm chuyện trong những trang thư tịch cổ, khiến các nhà nghiên cứu di sản này đau đáu.

Hoành phi tại nhà thờ tộc Trương - Hội An.
Hoành phi tại nhà thờ tộc Trương - Hội An.

Ký ức của nhân loại

Năm 1994, UNESCO cho ra đời một dự án mang tên “Chương trình ký ức thế giới”, hay còn gọi là “Di sản tư liệu thế giới”. Mục đích của chương trình nhằm ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu, từ đó tìm ra cách thức để bảo tồn và phát huy giá trị. Đến năm 2009, UNESCO công nhận “Mộc bản triều Nguyễn” là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam. Tiếp đó, đến năm 2010, 82 tấm bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long được ghi nhận là di sản tư liệu thế giới thứ 2 của Việt Nam. Từ 2 di sản này, các chương trình nghiên cứu về thư tịch cổ cũng như giá trị của tàng thư được chú trọng hơn. Công luận biết đến các di sản tư liệu Hán – Nôm nhiều hơn, cũng như ý thức cộng đồng đã bắt đầu để tâm đến giá trị mang tính học thuật này.

Tại Quảng Nam, giá trị các loại thư tịch cổ đã được ghi nhận cách đó khá lâu, khi UNESCO quyết định công nhận Hội An và Mỹ Sơn là 2 Di sản văn hóa thế giới. Với những đóng góp về mặt dữ liệu lịch sử, các thư tịch cổ tại Hội An cũng như hệ thống văn bia Chăm ở các vùng quanh Mỹ Sơn khiến những khu di sản này thêm sức thu hút. Sau những đợt kiểm kê của Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, bắt đầu từ năm 2010, đến năm 2014, trung tâm này đã hoàn thiện đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật di sản Hán - Nôm tại các di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, qua đó thu thập hơn 1.000 trang tư liệu Hán - Nôm làng xã Quảng Nam (Quảng Nam xã chí) trước năm 1945 và 3.000 trang tài liệu về các sắc phong được sao chụp, thác bản, in rập...; chưa kể 128 văn bia, 600 trang thần sắc, thần phả ở 112 làng và 800 hoành phi, câu đối ở các di tích văn hóa khác. Trong số đó, di sản Hán - Nôm tập trung khá nhiều ở Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Tiên Phước, Đại Lộc, Duy Xuyên (với 4.000 trang tư liệu in chụp từ bia ký, hoành phi, câu đối, gia phả, sắc phong).

Trong khi đó, chỉ riêng tại Hội An, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa đã bắt đầu cho ra đời cuốn sách thứ 2 trong bộ sách “Di sản Hán Nôm Hội An”. Nhận định về khối lượng lớn các tư liệu Hán Nôm còn hiện tồn tại đô thị cổ, ông Nguyễn Chí Trung cho rằng: “Bộ phận tư liệu này ở Hội An khá đồ sộ, phong phú gồm các tư liệu viết, in trên giấy, khắc chạm trên đá, đồng, gỗ… Trong các năm qua, chúng tôi đã xúc tiến việc sưu tầm, sao chụp, in rập các tư liệu Hán Nôm ở Hội An và bước đầu thu thập được hơn 10.000 trang tư liệu các loại. Đã đến lúc cần một tổng tập về di sản tư liệu Hán Nôm ở Hội An để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung”. “Cảo thơm lần giở”, từ các văn bản Hán Nôm cổ này, mới thấy lịch sử phát triển của thương cảng Hội An không hề đơn giản. Nếu biết ứng dụng kho tàng này vào việc nghiên cứu địa chí của vùng đất, hẳn sẽ có khá nhiều thông tin giá trị.

Di sản… ngày một nghèo đi

Cũng như nhiều loại hình di sản khác, di sản tư liệu lại đang đứng trước rất nhiều thách thức để tồn tại, trong đó, lớn nhất là áp lực về điều kiện không gian và thời gian bảo quản. Ông Trần Văn An, trong câu chuyện về quá trình sưu tầm mộc bản, sắc phong về các làng xã ở Hội An, đã nhiều lần xúc động vì chứng kiến sự mất mát quá lớn của các di sản này. Vì tồn tại trong cộng đồng dân cư khá đông, với mặt bằng nhận thức khác nhau, nên để giữ cho nguồn thư tịch này nguyên vẹn là điều rất khó. “Sau Giải phóng, đời sống khó khăn, thứ gì dân bán được là họ bán hết. Rồi mất mát vì nhiều lý do khác, trong đó, do không hiểu hết giá trị mà để mất là nhiều nhất” - ông An nói.

Mộc bản tại chùa Chúc Thánh (Cẩm Hà, Hội An).
Mộc bản tại chùa Chúc Thánh (Cẩm Hà, Hội An).

Một nguồn mộc bản khác, khá độc đáo tại các chùa được đánh giá cao về mặt thông tin tư liệu cũng như tính chất tinh xảo của các nét khắc. Dẫu vậy, ngoài sự bảo quản của nhà chùa, tuyệt nhiên chưa thấy dự án nào hỗ trợ cho những nơi này về phương cách bảo quản kho tài sản vô giá của mình. Một nhà nghiên cứu di sản Hán - Nôm chia sẻ, đa số những người xuất gia không sử dụng chữ Hán, nên kho mộc bản từng rất hữu ích giờ chỉ là những di cảo đã “chết”, dùng để thờ, để bày biện chứ không còn được sử dụng nữa. “Ngay cả những nhà chùa biết chữ Hán, hiểu những mộc bản mình đang lưu giữ là pháp bảo cũng không thể giúp chúng “sống” lại vì họ không còn sử dụng công nghệ in cũ. Với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam cùng việc thiếu ý thức bảo quản và sử dụng, những mộc bản cũng như những quyển sách không bao giờ được giở, cứ im lìm, bị phủ bụi và bị mối mọt khiến di sản này tiêu tán hằng ngày” - vị này nói. Chuyện có thực khi sư thầy Đồng Phước, trụ trì chùa Vạn Đức (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) cho hay, hơn 100 tư liệu mộc bản Hán - Nôm của chùa vẫn đang nằm trên gác xép. Các đường biên của mộc bản đang bị mục mủn, chữ mòn do ẩm ướt và các loài gặm nhấm phá hoại vì nhà chùa chưa tìm được không gian cũng như cách thức bảo quản.

Khó có thể kể hết các thông điệp từ lịch sử bằng chính loại hình di sản mang tên Ký ức thế giới này. Nhưng trước rất nhiều nguy cơ di sản biến mất, cần sự tiếp cận có bài bản, trong đó cần nhất là những giải pháp bảo quản, sau khi đã tiến hành kiểm kê, sưu tầm. Có như vậy, di sản mới không ngày một... nghèo đi. (SONG ANH)