Tống Phước Phổ - tấc lòng với tuồng đồ - Bài cuối: Mơ lại giấc tuồng xưa
Một nhà văn, một nghệ sĩ chân chính, một nhà soạn tuồng danh tiếng, cuối đời vẫn chỉ đau đáu ước mong về sự hưng thịnh của tuồng…
Quê nhà còn gì?
Chúng tôi đặt câu chuyện quê xứ của cụ Tống Phước Phổ ở quãng này, coi như một vĩ thanh buồn. Từng là cái nôi của rất nhiều phong trào văn nghệ, cũng là vùng đất sinh thành nên nhiều tên tuổi lớn, nhưng thị xã Điện Bàn vẫn còn “nợ” lời tri ân với những văn nghệ sĩ như Tống Phước Phổ.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa thị xã Điện Bàn cho rằng, không dễ để hồi phục một vốn quý văn hóa như tuồng cổ. “Chúng tôi muốn lắm chứ, nhưng phần thì con người không có, những cụ già rành tuồng đều đã “đi xa”, phần thì đây là bộ môn kén người thưởng thức. Nếu để phục dựng tuồng xưa, chỉ còn ở Triêm Tây họa may có thể (thôn Triêm Tây, xã Điện Phương - PV)” - ông Dũng nói. Động thái duy nhất thị xã Điện Bàn làm cho tuồng đồ từ xưa đến nay, là dựng được một gian trưng bày bộ trống chầu và các hình ảnh biểu diễn tuồng tại Bảo tàng Điện Bàn. Có lẽ bây giờ, tâm thức phục dựng lại một vốn quý văn hóa cổ, đầu tiên phải hướng đến chuyện có thu hút khách, phải phục vụ du lịch, thì mới nên chăng? Khi Hội An “mang tuồng xuống phố”, trong một lần tham dự, hình như chỉ có vài ba người Việt. Còn lại phần lớn là khách Tây. Câu chuyện thưởng thức văn hóa cổ truyền xin dành lại cho một dịp khác. Quay trở lại với “di sản tuồng Tống Phước Phổ”, khi Điện Bàn là “cố quận” của danh nhân này, vẫn chưa thấy có một động thái nào của ngành văn hóa lẫn chính quyền dành cho ông. Càng buồn hơn, khi đình An Quán, nơi thờ, nơi lưu dấu của cụ Tuần An Quán Nguyễn Hiển Dĩnh, cũng là nơi “chôn nhau cắt rốn” của cụ Tống Phước Phổ, đã “chấp chới” ra đi cùng dòng nước. Bây giờ, về lại An Quán xưa, mấy ai còn biết cuộc đời, tên tuổi các cụ?
Năm 1996, chính Nghệ sĩ nhân dân Trần Đình Sanh đã lặn lội từ TP.Đà Nẵng ra đến Hà Nội chờ để nhận phần tiền được công nhận từ Giải thưởng Hồ Chí Minh của cụ Tống Phước Phổ. Ông nhận để về tu sửa lại căn nhà lưu niệm cho cụ Phổ, nằm ngay ở khu lưu trú của các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Cũng cần nói rõ thêm rằng, những ngày cuối đời, cụ Tống Phước Phổ chuyển từ Quy Nhơn về Đà Nẵng sống. Cụ mất năm 1991, đến năm 1996 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về văn học nghệ thuật. Khi ấy, căn nhà cụ sống những ngày cuối đời ở quận Sơn Trà được nâng cấp thành nhà lưu niệm của một danh nhân văn hóa, nhưng mọi thứ còn rất nghèo nàn, ít ỏi. Khi ấy, GS. Hoàng Chương đã viết thật chua xót: “Không một gia tài nào nghèo hơn gia tài của nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ, một trong những nhà viết kịch, nhà văn được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh”.
Từ một cuộc liên hoan
Như bài trước đã đề cập, từ ngày 24.9 đến 4.10.2015, tại TP.Đà Nẵng diễn ra “Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ”. Nghệ sĩ nhân dân Trần Đình Sanh chia sẻ, chính từ liên hoan này có thể nhận biết được sức sống còn của tuồng ra sao trong đời sống đương đại. Ông nói, qua hội diễn mới thấy, vẫn còn rất nhiều người dành sự quan tâm, đam mê đối với tuồng. “Cả 10 ngày diễn ra liên hoan, chúng tôi vui như hội, khi có đến hàng trăm diễn viên chuyên và không chuyên trên cả nước tham dự. Có những thành công ngoài sức tưởng tượng. Có những câu chuyện, những người mê tuồng khiến chúng tôi thật sự cảm động” - nghệ sĩ Trần Đình Sanh chia sẻ. Và ông kể câu chuyện về một người mê tuồng ở TP.Hồ Chí Minh nhưng lại tài trợ cả 100 triệu đồng cho đoàn tuồng Ngự Câu của huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội, với vở diễn “Ngọn lửa Hồng Sơn” - vở tuồng lịch sử đặc sắc của cụ Tống Phước Phổ. Hay ở tỉnh Bắc Ninh, trong bán kính chỉ 2 cây số mà có đến 4 đoàn tuồng tham gia liên hoan… Liên hoan tuồng Tống Phước Phổ cũng là lần đầu tiên tôn vinh một người hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật tuồng, và cũng theo kế hoạch của Hội Sân khấu Việt Nam, mỗi năm sẽ tổ chức một hội diễn - liên hoan để tôn vinh những danh nhân văn học nghệ thuật nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trước đó, vào năm 2014 đã diễn ra liên hoan tác phẩm của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ (quê gốc Quảng Nam - Đà Nẵng).
Lòng yêu nghề và giữ nét nguyên vẹn của tuồng truyền thống có lẽ sẽ an ủi phần nào những người đã trọn đời dành cho tuồng đồ. Những vở diễn “Tam Hạ Nam Đường”; “Mười tám năm ly hận”; “An Tư công chúa”; “Ngọn lửa Hồng Sơn”; “Trưng Nữ Vương”; “Bao Công tra án Quách Hòe”; “Bốn ngàn năm họp mặt”; “Đào Phi Phụng”; “Kiều Nguyệt Nga cống hồ”; “Sơn Hậu”; “Lê Lai đổi áo”; “Lã Bố hý Điêu Thuyền”; “Ngô Vương Quyền”…, đã thể hiện một cách sinh động và rõ nét tài năng của tác giả Tống Phước Phổ. Đồng thời có ý nghĩa to lớn với giới nghệ sĩ sân khấu truyền thống Việt Nam, đặc biệt là nghệ sĩ sân khấu tuồng, khi loại hình nghệ thuật truyền thống đang mai một và khó tiếp cận với khán giả. Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng, “Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ” là hoạt động thể hiện sự tri ân với những đóng góp to lớn của tác giả, cũng là để các nghệ sĩ sân khấu hướng tâm về với Tổ nghiệp (giỗ tổ vào ngày 12.8 âm lịch). Nhiều diễn viên tham gia liên hoan chia sẻ rằng, cụ Tống Phước Phổ đã để lại những tác phẩm đẫm đầy giá trị nhân văn, tiếp lửa cho thế hệ nghệ sĩ hôm nay thêm yêu và gắn bó cùng nghệ thuật tuồng.
Và có thể, từ cuộc liên hoan này, những người yêu tuồng có quyền mơ và nghĩ về nhiều đêm diễn khác, về những sân khấu vang tiếng trống chầu sáng đèn mỗi đêm.
SONG ANH