Gió qua Ba Tháp

PHAN HOÀNG 15/11/2015 09:29

Tôi quành xuống chân cầu Tam Kỳ, đi ngược về phía Ba Tháp.

Tháp Khương Mỹ. Ảnh: P.HOÀNG
Tháp Khương Mỹ. Ảnh: P.HOÀNG

Ba Tháp là tháp Khương Mỹ (Tam Xuân 1, Núi Thành). Anh Tuấn, tên người canh tháp bảo mình thuộc biên chế Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam (Sở VH-TT&DL) nhưng ở tháp miết nên cứ tưởng mình là người Chăm. Số điện thoại kèm dòng chữ “liên lạc khi cần mở cửa” treo ngay cổng vào khu Ba Tháp. Khi có chút việc cần chạy đi đâu đó, anh lại treo cái này lên. Tôi hỏi anh gần mười lăm năm ngồi canh tháp, buồn vui đọng lại bao nhiêu? Giọng hụt hụt, ậm ờ không đếm được, cứ trôi như ngày tháng. So với 10 năm trước, anh thấy tháp xuống cấp nhiều. Hàng xóm của anh Tuấn, nhà sát chân tháp, làm nghề chế biến bò khô, tướng cao to vạm vỡ nói một câu… đầy thơ “gió mòn hết tháp còn đâu!”. Cả chục năm ở đây, tôi thấy người quay phim chụp ảnh rồi nghiên cứu miết miết, mà có thấy làm được chi đâu, tháp cứ mòn dần, mòn dần. Tôi cự nự, gió mưa ngoài kia thì chịu. Anh cũng không vừa, thì nghiên cứu là để chống gió chống mưa, chớ người thì đã có hàng rào bảo vệ kia, đã có ông canh cửa Tuấn đây, cần chi chống người nữa. Tôi sực nhớ một họa sĩ chuyên nghiên cứu về tháp Chăm có lần kể chuyện: một quản lý di tích nói với anh “viên gạch năm 2007 thì cũng như viên gạch ngàn năm trước thôi”, bối cảnh của chuyện kể là bất đồng trong việc trùng tu và bảo vệ di tích Khương Mỹ. Có lẽ, anh chủ tiệm bò khô không biết được, chuyện con người phá (kiểu vô trách nhiệm như người quản lý nọ) còn kinh hoàng hơn gấp bội những ngọn gió ngoài kia. Mười mấy năm ngồi canh tháp ở đây, kỷ niệm nhớ đời của anh Tuấn là lần duy nhất vào… ngủ trong tháp! Anh kể, hồi mới tới quanh đây cây cối rậm rạp lau lách um tùm, không có chỗ ngủ, bữa đó anh và một người bạn dựng giàn giáo vào ngủ trong tháp. Sau đêm ấy, không bao giờ anh dám lặp lại điều đó lần nào nữa. Tôi vặn, ma hời kêu anh dậy rủ đi chơi chớ chi, anh lắc đầu, mình không biết nhưng ám ảnh ghê lắm. Mọi thứ rất rợn. Mình nghĩ đó là ứng xử, chỗ ấy là nơi người Chăm thờ cúng mà. Anh vào nơi thờ cúng của người ta, không cung kính thì thôi chớ còn xoạc chân ra ngủ, người ta không vặn cổ anh là may!

Trong khu vực khoanh vùng di tích Ba Tháp, có cả chùa (miếu) và cây đa cổ thụ. Từ 1906, người Pháp đã có chụp bức ảnh về ngôi miếu nằm sát rạt tháp Khương Mỹ này. Miếu sau thành chùa làng, nhỏ bé và khiêm nhường nhưng tồn tại từ đó đến nay. Nay, chùa đã được xây mới ra ngoài khuôn viên bảo vệ tháp, có tên chùa Hưng Mỹ. Và nghe nói sắp tới sẽ di dời, dỡ bỏ chùa cũ cạnh chân tháp. Tôi hơi tiếc, tại sao phải dời đi, khi nó như chứng nhân của làng mạc, của sự giao thoa tiếp biến văn hóa Chăm – Việt. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói nếu di dời, phải cẩn thận vì ở dưới chân miếu đó, chắc chắn còn nhiều di tích của tháp. Những lần khai quật dang dở, những đoạn móng tường thành bao quanh tháp thỉnh thoảng phát lộ khiến ông luôn đau đớn mỗi khi tiếp nhận thông tin nào đó có khả năng xâm phạm đến di tích. Nhưng lực bất tòng tâm, ông không thể làm gì khác được.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, Khương Mỹ là cụm tháp đẹp nhất trong các tháp còn lại của người Chăm. Nhưng mỗi năm, khách đến tham quan cụm ba tháp Khương Mỹ chừng vài trăm người. Tôi nhìn những bức phù điêu chạm khắc hình khỉ ở chân tháp Khương Mỹ và hình dung đến khỉ ở chùa Cầu (Hội An). Các thế ngồi thế đứng của khỉ tạc vào chân tháp sống động một cách lạ lùng, không khuôn khổ và nghiêm cẩn như ở chùa Cầu. Tôi miết tay vào tường gạch cổng chính ở tháp giữa, thấy hiện lên những tên những tuổi những tháng ngày của vài người nào đó cố tình đòi “lưu danh thiên cổ” bằng cách vớ vẩn này... Vọng lại tiếng rin rít từ lỗ thông gió trên đỉnh tháp hòa vào tiếng dơi đập cánh trong lòng tháp.

Không chỉ có gió khiến tháp mòn.

PHAN HOÀNG

PHAN HOÀNG