Tống Phước Phổ - tấc lòng với tuồng đồ - Bài 2: Nửa thế kỷ viết tuồng

SONG ANH Bài cuối: Mơ lại giấc tuồng xưa 13/11/2015 09:35

Khá nhiều vở tuồng lịch sử do cụ Tống Phước Phổ biên soạn cho đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Hơn nửa thế kỷ sáng tác, lòng yêu nước như mạch nguồn cuộn chảy trong tác phẩm của cụ.

  • Tống Phước Phổ - tấc lòng với tuồng đồ - Bài 1: Nhà cách mạng "nghệ sĩ"

Từ ngày 24.9 đến 4.10.2015, người yêu tuồng xứ Quảng cũng như người yêu tuồng cả nước có dịp được nghe và xem trọn một số tác phẩm tiêu biểu cụ Tống Phước Phổ soạn tại “Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ” do TP.Đà Nẵng đăng cai tổ chức. Chương trình có sự phối hợp tổ chức của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Bộ VH-TT&DL, nhân kỷ niệm 24 năm ngày mất của ông (31.8.1991). Tham gia liên hoan có gần 600 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên đến từ 20 đoàn, câu lạc bộ tuồng trên cả nước, với 23 vở diễn dài, ngắn từ kịch bản sáng tác, hiệu đính, chỉnh sửa nâng cao của tác giả Tống Phước Phổ. Phần lớn là những vở tuồng lịch sử, và tất thảy đều dấy lên tấm lòng của một người luôn đau đáu với vận nước non.

Di sản lòng yêu nước

Trong số gần 100 kịch bản tuồng của soạn giả Tống Phước Phổ, phần lớn dựa theo tích sử với những câu chuyện, nhân vật anh hùng của dân tộc và có hơn 20 vở về đề tài cách mạng. Theo GS. Hoàng Chương, từ khi cầm bút viết tuồng cho đến lúc chết, tư tưởng yêu nước và lòng tự hào dân tộc là thông điệp gửi gắm trong những sáng tác của cụ Tống Phước Phổ. Ông muốn mượn cây bút và mượn sân khấu để làm sống lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Có lẽ vậy nên những vở tuồng cụ Phổ soạn được rất nhiều đoàn tuồng dựng lại, và ở cả thời kỳ binh biến hay hòa bình, những lớp người yêu quý vốn văn hóa cổ này luôn say sưa đón nhận.

Ở cuộc gặp với người viết vào giữa tháng 9 vừa qua, NSƯT. Nguyễn Vĩnh Huế - người chuyên vẽ mặt nạ tuồng, khi nhắc đến cụ Tống Phước Phổ đã tỏ bày lòng ngưỡng vọng, như khi nói về những soạn giả tuồng lớn nhất Việt Nam. “Trong đội ngũ viết tuồng từ xưa đến nay, thời các cụ Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ là thời vàng son của tuồng, ở mọi phương diện. Về cả số lượng và chất lượng, sau hai “ông quan viết tuồng” Đào Tấn và Nguyễn Hiển Dĩnh, cụ Tống Phước Phổ là người sáng tác chủ lực của ngành tuồng trong thời gian này” - NSƯT. Nguyễn Vĩnh Huế nói. Từ những năm 1920, với các vở tuồng Lâm Sanh - Xuân Nương, Lục Vân Tiên, Kiều Quốc Sĩ…, người ta bắt đầu chú ý tới tâm ý gửi gắm trong kịch bản của cụ Phổ. Mật thám và thực dân Pháp cũng bắt đầu theo dõi người thanh niên trí thức Tống Phước Phổ. Những câu tuồng đẹp đầy khí khái trong vở Trưng Trắc: “Ta biết bay giăng lưới họa/ Dù chết đi ta vẫn cam lòng/ Tỏa mây mù chạnh ngóng non sông/ Nặng xiềng xích thương thay nòi giống(…)/ Nhà dù tan nước giữ cho còn” (thoại Thi Sách) được viết lúc còn rất trẻ sau này đã trở thành “hồn phách” trong những vở tuồng của ông.

Sinh thời, cụ Tống Phước Phổ từng chia sẻ với lớp diễn tuồng thế hệ sau rằng, may mắn của ông là được Tuần An Quán Nguyễn Hiển Dĩnh - cũng là cậu mình chọn làm phụ tá để ghi chép, chỉnh lý các vở tuồng. Những năm chép tuồng và tham gia làm biên tuồng với cậu là quãng thời gian ông học được rất nhiều về đặc trưng, kỹ thuật sáng tác và biểu diễn tuồng. Sau này, văn phong cụ Đào Tấn - cũng là một vị quan viết tuồng xuất sắc của miền Trung đã ảnh hưởng sâu sắc đến bút pháp của Tống Phước Phổ. Những sáng tác với nỗi lo canh cánh chuyện nước non đã mất mát khá nhiều, nhưng di sản tuồng cụ Tống Phước Phổ để lại vẫn đủ sức để người đời sau gợi nhắc và tôn vinh.

Đau đáu cùng tuồng

Tấm lòng cụ Tống Phước Phổ với nước non, dân tộc trong bối cảnh mà chỉ có dùng văn chương mới đủ để lay động lòng người, bằng văn nghệ đấu tranh mới đủ sức tác động, là lời hiệu triệu với số đông. Khi đoàn tuồng Liên khu 5 thành lập, cùng với các nghệ sĩ Đội Tảo, Nguyễn Lai, Tống Phước Phổ đã viết vở tuồng “Chị Ngộ”, kịp thời phục vụ bộ đội và đồng bào ở Liên khu 5. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Tống Phước Phổ là tác giả chuyên nghiệp đầu tiên của sân khấu tuồng cách mạng, đồng thời góp phần phục hồi nghệ thuật truyền thống sau những năm bị bế tắc. Lớn lên từ cái nôi của lòng yêu nước, từ những cá tính đặc sắc xứ Quảng, nên sẽ dễ dàng nhận ra ý tình cụ Tống Phước Phổ gửi gắm qua các nhân vật trong hơn nửa thế kỷ dành trọn vẹn cho sáng tác tuồng…

Bằng những cung bậc bi tráng, theo đúng tinh thần cụ Đào Tấn, rằng “Trung hiếu khó vẹn toàn, khá lấy tôi trung làm con thảo/ Tử sinh đừng tính toán, nên hay ngày chết tức ngày sinh”, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cụ Tống Phước Phổ vẫn quyết theo tuồng đến ngày cuối cuộc đời, lấy sáng tác tuồng làm lẽ sống, niềm vui. Từ “Áo vải cờ đào”, “Trưng Nữ Vương”, “Lam Sơn khởi nghĩa”…, với âm hưởng hùng tráng và trữ tình, kết cấu tính kịch cao, những “miếng” tinh tế của nghệ thuật tuồng được ông phơi bày ra, cho người diễn có đất để thỏa sức. Dường như một định mệnh cho tuồng, khi nó chỉ thật sự thăng hoa ở các đề tài lịch sử, thì nghiễm nhiên, cụ Tống Phước Phổ trở thành một tác giả xuất sắc ở mảng tuồng này. Như chính ông nhìn nhận tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 1957: “Nghệ thuật tuồng đi vào đề tài lịch sử dân tộc là con đường thuận lợi và đầy triển vọng (…). Nhưng tuồng còn có một gia tài kịch mục cổ truyền vô cùng phong phú, có giá trị về mặt kịch bản và nghệ thuật. Đó là tài sản quý báu của người xưa để lại, ta phải có trách nhiệm chọn lọc rồi chỉnh lý, cải biên cho phù hợp”. Vậy nên dù đề tài lịch sử là thế mạnh, sau này, khi phù hợp với điều kiện cuộc sống, ông đã mạnh dạn thử nghiệm tuồng ở nhiều thể tài, từ dân gian đến tâm lý tình cảm và cả chuyển thể truyện, kịch nói, kịch thơ sang kịch bản tuồng.

Trọn cuộc đời, dù nghèo khó, cơ cực, nhưng chưa bao giờ ông thôi viết tuồng, thôi nghĩ về tuồng. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật được trao cho ông năm 1996 chính là sự ghi nhận về tầm cỡ lớn lao của một soạn giả sân khấu tuồng.

SONG ANH
Bài cuối: Mơ lại giấc tuồng xưa

SONG ANH Bài cuối: Mơ lại giấc tuồng xưa