Dấu ấn dòng họ ở ngôi đình xưa

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 24/10/2015 10:13

Đình thường được dựng nên do nhiều dòng tộc họ của làng của xã và cả một vùng lớn đóng góp tài - vật - công - của. Và việc này, với người hôm nay chỉ nghe qua lời kể, vài ghi chép trên giấy hoặc minh văn trên bia đá… nhưng trực tiếp khắc tên các dòng họ trên cấu kiện gỗ có lẽ ngôi đình Phú Trà, Phú Ninh là duy nhất.

Năm 2003 tôi  tình cờ được các anh phòng văn hóa thị xã Tam Kỳ dẫn đi thăm ngôi đình xưa ở xã Tam Thái. Sau chuyến đi tôi với anh Hoàng cán bộ phòng có bài thông tin trên tạp chí Văn hóa Quảng Nam về ngôi đình Phú Trà ở làng Phú Trà thôn Xuân Phú  có nguy cơ đổ sập do tường bị nứt, cột nghiêng, mái tụt hết ngói nên mưa đang hủy hoại hàng ngày. Bài viết có nhấn mạnh về nét đặc biệt của đình Phú Trà có giá trị với các chữ Hán khắc ở vị trí gần đầu cột ở bụng thanh xuyên và thanh trính/tránh. Lo ngại ngôi đình cổ bị xuống cấp có thể bị mất đi, anh Hoàng Y lúc ấy là giám đốc trung tâm văn hóa của thị xã Tam Kỳ đã nhanh chóng cùng chính quyền và dân nhân dân địa phương tháo dỡ, cất giữ, bảo quản ngay tại chỗ bằng cách đánh dấu vị trí cột kèo… xếp đặt, kê kích, che chắn các cấu kiện gỗ bằng các tấm tôn fibrô xi măng. Phải nói rằng với góc độ bảo tồn việc này thật đáng trân trọng! Và hôm nay tôi trở lại và may mắn việc cất giữ đã có thể cho ta hiểu  thêm những giá trị này khi hầu như các dấu tích khắc trên các cấu kiện gỗ còn nguyên.

Thông tin cho biết đình làng Phú Trà do thiết thủ Phan Văn Tịnh, lý trưởng Phan Văn Hòa, hương mục Phan Văn Du cùng các vị chức sắc khác trong làng xây dựng vào ngày mùng 6 tháng 6 năm Tự Đức thứ 6 (1854) (trích lý lịch đình làng Phú Trà do ông Trương Thành lập vào tháng 8.2015). Theo tìm hiểu tại hiện trạng của tôi về quy mô của ngôi đình chỉ xếp vào loại trung bình - khá phổ biến ở xứ Quảng có kiểu thức kết cấu gỗ và tạo hình theo phong cách phường thợ mộc xưa Văn Hà (nay là ngôi làng ở xã Tam Thành, Phú Ninh).Với kiến trúc truyền thống có mặt chính hướng đông nam từ ngoài vào gồm cổng tam quan; bình phong; đình chính/tiền đình và hậu tẩm tạo nên chữ đinh. Ngoài ra bên phía tả của đình có thêm miếu thờ ông bà Trọng – người có công đóng góp tiền của cho làng. Phần tam quan và bình phong đã bị mất. Đình chính là kiến trúc có bộ khung gỗ đỡ mái ngói âm dương với 3 gian không có chái. Gồm 4 hàng cột dọc và 4 hàng cột ngang. Gian giữa rộng nhất 2,30m, gian bên 2,16m. Cột bằng gỗ mít có dáng mập kiểu đòng đòng (kiểu đầu và chân thon lại giữa phình ra) có đường kính cột cái chỗ lớn nhất gần 0,30m và cao 3,60m. Thanh trính nối cột cái tiền và hậu ăn mộng ở vị trí cao hơn vị trí của thanh xuyên và có chạm khắc ở phần đầu dư càng rõ nét truyền thống của kiểu thức thiết kế đình ở miền Trung. Trên lưng trính vẫn còn nguyên phần đế tôm, trụ đội và ấp quả đỡ vài nóc. Hậu tẩm nối liền với đình chính với bức tường hậu có cửa vòm cuốn ở gian hai bên, trên có máng xối thoát nước cho hai mái (phần mái sau đình chính và mái chái của hậu tẩm). Đây là ngôi nhà cũng có bộ khung bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương với không gian mặt bằng 1 gian 2 chái với đầu chái nối với đình chính. Gian giữa qua tim cột 2,01m, chiều cao cột cái 3,17m, đường kính 0,+21m. Các con số đo được cho là phù hợp với số vào cung tốt của thước Lỗ Ban. Kiến trúc hậu tẫm có nhiều cấu kiện bằng gỗ mít còn chất lượng tốt. Nhất là cặp thanh trính còn nguyên vẹn, xinh xắn với gờ chỉ ghim hình vỏ đậu cùng các gờ gấp uốn lượn. Toàn bộ cột gỗ được kê trên đá tán và tường bao của đình được xây bằng đá núi được kết dính với vữa truyền thống gồm hỗn hợp vôi với mật đường mía.

tác giả bài viết đo vẽ lại các cấu kiện của ngôi đình.
Tác giả bài viết đo vẽ lại các cấu kiện của ngôi đình.

Như đã nói trên giá trị nổi trội ở đình Phú Trà là những chữ Hán được khắc lõm, nét khắc đẹp ở vị trí trang trọng như trên gần đầu cột (gần chỗ tiếp giáp cột với kèo), dưới bụng/dạ thanh trính, thanh xuyên. Theo kỹ thuật xây lắp những ngôi nhà bằng gỗ vào ngày trước thì người thợ cả chỉ cần dùng mực đánh dấu các cấu kiện  với  hệ thống chữ Hán, chữ Nôm mà thường gọi là chữ Ta. Các chữ này viết đơn giản nét mà các người thợ trong nhóm có thể hiểu về vị trí hướng như tiền – hậu, đông – tây, nhất – nhì, và công năng cấu kiện đấm – quyết… làm sao để dễ dàng lắp dựng thực tế khi đã hoàn thành ở nhà xưởng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý các công trình xây dựng ngày trước thường được nhiều dòng họ của địa phương, vùng rộng lớn đóng góp như đình Ngũ xã (Duy Trung, Duy Xuyên), đình Thái Đông (Bình Nam,Thăng Bình  )… và việc khắc tên để ghi dấu công đức là có. Và việc này cũng khá khiêm tốn với vài nét khắc hoặc ghi vào các bài sắc phong được giữ ở người thủ sắc. Việc ghi trên giấy thường hay bị hủy hoại do thời tiết và cách bảo quản. Một điều đáng lưu ý cho những ai nghiên cứu về dòng tộc của từng địa phương thì đình Phú Trà cho ta thêm thông tin về vai vế, mối quan hệ, các thứ bậc của các dòng họ ở địa phương này. Vì với trên 25 cấu kiện gồm cột, xuyên, trính với các cặp chữ mang ý nghĩa về dòng họ như Phan, Nguyễn, Trần, Trương  tên Sâm, Tài, Luyện, Nghị, Luật, Đằng... được khắc lõm rõ, sắc nét, đẹp ở vị trí cột cái/cột hàng nhất hay dạ trính, dạ xuyên sẽ có vị trí thứ bậc cao hơn ở vị trí cột hàng nhì… Ngoài ra khi trao đổi với những chuyên gia về Hán Nôm thì ngoài chữ mang ý nghĩa dòng họ  còn có thêm chữ Phân như Hữu phân, Tây phân…  với ý nghĩa về vị trí của cấu kiện gỗ.

Có thể đây chỉ là phát hiện muộn màng về dấu ấn của dòng họ trên kiến trúc cổ bằng gỗ ở xứ Quảng. Nhưng việc dựng lại ngôi đình này là cần thiết và việc cấp thiết tiến đến  xếp hạng di tích là kiến trúc lịch sử văn hóa. Những cấu kiện chính nâng đỡ mái như cột, kèo, xuyên, trính… đang được gìn giữ là ta có thể dựng lại hầu như cơ bản ngôi đình làng xưa. Bước đầu vài thông tin, người viết bài này cũng mong có sự đóng góp của những nhà chuyên môn và ý kiến của chuyên gia Hán Nôm.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ

NGUYỄN THƯỢNG HỶ