Nét cọ cho quê
Tươi. Vui. Tranh của Bạch Hoàng Anh mở ra một thế giới đầy sắc màu hồn nhiên, “một bảng màu riêng, cá tính hơn, nồng đượm hơn, ấm áp hơn”.
Hai mươi năm, như Hoàng Anh nói, “từ những chuyến đi về, tôi lại càng nhận ra quê nhà chính là nguồn cảm hứng quá tuyệt vời để vẽ, và chắc đó chính là nguồn cảm hứng vô tận”. Nhẹ nhàng, thư thái, tranh của chị thể hiện tâm hồn của người phụ nữ đã vào độ chín của cuộc đời. Và hết thảy mọi thứ đều tươi tắn.
Nghệ nhân Nguyễn Lành và bức họa do Bạch Hoàng Anh vẽ về ông. Ảnh: S.A |
Không phải là người Hội An. Càng xa lạ với vốn liếng văn hóa phố cổ. Thế nhưng, “người Hội An” lại vào tranh của Bạch Hoàng Anh tự nhiên như không. Tự nhiên như khi chị một mình vác ba lô từ Sài Gòn về thẳng làng gốm Thanh Hà, ăn ngủ cùng người làng. Cảm hứng quê hương trở đi trở lại trong lòng người phụ nữ đã qua nhiều biến chuyển cuộc đời. Chọn Hội An, đúng như cách chị bày tỏ, bởi vẻ thong thả của những con phố, có chút bảng lảng bâng quơ khi một mình dạo chân trong các hẻm nhỏ, và hơn thế, là cảm giác bình yên khi đặt chân đến những ngôi làng ven sông. “Hội An ấy, gồm cả những làng quê, là không gian gợi nên nhiều cảm hứng nhất cho người nghệ sĩ sáng tạo. Một vẻ đẹp quý hiếm” - Bạch Hoàng Anh nói. Và những điều người nghệ sĩ cho là đẹp nhất, đã được gom vào tranh chị. Gần 5 tháng, Bạch Hoàng Anh tung tăng ở mọi ngóc ngách của phố cổ, hồn nhiên chuyện trò và tham gia các công đoạn làm gốm của người làng Thanh Hà, và đêm về thì mải mê vẽ. Trọn 50 bức tranh hoàn thành, có bức vẽ ở Việt Nam, có nhiều bức mang về Mỹ vẽ, nhưng cảm hứng như những đợt sóng trào, không hề bị đứt đoạn trong tác phẩm của chị. Nhà báo Nguyễn Thanh Bình, người theo những bức tranh của Bạch Hoàng Anh từ khi còn là khởi thảo, chia sẻ: “nếu tranh của các họa sĩ Á Đông thường ẩn chứa thế giới nội cảm mang màu sắc tâm linh, thì tranh Hoàng Anh lại nghiêng về sự ngẫu hứng của đam mê, hướng tới niềm vui, hạnh phúc, đưa người xem vào không gian của tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người và tình yêu cuộc sống. Nó là một lời chúc phúc!”. Đó cũng chính mật mã trong những tác phẩm của Bạch Hoàng Anh, giải mã vì sao khi nhìn vào tranh chị, người ta luôn thấy ánh lên những tia vui.
Bức họa nghệ nhân Nguyễn Quốc Tuấn. |
Phố cổ tươi màu trong nắng, chợ phố chiều, phố đêm thoảng hoặc những người đàn bà xinh tươi, hay có khi chỉ là những giàn hoa với màu tươi rỡ, Bạch Hoàng Anh gom vào tranh mình sắc thắm của phố. Nhưng ấn tượng nhất, vẫn là chân dung người Hội An trong tranh chị. Bảy bức tranh chân dung khắc họa sống động hình ảnh cần mẫn của con người trong lao động được nữ họa sĩ ghi lại bằng những nét cọ tươi tắn, giàu sức sống theo trường phái ấn tượng hiện đại. Khóe miệng cười, đôi mắt cười, cả không gian bừng sáng theo cảm xúc của chính tác giả. Chị nói, không phải bức họa đẹp vì người vẽ hay đâu, vì những nhân vật chị theo ròng rã mấy tháng ấy đã khiến chị thăng hoa trong nghệ thuật. Những người già của làng gốm Thanh Hà, với gần như trọn cuộc đời dành cho đất sét, nhưng chỉ có Bạch Hoàng Anh là người đầu tiên vẽ về họ, và tặng lại họ những bức họa của mình. Nghệ nhân Nguyễn Lành san sẻ: “Cô ấy vẽ mình lúc nào cũng không biết nữa. Tới ngày cô làm triển lãm gửi thư mời tới nhà mới biết. Mà vẽ giống thật. Cả tôi lẫn vợ đều giống, giống tới từng động tác khi chuốt gốm, xoay bàn…”.
Nữ họa sĩ này không chỉ vẽ vì đam mê. Trải qua những ngày cơ hàn nơi xứ người, 20 năm ngày trở lại, Bạch Hoàng Anh nói, chị muốn mang những may mắn mình có được trong hiện tại để chia sớt cho những hoàn cảnh khốn khó. Hai cuộc triển lãm tổ chức ở hai nơi, TP.Hồ Chí Minh và Hội An, chị đều dành số tiền mình bán tranh để quyên tặng cho các em mồ côi. Chị còn có một quỹ từ thiện, để từ những tác phẩm của mình, sẽ có những người nghèo được trợ sức. Trong buổi khai mạc triển lãm tại Công viên Gốm Đất nung Thanh Hà, người chồng Mỹ đàn guitar, và Bạch Hoàng Anh cất lên giọng hát ngọt ngào tặng người làng Thanh Hà: “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”… Dù được mất, vui buồn, hạnh phúc hay bất hạnh, dông bão hay bình yên, người phụ nữ này đã trở về!
HẢI ANH