Ưu tiên bảo tồn di tích

LÊ QUÂN 12/10/2015 14:32

Trong khi nhiều tỉnh thành khác bắt đầu “e ngại” khi ngân sách trung ương cấp cho chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sắp kết thúc (cuối năm 2015), thì Quảng Nam đã “kịp” tìm nguồn vốn đầu tư cho mình.

Đề án “tu bổ di tích quốc gia và cấp tỉnh” giai đoạn 2016 - 2020 vừa được HĐND tỉnh thông qua với tổng kinh phí 80 tỷ đồng… là sự tiếp sức cho công cuộc bảo tồn trùng tu di tích trên toàn tỉnh trong thời gian đến.

Chủ động tìm cơ chế

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, Quảng Nam là tỉnh có số lượng di tích, di sản văn hóa cả vật thể lẫn phi vật thể khá lớn, nên trách nhiệm bảo tồn và phát huy phải được đặt lên hàng đầu. “Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, từ ngân sách trung ương, địa phương đến việc huy động các tổ chức quốc tế, kêu gọi địa phương, việc trùng tu, tôn tạo di tích cơ bản ổn định. Trong quá trình trùng tu chưa để di tích nào bị biến dạng hay sụp đổ, cũng như tình trạng xâm hại di tích vẫn chưa đến mức báo động. Kể cả thu lợi hay không thu lợi từ di sản, thì vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phải được làm ở mức tốt nhất có thể” - ông Hài nói. Khá nhiều những chương trình, dự án bảo tồn văn hóa, trùng tu di tích được đưa vào thực tế. Và tất cả đều đã gây hiệu ứng tốt với cộng đồng. Đưa giáo dục di sản vào trường học, hay mới đây là cuộc thi “Đồng hành với di sản” tại TP.Hội An đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Khu đền tháp Mỹ Sơn – bên cạnh ngân sách còn thu hút các chương trình, dự án trùng tu từ các tổ chức nước ngoài. Ảnh: LÊ QUÂN
Khu đền tháp Mỹ Sơn – bên cạnh ngân sách còn thu hút các chương trình, dự án trùng tu từ các tổ chức nước ngoài. Ảnh: LÊ QUÂN

Riêng đối với việc trùng tu di tích, Quảng Nam là một trong những tỉnh đầu tiên đưa ra cơ chế đối với công việc này. Bắt đầu từ năm 2011, cơ chế “tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh” với tổng số vốn 36.5 tỷ đồng đã “cứu nguy” cho khá nhiều di tích, đặc biệt đối với các di tích, phế tích Chăm. Bắt đầu từ 2016, khi Trung ương bắt đầu “khoán trắng” cho địa phương, thì Quảng Nam đã linh động đệ trình cơ chế “tu bổ di tích quốc gia và cấp tỉnh” giai đoạn 2016 - 2020.  Theo đó, sẽ có 74 di tích quốc gia và cấp tỉnh xuống cấp nằm trong danh mục tu bổ theo đề án này, trong số đó, có mộ thứ phi vua Quang Trung và các tướng Tây Sơn ở Hội An; các tháp Chăm Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bằng An, Phật viện Đồng Dương; mộ danh nhân Trần Quý Cáp, Hoàng Diệu, Trương Công Hy; nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu, đình Chiên Đàn, chùa Hải Tạng; các căn cứ lịch sử cách mạng ở Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Duy Xuyên… Bên cạnh đó là 89 phế tích khác cần dựng bia, sửa chữa tượng đài… Trong đó các di tích kiến trúc Chăm được đầu tư  6 tỷ đồng/hạng mục, các di tích lịch sử cấp quốc gia sẽ có 2 tỷ đồng mỗi năm, các kiến trúc đình, nhà thờ, đài tưởng niệm cấp quốc gia được đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Đối với các di tích cấp tỉnh sẽ được phân bổ từ 300 – 600 triệu đồng/ di tích. Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho biết: “Cơ chế tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh 2011 – 2015 đã tạo đà cứu nguy các di tích, đồng thời cũng làm nền để ngành văn hóa tiếp tục nhận được sự ủng hộ để thông qua đề án tu bổ di tích giai đoạn 2016 – 2020 với mức kinh phí 80 tỷ đồng này. Đây là điều đặc biệt thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với các di tích văn hóa”.

trùng tu nhà cổ tại Hội An.
Trùng tu nhà cổ tại Hội An.
Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, định hướng thời gian tới, bên cạnh việc ưu tiên bảo tồn, trùng tu các di tích văn hóa, thì công cuộc xây dựng con người văn hóa cùng một môi trường sống văn minh, trong đó đẩy mạnh các hoạt động văn hóa cộng đồng, giáo dục nghệ thuật trong trường học… là những phần việc quan trọng.

Linh động tìm ra quyết sách đầu tư cho văn hóa, khá nhiều các chính sách đề án được thông qua và đi vào thực tế, trở thành những quyết sách hữu hiệu. Từ quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch; các quy định hỗ trợ sáng tạo của văn nghệ sĩ và bồi dưỡng những tài năng trên lĩnh vực văn hóa, thể thao; chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch; hay quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của Khu đền tháp Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An và Khu di tích cách mạng Trung Trung bộ - Nước Oa theo một chiến lược dài hạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025... bước đầu đã thể hiện những thành công.  

công nhân di sản của Mỹ Sơn.
công nhân di sản của Mỹ Sơn.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy được quan tâm đầu tư khá “mạnh tay” như vậy, nhưng lãnh đạo ngành văn hóa cho rằng, hiện tại ngành văn hóa địa phương vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn. Đầu tiên, khi chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa kết thúc, tuy đã tìm được nguồn vốn đầu tư trong thời gian sắp tới, nhưng nguồn lực tài chính này vẫn không thể đáp ứng nhu cầu tu bổ di tích của địa phương. Đặc biệt đối với Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An, khi mức đầu tư tu bổ cho 2 di sản văn hóa này lên đến hàng trăm tỷ đồng, thì việc “bám víu” vào ngân sách tỉnh là điều không thể. Khó khăn thứ hai, theo nhiều cán bộ văn hóa nhận định, giải pháp kỹ thuật trùng tu đối với nhiều di tích, đặc biệt với di tích, phế tích Chăm, đều đang trên bước đường vừa thử nghiệm vừa áp dụng, nên không thể nóng vội. Nguyên liệu trùng tu cũng là vấn đề “đau đầu” cho các nhà nghiên cứu. “Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là đội ngũ nhân lực có tay nghề, chuyên môn cao” - ông Đinh Hài nói. Trong khoảng 5 năm, từ 2011 – 2015, tại Mỹ Sơn, chỉ mới có khoảng 50 công nhân lành nghề trong việc trùng tu, tu bổ di tích Chăm, bên cạnh đội ngũ chuyên gia của nước ngoài.

Toàn tỉnh hiện có 300 di tích cấp tỉnh, 60 di tích quốc gia, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An vừa là di tích quốc gia đặc biệt, vừa là Di sản văn hóa thế giới. Đến nay, tỉnh Quảng Nam có 1 di vật được công nhận Bảo vật quốc gia và 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Giải quyết những khó khăn này như thế nào trong thời gian tới? Câu trả lời được ngành văn hóa đưa ra là phải đi từng bước một, “tích tiểu thành đại”. Đầu tiên đối với đội ngũ nhân lực, hiện tại ngành văn hóa sắp đưa vào hoạt động dự án dạy nghề trùng tu di sản. Theo dự kiến sẽ bắt đầu chiêu sinh từ năm 2016. Trong khi đó, đối với nguồn vốn trùng tu, xã hội hóa là phương kế hay nhất để các địa phương góp sức cùng tỉnh bảo tồn các giá trị văn hóa của mình. Riêng đối với hệ thống tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, hiện tại đang có chương trình đưa tất cả nhóm tháp Chăm trở thành một hệ thống di sản văn hóa Chăm, từ đó dẫn đến việc đầu tư trùng tu từ các tổ chức nước ngoài sẽ không chỉ dừng lại ở Mỹ Sơn. Đô thị cổ Hội An, ngoài nguồn ngân sách từ tỉnh và việc thu lợi du lịch từ địa phương, tranh thủ sự giúp sức của các tổ chức quốc tế cũng là phương án tốt nhất hiện nay.

Ngoài phần việc bảo tồn, trùng tu di tích, bề dày văn hóa Quảng Nam vẫn cần nhiều sự quan tâm để tiến tới sự phát triển bền vững, trong đó văn hóa đóng vai trò trọng tâm.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN