Ông tú làng Diệm Sơn

LÊ THÍ 12/10/2015 13:37

Có một vị tú tài đã tham gia suốt cả hai cuộc duy tân: phong trào Duy tân (1904-1908) và cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân (1916) nhưng lâu nay ít được nhắc đến một cách đầy đủ. Tên của ông chỉ được nêu kèm theo những sự kiện có liên quan một cách riêng lẻ. Chưa thấy tài liệu nào  trình bày tiểu sử của ông một cách chính xác và có hệ thống. Ông là Đỗ Tự, người con của vùng đất thép Điện Tiến (Điện Bàn).

Sách Lịch sử thành phố Đà Nẵng khi đề cập những nhân vật trọng yếu của cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục Hội đã viết về ông bằng mấy dòng ngắn ngủi: “Cho đến cuộc khởi nghĩa Duy Tân diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thế giới lần thứ nhất, những người chủ trương trong đó có những yếu nhân người Quảng Nam như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Đỗ Tự...” (NXB Đà Nẵng, năm 2001, tr. 92)

Lâm Quang Thự trong sách Quảng Nam: Địa lý - Lịch sử - Nhân vật khi nói về cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân đã cung cấp một số thông tin khá khiêm tốn về Đỗ Tự:

Nhà thờ tộc Đỗ tại làng Diệm Sơn (Điện Tiến, Điện Bàn). Ảnh: LÊ THÍ
Nhà thờ tộc Đỗ tại làng Diệm Sơn (Điện Tiến, Điện Bàn). Ảnh: LÊ THÍ

- “Hội nghị họp tại nhà ông Đoàn Bỗng ở đường Đông Ba, có mặt các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Đỗ Tự (Quảng Nam), Lê Ngung, Nguyễn Thụy…(Quảng Ngãi)…” (trang 744).

- “Về kế hoạch khởi nghĩa…Quảng Nam: Đỗ Tự, Trương Bá Huy, Phan Thành Tài… nắm nghĩa quân, đánh chiếm tỉnh thành…” (trang 751).

- “Trong những người bị đày có y sĩ Lê Đình Dương, lý trưởng Lê Cơ, tú tài Đỗ Tự, Trương Bá Huy, Lâm Nhĩ…” (trang 757).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng trong các cuốn sách được xem là “kinh điển” về Quảng Nam như Quảng Nam - Đất nước và Nhân vật, Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước cũng chỉ cung cấp một số thông tin về Đỗ Tự không nhiều hơn so với Lâm Quang Thự là mấy.

Theo gia phả tộc Đỗ. Đỗ Tự sinh năm 1881 tại làng Diệm Sơn (nay là xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn), thi đỗ tú tài năm 1903 và được triều đình Huế bổ làm quan nhưng ông từ chối, chỉ ở nhà làm thuốc và dạy học. Ông tham gia phong trào Duy tân, lập Hội nông, Hội thương, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, tham gia diễn thuyết bài xích khoa cử, mở trường dạy chữ quốc ngữ… cùng các sĩ phu trong tỉnh. Năm 1908, nhân cuộc biểu tình chống thuế của nhân dân miền Trung ông bị bắt giam ở nhà lao Hội An, sau đó được tha nhưng bị cắt hết danh sắc và phải đóng thuế như dân thường. Châu bản triều Duy Tân viết: “Hồ Cảnh, Nguyễn Bính, Ngô Diệm, Phạm Hữu Đôn, Hoàng Hữu Huyến, Đỗ Tự, Đinh Ích, Trương Ngọc Phiên và Nguyễn Phùng hoặc có hội thương, diễn thuyết, chẳng qua là muội thính a tùng, không có tình gì nặng. Vậy chín tên này xin nên phóng thích nhưng chúng đều là người trong danh sắc mà lại a tùng như thế, chuốc lấy tiếng tăm, xin nên đều cách khử phẩm hàm danh sắc, trước tịch chịu sưu thuế” (Nguyễn Thế Anh, Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân, tủ sách sử học của Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên, Sài Gòn 1973, trang 46).

Năm 1912, Đỗ Tự tham gia Việt Nam Quang phục Hội và là yếu nhân trong cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916. Ông là người mai mối để Thái Phiên cưới con gái của phú hộ Học Băng (người làng Quan Châu, huyện Hòa Vang) nhằm tạo thuận lợi cho việc vận động tài chính cho tổ chức. Đỗ Tự làm rể về làng  Miếu Bông huyện Hòa Vang (vợ ông là bà Nguyễn Thị Thức) và làm nhà về đây để tiện việc liên lạc với các nhà cách mạng (vì nằm ngay trên đường thiên lý Bắc – Nam). Ông vận động gia đình bên vợ tham gia đóng góp nhân lực và tài lực cho cuộc khởi nghĩa; còn các gia đình tộc Đỗ gần nhà ông cũng là nơi hội họp, cất giữ tài liệu, vũ khí, ấn triện, cờ khởi nghĩa. Tại ngôi nhà của ông đã diễn ra cuộc họp quan trọng vào ngày 27.4.1916 của các lãnh đạo khởi nghĩa bàn về việc thành lập chính phủ (thường gọi là Chính phủ Việt Nam quốc quân) sau khi khởi nghĩa thành công, nhưng lấy cớ mừng nhà mới Đỗ Tự để tránh sự dòm ngó của mật thám Pháp. Trong báo cáo của Công sứ Quảng Nam gửi Khâm sứ Huế ngày 1.6.1916 có viết: “... vào ngày 27 tháng 4, trong ngôi nhà của tú tài Đỗ Tự, nằm gần chợ Miếu Bông, nơi đang tổ chức khai trương một cách hợp pháp ngôi nhà mới đó, người ta đã tiết lộ cho một số rất ít người biết về chiếu chỉ của nhà vua kêu gọi nổi dậy trong những người trung thành - gọi là “Nghĩa” - vào đêm mùng 3 rạng sáng ngày 4 tháng 5. Cũng trong đêm hôm đó, một cuộc họp lớn của những người đồng mưu do Thông Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài và Hương Thùy triệu tập đã thông qua những đường hướng lớn về tổ chức nhà nước mới và một bản tuyên ngôn kêu gọi dân chúng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa...”.(Báo cáo số 119-C tại Hồ sơ mang số hiệu 65530, hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại của Pháp đặt tại Aix-en-Provence).

Ông là một trong những đại biểu của Quảng Nam (Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài, Lâm Nhĩ, Đỗ Tự...) tham dự hầu hết đại hội, các cuộc họp quan trọng để vạch kế hoạch cho cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân (Đại hội lần thứ nhất vào tháng 9 năm 1915 ở Huế, Đại hội lần thứ 2 vào năm 1916 tại Quảng Ngãi, cuộc họp ngày 28.4.1916 tại nhà Lâm Nhĩ ở Hòa Vang, Quảng Nam). Ông cũng được tổ chức phân công cùng Phan Thành Tài tấn công đánh chiếm tỉnh thành Quảng Nam vào đêm khởi nghĩa 3.5.1916, sau đó đưa quân hỗ trợ cho Lâm Nhĩ chiếm Đà Nẵng để đón viện binh và vũ khí đưa từ Thái Lan về theo đường biển vào cảng Đà Nẵng. Đỗ Tự cũng là người được tổ chức tín nhiệm bầu vào thành phần nội các của chính phủ cách mạng với chức vụ Bộ trưởng bộ Lễ nghi. (Vua Duy Tân là lãnh đạo tối cao, Lê Đình Dương Bộ trưởng Ngoại giao, Thái Phiên Bộ trưởng bộ Kinh tế kiêm Giáo dục, Phan Thành Tài Tổng tư lệnh quân đội, Trần Cao Vân cố vấn tối cao, Nguyễn Sụy thủ tướng...)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn đi điền dã về tận quê của Đỗ Tự tìm gặp con cháu của ông để tìm hiểu. Dựa vào phả tộc, kỷ yếu của tộc Đỗ và nhất là vào lời kể của người cháu nội của Đỗ Tự (Thái Duy Hòa) đã cung cấp một số thông tin về ông mà lâu nay chưa có tài liệu nào nói đến hoặc nói không chính xác:  

Khi cuộc khởi nghĩa bị bại lộ, lính đến vây nhà ông, vợ con ông bị quản thúc, cha ông bị giặc bắt trói tay chân khiêng đi. Địch bắt tộc Đỗ phải tìm ông và đưa ông ra hàng nếu không sẽ giết tất cả. Trước chữ hiếu với cha, trách nhiệm với gia tộc và vì cuộc khởi nghĩa đã bị bại lộ, thất bại nên ông phải ra nộp mạng để cứu cha với lời than cùng anh: “Chữ Trung không đặng - chữ Hiếu đau lòng. Thôi thì em ra nộp mạng để cứu cha”.

Đỗ Tự bị bắt giải ra Huế, bị kêu án tử hình nhưng gia đình tộc Đỗ đã bán tất cả ruộng đất để lo lót, nhờ thế án tử hình được cải lại khổ sai chung thân đày Côn Đảo. Gia đình lại lo lót thêm nên ông chỉ bị đưa vào giam ở nhà lao Trà Kê tại Tuy Hòa (Phú Yên).

Năm 1919, do cảnh tù đày khắc nghiệt ông bị đau nặng, khó bảo toàn mạng sống nên gia đình phải lo lót lần nữa để xin được đưa ông về quê nhà trước lúc lâm chung. Ông mất năm 1919 tại quê nhà khi chỉ mới 38 tuổi. (Các tài liệu lâu nay đều cho rằng ông bị đày ra Lao Bảo và chết ở đó sau sự biến năm 1918 cùng với Lê Cơ, Lê Liễn, Lâm Nhĩ...). Mộ ông hiện ở tại nghĩa trang tộc Đỗ ở làng Diệm Sơn, xã Điện Tiến,thị xã Điện Bàn.

Nhận định về ông nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn đã viết: “Tuổi ông không cao, đời ông không dài. Nhưng sự nghiệp của ông đúng là một tấm gương tận trung, tận hiếu với đất nước, quê hương, với gia đình, tộc họ, xứng đáng là một danh nhân đất Quảng”.

 Một con đường hay một ngôi trường mang tên ông ở Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, chí ít là trên quê hương Điện Bàn của ông là một việc làm vô cùng cần thiết để ghi nhận những đóng góp của vị tú tài “tận trung tận hiếu”.

LÊ THÍ

LÊ THÍ