Bùi Kiến Thành: Người mở khóa lãng du

XUÂN LAN 12/10/2015 13:13

“Lúc tôi còn là đứa trẻ, thì anh đã là một chính khách tầm cỡ quốc gia. Nửa thế kỷ sau, chúng tôi lại cùng ngồi chia sẻ, trao đổi với nhau chuyện về những dự án, những công trình để thúc đẩy kinh tế đất nước đi lên”. Ông Vũ Ngọc Hoàng – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tuyên giáo Trung ương đã viết như thế trong Lời giới thiệu cuốn sách Bùi Kiến Thành - Người mở khóa lãng du (Tác giả Lê Xuân Khoa, Công ty Sách Thái Hà và Nxb Thế giới hợp tác xuất bản quý II.2015).
Quả thực, cuộc đời Bùi kiến Thành rất kỳ lạ, có lúc thăng có lúc trầm, vinh quang trộn lẫn đắng cay.

Bùi Kiến Thành sinh năm 1931, trong một gia đình họ Bùi tại làng Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông nội là nhà khẩn hoang Bùi Biên có nhiều cống hiến cho kháng chiến chống Pháp tại Trung Phước, Quế Sơn. Bùi Kiến Thành là con cả của bác sĩ Bùi Kiến Tín, một doanh nhân - nhân sĩ uy tín ở Sài Gòn trước năm 1975. Là một trong số những người Việt Nam đầu tiên được đào tạo bài bản về tài chính tại Hoa Kỳ, năm 1954, chàng trai trẻ Bùi Kiến Thành 23 tuổi được mời về  làm trợ lý cho ông Ngô Đình Diệm.

Năm 25 tuổi ông là Đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại Hoa Kỳ. Sau đó, về nước làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Bảo hiểm quốc tế AIU (tiền thân của AIG bây giờ). Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính, Bùi Kiến Thành bị bắt giam hơn một năm. Từ 1965 ông sang Paris định cư, bắt đầu quãng thời gian xa quê hương, rồi trở thành một nhà đầu tư bất động sản lớn tại miền Nam nước Pháp. Hơn nửa đời người bôn ba, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành được Chính phủ Việt Nam liên hệ xin ý kiến tư vấn góp sức cho tiến trình Đổi mới. Và năm 1991 ông chính thức về sinh sống tại quê nhà để có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho đất nước .

Điều độc đáo là cuốn sách Bùi Kiến Thành - người mở khóa lãng du  có cách tiếp cận khác hẳn với một cuốn sách lịch sử hay chân dung nhân vật. Một bức tranh cận cảnh chính quyền Ngô Đình Diệm chân thực, chi tiết, với những lát cắt hồi ức đậm nét cá nhân và nhận xét khác biệt của người trong cuộc - Bùi Kiến Thành.  Tác giả Lê Xuân Khoa và 2 đồng sự (Thanh Huyền và Xuân Chi) đã bền bỉ thực hiện 40 cuộc gặp gỡ, trao đổi với Bùi Kiến Thành trong suốt 2 năm (từ giữa năm 2012) làm chất liệu xây dựng cuốn sách tự sự 305 trang, càng đọc càng khám phá ra những điều  mới mẻ.

“Cuộc đời có những điều thật thú vị” - Bùi Kiến Thành thốt lên như thế khi liên tưởng. Cuốn sách cho ta thấy Bùi Kiến Thành đã góp công lớn trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ và đề xuất nhiều dự án kinh tế chiến lược quốc gia. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đánh giá các ý kiến đóng góp của Bùi Kiến Thành có giá trị ngang tầm một viện nghiên cứu. Đáng tiếc, ngay từ cuối những năm 90  ông đưa ra ý tưởng táo bạo: đóng tàu liên doanh Mỹ - Việt. Bởi nếu làm được cái đó là ta đã tiếp cận được công nghệ đóng tàu của Mỹ, làm chủ được công nghệ về đóng tàu hiện đại từ lâu rồi. Hay trong khi cả thế giới đều quan tâm tới cảng Cam Ranh thì Bùi Kiến Thành phát hiện cảng Vân Phong - Khánh Hòa, khu vực mặt nước trên 43.500ha - lớn gấp ba lần Cam Ranh,  đủ  tiêu chuẩn làm cảng trung tâm trung chuyển quốc tế thuận tiện và an toàn. Vân Phong ở vùng đông bán đảo Đông Dương, là điểm gần nhất trên tuyến hàng hải quốc tế qua Việt Nam…

Từ một chính khách trẻ nhất của dinh Gia Long, làm cố vấn cho 3 đời Thủ tướng của nước CHXHCN Việt Nam (đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng), cho đến nay đã ngoài tuổi 80, ông vẫn tiếp tục đưa ra nhiều ý kiến và giải pháp về lĩnh vực tài chính, tháo gỡ những khó khăn cho nền kinh tế nước ta thời điểm hiện tại. Hoặc trong lúc cấm vận, Bùi Kiến Thành vẫn vận động được chính phủ Mỹ cho phép Công ty luật Covington & Burling nghiên cứu pháp lý về chủ quyền thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông đến giữa năm 1995 thì xong. Họ đăng tải bản nghiên cứu lên International Law Gazette như là một công báo quốc tế về vấn đề luật biển, không phải luật của một nước nào nhưng cả thế giới nhìn nhận và không ai phản đối. Trung Quốc khi đó mới ngã ngửa (!).

Tựu trung, nhớ đến Bùi Kiến Thành, người ta sẽ nhớ đến một người luôn  đi tìm chìa khóa, khai thông những điểm nút gây ách tắc trên diện rộng, mở ra những cơ hội tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam.  Khép lại trang sách, ông nhắn với lớp trẻ  Việt Nam hôm nay rằng: “Mình phải là Nguyễn Tất Thành mới, không còn là để giải phóng đất nước mà là để làm giàu cho đất nước. Không nên nguyền rủa bóng tối mà hãy thắp lên một ngọn đèn. Mỗi người thắp lên một ngọn đèn, có được 100 ngọn đèn, 1000 ngọn đèn nó sẽ sáng ra”.

XUÂN LAN

XUÂN LAN