Phương ngữ Quảng đi vào cuộc sống
Ngôn ngữ xét trên bề mặt tự điển là một thực thể tĩnh. Nó chỉ động và phô trương được khả năng tương tác lung linh khi được vận dụng vào sáng tác văn học và giao tiếp thực tế. Sự vận động không ngừng đã giúp cho ngôn ngữ ngày càng phong phú, mới mẻ thêm, đồng thời cũng đào thải chất cặn để phát triển phù hợp.
|
Tranh biếm họa: Thủ Thiệm, tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng. |
Chịu sự chi phối đó, phương ngữ Quảng Nam trong quá trình hình thành và phát triển cũng phải gồng mình chống đỡ biết bao sự đồng hóa, xâm thực mới cô đọng được nét duyên dáng tinh ròng như hiện nay.
Có cô gái “xứ người” về làm dâu một miền quê xứ Quảng kể lại rằng, khi nghe mẹ chồng bảo “Lấy cái thùng diêm ở trong thộn giùm mẹ” thì cô đã “tái mặt” vì không hiểu mẹ chồng nói lấy cái gì, ở đâu. Chạy quanh đi hỏi anh chồng mới vỡ lẽ ra rằng đó là lấy cái bật lửa ở trong túi áo. Hiện nay, về những vùng quê Quảng Nam, một số từ rất lạ vì đã quá cũ như trường hợp trên đây vẫn còn gặp lai rai. Tuy nhiên, nhóm phương ngữ này (như thộn: túi áo/ quần, đốc: ném, trật: sai, trất: tệ, chưn: chân, chộ: chỗ, nỏ: không, lung: đùa giỡn, đà chuyện: lắm chuyện…) đã mai một, thay vào đó là những từ ngữ có tính toàn dân hơn. Lớp người Quảng Nam trẻ hôm nay, nhất là trong giao tiếp, cũng đã biết tránh bớt phương ngữ để tạo hiệu quả giao tiếp cao hơn.
Tuy nhiên, không nên hiểu vì yêu cầu hòa nhập mà phương ngữ Quảng Nam bị đưa dần vào “bảo tàng cổ ngữ”. Có một lượng không nhỏ phương ngữ Quảng Nam đã vận hành theo con đường ngược lại, tức là hòa dần vào vốn từ toàn dân đến không còn nhận biết được ranh giới, gốc gác. Các từ như ni, tê, mô, răng, rứa, ảnh (anh) ổng (ông), rị (kéo)… bây giờ không còn xa lạ lắm với cả nước. (Khuynh hướng ngôn ngữ thời @ lại còn muốn bê nguyên xi cách phát âm của người Quảng vào văn chương mà không cần phải chuẩn chính tả). Vậy, chắc gì đến một lúc nào đó, lượng phương ngữ bị đào thải lại nhiều hơn lượng được duy trì và bổ sung?
Xin đọc đoạn truyện “Vất ở đâu” sau đây trong “Thủ Thiệm, tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng” (Nguyễn Văn Bổn, Sở VH-TT Quảng Nam, 2007):
“Quan phủ quát:
- Mày dám đến phủ tao mà ỉa vất hả? Tao quất cho mấy roi bây chừ!
Thiệm trân cổ cãi lại:
- Tôi từ Quảng Nam vào ỉa tận Quảng Ngãi sao gọi là ỉa vất?
- Ỉa ngoài cổng phủ tao, không ỉa vất là gì? Hốt mau lên!
Thủ Thiệm vội vàng lấy lá bụm tay, vừa hốt vừa hỏi:
- Vậy vất ở đâu?
- Thì vất ở đâu mà chẳng được.
Thế là bằng một động tác dứt khoát và hào hứng, Thủ Thiệm vất trọn cả bụm vào mặt quan tri phủ rồi co giò chạy nhanh”.
Đoạn trên cho thấy sự vận dụng khá nhuyễn phương ngữ Quảng Nam thứ thiệt trong văn học bình dân. Qua đó, từ giọng điệu đến từ ngữ đều nói lên được khí chất ngang tàng, thông minh, dí dỏm của người Quảng, vừa thể hiện sức sống độc đáo của phương ngữ. Nhờ đó mà câu chuyện cũng như văn phong của tác giả đã trở nên linh hoạt hơn.
Còn chuyện thực sau đây lại cho thấy khả năng vận dụng sở trường của người Quảng trong phương ngữ. Đó là cách nói lái và chơi chữ quen thuộc. Ở huyện Quế Sơn xưa có ông Trần Hàn (người xã Quế Phong bây giờ) là thầy hát hò khoan nổi tiếng trong vùng. Đặc điểm của ông là bị hư một mắt và bị rổ mặt vì bệnh đậu mùa. Sau nhiều bận “sinh nghề” từ trực tiếp đi hát và làm “thầy dùi” cho những người hát hò khoan đối đáp, ông đã “tử nghiệp” một cách đắng cay vì những câu hát bí xở:
- Trần ai gặp lúc cơ hàn
Rổ đan mặt mốt xuống làng mót khoai.
- Quần em rách dọc rách ngang
Thầy liệu thầy hàn em trả công cho.
Ngoài ý “chê nghèo”, người hát còn mượn cách chơi chữ, nói lái để gọi đích danh Trần Hàn ra “chửi” khéo. (Chữ “Trần” và “hàn” ở đầu và cuối câu thứ nhất. Nói lái “mặt mốt”, tức là “một mắt” ở câu thứ hai). Đến hai câu tiếp thì quá ư là đáo để: Gọi cả cha con Trần Liệu và Trần Hàn ra mà nhờ xử lý cái quần “rách dọc rách ngang” của chị em mình!
Ở Quảng Nam, những câu hát hò khoan độc nhờ khả năng vận dụng phương ngữ kiểu như thế không ít. Những câu đối dạng này cũng khá nhiều. Nghe có người xướng lên vế đối hóc búa: “Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi” là mấy anh con trai Quảng Nam sướng “rân” người vì được gãi đúng vào chỗ ngứa của mình. Vậy là, họ hè nhau nhào vô liền:
- Trai Đèo Le, đè leo lên Đèo Le
- Trai Phong Thử, thư phỏng chữa phong thử.
- Trai Thủ Đức thức đủ để thủ đức.
Trong khi việc nên hay không nên dùng phương ngữ trong văn học hiện đại đang được tranh luận thì một số tác giả Quảng Nam vẫn lặng lẽ vận dụng rất nhuyễn phương ngữ vào sáng tác của mình. Chính nhờ sự ý thức vận dụng phù hợp và đúng liều lượng đó, nhất là trong đối thoại trực tiếp của nhân vật, mà các nhân vật Quảng có được cái “duyên Quảng” ấn tượng. Một thời, các cụ như Phan Khôi, Nguyễn Văn Xuân… cũng nhờ cái duyên ngầm ấy mà được biết đến nhiều qua sinh hoạt thường ngày cũng như qua sáng tác văn học. Ở thế hệ tiếp sau như Lam Hà, Hồ Duy Lệ… vẫn cố công khai thác hợp lý kho tàng phương ngữ Quảng để tạo nên vẻ đẹp văn hóa riêng cho những trang viết của mình.
Thay vì nói: “Sai rồi! Nhìn kỹ lại xem”, Lam Hà đã viết trong “Hương xưa”: “Trật lất! Dòm kỹ lại coi”. Hoặc thay vì hỏi: “Duy Xuyên? Chỗ nào vậy?”, Hồ Duy Lệ viết: “Duy Xuyên? Đỗi mô hè? (Lời một nhân vật trong tác phẩm “Mạ tôi”). Đọc những lời thoại trực tiếp như thế, không cần giới thiệu, ta vẫn biết tỏng là người Quảng Nam đang nói. Và nghe như đã “quen nhau từ thuở một hai”.
Ngôn ngữ thơ thường là được trau chuốt trang nhã hơn văn xuôi. Nó gần với giao tiếp xã giao hơn là đời thường. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn cứ thấy “rớt” vào những phương ngữ làm ta phải giật mình vì thú vị:
- Thác cao dòm nước: vết meo trôi (Nam Trân - Trước chùa Thiên Mụ)
- Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui (Xuân Tâm - Nghỉ hè)
- Đôi mái đầu đều bạc, Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được (Phan Khôi - Tình già)
-Nhà ngoại xưa, cũng Thăng Bình/ Về mô ướ bậu đợi mình về theo (Nguyễn Đức Dũng - Qua Kế Xuyên)
Phương ngữ là lĩnh vực mông mênh và khá năng động trong giao tiếp cũng như sáng tác văn học. Vận dụng tốt mới thấy hết được mọi vẻ đẹp lung linh của chính nó. Và lặn ngập trong đó khác gì là thú mạo hiểm của những người ưa khám phá.
NGUYỄN ĐÌNH QUÝ