Hà Đình Nguyễn Thuật : Tấm gương tham chiếu thời đại

NGUYỄN QUANG VIỆT 17/09/2015 09:31

Hội thảo khoa học “Hà Đình Nguyễn Thuật - Danh nhân văn hóa” do Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND huyện Thăng Bình tổ chức mới đây đã làm rõ thêm các di sản văn hóa đồ sộ của danh nhân, qua đó đề xuất việc bảo lưu cũng như vận dụng các giá trị trong đời sống hiện đại.

Mẫu mực cho vạn thế

Hà Đình Nguyễn Thuật là vị quan lớn, kinh qua nhiều vị trí trọng yếu của triều Nguyễn. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã làm rõ bản lĩnh chính trị của người được vua truy tặng “Đặc tiến Vinh lộc Đại phu Đông Các Đại học sĩ”. PGS-TS. Phạm Quốc Sử (Khoa Lịch sử, Đại học Thủ đô Hà Nội) cho rằng, điều đáng nói ở Nguyễn Thuật là phẩm hạnh, bản lĩnh, cốt cách, đặc biệt là sự tiết tháo. Điều đó đã được luận chứng qua các sử liệu. Cụ thể, vua Tự Đức nhận xét: “Nguyễn Thuật là người trẻ tuổi tân tiến, hiếu học, thông minh dĩnh ngộ, biết lẽ phải, không a dua theo kẻ khác”. Vua Thành Thái thì đánh giá: “Nguyễn Thuật là người có khí tượng cao khiết, học thức uyên bác, từng đem ơn ích cao thượng cho kẻ khốn cùng. Ông là người xứng đáng làm mẫu mực cho vạn thế”. Theo PGS-TS. Phạm Quốc Sử, khí phách cứng cỏi, sự tiết tháo của Nguyễn Thuật  biểu hiện rõ nhất ở chỗ ông đã bênh vực các nhà yêu nước, phản đối hành vi của quan Cần chánh Nguyễn Thân (1840 -1914), tố cáo trực tiếp khi Pháp giết nhiều người tham gia khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Nguyễn Thuật đã từ quan năm 1901 để phản đối Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải - những kẻ tay sai đắc lực của thực dân Pháp trong triều Nguyễn. “Có thể khẳng định sự tiết tháo của Nguyễn Thuật không chỉ là biểu hiện của tính cương trực, trọng danh dự mà lớn hơn là không chịu sống chung với những kẻ tay sai đớn hèn. Cách hành xử không khoan nhượng của ông trong một xã hội bị suy vong là một bài học lớn cho hiện tại và mai sau” - ông Phạm Quốc Sử nói.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Q.VIỆT
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Q.VIỆT

Quốc Sử quán triều Nguyễn đã tư liệu hóa cuộc đời và sự nghiệp của Hà Đình Nguyễn Thuật khi ông tham chính qua 8 đời vua, từ Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh đến Thành Thái, Duy Tân. Nghiên cứu nhiều tư liệu lịch sử, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học quốc gia) nêu rõ: “Nguyễn Thuật là một vị quan tài năng, đức độ. Ông đã có nhiều đóng góp cho quê hương Quảng Nam sắp xếp lại các đơn vị hành chính, cứu tế, cứu đói, miễn thuế khi quê hương thất thu mùa màng, khơi đào những con sông”. ThS. Phùng Tấn Đông (Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam) tham luận: “Hà Đình Nguyễn Thuật là người nặng lòng với nước, với dân. Khi Nghĩa Hội Quảng Nam thất bại, nhiều người bị bắt thì ông đã tư viện cơ mật xin cho những giáo chức, lại dịch, dân binh, già yếu được chuộc. Ông cũng xin triều đình miễn thuế cho nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa khi hoạn nạn”.

Di sản đồ sộ

Tại hội thảo, nhiều tham luận đã làm rõ những di sản đồ sộ mà cụ Hà Đình Nguyễn Thuật đã để lại cho hậu thế. Trước hết, ông là nhà thơ kiệt xuất của văn chương Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX. ThS. Phùng Tấn Đông đối chiếu Nguyễn Thuật với những nhân vật văn học nổi bật lúc bấy giờ là Nguyễn Thông (1827 - 1884), Phạm Thận Duật (1825 - 1885), Nguyễn Trọng Hợp (1834 - 1902), Dương Khuê (1839 - 1902), đồng thời cho rằng ông là “khuôn mặt lớn” của bức tranh thi ca đương thời. “Thơ Nguyễn Thuật nhiều hình ảnh đẹp, luôn có nội hàm sâu lắng, vang động cái ngôn ngoại. Nguyễn Thuật là nhà thơ nắm vững các quy tắc thơ Đường luật, ông rất sành trong việc lấy cái động để nhấn nhá cái tĩnh, lấy cái hữu hình để nói cái vô hình, cái cụ thể để nói cái trừu tượng và ngược lại. Tất cả hình thức thơ ngôn chí, tức sự, vịnh phong cảnh, thù tác hay sứ trình đều cho thấy rõ rành điều đó” - ThS. Phùng Tấn Đông nói.

PGS-TS. Phạm Quốc Sử cũng cho rằng, thành tựu rực rỡ của Nguyễn Thuật là văn chương, với những tập “Hà Đình ứng chế thi sao”, “Hà Đình văn tập”, “Mỗi hoài ngâm thảo”, “Vãng sứ Thiên tân nhựt ký, Khoái thư trích lục”… Quả là một di sản đồ sộ, đặc biệt là thi ca. “Những cuộc tao ngộ, đàm đạo của Nguyễn Thuật với các nhân sĩ nhà Thanh qua 2 lần đi sứ Trung Quốc đã thể hiện sự giao lưu về văn hóa của nước ta với bên ngoài. Các học giả Trung Quốc không những khâm phục ông mà còn thán phục nhiều danh sĩ của Việt Nam như Mạc Đĩnh Chi, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du” - PGS-TS. Phạm Quốc Sử nêu rõ.

Ngoài văn chương, Nguyễn Thuật còn để lại một gia tài hội họa. Trong hồi ký của mình, nhà văn Vũ Ngọc Phan ca ngợi ông thơ hay nổi tiếng mà thư pháp cũng không hề kém cạnh. Ông đã để lại nhiều bức họa, trong đó có “Trùng du Bàn A sơn” được vẽ bằng màu nước. Nhà phê bình mỹ thuật Thanh Loan có nhận xét: “Bàn A sơn hay còn gọi là núi Vồm (xã Thiệu Khánh, Thiệu Yên, Thanh Hóa) là dãy núi đẹp đem lại nhiều cảm hứng cho các nhà thơ, danh họa. May mắn và tự hào hơn cả là danh thắng này được thể hiện qua nét họa tài hoa với ý thi tao nhã, thư pháp tuyệt vời của vị đại thần, danh nhân Nguyễn Thuật”. Nhiều tham luận cũng đã làm rõ các giá trị về văn học, văn hóa, giáo dục, ngoại giao của Hà Đình Nguyễn Thuật.

Cần bảo lưu giá trị

Cụ Nguyễn Thuật tên thật là Nguyễn Công Nghệ, tự Hiếu Sinh, hiệu Hà Đình. Ông sinh năm Nhâm Dần (1842) trong một gia đình có truyền thống hiếu học và khoa bảng tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Nguyễn Thuật làm Thượng thư đủ 6 bộ (Lễ, Binh, Lại, Hộ, Công, Hình), trải qua 8 đời vua triều Nguyễn mà gia đình vẫn thanh bạch, đương thời được nhân dân và sĩ phu trọng vọng. Ông đã 2 lần đi sứ Trung Quốc, được triều đình truy tặng “Đặc tiến Vinh lộc Đại phu Đông Các Đại học sĩ” và ban tên thụy “Văn Ý”. Đó là sự ghi nhận của triều đình nhà Nguyễn về tài năng, đức độ, công lao đóng góp của ông đối với đất nước. Ông qua đời vào ngày 23 tháng 11 năm Tân Hợi (ngày 11.1.1912), thọ 69 tuổi.

Nguyễn Thuật và vị thân sinh của mình là Nguyễn Đạo đã có công và đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng công trình Văn thánh Hà Lam, các đình làng, nhà thờ, sở tự khác trên đất Thăng Bình xưa. Theo ông Nguyễn Văn Hà (Hội Khoa học Lịch sử TP.Đà Nẵng), vai trò và công lao của Nguyễn Thuật là làm sinh động thêm các sinh hoạt của văn hội, phát huy cao giá trị giáo dục - nhận thức cho cộng đồng. Ông đã sưu tầm, ghi chép thành bản phổ chí các nhân vật lịch sử, các bậc khoa bảng tại Thăng Bình rồi tạc vào bia đá, đem dựng và lưu thờ tại sân văn miếu. Cầu Hà Kiều, Khe Sen và khu Gò Thượng là tổng thể công trình hạ tầng kinh tế - dân sinh của làng Hà Lam cũ cũng mang đậm công lao của Hà Đình Nguyễn Thuật. “Vật đổi sao dời đã biến thiên cảnh cũ, người xưa. Bao công trình văn hóa - xã hội mà cụ Thượng Hà Đình để lại cho hậu thế đã mai một quá nhiều. Làm sao gìn giữ những gì còn lại, sưu tầm, bổ sung thêm các giá trị đã mất hoặc thất lạc là niềm đau đáu. Rất mong qua hội thảo này, lãnh đạo huyện Thăng Bình nhìn nhận lại và có những định hướng đúng đắn về văn hóa - xã hội cho đất và người Thăng Bình ngày nay qua những giá trị mà tiền nhân Nguyễn Thuật lưu lại” - ông Nguyễn Văn Hà nói.

Tham gia hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, sự phong phú và đa dạng của các tham luận qua nhiều phương pháp tiếp cận đã làm rõ được thân thế, sự nghiệp, các đóng góp của cụ Nguyễn Thuật. Vấn đề đặt ra là từ đây, các di sản đồ sộ của cụ để lại sẽ được vận dụng như thế nào trong đời sống đương đại, không chỉ ở Thăng Bình hay Quảng Nam mà rộng ra là cả nước. Không chỉ vậy, cần phải sưu tầm, biên soạn, xử lý lại các tài liệu, giá trị của cụ đã thất lạc để mà tiếp tục vinh danh công trạng của cụ cũng như tiếp sức trong việc xây dựng con người mới, xã hội mới hiện nay. “Tài năng, đức độ, phẩm giá và đóng góp của cụ Nguyễn Thuật thì đã rõ. Đó là kết tinh, tiếp biến nhuần nhuyễn nhất những giá trị của riêng người Quảng Nam với tinh hoa cả nước. Riêng về Quảng Nam, cần xây dựng một bảo tàng về Hà Đình Nguyễn Thuật để mà gìn giữ, học tập các di sản mà cụ để lại” - nhà sử học Dương Trung Quốc đề xuất.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT