Từ địa phương trong văn học dân gian miền biển
Qua tìm hiểu văn học dân gian miền biển Quảng Nam, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều từ địa phương được sử dụng. Chúng tôi thử khảo sát trong cuốn Văn học dân gian Quảng Nam (miền biển) của Nguyễn Văn Bổn (2001), trong tổng số 373 trang sách (phần chính của cuốn sách), chúng tôi thống kê được 234 từ địa phương với 1.061 lần xuất hiện.
|
Đời sống cư dân miền biển làm phong phú kho tàng văn học dân gian. |
Tiếng địa phương bộc lộ trên cả bình diện từ vựng và ngữ âm nhưng ở đây chúng tôi không miêu tả chi tiết tiếng địa phương Quảng Nam trên bình diện ngữ âm. bởi vì ở bình diện ngữ âm trên văn bản viết thường không phản ánh hết đặc trưng ngữ âm của phương ngữ. Do đó, chúng tôi chỉ tiến hành khảo sát trên bình diện từ vựng để xem xét về đặc điểm cấu tạo, từ loại và giá trị của tiếng địa phương Quảng Nam.
Trong văn học dân gian (VHDG) miền biển Quảng Nam có hai loại là từ đơn tiết và từ đa tiết. Có thể nói, từ đơn tiết là bộ phận vốn từ cơ bản trong VHDG miền biển với 176 đơn vị (chiếm tỷ lệ 75,3%) và xuất hiện hơn 1.000 lần (chiếm tỷ lệ 94,2%) như dỉ (dì ấy), giặn (bận rộn), xí (ít), im (cái yên ngựa), đẳm (nước vào ngập tràn), mờm (mồm), sắp (bọn), día (thương nhau), dang (qua lại), ghe (thuyền), rượn (lớn), mượt (mặc), v.v... Từ đơn tiết (một âm tiết) chiếm số lượng lớn trong VHDG miền biển bởi nhóm từ này có cấu trúc đơn giản.
- Gắng công nuôi xí mẹ già,
Bướm ong lác đác đậu ba trên cành.
- Trăm năm đá nát vàng phai,
Đá nát mượt đá, vàng phai mượt vàng.
Đối với từ đa tiết - được cấu tạo từ hai âm tiết trở lên, chiếm số lượng ít hơn so với từ đơn tiết, chỉ có 58 đơn vị (chiếm tỷ lệ 24,7%) và xuất hiện 61 lần (chiếm tỷ lệ 5,8%). Các từ địa phương Quảng Nam đa tiết được tạo nên chủ yếu từ hai phương thức là ghép và láy; có 36 đơn vị từ ghép (chiếm tỷ lệ 62%), chủ yếu là từ ghép chính phụ như đi này, khoai choái, khoai nần, bận ni, rạng tưng, nhơn sanh, kiến tay (cánh tay), dây dùn (dây chun), nới lèo, nạm nan, điệu hằng, dựt bổi, v.v.
- Lời thủy chung em chẳng dám khai
Chàng đứng ngoài ngõ nước mắt nhỏ ngắn, nhỏ dài trên kiến tay.
Từ ghép đẳng lập chiếm số lượng rất ít, như ngãi nhơn, ghe bầu, kình nghê.
- Trầu ăn không béo mà thèm
Ngãi nhơn chi bấy mà đem lòng phiền.
Bên cạnh đó còn có một bộ phận nhỏ là từ ghép ngẫu hợp - các yếu tố thường không mang nghĩa nhưng khi kết hợp với nhau sẽ có một nghĩa cụ thể như chàng hiu, cù lao.
Bớt đồng thì bớt cù lao
Bớt ăn bớt mặc thì tao bớt làm.
Từ láy có 22 đơn vị (chiếm tỷ lệ 38%) trong đó láy bộ phận chiếm đa số với 14 đơn vị (chiếm tỷ lệ 68,2%), có cả láy phụ âm đầu và láy phần vần như câu mâu, ma da, chỏ hỏ, lửng đửng, bơ thờ, lây rây, lu bu, lửng thửng, lăn xăn, chùm hum, chơm bơm, lận lưng, dật dờ, khắn khít, quày quảy, dằng dẳng, dặm dịt, nhộn nhàng, chàng ràng, v.v.
- Một mình chàng quày quảy ra vô
Bãi nước trầu còn đó, mẹ con đi mô không về.
- Ngó vô quán Tủy tứ bề ruột đau
Ngó lên khe Gủ tê tề.
- Chợ chiều nhiều khế ế chanh,
Nhiều cô gái lạ nên anh chàng ràng.
Chàng ràng như ếch hai hang,
Như chim hai tổ, như đàng hai nơi.
Và từ láy hoàn toàn có số lượng rất ít, chỉ 5 đơn vị (chiếm tỷ lệ 18,2%) như cời cời, màng màng, kinh kinh, ráng ráng, chừ chừ.
- Nước mắm xem màng màng
Thần hoàng xem cờ quạt.
- Bồ xít lép xẹp huyên thuyên quớ chàng
Nhà chàng có một cái giàn
Một trăm tấm đệm, một ngàn lá tơi
Hai ba cái nón cời cời
Một ôm giẻ rách chờ thời mang vô.
Do đặc điểm của thể loại, trong văn học dân gian thường chủ yếu là láy đôi, còn láy ba có số lượng ít, chỉ với 3 đơn vị (chiếm tỷ lệ 13,6%). Chủ yếu là hình thức kết hợp giữa từ láy với từ ghép tạo thành như nắng ui ui, dững dừng dưng, ngãi nhơn nhơn.
- Tới lui thăm bạn cho biết chừng
Tai nghe họ nói dững dừng dưng cho nàng.
- Ngãi nhơn nhơn ngãi đạo đồng
Đố anh đối đặng em dâng chồng theo anh.
Từ láy trong VHDG miền biển chủ yếu là kiểu cấu tạo ngẫu hợp như chưng hửng, tê tề, thầu đâu, nhộn nhàng, dằng dẳng, rúi nùi, thù đủ, dững dừng dưng,... Còn các từ láy có kiểu cấu tạo từ các yếu tố có nghĩa chiếm số lượng vô cùng ít - chỉ có duy nhất từ ngãi nhơn nhơn.
Bên cạnh đó, có thể sơ lược một vài nhóm từ khác như:
- Nhóm từ chỉ tên gọi các đồ vật, dụng cụ như ghe, bầu, nò (dụng cụ bắt cá, giống cái lờ), dây dùn, ảng, vạt, rớ (lưới), đờn (đàn), om, tộ, mùng, im (cái yên ngựa), lèo, nạm (một nắm),v.v.
- Nhóm từ chỉ sản vật, hoa quả: thù đủ, thầu đâu, bắp, mè, hường, bông, khoai choái, khoai nần, mụt măng, mụt tre, ghế (cơm độn), tiêu, cây kiểng...
- Nhóm từ chỉ loài vật, chim chóc, tôm cá... như: heo, cá mè ranh, kình nghê, dế nhũi, chí, chàng hiu (chẫu chàng), sặt (loại cá lớn hơn cá rô)...
Ngoài ra, còn có các từ xưng gọi giống phương ngữ khác như tau, mi, cô mi, nường, tui, nhiêu, sui, bà gia.
Như vậy, từ địa phương trong VHDG miền biển có cấu tạo chủ yếu là từ đơn tiết, đây là nhóm từ mang đặc trưng cơ bản của phương ngữ Quảng Nam. Còn các từ đa tiết được cấu tạo chủ yếu từ một yếu tố toàn dân kết hợp với một yếu tố địa phương, trật tự có thể đứng trước hoặc đứng sau. Các yếu tố địa phương đó, ở một số trường hợp có thể hoạt động độc lập như một từ có nghĩa cụ thể, song cũng có thể nằm trong cả cụm định danh mới tạo nên nghĩa. Đây cũng chính là đặc điểm cơ bản của hiện tượng định danh mang tính miêu tả và mang tính dân gian, vì vậy, rất quen thuộc và dễ sử dụng khi tạo nên đặc trưng phương ngữ nói chung, từ địa phương Quảng Nam nói riêng.
Vốn từ địa phương phong phú và đa dạng trong VHDG miền biển Quảng Nam đã biểu hiện những giá trị nhất định: vừa đảm trách vai trò nghệ thuật của mình, góp phần làm phong phú thêm giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật, vừa mang đặc trưng riêng của văn học dân gian vùng đất xứ Quảng.
DƯƠNG THỊ DUNG