Một vài lưu ý về "tiếng Quảng"

PHẠM VĂN HẢO 05/09/2015 07:50

Trước khi bắt tay vào làm từ điển phương ngữ cho một khu vực, một tỉnh nào đó, thiết nghĩ ta phải thấy được ở những nét chung nhất về đặc điểm, về vị thế của nó trong tiếng Việt.

  • Tự điển phương ngữ Quảng Nam
Trong tiếng Việt, không có ranh giới ngôn ngữ học địa lý nào phân đoạn giọng địa phương dứt khoát như đèo Hải Vân. ảnh: internet
Trong tiếng Việt, không có ranh giới ngôn ngữ học địa lý nào phân đoạn giọng địa phương dứt khoát như đèo Hải Vân. ảnh: internet

Nếu cách nhìn này đúng, tức là phù hợp với cả Ngôn ngữ học lịch sử, Ngôn ngữ học địa lý và Phương ngữ học, thì sẽ là lợi thế cho người làm sách. Vậy đối với “tiếng Quảng”, chúng ta cần lưu ý những gì? Vấn đề xới lên có vẻ bề bộn, nhưng chúng tôi chỉ bàn đến một vài điều tự thấy là cần lưu ý hơn cả.

Giọng Quảng cho một vùng

Có cách gọi trân quý “xứ Quảng”, “tiếng Quảng” thường gặp ở ngoài đời hay trên báo chí để chỉ Quảng Nam, gồm cả Đà Nẵng. Cách gọi này không dành cho các “Quảng” khác, là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (tên cũ của Thừa Thiên Huế) và Quảng Ngãi, vốn là một “vệt dài” các tỉnh giữa miền Trung của Việt Nam. Lối gọi tình cảm này không mang tính chỉ định chính xác, xét cả về mặt ngôn ngữ học.

Trong tâm thức người Việt, từ “xứ Quảng” bao gồm cả Quảng Nam và Đà Nẵng, hẳn là từ xưa tới giờ vẫn thế! Theo đó, cách nói “tiếng Quảng” cũng chỉ tiếng nói của cả hai đơn vị này. Trong một lần hội thảo, có một trí thức tỉnh nhà cho rằng tiếng Quảng còn lui vào phía trong Quảng Ngãi vài huyện phía bắc nữa. Quan sát này quả là chi tiết.

Có nhiều nhà ngôn ngữ học cho rằng trong tiếng Việt có phương ngữ Nam Bộ (Trung Nam) là lấy ranh giới từ Đà Nẵng trở vào hết Bình Thuận. Cách phân chia này cũng lấy tiếng Quảng làm đại diện để so sánh với các phương ngữ còn lại. Các đặc trưng cơ bản của phương ngữ này nhạt dần về phía Nam.
Cách nay khoảng trên dưới mười năm, khi hầm đường bộ Hải Vân chưa thông, thì trên đỉnh đèo (nơi phân giới giữa Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng) ta thấy có hai dãy quán của hai tỉnh thành khác nhau, người dân nói hai giọng khác hẳn nhau. Giọng Huế trầm, nhẹ, thanh điệu bị kéo về thấp, nghe trên đài rất khó, díu, còn tiếng Quảng ở Đà Nẵng cũng nói 5 thanh, nhưng thanh điệu gần tiếng Nam Bộ hơn, nghe rõ hơn cung bậc cao thấp. Đó là chưa kể tiếng Quảng có âm “ô” (hoặc “o”, tròn môi) rất đặc trưng: cao phát âm thành cô, bão phát âm thành bỗ, thậm chí địa danh Hội An, âm An  nói thành âm có yếu tố tròn môi, gần “ôông” hoặc “oong”. Về mặt từ vựng, cách nói “díu” kiểu ông ấy - ổng, bà ấy - bả, ngoài ấy - ngoải… vốn của tiếng Thanh Hóa đã “nhảy” qua mấy tỉnh Bắc Trung Bộ vào tận xứ Quảng, phổ biến đến hết Nam Bộ. Điều này gợi ý cho ta tìm về quê hương của các bậc tiền hiền tới khai phá và đem tiếng nói của họ vào vùng đất mới này.

Vùng chuyển tiếp

Trên thực tế này, ít có nhà ngôn ngữ nào lại gộp tiếng Bắc Trung Bộ (Trung Bắc) vào cùng tiếng Nam Trung Bộ (Trung Nam) thành một phương ngữ. Ranh giới đó là đèo Hải Vân. Trong tiếng Việt, không có ranh giới ngôn ngữ học địa lýnào phân đoạn giọng địa phương dứt khoát như con đèo này!

Nhưng đó là  nói về “giọng” với nghĩa hẹp, tức phát âm, về ngữ âm. Trong tiếng Việt, cũng như các ngôn ngữ khác, khi có sự gần gũi, tiếp xúc, thì sự ảnh hưởng giữa hai khu vực là đương nhiên, dễ hiểu. Sự ảnh hưởng này dễ xảy ra ở mặt từ vựng, tức là cách dùng từ, hơn là về phương diện ngữ âm. Chúng tôi gọi đấy là “vùng chuyển tiếp”. Mỗi từ hoặc một nhóm từ có các vùng chuyển tiếp khác nhau. Ví dụ: từ  mè (vừng), đậu phụng (lạc) có vùng chuyển tiếp ra tới Thừa Thiên Huế; từ nôốc (thuyền, tàu nhỏ) chỉ dừng lại ở nam Thừa Thiên Huế; các từ mô (đâu), tê (kia), răng (sao)…từ tiếng Bắc Trung Bộ vào qua Quảng Nam; từ cù lao (đảo) ở phía nam chỉ dừng lại trong tiếng Quảng…

Đấy là những cách nói cụ thể, các nhà ngôn ngữ học có thể thể hiện chúng trên bản đồ để người đọc hình dung rõ về các hiện tượng ngôn ngữ. Tuy nhiên, khái niệm vùng chuyển tiếp còn có thể ứng dụng để miêu tả cả một phương ngữ, thậm chí rộng hơn thế. Ví dụ, theo GS.Hoàng Phê, vùng chuyển tiếp của tiếng Việt là cả miền Trung (từ Thanh Hóa vào hết Bình Thuận), nơi phân ranh rõ tiếng Bắc (Hà Nội là trung tâm) và tiếng Nam (TP.Hồ Chí Minh là trung tâm), bởi theo ông, tiếng Việt có hai phương ngữ thôi, là Bắc và Nam.

Nói thế để thấy tiếng Quảng nằm ở giữa miền Trung, nơi vừa có yếu tố ngôn ngữ của tiếng Trung Bắc (Bắc Trung Bộ) vừa có yếu tố của tiếng Nam (Nam Bộ). Ngôn ngữ ở đây lấy đó làm đặc trưng cho riêng mình.

Tâm và biên

Trong Ngôn ngữ học địa lý còn có một khái niệm nữa, thiết tưởng rất đáng bàn đến, đó là khái niệm “tâm” và “biên” của hiện tượng ngôn ngữ, của phương ngữ. “Tâm” là vùng trung tâm, còn “biên” là vùng ngoài, nói một cách nôm na là thế. Nó được hình dung đơn giản như ta ném hòn đá xuống ao: tâm là chỗ hòn đá rơi xuống tạo thành sóng, biên là vùng sóng phủ đến… Giữa tâm và biên có quan hệ hai chiều: sức hút và sự chi phối. Tâm có sức hút đối với biên là điều đương nhiên, bởi đó là tiếng thành phố, thủ phủ của tỉnh, của khu vực. Biên bị tâm chi phối là dễ hiểu, cũng theo quy luật này. Ví dụ người Thái ở tây Nghệ An nói theo tiếng Vinh, người Arem ở Bố Trạch, Quảng Bình nói theo tiếng Đồng Hới,… Có nhiều cỡ tâm: vùng nhỏ, tỉnh, khu vực (liên tỉnh), và cỡ lớn nhất là tiếng của thủ đô.

Vậy các vùng “biên” có tác động tới “tâm” ? Điều này đương nhiên là có. Chính tiếng Việt “chuẩn” của chúng ta lấy phương ngữ cơ sở là tiếng Bắc Bộ, cụ thể là tiếng Hà Nội, có bổ sung các yếu tố tích cực của các vùng phương ngữ khác cả về  ngữ âm lẫn từ vựng, để làm giàu cho nó, trong lịch sử đã thể  hiện quy luật này. Ví dụ trong  ngữ âm chuẩn tiếng Việt có 3 âm uốn lưỡi ghi là tr, s, r là do nó được bổ sung từ các vùng biên mà có. Điều này thấy rõ trong chính tả tiếng Việt. Điều đó đã được các cố đạo sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, nhìn thấy từ thế kỷ 17 một cách rất sáng suốt, khoa học.

Đây là một quy luật có ở mọi ngôn ngữ. Về mặt từ vựng, sự thể hiện càng rõ. Tên các loại bánh, món ăn, hoa quả, cây cỏ,… ở các địa phương đang làm giàu cho tiếng Việt. Ở Quảng Nam ta, đó là hoành thánh, cao lầu (món ăn ở Hội An), mì Quảng (món ăn, giờ đã có mặt ở khắp nơi), lòn bon (quả), củ nén (họ hành, gia vị),… là các ví dụ.

PHẠM VĂN HẢO

PHẠM VĂN HẢO