Chương và khoảnh khắc di sản
Khá trẻ, nhưng đã được xếp vào một trong số những tay máy “chất”, Mai Thành Chương tiếp tục chuyển tải câu chuyện di sản qua ảnh bằng nhiều cách khác nhau.
Đã là một cái tên quen của giới nhiếp ảnh trong nước, Mai Thành Chương gặt hái được khá nhiều thành công trong các liên hoan, giải thưởng quốc gia, quốc tế. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều anh tâm huyết nhất trong cuộc chơi với ảnh của mình. “Làm sao qua những bức ảnh, người ta hiểu thêm vốn văn hóa quê mình, yêu nó rồi từ đó cùng hướng về việc gìn giữ những vốn quý đó” - Chương nói. Hoian Photo tour là bước đi đầu tiên của Chương trong hành trình tìm kiếm những đồng cảm với tình yêu di sản.
Tour “ảnh di sản”
Không hoa mỹ, không nên thơ hóa cảnh sắc, không cả những sắp đặt để tạo nên sự hoàn hảo, “Hoian photo tour” của Mai Thành Chương hướng đến sự sống động, chân thực trong mỗi bức ảnh. Và dĩ nhiên, người tìm đến với tour này phải thực sự có niềm đam mê với nhiếp ảnh. Không cần phải thật giỏi về các kỹ năng cầm máy, cũng không cần phải là người thật tinh tế để nhìn ra những góc ảnh lạ. Chương nói, chỉ cần trong lòng có một xíu “mê chơi” với ảnh thôi, cũng đủ để người cầm máy bắt lấy những khoảnh khắc của một cuộc sống luôn chuyển động. Với tiêu chí khá “Tây” như vậy, nên ngay từ những ngày đầu ra mắt tour “phượt” ảnh di sản, đã thu hút khá đông người tìm đến. Chừng 3 năm trở lại đây, du khách trong nước và quốc tế khi đến với quần thể di sản quốc tế ở miền Trung đã bị lôi cuốn bởi tour du lịch đặc biệt này.
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: MAI THÀNH CHƯƠNG |
Lý do để “Hoian photo tour” ra đời khá đặc biệt. “Du khách đến Hội An và tìm đến mình, đề nghị đưa đến những vùng đồng quê, làng nghề, những di tích… để chụp ảnh. Họ muốn mình chia sẻ với họ về góc nhìn, kinh nghiệm nắm bắt và giữ lại những khoảnh khắc đặc biệt của không gian, thời gian, của chiều sâu tâm thức con người, của các làng nghề, nghệ nhân… Lâu ngày, qua các sổ tay du lịch, người ta biết đến hoạt động của mình và tìm đến nhiều hơn. Photo tour ra đời như vậy!” - Chương chia sẻ. Vừa lang thang chụp ảnh vừa kết hợp tìm hiểu văn hóa, lịch sử, con người… của những miền quê quanh các vùng di sản, Chương thiết kế những lộ trình khác nhau tùy theo yêu cầu thời gian của khách. Có những hôm khách mải mê với những vòng xoay của đất ở làng gốm Thanh Hà, hoặc lắc lư cùng nhịp thuyền thúng ở rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh) cũng đã trọn một ngày. Những nhịp sống đời thường ở các làng chài ven biển hoặc có khi chỉ là những khoảnh khắc lúc bình minh ló dạng trên sông, khi hoàng hôn buông xuống… cũng là những hình ảnh gây ấn tượng sâu sắc với khách du lịch quốc tế. Mai Thành Chương nói, khách Tây chuộng những kiểu tour sông nước, làng nghề và các cảnh sống thường ngày của cư dân miền Trung. Khách Việt lại ưa những tour được sắp đặt, có đạo cụ, đạo diễn hình ảnh…
TP.Hội An mùa lũ. |
Không chỉ vậy, hướng đến một “photo class” còn là ý định của Chương với tour nhiếp ảnh di sản này. “Giống như cooking class – lớp học nấu ăn, Chương muốn mọi người thích chụp ảnh cần phải biết các kỹ năng để lọc ra được những góc ảnh đẹp, bố cục, màu sắc và biết cách đọc ảnh. Khi nắm được những kỹ năng cơ bản thì việc bắt lấy khoảnh khắc sẽ trở nên rất dễ dàng” - Chương chia sẻ. Trải nghiệm cùng khách trong việc “săn” các khoảnh khắc đẹp cũng là cơ hội để Chương cùng các cộng sự trong nhóm của mình bắt thêm được nhiều khoảnh khắc của quê hương. Xa hơn, như mục tiêu ban đầu của Chương, anh muốn thông qua ảnh của chính những người mê ảnh trên khắp mọi miền đất nước cũng như quốc tế, cảnh sắc và vốn văn hóa của dải đất hình chữ S sẽ được truyền tải rộng hơn. Đó là cách quảng bá sinh động nhất và cũng dễ đi vào lòng người nhất.
Làng gốm Thanh Hà. |
Và những trải nghiệm khác…
Không chỉ “rành” về các vùng di sản dọc dải đất miền Trung, từ Hội An, Mỹ Sơn, Huế, Quảng Bình…, miền núi với các cung đường mê hoặc và các vũ hội rộn ràng khiến bước chân của các nhiếp ảnh gia không yên. Chương sẵn lòng chiều khách, nếu họ muốn trải nghiệm du lịch trekking và “săn” ảnh trên các không gian này. Và cũng chính sự mê đi ấy đã mở ra cho chàng trai thế hệ 8X nhiều cơ hội tiếp cận để đạt được các giải thưởng trong nước và quốc tế. Gần đây nhất, năm 2014, Mai Thành Chương nhận được giải thưởng tài năng ở chủ đề Biến đổi khí hậu với tác phẩm “Sự tàn phá của con người”. Giải thưởng này dành cho những nghệ sĩ trẻ Việt Nam được tổ chức bởi CDEF của Đại sứ quán Đan Mạch. Mục đích của giải thưởng là hỗ trợ những nghệ sĩ trẻ ở nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau tại Việt Nam. Tác phẩm của Chương mô tả hình ảnh về một cánh rừng già với những cây cổ thụ đã bị đốn hạ để làm rẫy tại khu vực Tây Nguyên. “Nhìn rất thương tâm. Tôi ở đồng bằng, nên thấy cảnh rừng bị tàn phá khiến mình rất buồn, vì thượng nguồn không còn rừng thì hạ nguồn lãnh đủ trong các trận mưa lũ” - Chương nói. Một phần của giải thưởng là chuyến đi trải nghiệm và chụp ảnh các cảnh sắc tại đất nước chùa tháp Myanmar. Nơi đây Chương đã gặp gỡ những ngư dân sống gần hồ Inle và người dân những bộ tộc khác nhau sinh sống trên cao nguyên, để lưu giữ những bản sắc dân tộc phong phú và đặc sắc của họ. Anh cũng đã trải nghiệm những khu chợ nổi và lễ hội nước trong thành phố với 1 cây cầu dài 1km.
Tháp Mỹ Sơn . |
Cũng như phần đông các tay chơi ảnh khác, công nghệ là điều không thể thiếu với một người như Chương. Bắt đầu chơi flycam, anh đã nghĩ ngay đến ý tưởng về một bộ ảnh “Quảng Nam trên không”. Mỗi bức hình là thông điệp về tiềm năng kinh tế, du lịch cũng như vẻ đẹp tuyệt vời của non nước xứ Quảng. Càng về sau này, với sự hỗ trợ của các loại thiết bị công nghệ cao, cộng thêm tay nghề ngày một chắc, những bức ảnh của Chương càng khiến người xem mê hơn. Hy vọng, sự dấn thân, đam mê của chàng trai trẻ này sẽ làm nên một nhịp cầu nối đưa cảnh sắc và vốn văn hóa Việt đi xa hơn. Như chuyện về những gallery ảnh của những nhiếp ảnh gia nước ngoài “đổ bộ” vào Hội An trong thời gian gần đây, đôi ba phần có nguồn cơn từ câu chuyện “photo tour” của Chương.
SONG ANH