Tranh khắc và tranh khắc gỗ

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 18/08/2015 09:47

Triển lãm Mỹ thuật khu vực V - Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ XX do Quảng Nam đăng cai tổ chức với sự tham gia của các nhà điêu khắc, họa sĩ của 9 tỉnh, thành phố gồm Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.

Trong nhiều năm triển lãm mỹ thuật nhưng các tác phẩm hội họa với chất liệu như sơn dầu vẫn chiếm đa số. Sau này  các họa sĩ thêm chất liệu làm nhanh khô như acrylic, khi sử dụng chỉ pha loãng bằng nước là vẽ ngay. Và như vậy các chất liệu truyền thống ngày trước được các họa sĩ Việt Nam quen sử dụng như lụa, khắc gỗ… lại rất ít hay xuất hiện khá khiêm tốn trong những triển lãm mỹ thuật chung của khu vực. Nhưng năm nay tại phòng sảnh thuộc Bảo tàng Quảng Nam, giới nghề và người yêu mỹ thuật có thể gặp lại các tác phẩm tranh khắc và tranh khắc gỗ được trưng bày với nhiều cách thể hiện khá đa dạng. Đã có nhiều cách tân về loại khắc lõm trên ván, gỗ, cát tông, mica… đơn sắc với đen trắng và cả nhiều màu. Tạm thời đếm được trên 15 tác phẩm và có kích thước lớn nhất đến 175cm.

Tranh khắc...
Tranh khắc...

Tranh khắc

 Loại trang trí này thường thấy trên những bức chạm/trạm gỗ ở các mặt phẳng bằng gỗ tạo những ô hộc trên các nhà xưa, đình cổ. Tại những ngôi nhà xưa xứ Quảng ta bắt gặp loại trang trí các hoa văn chữ T đặc xuôi ngược, dấu ngã, quả trám, dây cúc… tạo thành dãy hồi văn phổ biến trên các diềm, khung ở các thanh đố thành vọng là vị trí các cửa võng, bao lam  trang trọng ở gian thờ và khung viền các tấm hoành, liễn đối… Người thợ mộc xưa thường sử dụng kỹ thuật chạm lõm tô màu đen (mực xạ, ruột của cục pin) trên mặt lồi (mặt phẳng) gọi là kỹ thuật ám họa, phần khắc lõm giữ nguyên màu gỗ hoặc tô màu son. Kỹ thuật này cũng xuất hiện cho đến hôm nay ở các khung trang trí tấm bia đá. Về tranh mỹ thuật thì các họa sĩ cũng đã thể hiện có tên là tranh sơn khắc với kỹ thuật đơn giản là tạo nền đen hay màu  cánh dán  trên tấm vóc sơn mài rồi khắc lõm. Tranh có thể tạo độ đậm nhạt là đen trắng  hoặc vào nhiều  màu bằng cách tô màu vào chỗ khắc lõm. Hôm nay tại phòng tranh có vài tác phẩm mà tác giả nhờ chất liệu phong phú với tấm làm nền khắc có diện tích lớn bằng ván ép hoặc các tông nên chỉ cần  tạo cái nền (quét, lăn màu bằng rulô) màu đen hoặc nâu và khắc lõm tạo nên tranh khắc khá độc đáo. Như tranh của Phan Thanh Hải (Đà Nẵng) với hai bức Mơ tuổi thơ 5 và 6, có những nét khắc uyển chuyển, mềm mại mô tả chi tiết ước mơ vào câu chuyện cổ tích với lâu đài, tấm thảm bay, trăng sao, cây nấm, loài thủy sinh… Hay bức Khoảng sống (Đắc Lắc) kể khá cô đọng mô típ miền núi nhà mồ, người, hoa cây nêu... Nhưng kích thước lớn nhất 120x150cm là tác phẩm Dấu xưa đại ngàn của Trần Thanh Long (Đắc Lắc). Tác giả thể hiện trên 10 ô khắc lõm trên nền đen, nét khắc mạnh khỏe, dứt khoát mô tả khá đặc trưng với sinh hoạt đời thường của  người cao nguyên với người già màu đen (nền), ướm áo trước ngực (các rãnh khắc lõm chạy ngang) đã cho ta biết đó là màu đỏ, là trang phục của người Ê Đê. Một tác phẩm của tác giả Trần Mạnh Đức (Khánh Hòa), màu hơi tối mang tâm sự riêng của người thể hiện. Với chất liệu là ván khắc có thể xếp vào dạng tranh khắc.

Tranh khắc gỗ

tranh khá phổ biến được bày bán vào dịp xuân về ở miền Bắc là tranh Đông Hồ, tranh Hàng trống, ở miền Trung ngoại ô xứ Huế có tranh làng Sình và một số tranh thờ của các dân tộc thiểu số miền cao phía Bắc. Về đề tài có thể khác nhau nhưng nét chung nhất là kỹ thuật khắc vẫn là tấm gỗ được bào nhẵn sau đó vẽ ngược (can, dập… lại bản vẽ mẫu) tranh mẫu rồi dùng dao, đục… khắc lõm xuống tạo nét và mảng. Có họa sĩ tạo các rãnh lõm nông sâu, dày thưa… rồi chỉ in sắc  đậm với một màu đen hay nâu. Có họa sĩ ưa tranh nhiều màu thì khắc nhiều bản theo thứ tự màu nhạt in trước màu đậm thường là màu đen in sau. Như vậy bản khắc trên gỗ là bản âm (khắc ngược) và bản in ra là bản dương nên chữ ký của tác giả là được khắc ngược. Dĩ nhiên cũng có loại khắc gỗ thuộc loại dương bản vì khi in người ta phải đặt giấy vào trước rồi mới vỗ màu (thường một màu đen, đỏ hoặc nâu) vào giấy tương tự chỗ khắc lõm sẽ không xuất hiện chỉ chỗ mặt phẳng là lộ rõ hình hoặc chữ. Cả hai hình thức được gọi chung là mộc bản có thể khắc kinh, ấn, triện… và tranh dùng tuyên truyền, bố cáo, minh họa và cho cả tranh mỹ thuật như các tố nữ trong tranh Hàng trống thuộc loại tranh khắc gỗ màu. Tranh khắc gỗ của Orgen minh họa về đời sống, sinh hoạt của người Việt vào thế kỷ trước là loại khắc gỗ đen trắng .

... và tranh khắc gỗ được trưng bày ở triển lãm mỹ thuật. Ảnh: HIỂN TRÍ
... và tranh khắc gỗ được trưng bày ở triển lãm mỹ thuật. Ảnh: HIỂN TRÍ

Những tác giả ở Đà Nẵng gồm Trương Nguyễn Nguyên Kha với bức Đất nước trọn niềm vui, kích thước 60x120cm; tác phẩm có độ tương phản đen trắng hơn với bức Vọng của tác giả Nguyễn Quang Hiệp. Ở Quảng Nam là Trần Công Thiệm với bức Món quà của biển, khắc họa cảnh thu hoạch rong biển ở vùng biển đảo Quảng Nam; và tác giả trẻ Hà Châu với bức Được mùa tạo sáng tối khá hấp dẫn mô tả thu hoạch thuốc lá. Một tác giả có nhiều tác phẩm quen thuộc với chất liệu khắc gỗ tạo nên nhiều ấn tượng cho người xem và đã có nhiều giải thưởng là Nguyễn Quang Tuyến (Khánh Hòa) với bức Lễ cầu ngư, nét khắc sinh động với những bầy cá tung tăng. Khá mộc mạc và truyền thống nhất là bức Vào hội của Võ Văn Tiếng (Gia Lai) in trên giấy dó.

Về những bức khắc gỗ với nhiều màu đầu tiên phải kể đến hai bức của Trần Thị Cúc (Đà Nẵng) với  Phiên chợ miền cao đầu xuân và Sắc màu văn hóa miền cao, đặt ngang gây sự bắt mắt cho người xem. Tác giả vẫn dùng nét đen làm đường viền (áo quần, người, núi…) là những miếng màu xanh cô ban, xanh lục, tím, đỏ, nâu mô tả không khí nhộn nhịp của phiên chợ vùng cao. Tác giả Nguyễn Văn Phúc (Quảng Nam) với Mùa gặt quê thì khắc họa đến cơ giới hóa vào ruộng đồng. Tác giả Võ Tĩnh (Phú Yên) với bức Gốm sứ, rõ với mảng màu xanh cô ban.

Ngày trước người khắc chỉ dùng gỗ thiên nhiên để khắc nên có kích thước nhỏ. Với loại bản nét thường dùng loại gỗ lòng mứt, cần diện lớn thì phải ghép lại. Ngày nay, loại gỗ nhân tạo như ván ép, các tông, mica, thạch cao… được họa sĩ sử dụng để có tranh kích thước lớn và in trên nhiều chất liệu vải, toan, lụa… với việc phối hợp nhiều kỹ thuật in cả thủ công và máy. Và như vậy sẽ có những cách đặt tên khá tùy tiện như tranh khắc trên mica (cũng khắc lõm trên bề mặt, rồi tô màu vào cả phần lõm lẫn phần phẳng). Đại diện có bức Niềm vui chiến thắng, tác giả Huỳnh Thị Thắng (Đà Nẵng), đồng thời cũng có tên là tranh in mica. Với kỹ thuật này thì người thể hiện vẫn dùng giấy đặt trên bản mica đã khắc và sau khi vô màu xong, nhờ máy ép nén vào (giống như kỹ thuật in kẽm) cả phần màu ở chỗ lõm cũng dính theo nên có những hiệu quả về thị giác khá thú vị. Trong loại này có thể ta bắt gặp các tác phẩm khá lạ của tác giả Lê Duy Hồng (Bình Định) với hai tác phẩm là Rừng đỏ và Di sản 1, hai bức tranh với màu đỏ nhẹ mơn man hơi một chút trừu tượng nhưng vẫn cho ta nhận biết chủ đề của tác giả thể hiện. Cuối cùng với vài dòng cơ bản về chất liệu, còn giới thiệu tác phẩm trong triển lãm này chỉ là cảm quan của cá nhân ban đầu. Là một họa sĩ, tôi xin bàn về chuyện bếp núc, nhưng quan trọng nhất là đồ ăn đã nấu: ngon hay dở. Cũng như mỗi họa sĩ sẽ cố gắng vẽ sao cho tinh tế còn chất liệu khi xây nhà có thể chỉ là gạch hay đá… thậm chí là đất nếu thuận lợi và phù hợp thì ta sử dụng.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ

NGUYỄN THƯỢNG HỶ