Lát cắt lớp từ địa phương

PGS-TS PHẠM VĂN HẢO 16/08/2015 10:27

Khi làm từ điển phương ngữ của một tỉnh thì cần phân biệt cách nhìn của ngôn ngữ học địa lý và phương ngữ học, vốn là các bộ môn của Ngôn ngữ học, với lối phân chia hành chính thuần túy. Các hiện tượng về ngôn ngữ nhiều khi không đi theo những giới hạn này.

Với tiếng Quảng Nam, có thể xác định một số từ người địa phương dùng có gốc Chăm. (ảnh minh họa) Ảnh: LÊ VẤN
Với tiếng Quảng Nam, có thể xác định một số từ người địa phương dùng có gốc Chăm. (ảnh minh họa) Ảnh: LÊ VẤN

Lấy ví dụ cụ thể. Cùng chỉ cái hái cắt của người Chăm ở khu vực miền Trung, ở Quảng Bình chúng ta có từ Vơng, vào một chút, Quảng Nam có từ jằng, vằng, sâu vào Nam Bộ, ta có từ hái jằng. Hay từ nốc (chỉ cái thuyền), ở Nghệ Tĩnh vào đến Thừa Thiên, ta có nôốc (nguyên âm /o/ dài). Thật khó chỉ ra ranh  giới trên thực địa của các biến thể ngôn ngữ trên nằm ở chỗ nào. Đó có phải là ranh giới các tỉnh? Chỉ có những nhà ngôn ngữ học địa lý, bằng phương pháp vẽ bản đồ, họ mới chỉ ra được các ranh giới này giữa các biến thể. Trong khi đó, người làm từ điển học chỉ ghi nhận sự tồn tại các loại đơn vị biến thể trên mà không cần biết đến ranh giới thực tồn tại của các biến thể đó.

Cho nên, những câu hỏi mà các nhà làm từ điển buộc phải đặt ra ở đây là:

- Nếu làm từ điển phương ngữ của một tỉnh thì câu hỏi đầu tiên là: tỉnh này có vị trí địa lý như thế nào trong phương ngữ tiếng Việt. Nó có vị trí kế cận theo cả bốn hướng (nếu có) nam, bắc, đông, tây với các tỉnh nào và các tỉnh này thuộc phương ngữ nào. Bởi vì, đặc điểm phương ngữ được các nhà ngôn ngữ học đưa ra đều có tính quán xuyến chung cho cả khu vực.

- Các đặc điểm chính yếu của phương ngữ này là gì, xét cả từ góc độ ngôn ngữ học và phi ngôn ngữ học, thì đó là vùng đất cũ hay mới khai thác, sự di dân đến hay người bản địa có từ lâu đời, có sự tiếp giáp và tiếp xúc với người dân tộc không, đó là phương ngữ sử dụng mấy thanh (5 hay 6 thanh điệu), rồi đặc điểm nguyên âm, phụ âm… Ví dụ, ta đều biết tiếng Việt ở Bắc Bộ có 6 thanh, tương đối đủ các phụ âm, nguyên âm được chính tả thể hiện, còn ở các phương ngữ khác, như phương ngữ Trung, phương ngữ Nam chỉ có 5 thanh, hệ thống phụ âm và nguyên âm thường có khác so với tiếng Bắc.

- Sự chuyển tiếp các đặc điểm từ phương ngữ này đến phương ngữ khác được thể hiện như thế nào qua đặc điểm ngôn ngữ, ở các lĩnh vực ngữ âm và từ vựng. Ví dụ, tiếng Quảng Nam có hàng loạt từ xưng hô: mi, choa, hắn, tau,… các đại từ nghi vấn mô, chi, răng, rứa,…, các đại từ chỉ định: ni, tê, đớ, nớ,… giống phương ngữ Trung, Bắc. Nhưng các nhóm từ khác như ghe, cách nói gặp ổng (ông ấy, ông nớ), chỉ (chị ấy, chị nớ), ngoải (ngoài ấy, ngoài nớ),… lại giống phương ngữ Nam. Ta gọi đây là vùng chuyển tiếp, giao thoa giữa các phương ngữ. Không chú ý loại hiện tượng này, việc miêu tả từ vựng của ngôn ngữ sẽ thiếu hệ thống một cách nghiêm trọng, dù là phản ánh chúng qua lối làm từ điển.

Mỗi lối nói trong các ngôn ngữ, phương ngữ đều sinh động, thể hiện đầy đủ các yếu tố nội dung, hình thức, ý nghĩa, tình thái… giao tiếp cụ thể. Trong lĩnh vực từ vựng, đó là các từ ngữ được sử dụng linh hoạt, bao gồm nhiều lớp từ. Có thể kể: lớp từ chung trong tiếng Việt, ta vẫn gọi là vốn từ chung, lớp từ thuần phương ngữ (vẫn gọi là “đặc phương ngữ”, lớp từ địa phương nhưng được sử dụng ở khu vực rộng lớn (cả phương ngữ), lớp từ vay mượn do tiếp xúc trực tiếp với các ngôn ngữ dân tộc trên địa bàn, lớp từ nghề nghiệp có ở địa phương,…

Lớp từ phổ thông sử dụng ở địa phương

Ở mỗi phương ngữ như vậy, lớp từ này rất cơ bản. Nó đã tạo nên một số lượng “áp đảo” so với các lớp từ khác, nên tạo ra tình trạng “đại đồng tiểu dị” cho các phương ngữ tiếng Việt. Đó là các từ: mắt, mũi, tay, chân, đầu, tim, gan, mật,… Đó cũng là các từ: ăn, uống, tắm, rửa, đi, đứng, ngồi, nằm,… Tuy nhiên, các từ như thế này sẽ không đưa vào từ điển phương ngữ.

Khi các từ trên có những cách nói khác (ta gọi là biến thể) về hình thức ngữ âm, hoặc về nghĩa, thì các biến thể đó mới được thu thập. Ví dụ, về âm, chính có biến thể là chánh (trong chánh trị, chánh sách) thì chúng ta thu thập. Về nghĩa, ví dụ, tiếng Quảng Nam nói miếng nước (ngụm nước) thì chúng ta đưa vào từ điển cách nói này. Cách nói như vậy gồm các từ như: dạ (lời thưa vâng với người trên), dì (vừa là em vừa là chị của mẹ mình), chụp hình (chụp ảnh), …

Lớp từ thuần địa phương

Đó là các từ chỉ dùng ở địa phương đang xét, mà không có (hoặc rất hiếm gặp, ở địa phương khác. Đây là vốn quý mà nhà ngôn ngữ cần tìm hiểu đặc biệt, để thấy rõ “bản sắc phương ngữ” của địa bàn. Ví dụ trong tiếng Thanh Hóa: bùi (trám đen), khuở (gẫy răng cửa, thường hàm dưới), hổng (đu đủ), hảng (đu đủ to), giẳng (thế), thạ (cái gùi nhỏ), vèo (ống tre, vầu đựng nước),… Ở Quảng Nam có các từ: nớt (trẻ sinh thiếu tháng), ranh (xảy thai), đất um (đất tốt), trà (sườn núi phẳng),…

Lớp từ vốn là các từ địa phương, nhưng có thể tìm thấy ở các địa phương khác

Ví dụ, các từ chung với phương ngữ Trung, Bắc, như: mô, tê, răng, rứa, mi, choa, ni, tau,… nói trên, đối với tiếng Quảng Nam. Các từ thuộc lớp phương ngữ Nam nói chung, như: mì (sắn), mè (vừng), thơm (dứa), bơm (táo tây), môn (khoai sọ), ghe (thuyền), ba (bố), má (mẹ), ảnh (anh ấy), bả (bà ấy), trỏng (trong ấy),…

Tất cả các từ trên đều được đưa vào bảng từ của từ điển. Phần giải thích không cần ghi chú về địa bàn sử dụng. Tuy nhiên, rất cần nói rõ các lớp từ này trong “Lời nói đầu” hoặc “Nguyên tắc và thể lệ biên tập” của từ điển.

Lớp từ do vay mượn do tiếp xúc ngôn ngữ

Đây cũng là lớp từ vựng cần thiết phải có nghiên cứu riêng và sâu. Đây cũng là lớp từ các nhà nghiên cứu chú ý. Tuy nhiên, việc xác định chúng không phải dễ. Ví dụ, với tiếng Quảng Nam, có thể xác định một số từ người địa phương dùng có gốc Chăm. Chẳng hạn: cà rá (nhẫn, karah), cù lao (Palao, đảo), ghe (ke, thuyền), lụt (haluh, cùn), ni, tê (ni, the, đây, đó), trã (Klah, nồi đất), vằng (văng, hái),… Trong tiếng Thanh Hóa, các từ: bùi (trám đen), hổng (đu đủ), hảng (đu đủ to), gai (dứa), vèo (dụng cụ đựng nước),… nêu trên, có lẽ có gốc Mường hoặc Thái ở trên địa bàn.

Các từ nhóm này đưa vào từ điển làm cho chúng có một bản sắc riêng tại địa bàn. Người đọc sẽ hài lòng khi chúng phản ánh được các nét riêng phương ngữ của phương ngữ, giúp cho việc tìm hiểu về gốc gác các từ. Người địa phương đọc từ điển sẽ hài lòng, khi tiếng nói của họ được đưa vào điển chế.

PGS-TS PHẠM VĂN HẢO

PGS-TS PHẠM VĂN HẢO