Người Quảng qua phương ngữ Quảng

TIÊU ĐÌNH 09/08/2015 10:21

Ngôn ngữ vừa là sản phẩm vừa là phương tiện giao tiếp của con người. Cho nên, nghiên cứu về ngôn ngữ nói chung, về phương ngữ Quảng Nam nói riêng, sẽ gián tiếp góp phần giúp chúng ta hiểu thêm được những giá trị đặc trưng về con người và văn hóa Quảng Nam.

Có lý do để các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học vẫn chưa thể thống nhất với nhau về những vùng phương ngữ tiếng Việt. Bởi lẽ, theo hành trình mở nước về phương Nam của cha ông, theo đà phát triển xã hội, đã có sự giao thoa tương tác giữa văn hóa các dân tộc, tạo cho tiếng Việt trải qua nhiều lần “biến đổi để hòa nhập, hòa nhập để biến đổi”. Theo đó, quy luật đào thải và bổ sung đã từng bước làm phong phú thêm, đồng thời tạo ra được những nét riêng cho ngôn ngữ từng vùng miền, trong đó có phương ngữ Quảng Nam.

Dù rất khó khu biệt phương ngữ từng vùng miền nhưng một cách tương đối, vẫn có thể đưa ra những vùng phương ngữ khác nhau. Dựa vào sự nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học, sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 8, 9 hiện nay của nhà xuất bản Giáo dục đã đưa phương ngữ Quảng Nam vào vùng phương ngữ miền Trung, (bao gồm Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ) để phân biệt với hai vùng phương ngữ khác là phương ngữ Bắc bộ và Nam Trung bộ - Nam bộ. Thực tế, khi đối chiếu với ngôn ngữ toàn dân và biệt ngữ xã hội, ta thấy phương ngữ Quảng Nam vừa có vốn từ ở ngoài đèo Hải Vân nhập vào (ni, tê, mô, răng, rứa…), vừa có vốn từ “rặt Quảng Nam” được hình thành tại chỗ (ổng (ông), bả (bà), rị (kéo), mần ăn (làm ăn), trớt huớt (không được gì cả…). Lại có một số từ như ở trỏng (trong), ở bển (bên ấy)… vẫn còn dùng khá phổ biến từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, nhưng tại Quảng Nam thì còn lại rất ít.

Hát bài chòi đầu xuân.              Ảnh: TẤN VỊNH
Hát bài chòi đầu xuân. Ảnh: TẤN VỊNH

Xét ở ba mặt ngữ âm, từ vựng và cú pháp thì từ vựng và ngữ âm trong phương ngữ Quảng Nam gắn bó chặt hơn với những đặc trưng con người và văn hóa Quảng Nam. Không có những nét khác biệt lớn về mặt ngữ pháp giữa phương ngữ Quảng Nam với những nơi khác. Cho nên, qua cách phát âm và dùng từ rất riêng của người Quảng, nhất là trong giao tiếp hằng ngày, sẽ dễ dàng nhận ra họ là ai. Kho tàng văn học dân gian Quảng Nam chính là kho phương ngữ bình dân phong phú có thể giúp chúng ta hiểu thêm nhiều điều thú vị về con người và văn hóa vùng đất. Trong đó, truyện cổ, câu đối, câu đố, ca dao, dân ca, hò vè, hát hò khoan đối đáp, hát ru… là những “sân khấu diễn xướng” vô cùng lợi thế để phô diễn khả năng uyển chuyển của phương ngữ và sở trường của người Quảng.

Lặn trong kho báu ấy, chúng ta có thể nhận ra con người Quảng Nam như thế nào? Có thể đó là những con người, những nhân vật văn học cụ thể,  nhưng lại khá nhất quán về phẩm chất, tính cách khái quát. Trước hết, do bị chi phối bởi những đặc điểm về địa lý, lịch sử nhất định, người Quảng đã quen sống chung với chiến tranh và thiên tai nên đâm ra quen dần với  sự kiên trì chịu đựng. Trong hoàn cảnh khó khăn, gian nguy nào ta vẫn thấy họ biết chịu thương, chịu khó, nhân hậu và thủy chung. Hãy nghe người dân vùng quê cát đông Quảng Nam nhắc nhở nhau qua lời hát ru nghĩa tình:

Đường đi cát nóng phỏng chưn

Ta chưa bỏ bạn, bạn đừng bỏ ta.

Hay như người dân vùng núi cao tự nguyện làm một “cô Tấm thảo hiền”:

Đói lòng cắn hột chà là

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.

Cái tình mênh mang, sâu đằm ở đây được thể hiện chân chất và bình dị qua ngôn ngữ Quảng Nam mộc mạc: chưn (chân), hột (hạt).

Người ta thường nói nhiều về tính khí hơi ngang tàng, bộc trực nhưng  thẳng thắn của người Quảng Nam. Phải chăng từ đó mà người Quảng  “mang tiếng” hay cãi? Họ “ăn cục nói hòn”, chẳng cần rề rà, vòng vo rào đón trước sau nên đôi khi hơi khó nghe. Mà nghe quen lại thấy “ghiền”. Ví như cách nói sau đây trong ca dao:

Mâm cơm có mấy thứ ngon

Dì ghẻ ních hết để con nhịn thèm.

Ngoài cách nói “xáp ngay vào vấn đề” thì từ địa phương “ních” (ăn) còn có sắc thái biểu cảm chê trách, phê phán, giúp người đọc hiểu được thái độ của chủ thể phát ngôn. Nói “Mi ních hết đi” (bất bình) khác với nói “Mi ăn hết đi” (chân tình).

Đọc truyện cười Thủ Thiệm hay thơ Tú Quỳ, ta bắt gặp khá nhiều phương ngữ đậm chất văn hóa Quảng. Qua đó, ngoài sự ngang tàng, trực tính, còn thể hiện sự khá thông minh, dí dỏm và ít nhiều “liều mạng”. Điều này còn thể hiện rất rõ trong thú chơi câu đối và hát hò khoan đối đáp. Bằng nhiều phương thức thể hiện huy động được tối đa sở trường của người Quảng như chơi chữ, nói lái, trêu chọc, lý sự…, họ đã khiến chúng ta cười thoải mái và càng ngẫm nghĩ càng thấy thú vị. Ngay cả những lúc “bí xở”, họ vẫn vui tính xở theo kiểu “nói liều”, hoặc tảng lờ để “chuyển hướng tấn công” một cách thông minh, nhạy bén. Sức thu hút của hát hò khoan đối đáp  Quảng Nam chính là ở đó.

- Tiếng chàng làu thuộc ngũ kinh

Gặp đây cho em hỏi, Lưu Bình con ai?

Tích Lưu Bình - Dương Lễ, biết rồi! Nhưng còn cha Lưu Bình thì có nghe ai nói bao giờ đâu. Vậy mà chàng trai vẫn có cách “đáp liều” vừa tài giỏi vừa vui, đối phương dù “khẩu” không phục thì “tâm” ít nhiều cũng phải phục:

- Thiếp hỏi chàng thì chàng phải nói ra

Lưu Bình là con ông Lưu… Hũ ở Thanh Hà gánh lên.

Trường hợp chơi câu đối thì thường là để thử tài nhau, thờ người chết, mừng nhà mới, treo ở đình, chùa… Loại hình này hơi nghiêng về tính bác học thông thái, chặt chịa và trang nhã hơn. Cũng giống như những nơi khác, nhưng khi vào đất Quảng Nam thì hình như bên cạnh sự uyên bác, tính chất “tinh quái” trong câu đối được đẩy lên thêm một bậc… khá Quảng Nam. (Cho phù hợp với tính khí con người chăng?):

Con heo nái của anh Hai Néo, ngủm cù đeo ngoẻo cù đum.

Chú bê hoa của chị Ba Huê ngắt cẳng quay ngay cẳng quắt

Không giỏi nói lái như người Quảng Nam thì dễ gì có được vế đối độc đáo trên đây.

Có thể nói, phương ngữ Quảng Nam không chỉ là chuyện của ngôn ngữ mà còn là cái bóng của con người. Vận dụng tốt phương ngữ Quảng Nam trong sáng tạo văn học cũng như trong giao tiếp hàng ngày sẽ làm sáng thêm cái chất Quảng Nam. Thời đại nào, ở đâu, cho dù đông hay tây, cho dù trong hay ngoài nước, tôi vẫn đoan chắc rằng sẽ dễ dàng nhận ra “bạn vàng Quảng Nam” qua cách dùng phương ngữ và nghe họ phát âm. Sức mạnh nhân văn là ở đây chăng?

  TIÊU ĐÌNH

TIÊU ĐÌNH