Góp ý phương án di dời, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Triền Tranh

LÊ QUÂN 07/08/2015 15:49

(QNO) - Ngày 7.8, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở VHTT-DL tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ và góp ý phương án di dời, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Triền Tranh (Duy Trinh, Duy Xuyên).  Hội nghị thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về khảo cổ, lãnh đạo Sở VHTT-DL, UBND huyện Duy Xuyên và nhà thầu của dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Khu phế tích Triền Tranh vừa được khai quật
Khu phế tích Triền Tranh vừa được khai quật

Di tích Triền Tranh nằm trong cụm phế tích kiến trúc Chămpa, sau khi có báo cáo đánh giá của các chuyên gia tư vấn khảo cổ vào đầu năm 2010, hướng tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đi qua đoạn này đã được cập nhật điều chỉnh để tránh xâm phạm di tích. Tuy nhiên, do di tích có quy mô lớn, lại nằm sâu trong lòng đất nên trong quá trình thi công tuyến cao tốc, các đơn vị thi công đã làm xuất lộ những dấu tích kiến mới. Theo kết quả từ nhóm nghiên cứu của Viện Khảo cổ, phế tích Triền Tranh là một công trình kiến trúc tôn giáo bị sụp đổ gồm nhiều kiến trúc tạo nên một trung tâm tôn giáo hoàn chỉnh nằm theo trục đông tây.

Toàn bộ khu vực khai quật có diện tích 3.000m2, với các dấu tích kiến trúc: Tháp Cổng – Nhà Dài (Mandapa) – hồ nước thiêng – tháp thờ trung tâm. Qua nghiên cứu loại hình và vật liệu kiến trúc gạch, ngói, gốm sứ… bước đầu có thể nhận định niên đại khởi đầu của di tích nằm trong khoảng từ cuối thế kỷ IX và kết thúc ở khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII. Đây là một quần thể kiến trúc tôn giáo có quy mô lớn được xây dựng trên một mặt bằng quy hoạch hình chữ nhật, khu vực khai quật diện tích 3.000 m2 còn làm xuất lộ 8 kiến trúc nhà lợp ngói có bình đồ kiến trúc 3 gian, được coi là những kiến trúc phục vụ tôn giáo không thuộc dạng đền tháp lần đầu tiên được phát hiện trong hệ thống kiến trúc Chămpa.

hệ thống tường bao di tích vẫn còn khá nguyên vẹn
hệ thống tường bao di tích vẫn còn khá nguyên vẹn

Tại hội nghị, Viện Khảo cổ kiến nghị được tiếp tục khai quật 800m2 còn lại của khu vực di tích nhằm thu thập thêm những tư liệu về những vết tích kiến trúc nhà cửa và làm rõ hơn mặt bằng tổng thể phân bổ kiến trúc của khu vực này. Sau khi kết thúc toàn bộ diện tích 3.800m2, Viện Khảo cổ cho biết sẽ tiến hành di dời toàn bộ di tích, di vật về tạm nhập và bảo tồn tại Bảo tàng Quảng Nam. Phương án di dời di tích công trình khai quật nghiên cứu di tích Triền Tranh được đưa ra tại hội nghị là thống nhất di dời di tích, di vật giải phóng mặt bằng 3.800m2 để phục vụ cho việc xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Phương án bảo tồn di tích sẽ được tư liệu hóa bằng phương pháp quét và dựng phim tư liệu 3D – phục dựng hiện trạng di tích theo phương pháp mô hình không gian ba chiều bảo tồn trên máy vi tính.  Ngoài ra, việc di dời di tích, di vật sẽ cắt nguyên khối hai đoạn di tích tường thành di dời về Bảo tàng Quảng Nam và Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa Duy Xuyên phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày. Các hiện vật khảo cổ sau khi kết thúc giai đoạn chỉnh lý, phân loại sẽ được bàn giao cho Bảo tàng Quảng Nam.

một số hiện vật khai quật được tại khu phế tích Triền Tranh
một số hiện vật khai quật được tại khu phế tích Triền Tranh

Được biết, Bộ VHTT-DL đã cơ bản thống nhất cho phép Viện Khảo cổ tiếp tục khai quật 800m2 còn lại và cơ bản đồng ý với phương án di dời di tích, di vật giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN