Hoài Linh: Đời tôi như dây tầm gửi

PHƯƠNG NGUYÊN 01/08/2015 09:52

Khán giả, giới nghệ sĩ “vinh danh” Hoài Linh là vua giải trí, là ông hoàng của showbiz. Nhưng anh bảo mình nào phải ông hoàng, bà chúa gì đâu, đời nghệ sĩ như dây tầm gửi, sống nhờ vào tình yêu của khán giả mà thôi.
Báo, tạp chí viết về Hoài Linh 20 năm nay có khi chất cao hơn đầu anh đến mấy mét. Chả thế mà lần nào Hoài Linh nghe có “mùi”… phỏng vấn thì y như là anh từ chối bai bải: “Thôi, viết chi nữa! Ăn ngủ anh còn không có thời gian. Là đồng hương đồng khói với nhau, phải biết thương nhau chớ hỉ!”.

Kiếm tiền để xây đền thờ tổ nghiệp

Bắt anh dành thời gian ngồi trò chuyện có vẻ trịnh trọng coi bộ… khó ăn. Bắt cóc anh ở hậu trường, tranh thủ giờ giải lao thì may ra. Nhưng có gặp Hoài Linh trong những hoàn cảnh ấy mới hiểu hết được cuộc sống của anh sau bức màn nhung. Hôm bữa thấy anh nằm co ro trên ghế xếp, chợp mắt ngon lành. Vì anh phải quay liên tục mấy số của chương trình Bí mật đêm Chủ nhật nên mệt mỏi, phải tranh thủ ngủ được chừng nào hay chừng ấy. Đây không phải là lần đầu tiên Hoài Linh làm việc chẳng giống ai. Nói chính xác là khoảng hơn một năm nay, khi anh lao vào kiếm tiền. Từ vị trí diễn viên hài, anh quay sang đóng phim. Mới nghe anh tung hoành các phòng vé lại thấy anh đi làm giám khảo các chương trình truyền hình thực tế. Thiên hạ chưa hết ngỡ ngàng, anh chuyển qua làm MC. Anh liên tục chuyển từ vai trò này sang vài trò khác, khán giả đi từ ngạc nhiên nọ đến ngạc nhiên kia. Độ phủ sóng của Hoài Linh chưa bao giờ rộng đến thế!

Chân dung nghệ sĩ Hoài Linh.
Chân dung nghệ sĩ Hoài Linh.

Tất nhiên, trong 3 - 4 công việc đó, có cái là sở trường, có cái là sở đoản. Bản thân Hoài Linh cũng thừa nhận mình không có tài bẩm sinh. “Làm MC, giám khảo ngó vậy chứ đâu có… dễ ăn. Nói cái gì cho vui vui thì được chứ làm MC nghiêm túc tôi thấy khó như...  quỷ! Ngồi giám khảo phải cầm cân nảy mực, nhận xét, phải làm sao cho có chuyên môn, cho đúng chứ đâu phải ngồi chường bản mặt trên sóng là ăn tiền được” - Hoài Linh cười. Vậy là anh lại tận tâm, lao lực vì những công việc ấy. Ở vị trí nào, anh cũng được xem là át chủ bài, thu hút mọi ánh nhìn. Nhưng việc “cày” trên các “chiếu” khác, Hoài Linh cũng chịu không ít điều tiếng. Xuất hiện nhiều cũng dần gây ra cho khán giả cảm giác chán! Hoài Linh biết điều đó không? Biết chứ!

Một cách tâm linh, Hoài Linh bảo mình được như ngày hôm nay là nhờ tổ nghiệp phù hộ. “Tôi không phải là con nhà nòi, cái nghề nó đổ ngang qua mình là do ông tổ chọn. Tôi phải lấy cái nghề này để phụng sự lại tổ nghiệp. Thành ra tôi muốn xây một ngôi đền tổ, là cái nơi để anh em trong nghề có chỗ thờ phượng cho đàng hoàng!”- Hoài Linh trăn trở. Đó cũng là lý do anh vắt kiệt sức cho những công việc có khi không thuộc chuyên môn, những thứ anh không thích. Mà trong nghệ thuật, phải làm những thứ mình không thích cũng là nỗi sợ. Nghệ sĩ Việt Hương lắc đầu: “Thực ra anh ấy đủ sức kêu gọi mọi người chung tay nhưng anh không muốn xin xỏ ai. Cứ tự mình ráng làm, tích cóp. Thấy anh ấy bán sức như vậy, ai cũng đứt ruột!”. Thời gian qua là khoảng thời gian ám ảnh nhất của Hoài Linh nhưng anh vẫn cố gắng, miệt mài cày xới. Xong việc là đi chuyền nước biển luôn. Hoài Linh trấn an: “Tôi cố đeo đuổi lần này nữa thôi, rồi sẽ trở về với chuyên môn của mình là hài. Những cú rẽ ngang này, tôi sẽ dừng lại khi hoàn thành tâm nguyện”.

Đừng gọi tôi là “ông hoàng”

Hoài Linh nổi tiếng bằng tài năng, bằng duyên hài, không ông bầu, không xì-căng-đan, không mua báo chí. Hơn 20 năm, hào quang tỏa ra từ anh vẫn xuyên thời gian, dù đó là sân khấu sang trọng, đèn màu rực rỡ ở thành phố hay tạm bợ, xa xôi ở tỉnh lẻ. Những lần Hoài Linh về Quảng Nam, bà con rần rần kéo nhau đi xem. Đủ thấy họ mê anh cỡ nào! Riêng với Hoài Linh, về xứ Quảng trong những lần biểu diễn mang cho anh một thứ cảm giác khác. “Đó là quê hương, gốc gác của mình, về Quảng Nam diễn làm sao không sướng cho được! Chỉ cần nghe cái giọng thôi cũng đủ xốn xang bao nhiêu cảm xúc”- anh chia sẻ. Nếu có dịp tiếp xúc với Hoài Linh hay xem Hoài Linh diễn, mới thấy anh yêu quê hương, yêu giọng Quảng đến nhường nào. Khi làm MC trong chương trình Tôi là người chiến thắng, anh thường xuyên chen những câu nói “rặt ri” tiếng Quảng, khi ngồi ghế giám khảo anh cũng hay khoe mình là người Quảng. Mỗi lần về diễn, anh không quên ghé bà con, chòm xóm, thăm hỏi, tặng một chút quà phương xa.

Nói về diễn xuất của Hoài Linh, NSƯT Thành Lộc đã đưa 2 tay lên như đầu hàng, rằng: “Duyên quá! Duyên ơi là duyên! Cái duyên được “tổ đãi””. Biên độ vai diễn của Hoài Linh rất rộng. Có cảm giác anh “chạm” đến vai nào thì “xơi” vai đó dễ dàng, ngon lành. Ông già cũng là anh, thanh niên cũng là anh, thiếu nữ lại càng hay. Hài thì xuất sắc mà bi cũng cảm động. Khán giả của anh lại càng bao la hơn. Ai cũng mê anh được. Chọn con đường nghệ thuật giải trí đơn thuần, dung dị, phóng khoáng, nét diễn điềm tĩnh, đủng đỉnh, từ tốn “đặc trưng Hoài Linh” sau bao nhiêu năm vẫn chưa có ai “qua mặt” được. Riêng về giọng nói 3 miền, có thể khẳng định đó là yếu tố quan trọng tạo nên tên tuổi của anh. Nhưng bây giờ khen Hoài Linh diễn hay chẳng khác nào khen “nhà giàu lắm thóc”. Hoài Linh thường khiêm tốn khi nói về tài năng của mình. Anh hay hoài nghi những khả năng có được. “Nhiều khi giật mình nghĩ lại, tôi không hiểu tại sao mình nổi tiếng như vậy nữa. Dòng họ đâu ai theo nghề nên tôi đâu phải kế thừa, phát huy hay thừa hưởng cái gen gì. Vậy mà trời thương, trời chọn cho mình” - anh thật thà.

Người ta hay so sánh Thành Lộc và Hoài Linh là kẻ cõng hạt - người đội bia. Người thuộc chiếu bác học, kẻ thuộc chiếu bình dân. Người có ma lực, kẻ có hào quang. Người có độ thâm sâu, kẻ có vẻ hóm hỉnh. Hoài Linh không muốn so sánh bởi với ai, sang hèn hay bình dân không quan trọng. Cái đích cuối cùng của người nghệ sĩ là mang đến cho khán giả nước mắt hay nụ cười mà thôi. Anh thẳng thắn: “Ông hoàng, bà chúa hay vua giải trí, vua showbiz gì đó đều là do khán giả, báo chí xưng tụng. Bản thân tôi không thích được gọi như vậy. Ngẫm ra nghệ sĩ chúng tôi như dây tầm gửi, sống nhờ vào tình yêu khán giả mà thôi”. Soi rọi lại cuộc đời mình, Hoài Linh bảo anh trụ được đến ngày hôm nay là nhờ tất cả vào khán giả. Họ là người đồng hành, ủng hộ nghệ thuật cũng chính là người cho anh cơm ăn, áo mặc, thuốc men… hàng ngày.

Hai lúa chính hiệu

Rất khó tả vẻ hai lúa của Hoài Linh nhưng có thể khẳng định đó là điểm nổi bật nhất ở anh. Nó toát ra ở lời nói, cử chỉ. Anh ăn nói thẳng thắn, không câu nệ, không lời lẽ hoa mỹ, màu mè hệt người Quảng. Chỉ thích ăn mắm, cá khô, ở nhà thường dọn mâm ngồi xổm dưới đất hoặc vắt chân trên ghế; ra quán thì lựa ghé mấy quán bình dân, vỉa hè, càng rẻ tiền càng tốt. Quanh năm anh chỉ có một kiểu như vậy. Ngủ thì chiếc giường tróc son, thấp gần sát đất, miễn thoải mái và ngon giấc.

Thật ra Hoài Linh đủ điều kiện xài sang mọi thứ nhưng anh quan niệm:  “Ở đời có người thích bát son, mâm vàng thì cũng có người thích chiếu cói, gáo dừa. Tôi thuộc dạng người thứ 2. Một tô bún riêu ở nhà hàng máy lạnh chưa chắc đã ngon hơn tô bán ở vỉa hè. Quan trọng là cảm giác, khẩu vị của người ăn. Quần áo đắt tiền thì đẹp thật đấy nhưng ngặt cái không hợp với mình thì mặc vào cũng thành xấu. Bởi vậy, sang trọng, chải chuốt hay bông phèng, thô ráp cũng có cái hay riêng của nó. Tôi là hai lúa chính hiệu và tôi thấy thoải mái với sự “lúa” ấy. Vì nó là bản chất, là gốc gác của mình mà!”.

Điều đáng quý nữa ở Hoài Linh là khi đã ở trên đỉnh vinh quang, anh cũng chưa mắc “bệnh ngôi sao”. Xuất thân từ bình dân nên anh bình dân với mọi người. Anh có thể chơi với bất kể người nào, từ quan chức cấp cao đến những người nghèo trong xã hội. Nhất là với những đàn em có cùng xuất thân, hoàn cảnh giống mình, Hoài Linh không bao giờ e dè tiếp xúc. Có khi anh còn bình dân hơn cả họ. Chẳng biết tự khi nào, xung quanh Hoài Linh có nhiều mối quan hệ. Trên là tổ nghiệp, dưới là khán giả, bên phải là con nuôi, bên trái là học trò, đằng sau là bạn bè, đằng trước là anh em…Với mối quan hệ nào, Hoài Linh cũng chu toàn, tận tâm. Nói như NSƯT Thành Lộc: “Dù không có gia đình nhưng Hoài Linh phải lo lắng cho rất nhiều người. Vì đa đoan quá, gánh vác nhiều món nợ đời quá nên cậu ấy khổ là vậy”.

PHƯƠNG NGUYÊN

PHƯƠNG NGUYÊN