Ngày giỗ của anh…
Lúc nhỏ, khi cô giáo ra đề văn “Hãy viết một kỷ niệm về ông bà nội, ngoại của em” tôi không biết viết về ông, bà mình như thế nào, bởi từ khi sinh ra, chẳng bao giờ được gặp hai bên nội, ngoại.
Nghe ba má tôi kể lại rằng, ông bà người thì mất vì bom đạn, kẻ thì lũ lụt, người thì chết vì đói… Ba tôi mồ côi cha từ trong bụng mẹ, được 3 tuổi lại mồ côi mẹ, hai anh em côi cút nương tựa vào nhau, bác tôi phải đi ở đợ để nuôi ba tôi sống qua ngày. Bác và ba tôi tham gia cách mạng khi mới 17 tuổi, hai anh em đều vào tù ra tội, chúng đánh bác tôi hết bệnh nói cà lăm, rồi gắn luôn cái tên là “Hai Lỳ”. Còn ba tôi, chúng cho vào thùng phuy đã đổ nước xà phòng, bọn chúng đứng ở ngoài, lấy cây đánh vào thùng, đánh đến khi máu từ miệng, mũi hộc ra, tưởng chết chúng cho đem về chôn. Nhờ bài thuốc nam, ba tôi mới sống được, ông phải rời quê nhà đi bộ đội, bị thương nặng rồi ra miền Bắc điều trị. Ba gặp má cùng ở Trại điều dưỡng thương binh nặng Gia Viễn - Ninh Bình. Hai người cùng cảnh ngộ, cùng quê hương, cùng phận mồ côi rồi nên duyên nợ với nhau. Ngày cưới, hai người mặc quân phục, cả trại thương binh tặng cho đôi vợ chồng mới cưới một căn phòng nhỏ trong đêm tân hôn ở khu tập thể.
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại Núi Cấm, Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Ngày giải phóng đất nước, ba má trở về quê hương, dòng tộc hai bên, đếm không đầy trên bàn tay. Trên mảnh đất quê hương, bom đạn cày xới, hố bom chi chít, những đứa trẻ ở vùng quê này lượm nhặt phế liệu từ mảnh bom đạn, xác máy bay của Mỹ đổi những que kem, hoặc làm dụng cụ để sản xuất, tăng gia. Những buổi trưa, nghe tiếng đì đoàng, vậy là có người chết, bị thương bởi bom đạn của Mỹ còn sót lại…
Ba tôi người nhỏ thó, nhìn dáng đi của ba tôi thật tội, chân thì đi vòng kiềng, thân thể ba má tôi nham nhở những vết thương, khi trở trời là cơn đau hành hạ. Nỗi đau ấy còn đau đớn hơn, khi sinh ra những đứa con nhiễm chất độc da cam, những đứa con mà tương lai mờ mịt. Anh Hai con bác tôi hy sinh, bác chẳng còn ai, về ở chung với gia đình tôi. Gia đình tôi giống như một bệnh xá nhỏ, đầy đủ thuốc men để cấp cứu kịp thời. Bác bị di chứng của những trận đòn, cộng với nỗi đau mất con, ông sống nửa thực, nửa mơ. Đêm đêm, ông ngồi nói chuyện một mình, huơ tay làm ám hiệu, rồi nói chuyện với đứa con trai đã mất; khi lên cơn đau, ông chỉ biết ôm đầu, rồi nói “đừng đánh, đừng đánh”. Người ta gọi đó là hội chứng của những lần tra tấn của địch. Những năm cuối đời, ông thường bỏ nhà đi, ông đi như người mộng du, đi như những năm tháng thời trai trẻ, đôi chân đưa ông đi đến những căn hầm còn sót lại, ông bảo, ông thích sống ở đó… Rồi sau một cơn đau tim, trái tim nhỏ bé của ông đã ngừng đập, mắt vẫn mở, miệng mấp máy gọi “Hai ơi!” .
Anh Hai tôi hy sinh khi mới 17 tuổi, anh là bộ đội làm công tác giao liên, một quả bom trúng đôi chân anh, mất máu nhiều, đơn vị chôn vội anh bên dòng sông Tiên. Sau này, chúng tôi đã đi dọc bờ sông Tiên, đã bới từng gốc cây, ngọn cỏ nhưng hài cốt anh vẫn không tìm thấy. Đã hơn 40 năm, chắc thân thể anh bây giờ đã ngấm vào đất, đã hóa thành cây nhưng ước vọng của gia đình, của di nguyện bác tôi được một lần thắp hương trên mộ anh vẫn chưa thành. Lấy ngày nào làm ngày giỗ anh? Ngày báo tử ư, không đúng? Ngày hy sinh ư, chắc không? Ngày rằm, ngày mùng một? Cuối cùng gia đình chọn ngày ngày 27 tháng 7. Ngày người dân cả nước kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của anh hùng liệt sĩ, tưởng nhớ đến những bậc ông cha đã hiến máu xương cho đất nước, cho dân tộc…
Chiều nay, ra nghĩa trang liệt sĩ, những ngôi mộ có tên, chưa xác định tên nối dài… Biết đâu những ngôi mộ liệt sĩ chưa được biết tên lại có anh, đồng đội anh đang nằm ở đó, vái lạy các anh, có linh thiêng ở nơi nào mà về với ông bà, quê xứ. Trên bàn thờ ông bà, ảnh thờ anh không có, hỏi những người cùng thời với anh, về khuôn mặt của anh, nhờ ông họa sĩ già chắp nối mà họa nên bức hình của chàng trai 17 tuổi - chưa biết yêu - chưa được nắm tay của người con gái nhưng trông anh thật kiên cường!
Anh Hai ơi, bác ơi, ở bên Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Núi Cấm, Tam Kỳ, có một nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh. Những đứa con nằm bên mẹ, được người mẹ chở che, vỗ về, thật là hạnh phúc. Hàng ngày, hàng trăm lượt người từ Bắc chí Nam tụ hội về đây để dâng hương và thưởng ngoạn tượng đài Người Mẹ, của lòng dân. Trong dòng người đến viếng hôm nay, có người chống nạng, có người ngồi trên xe lăn, họ là những cựu chiến binh từng một thời xông pha trận mạc, kính cẩn dâng hương, dâng hoa trong làn khói trắng nghi ngút, hòa vào không gian tĩnh lặng. Và rồi người người lại nối tiếp nhau đến từng phần mộ, nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ, cầu mong đất nước thanh bình.
HÀ AN