Qua Trao thì đến Bến Giằng
Bến Giằng trong tâm tưởng
Trước 1975, chính quyền Sài Gòn khoanh một vùng rộng lớn với tên gọi dành cho hầu hết huyện miền núi Quảng Nam: Sơn phần công hoang quốc gia. Nhưng hình như hồi ấy thị trấn Thạnh Mỹ được ghép vào quận Thượng Đức thì phải. Đó là một vùng đất rộng mênh mông và đầy bí ẩn. Cùng với thời gian, cái mênh mông, rộng lớn dần khép lại với sự phát triển chóng mặt của công cuộc đô thị hóa, văn minh hóa; sự bí ẩn cũng khép lại với bao nhiêu nỗi bất ngờ. Ở đó có Bến Giằng.
Nhiều khi cứ nghĩ vớ vẩn về cái từ Bến Giằng là lạ ấy: Hay chỉ đơn giản, tới đây, con nước dùng dằng không muốn trôi về xuôi. Kiểu: Con sông dùng dằng con sông không chảy/ sông chảy vào lòng… trong thơ Thu Bồn! Có vẻ như cái kiểu sông chảy vào lòng này có thể “duyệt” được?! Có người lại bảo: Là Giàng đọc trại thành Giằng đấy. Một Bến Giằng nằm ở một khúc quanh chỗ gặp nhau của sông Cái và sông Bung quanh năm thơ mộng và trở nên dữ dội mỗi mùa lũ về. Rồi cái sự chọn huyện lỵ là Thạnh Mỹ hay Bến Giằng sau ngày giải phóng. Cuối cùng người ta đã chọn Bến Giằng. Gần đây lại nghe nói sẽ chuyển về lại Thạnh Mỹ vì ở Bến Giằng đất đai chật chội. Ngang qua đây là đường 14 nối miền xuôi với miền ngược. Rẽ vào phía tây theo đường 14D xuyên lên Cửa khẩu Nam Giang sẽ đến tỉnh Sê Kông của nước CHDCND Lào anh em. Thạnh Mỹ - Bến Giằng như một ngã tư xuôi nam, ngược bắc, lên tây, xuống xuôi vô cùng thuận lợi. Cả trong chiến tranh lẫn thời bình. Chính vì thế, Nam Giang có một vị trí địa lý vô cùng thuận lợi so với nhiều huyện miền núi khác.
Đoàn chi hội văn học (Hội VHNT tỉnh ) tại cột mốc 717 cửa khẩu Nam Giang. Ảnh: LÊ TRÂM |
Những năm 80, 90 thế kỷ trước, qua nhiều câu chuyện kể của những người đi tìm trầm, tôi đã vẽ ra một chuyện tình giữa anh chàng đi tìm trầm và cô giáo miền xuôi trong một câu chuyện tình lãng mạn – “Điệu dădă bên suối Cxêê abươp - trăng sáng”. Câu chuyện diễn ra đúng ngày hội Băn calang thường tổ chức vào cuối năm cũ, đầu năm mới như một câu chuyện tình diễm lệ nhiều nước mắt. Đã cố gắng kéo cho được cái điệu múa dădă “hương đất dâng trời” vào văn học nhưng có lẽ chưa đâu vào đâu. Chắc chắn còn phải tìm hiểu nhiều hơn nữa mới có thể thực hiện cái tham vọng “văn học hóa” cái ý tưởng vô cùng đẹp ấy của mình và có lẽ còn của nhiều người khác.
Cửa khẩu mùa này
Chuyến đi thực tế cho các bạn văn của Chi hội văn học Quảng Nam (Hội VHNT tỉnh) thâm nhập vùng cao khu vực biên giới phía tây của tỉnh tưởng dễ dàng hóa ra không hề đơn giản. Bởi, đoàn đi những mấy mươi người. Giá như với dăm ba người thì chỉ cần tổ chức một lượt đi phượt kiểu như các bạn 8x, 9x là xong. Chỉ cần, xách ba lô lên và đi, như cách nói của các bạn trẻ bây giờ. Như các nhóm bạn trẻ chúng tôi gặp ở thác Grăng – xã Ta bhing hay Khe Lim - Đại Hồng (Đại Lộc). Đằng này còn phải lo xe cộ đi lại, nơi ăn chốn ở, kế hoạch thâm nhập thực tế, khai thác tư liệu. Đến Nam Giang mới thấy mình… lo hão. Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn. Dù trong ngày nghỉ nhưng Phòng văn hóa – thể thao Nam Giang cũng cử một cán bộ người Cơ Tu hướng dẫn đoàn trong suốt hai ngày. Zơrâm Ươm có vẻ quen làm hướng dẫn cho các đoàn nên làm khá tốt vai trò tư vấn các địa điểm cần đến.
Ở Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang, đại úy đồn phó trực ban Dương Tuấn Anh đón chúng tôi thật chu đáo. Các anh giúp chúng tôi dàn xếp chỗ nghỉ và bàn thêm kế hoạch đi thực tế trong hai ngày và giao lưu vào buổi tối. Để có chỗ cho 30 người ở lại, cả đồn phải khắc phục bao nhiêu khó khăn. Vừa ổn định đoàn xin phép lên cửa khẩu. Thiếu úy Coor Dớt dẫn đoàn vượt hơn 20 cây số ngược lên phía tây. Đường đang hồi sửa chữa nhưng cũng tương đối dễ đi. Đây là đoạn đường chúng tôi ngại nhất, sợ xe một cầu không qua được như hồi đi bằng xe ca lên Lò Thung - Tiên Phước năm trước. Đường dễ đi gấp bao lần so với lần đi của hai nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ và Phan Chín cách đây hơn 10 năm. Ngày ấy còn phải đi phà qua sông Bung bởi còn nhiều cầu chưa xây...
Đường 14D đang được nâng cấp để phục vụ cho cửa khẩu Nam Giang mở sang Sê Kông. Với cửa khẩu này, đường sang một số tỉnh Nam Lào rút ngắn cả hàng trăm cây số. Lúc chúng tôi đến, nhiều xe chở hàng hóa mang biển số các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang làm thủ tục đi sang nước bạn. Sự có mặt của các chuyến xe làm cho không khí vùng biên ải bớt đi vẻ hoang liêu. Buổi chiều miền biên ải thật dễ lay động lòng người. Thời gian chỉ đủ để chúng tôi chia sẻ phần nào nỗi niềm của những người lính quanh năm xa nhà, ngày đêm gìn giữ biên cương.
Buổi tối, chúng tôi có đêm giao lưu đầy ấn tượng với các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu. Có những tiết mục văn nghệ diễn chung giữa các thành viên của đoàn và chiến sĩ biên phòng khiến chúng tôi có cảm giác cả hai đã hóa thành một. Càng về khuya, không khí giao lưu càng lắng đọng. Nhiều bài thơ từng gắn bó với tên tuổi của tác giả hoặc vừa được viết từ đợt thực tế đã được các thành viên trình bày. Như nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ với những câu thơ hay viết về một thời trận mạc của mình. Và cả những câu thơ mới viết: Đêm Trường Sơn khát Nam Giang/Anh và em khát muộn màng ánh trăng/Đêm nghiêng. Hãy giữ thăng bằng/nghe sương chầm chậm. Bến Giằng đang mơ… (Nam Giang khát - NTS). Hay với nhà thơ Nguyễn Hải Triều: Bè bạn với rừng đàn mây di trú/Có thể xanh hơn bóng dáng quê nhà/Đăk Ốc gió Lào se sắt/Người lính biên phòng nỗi nhớ gởi về xa ( Đại ngàn – NHT)…
Còn chút gì để nhớ!
Sáng hôm sau, dưới sự hướng dẫn của Thượng úy Blup Vĩnh, chúng tôi đi thăm thôn Đắc Ốc (xã La Dêê) và một thôn người Cơ Tu của xã Đắc Tôi (xã này người dân tộc Tà Riềng chiếm đa số). Đang lúc địa phương tập huấn cho bà con nên hầu hết người lớn đều tập trung ở gươl của làng. Ở nhà chỉ còn trẻ nhỏ và người già. Chúng tôi ghé thăm một số bếp. Hỏi chuyện mấy người già đang ngồi trên ngạch cửa ngó mông lung ra đường và vui với bọn trẻ nhỏ. Rời Đắc Tôi, đoàn ngược xuống thăm làng dệt thổ cẩm Za Ra. Hình như đi không đúng… lịch du lịch nên làng dệt vắng tanh. Anh em tranh thủ chụp mấy pô hình rồi về gươl huyện. Cách 75 cây số về hướng miền xuôi các dấu ấn văn hóa phai nhạt thấy rõ. Gươl huyện mái lợp tôn, sườn ghép bằng khung sắt tạo nên cảm giác nặng nề và hụt hẫng. Chúng tôi rời gươl huyện với cảm giác vừa bị đánh mất nhiều thứ.
Lúc trở về đi ngang cầu Bến Giằng có ai đó chợt hỏi vu vơ: Bao giờ thì huyện lỵ sẽ chuyển xuống Thạnh Mỹ? Chẳng có ai trả lời. Bất giác một giọng nữ khẽ đọc lại mấy câu thơ cũ: Qua Trao thì đến Bến Giằng…
Ghi chép LÊ TRÂM
“Qua Trao thì đến Bến Giằng
Phải chăng đất Quảng anh hùng là đây? “