Đau đáu hồn quê
Liên quan đến bài hát Quảng Nam yêu thương, có lần nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể: Một chiều, nhạc sĩ ra đứng ở sông Hàn, nhìn dòng nước trôi, nghe miên man gió thổi từ sông, dòng ký ức ùa về khiến ông nhớ câu ca về đất mẹ: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đà say”. Nhạc sĩ chợt thốt lên: Đây rồi, hướng mở cho bài hát về Quảng Nam mà ông hằng ôm ấp đã định hình. Thầm cảm ơn cha ông đã để lại di sản tinh thần quý giá, hai câu ca như đặc trưng cho tính cách, tâm hồn, dáng hình của đất và người xứ Quảng… cứ vang lên. Cứ thế những dòng chữ bắt đầu chảy ra từ ký ức, tình cảm đã dồn nén bấy lâu. Và, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, ca khúc Quảng Nam yêu thương đã hoàn thành. Vậy là đầu năm 1982, Quảng Nam yêu thương chính thức đến với công chúng yêu âm nhạc xứ Quảng và được đón nhận một cách nồng nhiệt. Đây là bài hát mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ưng ý nhất mỗi khi nói về mảng ca khúc viết cho quê hương. Và, ông cứ nghĩ, có lẽ đó là ca khúc đã dốc hết lòng để viết. Nhưng rồi cách đây ít năm, cũng trong một chuyến về xứ Quảng, theo chân anh em văn nghệ Quảng Nam đi dọc dài những miền quê từ đồng bằng, miền biển cho đến tận ngọn nguồn phía Tây, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều lại viết thêm ca khúc Có ai về Quảng Nam cũng không kém phần da diết so với Quảng Nam yêu thương.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng nói Quảng Nam yêu thương là nói về mảnh đất và con người Quảng Nam ở ngay chính trên mảnh đất này, nói như mình đang từng ngày, từng giờ… sinh hoạt, hít thở hơi thở quê hương. Còn Có ai về Quảng Nam là tấm lòng, tình cảm, nỗi nhớ nhung của những người con xa xứ nhắn nhủ lời yêu thương về đất mẹ…”. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rất mừng vì hai ca khúc ông sáng tác cách nhau gần 40 năm này đều được bà con xứ Quảng đón nhận và yêu mến. Ông từng bảo rằng, viết được ca khúc “Có ai về Quảng Nam” chính là nhờ những tình cảm mà đồng hương ở quê nhà dành cho ông mỗi dịp quay về. Tình cảm của quê nhà, cộng với ký ức tươi rói về thời thơ bé và một thời lửa đạn năm xưa trên những miền quê từ Tam Kỳ, Trà My, Thăng Bình, Đại Lộc… cùng biết bao yêu thương, đùm bọc, che chở, nuôi nấng của các mẹ, các chị, của đồng chí đồng đội... đã thôi thúc ông viết nên “Có ai về Quảng Nam”.
Xin vĩnh biệt ông, một nhạc sĩ tài hoa của nền âm nhạc cách mạng. Một “người hiền” giữa cõi đời với muôn ngàn hỉ nộ trần ai. Và, một người con xứ Quảng luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương.
KHÁNH ĐỨC