Mỗi người một góc nhìn
Để có cái nhìn đa chiều về cuộc thi truyện ngắn, chúng tôi ghi nhận ý kiến từ các thành viên ban giám khảo.
Nhà văn Thanh Quế:
Làm thế nào để chất lượng truyện ngắn tốt hơn?
Những truyện đoạt giải cao hầu hết là những truyện có cách tiếp cận đề tài tốt, bắt gặp những vấn đề cần kíp phải giải quyết trong cuộc sống hiện tại. Các tác giả tỏ ra có tay nghề vững, am hiểu hiện thực đời sống và các nhân vật mà mình phản ánh. Vì thế đã tạo nên những cốt truyện hay, những bố cục hợp lý, chặt chẽ, sinh động, ngôn ngữ phù hợp, diễn tả được tâm trạng, tính cách và hoàn cảnh nhân vật.
Tuy vậy, cuộc thi cũng đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ để bổ khuyết: Một là, trong các truyện dự thi và nhất là các truyện được giải còn vắng bóng những đề tài về công nghiệp, nghề truyền thống, dịch vụ, xây dựng cơ bản…
Hai là, việc am hiểu đời sống, bối cảnh lịch sử, tâm trạng và tính cách nhân vật của một số tác giả còn hạn chế nên có những truyện còn chung chung, không đúng với diễn biến giai đoạn lịch sử, miêu tả nhân vật hời hợt, lý giải sự việc còn hụt hẫng.
Ba là, do khuôn khổ của báo, việc quy định hạn chế số chữ trong các truyện dự thi nên cũng phần nào gây khó khăn cho các tác giả trong việc miêu tả, lý giải về hoàn cảnh, tâm trạng, tính cách nhân vật chưa thật đầy đủ thành ra một số truyện còn hụt hẫng hoặc gây cảm giác giả tạo…
Cuộc thi đã khép lại nhưng mở ra một câu hỏi: Làm thế nào để chất lượng truyện ngắn nói chung và truyện ngắn trong các cuộc thi tốt hơn nữa? Điều đó chính người viết phải tự trả lời bằng việc tiếp tục hòa mình vào thực tế đa dạng của cuộc sống để suy nghĩ, chiêm nghiệm, nắm bắt được tâm trạng, tính cách, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, rút ra được những bài học kinh nghiệm để trình bày cho mọi người bằng hình tượng nghệ thuật. Vì văn học nghệ thuật - trong đó có truyện ngắn - được chắt lọc ra từ những kinh nghiệm sống của mỗi tác giả.
Nhà báo Phạm Phú Phong:
Báo chí là “trường văn”
Báo chí là “trường văn” nơi góp phần tạo ra một đội ngũ cầm bút mới, là mảnh đất vừa để gieo trồng vừa để “thử giống mới”, nơi tôi luyện các cây bút tương lai. Tôi nhớ không nhầm, từ khi có báo chí ở nước ta, cuộc thi văn học đầu tiên là cuộc thi tiểu thuyết cách đây tròn 110 năm (1905), do tờ báo kinh tế đầu tiên của nước ta tổ chức, tờ Nông Cổ mín đàm (một người gốc Điện Bàn, Quảng Nam đứng ra thành lập tại Sài Gòn năm 1901, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút là Dũ Thúc Lương Khắc Ninh). Tôi không có ý so sánh giữa hai cuộc thi, vì thời thế khác nhau, thể loại khác nhau, kết quả cũng khác nhau, nhưng mục tiêu lại rất giống nhau: khát vọng góp phần đào tạo nên một thế hệ cầm bút mới cho quê hương đất nước.
Cuộc thi đã quy định “mỗi truyện ngắn không quá 1.800 chữ”, nên về hình thức đòi hỏi sự cô đọng, hàm súc đến mức tối đa, cảm giác như các tác giả cố nén chất liệu hiện thực vào trong câu chữ, làm sao chỉ trong chừng ấy chữ mà tạo nên được “truyện”, nghĩa là phải có đề tài, chủ đề, cốt truyện, kết cấu, sự kiện, nhân vật, không gian, thời gian, ngôn từ, giọng điệu… để tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật mới lạ và hay, giàu tính nhân văn, chứa đựng những thông điệp có ý nghĩa nhân sinh, có sức lay động tâm hồn người đọc. Dễ dàng nhận ra các phẩm chất ấy, dù đậm nhạt khác nhau, nhưng đều có ở các truyện.
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ:
Họ sẽ là nguồn bổ sung cho đội ngũ văn xuôi xứ Quảng
Tôi nhớ, cách đây 20 năm, lúc bấy giờ chưa chia tách tỉnh, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức Cuộc thi truyện ký viết về mảnh đất và con người Quảng Nam - Đà Nẵng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong hòa bình xây dựng quê hương. Cuộc thi đã thu hút nhiều cây bút mới tập tành viết lách ở các huyện, thị, thành phố tham gia. Qua cuộc thi, xuất hiện một số cái tên như Tiêu Đình, Dương Thanh Tùng, Nguyễn Trọng Hoạt, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đỗ Phước Tiến… Nhiều người trong số họ, từ đó vẫn giữ được ngọn lửa của niềm đam mê văn chương, trở thành những tác giả quen thuộc với bạn đọc.
Và 20 năm sau, Báo Quảng Nam lại tổ chức Cuộc thi truyện ngắn Báo Quảng Nam 2014-2015. Do không hạn chế về đề tài nên các cây bút gần xa trên cả nước tích cực hưởng ứng cuộc thi. Riêng địa bàn Quảng Nam, bên cạnh các hội viên Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh, còn có các cây bút mới toanh ở các huyện, thị, thành phố tham gia. Là thành viên Ban sơ khảo và Ban chung khảo cuộc thi, tôi nhận thấy nhiều cây bút mới toanh ấy, dù đoạt giải hay không đoạt giải, đều có năng khiếu, vốn sống và niềm đam mê văn chương. Đó là Nguyễn Thị Đương, Mai Thị Hà Trang, Nguyễn Hoàng Thọ, Lê Thị Phi Khanh, Đặng Trương Khánh Đức, Võ Thị Như Trang, Cẩm Giang… Tôi nghĩ, đây là “vốn quý”, nếu được bồi dưỡng, dìu dắt, nhất định nhiều người trong số họ sẽ là nguồn bổ sung vào đội ngũ những người cầm bút viết văn xuôi xứ Quảng.
Nhà văn Bùi Tự Lực:
Đau đáu về thân phận con người
Điều tôi đặc biệt quan tâm là sự cảm nhận về thân phận con người trong nhiều tác phẩm.
Ở “Quán đầu ngựa” của Tường Linh là một điển hình: Chuyện ghe thuyền sông nước vốn “sinh nghề tử nghiệp” là thường tình, con người cần vượt lên con nước dữ. Nếu ở mỗi người chỉ biết có ta, những tấc lòng vô cảm; trên mỗi ngôi vị quyền uy mà thiếu trách nhiệm… không biết lo cho thiên hạ, không khéo ứng xử với đất trời, sẽ để lại “món nợ đồng lần” cho đời sau. Xưa cha ông bất lực trước địch họa thiên tai, tìm đến cầu khấn thần linh; nay sự bất lực hình như sắp đến lúc tuyệt vọng, người dân phu đành tìm đến nương mình trong tiếng khóc. Những tiếng khóc nấc nghẹn trong cơn say chính là lời cảnh báo tai ương oan nghiệt là sợi dây treo thân phận con người.
Kết truyện “Một thời trận mạc” của Nguyễn Hải Triều khá bất ngờ, bằng những bước chân vội vã như muốn chạy trốn kỷ niệm của người chị vì sự nghiệt ngã của cuộc đời, “Chiến tranh, biết bao giờ anh trở về, tuổi xuân lại quá ngắn”. Rồi “Người đàn bà bước ra từ trang sách” của Dương Động Văn Hà, câu chuyện sự hôn phối cưỡng bức trong hận thù nhưng đã tạo hình hài và lớn lên một thế hệ. Đó là một thân phận khác, một bước éo le của người phụ nữ trong cuộc chiến nối bước qua thời bình hội nhập; gợi mở cho chúng ta một cách nhìn khác về những phận đời sau chiến tranh.
Danh sách các tác giả đoạt giải Cuộc thi Truyện ngắn Báo Quảng Nam năm 2014-2015 Giải Nhất: Tác giả Tường Linh, truyện “Quán Đầu Ngựa” Giải Nhì: 1/ Tác giả Thảo Nguyên, truyện “Bến Thương” 2/ Tác giả Lưu Quang Minh, truyện “Đức” Giải Ba: 1/ Tác giả Nguyễn Ngọc Chương, truyện “Linh cảm” 2/ Tác giả Đặng Trương Khánh Đức, truyện “Hoàng hôn An Thuận” 3/ Tác giả An Bàng, truyện “Mặt trời ở biển” Giải Khuyến khích: 1/ Tác giả Nguyễn Hải Triều, truyện “Một thời trận mạc” 2/ Tác giả Dương Động Văn Hà, truyện “Người đàn bà bước ra từ trang sách” 3/ Tác giả Ngô Phú Thiện, truyện “Lộc biển” 4/ Tác giả Lê Thị Phi Khanh, truyện “Điều không bất thường” 5/ Tác giả Đỗ Thanh Tuân, truyện “Hoàng hôn trắng” 6/ Tác giả Võ Thị Như Trang, truyện “Giữa hai phía cuộc đời” |
P.V (lược ghi)