Mơ bảo tàng thuyền Việt
Rất nhiều bảo tàng chuyên đề về tàu bè, hàng hải Việt Nam xuất hiện khắp đất nước, trong đó Hội An có đến 2 phòng triển lãm về hạng mục này. Tuy nhiên, một bảo tàng hàng hải đúng nghĩa, nơi lưu trữ các di vật hàng hải hoặc theo hướng một “bảo tàng sống” với những chiếc thuyền buồm được tương tác với khách tham quan, vẫn chưa thấy...
Tháng 1.2015, một hội thảo nhỏ về tàu bè Việt Nam được tổ chức tại Hội An bởi những người mê thuyền Việt. Tuy nhiên, việc thành lập một “bảo tàng hàng hải” vẫn còn trong ý tưởng.
Kim Bồng - “bảo tàng sống”
Ken Preston, một người Mỹ vùng Alaska với blog nổi tiếng thế giới về tàu bè khu vực Đông Dương “Boatsandrice” (Thuyền và cơm) cho rằng làng Kim Bồng, “ngay bây giờ là một bảo tàng sống, với truyền thống tuyệt vời về kỹ năng xây dựng các loại tàu thuyền, nghệ nhân và một không gian làng quê mở ra hướng bờ sông”. Ken đã có hơn 10 năm đi qua 3 đất nước Lào, Campuchia, Việt Nam và có những ghi chép tỉ mỉ về văn hóa cũng như phương tiện sinh sống chủ yếu của các làng chài Việt Nam. Thuyền buồm là thứ cuốn hút Ken cùng ăn ở, sinh hoạt như một người dân dọc vùng biển Việt Nam. Đầu năm 2015, Ken Preston đến Hội An bằng xe gắn máy trong hành trình xuyên Việt Nam “không biết lần thứ mấy” của mình. Những người yêu tàu bè Việt, từ các nhà nghiên cứu văn hóa, sinh viên đại học, chuyên viên của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An và một Câu lạc bộ thuyền buồm Hội An, gặp gỡ để cùng tìm ra những điểm mấu chốt về đặc trưng hàng hải Việt Nam. Ken nói, kết thúc cuộc gặp, cả ông lẫn nhóm người đều ngạc nhiên, bởi ở một đất nước “biển đảo” như Việt Nam, lạ thay không thấy có một Bảo tàng Hàng hải để trưng bày, tương tác và làm rõ tầm quan trọng của tàu bè Việt trong hành trình phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước.
Đưa ghe bầu vào tour du lịch trên sông Hoài. Ảnh: MINH HẢI |
Nói về Hội An, Ken đã đến đây nhiều lần, và lần nào ông cũng đến làng mộc Kim Bồng. Có một lần từ Kim Bồng, Ken được người dân chia sẻ về những chiếc “ghe bầu” - loại thuyền truyền thống chuyên dùng để đi buôn của người dân khu vực miền Trung, có thể đi trên sông và biển. “Nhưng bây giờ người ta không đóng loại thuyền như vậy nữa. Và người dân chỉ tôi đến Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, ở đó có trưng bày một chiếc ghe bầu cổ” - Ken nói. Chiếc ghe bầu này được những nghệ nhân làng nghề mộc Kim Bồng phục chế theo đúng từng chi tiết của bản vẽ cũ. Theo Ken, thì năm 1962 Junk Blue Book mô tả một số tàu nhỏ hơn của khu vực này, nhưng họ lại nói nó không lớn và không chi tiết như vậy. Trong khi đó, Pietri (Voiliers d’Indochine) mô tả và minh họa một tàu chở hàng tương tự từ Quảng Ngãi và nhận xét về sự tương đồng của nó với cùng một loại thuyền từ Faifoo (Hội An). Sau đó, Pietri mô tả và minh họa các ghe bầu (hay ghe cau, được sử dụng nhiều cách khác nhau) của Faifoo, một thuyền cơ bản giống với mô hình này. “Các loại tàu này tất nhiên tuyệt chủng hiện nay. Hệ thống tàu buồm dưới mọi hình thức đã gần như hoàn toàn biến mất khỏi bờ biển Việt Nam, phương tiện vận tải hạng nặng mang theo nước mắm và gạo trên bờ biển đã được hoàn toàn thay thế bằng xe tải, hoặc trong một số trường hợp, bởi vận tải thép hiện đại. Vận tải du thuyền trên bờ biển này đã thay đổi” - Ken viết trên trang blog Boatsandrice của mình.
Ken Preston trong một lần đến Hội An, cùng lên thuyền và hoạt động như những ngư dân.(ảnh trên trang Boatsandrice). |
Những đặc trưng của các loại tàu thuyền cổ ở miền Trung Việt Nam được tìm thấy khá nhiều trong các cuộc nói chuyện của Ken và những người dân Kim Bồng. Chính ông cũng không ngờ có một làng quê chỉ chuyên về một loại nghề mộc, trong đó, đóng tàu thuyền là sinh kế chính. “Vậy nên, nếu có một bảo tàng tàu bè của miền Trung, thì đó là Kim Bồng. Đây là một bảo tàng sống” - Ken nói.
Dựng lại “ghe bầu”
Trong khi các nhà nghiên cứu văn hóa, những người mê thuyền Việt vẫn loay hoay tìm cách trưng bày sống động các thuyền buồm, thuyền chèo của Việt Nam, thì tại Hội An, Trung tâm Văn hóa Hội An vừa đưa ghe bầu vào tour du lịch trên sông Hoài. Trước đó, TP.Hội An cũng đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng về các loại tàu bè truyền thống của vùng đất vừa có sông vừa có biển, trong đó đã từng tồn tại rất nhiều làng quê với nghề biển có từ xa xưa. Ông Trần Văn An, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, chia sẻ, ở cấp thành phố, vẫn chưa có cơ chế để thành lập một bảo tàng với vai trò bảo tồn và tương tác như cấp tỉnh, nhưng ở các phòng trưng bày, triển lãm chuyên đề, ý thức về tầm quan trọng của nghề biển và tàu bè ở Hội An đã được khơi gợi lâu nay. Cụ thể, từ năm 1995, ngay khi thành lập Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Hội An đã tìm kiếm và đưa vào trưng bày chiếc ghe bầu duy nhất còn sót lại từ làng mộc Kim Bồng. Ken Preston nói: “Những bảo tàng lưu trữ về những kiểu tàu thuyền cũ không phải phổ biến ở Việt Nam. Nhưng Bảo tàng Gốm sứ ở Hội An thực sự rất tuyệt vời. Nó không giống như một bảo tàng tham chiếu hình ảnh bình thường. Rõ ràng đây là một bảo tàng được xây dựng bởi một người đầy kinh nghiệm”.
Ken là người tiếp nối công việc của John Doney - người khởi xướng lập một “Quỹ di sản thuyền bè Việt Nam”. John Doney đã mất trong một vụ tai nạn năm 2009. Ken Preston cũng là người biên tập bản tiếng Anh của cuốn sách Thuyền buồm ở Đông Dương - một cuốn sách kinh điển về tàu thuyền Việt Nam do một ông chánh kiểm ngư người Pháp tên là J.B.Pietri, xuất thân từ một hoa tiêu trên sông Sài Gòn, xuất bản vào năm 1943. |
Chia sẻ thêm về ý tưởng cho một bảo tàng hàng hải miền Trung đặt tại Hội An, ông Trần Văn An cho rằng rất khó để có thể hiện thực hóa tham vọng của người mê thuyền Việt như Ken Preston. Tuy nhiên, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa vẫn đang tiếp tục sưu tầm, lưu giữ các tư liệu liên quan đến hàng hải Việt Nam trong mối liên quan đến cảng thị Hội An thế kỷ 17, 18 để có thể trợ lực cho Ken. Việc khôi phục và đưa ghe bầu vào tour du lịch cũng là cách để bảo tồn và phát huy loại hình vận chuyển mang tính truyền thống và đặc trưng của Hội An. Ken Preston cho rằng, thực tế Hội An đang phát triển theo hướng một thành phố du lịch. Tuy nhiên, ở nơi từng là thương cảng nổi tiếng một thời đã không còn thấy cảnh làm thuyền bè mà thay vào đó là cảnh xây dựng những chung cư cao tầng, khu nghỉ dưỡng hay spa. “Tôi từng nghĩ rằng sẽ có thể tìm thấy một cảng lớn cách phố cổ khoảng 10km nhưng khi tìm tôi chẳng thấy gì cả. Cũng giống như bản thân phố cổ, nghề kinh doanh du thuyền đang phát triển nhờ du lịch. Nhờ vậy, bạn có thể dễ dàng thuê một chiếc thuyền thong dong dạo trên sông và cũng có thể nhìn thấy những xưởng đóng tàu thuyền bên sông. Có thể nói Hội An là một trong số ít địa điểm ở Việt Nam có số lượng thuyền buồm kiểu cũ nhiều như vậy” - Ken chia sẻ.
Hy vọng về một bảo tàng hàng hải chuyên sâu, ít nhất có thể dựng lại hành trình của tàu bè miền Trung, nơi từng có những cảng thị phát triển, sẽ không còn là một điều viển vông. Với những người mê thuyền Việt và nhiều tâm huyết như Ken Preston hay các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hội An, Đà Nẵng, đây có thể thành hiện thực trong tương lai gần.
SONG ANH