"Đi đày" một tư liệu báo chí độc đáo

TẠ VĂN SỸ 19/06/2015 17:36

Chuyện làm báo trong tù và cái tên Đoàn Bá Từ được Lê Văn Hiến viết trong hồi ký “Trở lại Kon Tum”: “Trong trại, chúng tôi ra hai tờ báo… Tòa soạn gồm có những anh em, như: Hà Thế Hạnh, Lê Nhu, Thái Văn Tam, Đoàn Bá Từ, Nguyễn Trọng Vĩnh, về sau có thêm đồng chí Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ…”.  

Giữa năm 1940 thực dân Pháp đày lên Căng an trí Đak Glei – Kon Tum những “chính trị phạm” có tầm ảnh hưởng lớn ở miền Trung. Đến ngày 14.3.1942 xảy ra vụ Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ vượt ngục, Pháp chuyển số tù này về trại giam Đak Tô - Kon Tum đến ngày 9.3.1945.

Căng an trí Đak Glei và trại giam Đak Tô lâu nay chỉ được biết đến rất ít ỏi qua các lời kể và loáng thoáng trong các tập hồi ký của một vài nhân vật, như “Thời sôi động” của Chu Huy Mân, “Một thời nhớ lại” của Tố Hữu, “Trở lại Kon Tum” của Lê Văn Hiến…

Làm báo trong tù

Đoàn Bá Từ sinh năm 1919 tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Quảng Nam). Năm 1937 tham gia Đoàn Thanh niên dân chủ khi giữ chân bán hàng cho nhà sách Việt Quảng của nhóm Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà… Nhà sách này được lập ra nhằm truyền bá sách báo cấp tiến và yêu nước, đặc biệt là trong giới thanh niên, đồng thời cũng làm nơi lui tới bàn bạc, trao đổi của những nhà hoạt động cách mạng trong khu vực lúc bấy giờ. Tại đây, vừa bán hàng, Đoàn Bá Từ vừa tham gia viết bài cho các báo Đông Pháp, Tin Mới… Năm 1938 Đoàn Bá Từ giữ chân Đặc phái viên cho báo Tin Mới tại Đà Nẵng. Đến đầu năm 1940 thì Đoàn Bá Từ bị thực dân Pháp vây bắt trong khi đang thực hiện tờ Nắng Hè ngay tại nhà sách Việt Quảng, bị đưa ra giam giữ ở Huế, rồi đưa vào giam ở Quy Nhơn, cuối cùng là đày lên Đak Glei – Kon Tum.

Ông Đoàn Bá Từ lúc còn sống.
Ông Đoàn Bá Từ lúc còn sống.

Đoàn Bá Từ vừa có khả năng sáng tác, lại vừa có “hoa tay” viết chữ đẹp, nên được “Ban Tòa soạn”  phân công chép bài vở và trình bày các số báo (mỗi số ra 6 trang tiếng Việt và 2 trang tiếng Pháp).

Cái ngòi bút mà Đoàn Bá Từ dùng để miệt mài thực hiện những số báo ấy được chế tác từ một… ống kim tiêm! Mũi kim được cắt ngắn đem hơ nóng uốn cong làm ngòi bút, phần ống nhựa đựng thuốc thì đựng mực! Với “công nghệ” chỉ có ngần ấy mà “nhà in” Đoàn Bá Từ đã cho ra mắt được nhiều số báo tại Đak Glei và Đak Tô suốt 5 năm giữa bao thiếu thốn, khó khăn với nhiều lần đổi tên báo, từ La Zaret đến Chàng Làng, rồi Nắng Xuân, Yên Chí, An Trí, Xuân, v.v. Và cũng bằng chính ngòi bút tự chế này, Đoàn Bá Từ đã kỳ công ngồi chép lại những tác phẩm của mình vào tập “Đi đày” để lưu giữ đến nay.

Sau khi ra số báo ra tết cuối cùng vào cuối năm 1944 tại trại giam Đak Tô, sang đầu năm 1945 Đoàn Bá Từ bị đưa sang Đà Lạt đến ngày 9.3.1945 được thả.

“Nhân vật Đak Glei” cuối cùng này, vào những ngày tháng 10.2014 đã ra đi ở tuổi 95.

Độc bản “Đi đày”

Độc bản “Đi đày”  gồm 130 trang chép tay đã chép lại các tác phẩm báo chí của Đoàn Bá Từ được “đăng” trên các tờ báo trong tù mà chính Đoàn Bá Từ là người trực tiếp thực hiện.

Bìa sách là dòng chữ viết nắn nót nhan đề “Đi đày” và dòng phụ đề bên dưới: “Đak Glei 1940-1941-1942, Đak Tô 1942-1943-1944”.

Sách gồm 7 bức thư của tác giả gửi từ Đak Glei và Đak Tô cho những người thân quen. Thư đề thời điểm sớm nhất là thư ngày 15.9.1940 khi ở Đak Glei, thư có thời điểm muộn nhất là thư ngày 16.12.1943 khi ở Đak Tô. Nội dung các bức thư chứa chất những tâm tư, tình cảm cũng như những hoài bão lớn lao của tác giả trên bước lưu đày giữa điệp trùng rừng núi cheo leo.

Tiếp đến là phần có với tiêu đề “1944 – Máu đào” kèm lời đề từ “Tặng hai bạn T.H.K và T.V.T”. Phần này gồm 2 mẩu chuyện nhỏ “Hai con chim” và “Đứa con” đều gói ghém những cảm xúc mạnh và sự phẫn nộ của tác giả qua cái chết của 2 bạn tù bị sát hại oan uổng.

“Trước vành móng ngựa”
“Ông Đồn (đồn trưởng – NV) cho T.S (chỉ tù chính trị – NV) ba con chó. Trong anh em chia làm hai phái: phái ái chó và phái ố chó ... Cho nên có cuộc xung đột đến người. Cuối cùng phải có một phiên tòa đặc biệt để xử vụ chó. Phiên tòa đặc biệt họp tối thứ Ba 8 Juillet 1941 đã xử khiếm diện ba con chó tây đã ở với T.S lại ăn cơm của T.S, mà còn bắt gà của T.S nữa. Thật là một phiên tòa có một không hai từ trước đến nay… Tám giờ đúng, ông trưởng tòa Hiến (Lê Văn Hiến - người được đồn trưởng chỉ định làm… “tù trưởng” – NV) trịnh trọng đọc bản hồ sơ về vụ ba con chó đã không giúp ích gì cho nhân loại, lại còn ăn hại của bọn T.S nữa … Đến ông Sung (Huỳnh Sung – NV), bằng một giọng khắc khổ và nghiêm trang, lên án ba con chó…: - Hai con chó trước là chó Annam mà ta không nuôi được để ông Đồn bắt phải giết đi, thì việc chi ngày nay ta lại đi nuôi những giống chó này?… Ông dằn mạnh những câu sau đây để kết luận: - Con chó này đáng giết! Mồm nó đã nhuộm máu của những con gà hiền lành… Tôi xin tòa thẳng tay trừng trị những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu… Trạng sư Sơn Trà (Nguyễn Sơn Trà – NV) tiếp lời, cho rằng đối với người còn có những kỷ luật nhẹ rồi mới đến nặng dần, huống chi là đối với chó. Ông thống thiết cho rằng sự thừa cơm của T.S là một lẽ chính đáng để nuôi chó được, và ông kết luận: - Tha cho ba con vật khốn nạn ấy tức là các ngài đã nhận được lẽ phải ở đời. Các ngài tha cho chúng tức là các ngài tỏ ra mình là một dân tộc văn minh, giàu lòng nhân đạo… Kết cuộc, tòa tha trắng án và bắt bọn T.S phải bồi thường cho ba con vật mỗi ngày hai bữa cơm…”.
(Lược trích một bài trong tập Đi đày)

Tiếp nữa là phần “Nhân vật Đak Glei và Đak Tô”. Đây là phần đặc biệt quan trọng và giá trị của tập “Đi đày” . Tác giả tập trung khắc họa chân dung 14 bạn tù: Nguyễn Trường Châu, Hà Thế Hạnh, Đào Duy Cương, Trần Kim Bảng, Hoàng Tường, Hồ Đắc Bật, Lê Văn Hiến, Bùi Sĩ Viện, Huỳnh Sung, Ngô Văn Cớm, Trần Quang Tịch, Hứa Nhung, Thái Văn Tam, Lê Xuân Trọng. Với một chất giọng “u-mua” đặc biệt và một văn phong giản lược, súc tích, tác giả làm sống động một cách chân thực những gương mặt, những cá tính của đồng đội.

Tiếp nữa là 9 tiểu phẩm và truyện hư cấu. Cũng với một giọng văn báo chí vừa hài hước lôi cuốn, vừa thông minh sâu sắc, hàm chứa kiến thức rộng, các tác phẩm ở phần này tập trung phản ánh nhiều mặt về sinh hoạt thường nhật và tâm tư ước vọng của những con người với giấc mơ “đạp đất đội trời” mà không may nay lại cam đành chịu cảnh bó chân trói tay giữa chốn ngục tù. Đó là những tác phẩm mà khi đọc xong, chắc chắn không ai quên được những dư vị để lại trong cảm xúc và suy ngẫm. Ấy là các bài: “Đời giông tố của con số ba”, “Trước vành móng ngựa”, “Các ban nhà bếp ở Đak Glei”, “Chung quanh bát canh bầu”, “Chung quanh cái giếng nước”, “Người Tàu ở mọi nơi”, “Tính sổ đầy năm”, “Xuất hành”, “Xuất hành phương xa”.

 Phần cuối sách còn có 6 bài viết và thư từ bằng Pháp ngữ với tiêu đề “Lettres de Đak Glei” (tạm dịch là Thư từ Đak Glei).

Với lối văn phúng dụ, hoạt kê, hài hước đầy sức lôi cuốn, chắc chắn những bài viết của Đoàn Bá Từ là những bài “ăn khách” nhất lúc bấy giờ. Ý nghĩa và giá trị những tác phẩm báo chí Đoàn Bá Từ góp mặt trên các số báo giữa chốn ngục tù ấy là đúng như sự đánh giá của Lê Văn Hiến trong hồi ký “Trở lại Kon Tum”: “Phản ánh khá trung thực sinh hoạt của trại và đã góp một phần quan trọng vào việc giáo dục, giải trí cho anh em”.

TẠ VĂN SỸ

TẠ VĂN SỸ