Những góc quê đẹp và buồn

LÊ TRÂM 17/06/2015 13:59

Dẫu biết rằng câu “Thương hải biến vi tang điền” (Biển xanh biến thành nương dâu) đã thuộc nằm lòng từ hồi còn học phổ thông. Biết rằng dâu bể đời người mấy ai tránh khỏi. Nhưng không thể không chạnh lòng khi đi ngang qua những nơi ấy.

Những nơi dù không rộn ràng đến độ “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” nhưng cũng một thời rộn rã tiếng nói cười. Giờ đây vắng hẳn bóng người. Đi ngang cầu Trường Giang về hướng biển rồi rẽ ra phía sông, đi dọc theo bờ sông Thu Bồn về hướng Duy Nghĩa sẽ thấy những ngôi nhà cửa đóng im ỉm. Hoặc đi về phía Vịnh Chầu (Điện Phương) nhìn ra phía bắc sẽ thấy những bóng dừa hoang vắng, ở đó còn nguyên một khu vườn lẫn nhà cửa nhưng không thấy bóng người.

Sẽ bắt gặp rất nhiều những góc quê buồn ở khắp nơi như vậy nếu chịu khó để ý. Sự thay đổi đến chóng mặt của nền kinh tế thời mở cửa, công cuộc đô thị hóa không một giờ phút nào ngơi nghỉ. Việc xây dựng các khu dân cư mới, các cụm công nghiệp mới làm xáo tung hẳn các góc quê đẹp (và buồn) của cả nước. Lũ lượt những người trẻ bỏ quê ra đi. Làm công chức, làm công nhân, theo chân các dự án, các công trình… Rồi cha mẹ lại lần lượt theo chân con cái. Rốt lại nhiều nơi chỉ còn những người già cả nương tựa vào nhau. Nhà nào may mắn thì con cái còn gửi một hai đứa cháu về cho ông bà hú hí tuổi già. Rồi sau này chuyện gì đến cũng sẽ đến. Họ sống không đến trăm tuổi, phải về với ông bà thôi. Rồi sẽ bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn quạnh quẽ. Và không thể nào khác hơn.

Một thời, khu Đồng Tràm Nam và Bắc là một trong ba trung tâm của xã Quế Phú xưa, một xã từng có lúc đến hai vạn dân rộn rã tiếng người. Có cả cơ quan hợp tác xã, trường phổ thông cấp I, II có học sinh học từ lớp 1 đến lớp 9. Có cả nhà trẻ, trường mẫu giáo. Có cả sân bóng chuyền, sân bãi chiếu phim hoặc tổ chức văn nghệ. Giờ, những người trẻ hoặc trung niên, một phần ra Đà Nẵng hoặc vào Tam Kỳ làm ăn sinh sống, một phần vào tận Bình Thuận, Đồng Nai, Sài Gòn. Một phần lớn chuyển ra ở sát quốc lộ 1. Họ bỏ đi nhiều đến độ cho dù nơi ấy vẫn còn ít người ở nhưng đã vắng hẳn trẻ con. Những lớp học cấp II bị xóa đầu tiên. Rồi đến trường học. Đến độ nơi ấy chẳng còn trẻ con để mở lớp 1 mỗi năm, phải chuyển hết lên ven lộ I để học. Một cơ ngơi dành cho mười mấy lớp học nay hoang phế, không biết dùng để làm gì. Có khá nhiều những “trung tâm” một thời gắn với các hợp tác xã nông nghiệp đã trở thành những khu dân cư trù phú của nhiều địa phương, nay suy tàn theo sự đi xuống của các hợp tác xã nông nghiệp, các “trung tâm” ấy cũng dần mất hết sức sống, người ta lần lượt bỏ đi, để lại những dấu tích buồn và nỗi ngậm ngùi khó cưỡng.

Chúng ta nhìn riết rồi cũng quen. Nhưng ẩn giấu phía sau ấy là bao chuyện nhân tình thế thái. Làm sao ngăn cản được bởi tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Chỉ thấy buồn. Rồi có thể lần lượt những người già cả ở đó chết hết rồi thì sao nhỉ? Sẽ không chỉ là những góc quê mà sẽ là những vùng quê rộng lớn, hiu quạnh và buồn bã. Liệu rồi những nhà máy, xí nghiệp đang đưa những người con ly hương về với quê cũ có lấp đầy khoảng trống lạnh lùng kia? Nhưng mà cơ chừng chuyện làm ăn thời buổi này cũng phập phồng lắm nỗi nhiêu khê.

mỗi khi đi ngang qua những góc quê đẹp và buồn ấy còn nghe như có cả tiếng ếch vẳng bên tai mà nhớ đến tấm lòng cụ Tú Xương tận thế kỷ trước:
Đêm nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!

(Sông Lấp)

LÊ TRÂM

LÊ TRÂM