Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ II: Đậm hơi thở cuộc sống

PHAN CHÍ ANH 13/06/2015 09:41

Sau hơn nửa năm thực hiện, đến nay Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Đất Quảng lần thứ II (2009-2013) đã có kết quả chính thức. Qua mùa giải lần này, phương thức tổ chức đã chuyên nghiệp hơn, mục tiêu cao nhất mà giải hướng đến vẫn được bảo lưu: Tìm kiếm, tôn vinh các tác giả, tác phẩmVHNT đạt chất lượng cao.

Chuyên nghiệp hơn

Thay vì giữ bí mật cho đến giờ trao giải như ở mùa giải đầu tiên, tại Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II, ngay sau khi có kết quả xét giải, Ban tổ chức đã cho công bố rộng rãi danh sách tác giả/ tác phẩm đoạt giải trên các phương tiện thông tin đại chúng ở tỉnh và Trung ương. Việc làm này nhằm kiểm tra, lắng nghe phản ứng của dư luận, nhất là từ giới văn nghệ, để nếu có những sai sót ngoài ý muốn thì điều chỉnh trước khi trao giải. Và đến giờ phút này, đáng mừng là không có phản ứng trái chiều nào.

Một số tác phẩm văn học đoạt giải tại Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II.
Một số tác phẩm văn học đoạt giải tại Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II.

Trước đó, khi bàn bạc về việc thành lập Hội đồng xét chung khảo, Ban tổ chức Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần II cũng đã quyết định không mời vào hội đồng những người “trong nhà”, để tránh điều tiếng và có thể là cả sự nể nang, thiên vị. Thêm nữa, giám khảo phải là những người có nghề, có uy tín, am hiểu tình hình VHNT xứ Quảng trong tương quan đời sống VHNT cả nước và phải là người có kinh nghiệm, “chuyên nghiệp” trong việc chấm giải VHNT. Những cái tên được mời vào Hội đồng như Thái Bá Lợi, Hồ Thế Hà, Văn Công Hùng (Văn học); Chu Thúy Quỳnh, Đỗ Hồng Quân,Trọng Đài, Thế Bảo (Âm nhạc & Múa); Trần Khánh Chương, Đặng Mậu Tựu, Phạm Hồng (Mỹ thuật); Trần Đình Sanh, Huỳnh Hùng, Trần Quốc Trọng, Nguyễn Sĩ Chức (Điện ảnh & Sân khấu); Phạm Văn Tý, Đào Tiến Đạt, Hồ Xuân Bổn (Nhiếp ảnh); Nguyễn Văn Bổn, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng (Văn nghệ dân gian & VHNT các dân tộc thiểu số) đều cơ bản đáp ứng  yêu cầu của Ban tổ chức, vừa tạo được sự tin tưởng cho người dự giải...

Khác với mùa giải lần thứ nhất, tại Giải thưởng VHNT lần thứ II, các tác phẩm dự giải đều phải trải qua vòng sơ khảo. Việc chấm chung khảo được thực hiện qua 2 vòng: Từng giám khảo tự chấm độc lập, sau đó mới tổ chức chấm chung theo từng tiểu ban. Nhờ vậy, kết quả chung cuộc có sự đồng thuận rất cao.

Một ghi nhận khác tại Giải thưởng lần này là, cách dự giải của các văn nghệ sĩ cũng... chuyên nghiệp hơn. Chỉ có vài trường hợp phải chỉnh sửa hồ sơ dự giải, hầu hết các trường hợp còn lại đều lập thủ tục khớp với yêu cầu của Thể lệ. Đặc biệt, nhiều tác giả đã biết lượng sức mình, tự sàng lọc, lựa chọn tác phẩm khá kỹ càng chứ không dự giải hú họa theo kiểu “có bao nhiêu gửi bấy nhiêu”.

Nhiều tác phẩm nổi trội

Điểm đặc biệt của Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II là trong từng loại hình, từng thể loại đều có sự tiến bộ rõ nét hoặc có những tác phẩm nổi trội. Với mỹ thuật, trong khi mảng tranh sơn dầu tiếp tục khẳng định ưu thế thì điêu khắc, sơn mài có những bứt phá rõ nét. Với âm nhạc, ca khúc trữ tình, thấm đấm tình quê, tình đất, tình người vẫn là mạch chủ lưu. Trong đó, nhiều tác phẩm có sự vượt thoát hẳn lên thông qua sự đổi mới khúc thức, giai điệu. Với sân khấu, hầu hết tác phẩm thành công trong việc chuyển tải nhuần nhuyễn, mềm mại các đề tài đương đại khô cứng trên nền dân ca bài chòi xứ Quảng...

Nói về các tác phẩm dự giải ở chuyên ngành văn nghệ dân gian, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn nhận định: “Điểm chung nổi bật nhất là hầu hết tác phẩm đều giàu hàm lượng tri thức, thể hiện tinh thần khoa học triệt để của người nghiên cứu. Tôi thật sự bất ngờ về những gì mà giới nghiên cứu văn nghệ dân gian Quảng Nam đã làm được trong 5 năm qua”. Hầu hết tác phẩm đã tập trung khai thác, nghiên cứu về những đề tài vừa “thuần Quảng” vừa mới mẻ, tránh dẫm lên chân người đi trước; góp phần điền vào khoảng trống cho lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian vốn rất rộng và cũng rất kén người. Còn với nhiếp ảnh, theo NSNA Phạm Văn Tý thì “Nhiếp ảnh Quảng Nam tiếp tục thể hiện được “đẳng cấp” trong tư duy nghệ thuật, trong tiếp cận, khai thác đề tài và nhất là sự tinh tế, chính xác trong việc quyết định thời điểm bấm máy”. Nhiều tác phẩm của Ông Văn Sinh, Mai Thành Chương, Thái Bích Thuận, Lê Vấn, Huỳnh Hà, Dương Phú Tâm... đều rất “bản sắc”, không có sự “chồng lấn” về ý tưởng, khuôn hình, nội dung thể hiện so với đời sống nhiếp ảnh cực kỳ sôi động hiện nay. Đặc biệt, khá nhiều tác phẩm nhiếp ảnh dự Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II đã từng khẳng định được giá trị của mình tại các kỳ thi cấp khu vực và các cuộc thi chuyên đề trước đó.

Riêng với văn học, cả 3 vị giám khảo đều cho rằng điểm đáng ghi nhận nhất chính là sự phong phú về mặt thể loại và ở mỗi thể loại đều có được những tác phẩm chững chạc, những tác giả có nghề. Bên cạnh thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tham dự giải thưởng lần này còn có khá nhiều tác phẩm thuộc các thể loại bút ký, tự truyện, tản văn, tùy bút, hồi ký, tiểu luận và cả tiểu thuyết chương hồi. Theo nhà văn Thái Bá Lợi, chỉ cần nhìn vào danh mục thể loại không thôi đã có thể thấy sự phong phú của đời sống văn học Quảng Nam 5 năm qua. Đặc biệt, tại giải thưởng lần này, thể loại “đinh” của văn học là tiểu thuyết có số lượng tác phẩm dự giải nhiều hơn trước và kết quả chung cuộc, có tới 6 tiểu thuyết đoạt giải.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, đa số tác phẩm tham dự Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II thể hiện được tính nghệ thuật sâu sắc, có nội dung tốt, phản ánh được hiện thực cuộc sống sinh động của quê hương. Bên cạnh việc khai thác các mảng đề tài truyền thống, đề tài chiến tranh cách mạng, nhiều tác giả đã mạnh dạn khai thác các đề tài đương đại nóng hổi bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng, tinh tế của từng thể loại. Và đây cũng chính là bảo chứng cho chất lượng chuyên môn và mức độ thành công của giải.

 Ghi nhận sự vượt trội về chất lượng tác phẩm

Phần lớn tác phẩm dự Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần II, thuộc 9 chuyên ngành, đều thể hiện được tính nghệ thuật đặc sắc, bám sát được định hướng về tư tưởng chính trị, xã hội, sự tận tụy tâm huyết với nghề, khát khao sáng tạo, khai thác được nhiều mảng đề tài, nhiều góc cạnh của cuộc sống. Phản ánh được những góc nhìn về lịch sử, về cuộc sống tươi đẹp sinh động, hào hùng, mới mẻ của đất và “người xứ Quảng”. Nhiều tác phẩm của nhiều tác giả có tài năng, thành danh, khá quen thuộc với công chúng yêu VHNT Đất Quảng cũng như cả nước biết đến như loại hình Văn học có Nguyễn Bảo, Đỗ Viết Nghiệm, Nguyễn Kim Huy, Trần Trung Sáng... Loại hình Mỹ thuật với các tác phẩm của các tác giả như: Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Hữu Thấu, Nguyễn Thượng Hỷ, Nguyễn Trọng Dũng... Loại hình Nhiếp ảnh với tác phẩm của các tác giả như Lê Vấn, Mai Thành Chương, Ông Văn Sinh, Thái Bích Thuận, Đặng Kế Đức... Loại hình Âm nhạc có tác phẩm của Phan Văn Minh, Huỳnh Ngọc Hải, Nguyễn Duy Khoái, Trần Cao Vân, Lê Xuân Bá... Loại hình Sân khấu có Nguyễn Ngọc Quyền, Từ Minh Hiệp, Nguyễn Vĩnh Huế, Nguyễn Minh Bá, Nguyễn Hải Triều ... Điện ảnh có Nguyễn Vinh Quang, Đình Phương, Đặng Ngọc Kết, Ngô Hòa... Loại hình Văn nghệ Dân gian có nhiều tác phẩm của các tác giả như Trần Ánh, Trần Tấn Vịnh, Trần Văn An, Cao Chư, Nguyễn Chí Trung… Loại hình VHNT các Dân tộc thiểu số tác phẩm của tác giả như Thái Bảo Dương Đỳnh, Nguyễn Cường, Bh’riu Liếc. Loại hình Múa có tác giả như Lê Huân... Với kết quả chấm chọn Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần II (2009-2013) đã được công bố cho thấy ngoài các loại hình tiếp tục giữ được phong độ tại Giải lần II này là Văn học, Âm nhạc, Mỹ Thuật, Sân khấu. Nhiếp ảnh...  Các loại hình khác như Điện ảnh, Văn nghệ Dân gian, Múa... số lượng tác phẩm dự giải không nhiều nhưng chất lượng nội dung nghệ thuật khá tốt.
(Ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT)(XUÂN HIỀN ghi)

PHAN CHÍ ANH

Vài nhận xét những giải vàng

Tại Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II, có 5 tác phẩm được trao giải A. Để hình dung được phần nào chất lượng của 5 tác phẩm đoạt giải cao nhất, xin trích giới thiệu ý kiến nhận xét của các tiểu ban giám khảo.

* “Máu và tội ác”, tiểu thuyết của Nguyễn Tam Mỹ (giải A Văn học): Ở tiểu thuyết “Máu và tội ác”, tác giả đã thành công khi phục dựng lại được một cách chân thực, sinh động về một hiện thực đau thương và ác liệt ở một vùng quê Quảng Nam. Những vụ thảm sát của giặc ở vùng Sơn - Cẩm - Hà giết hại hàng trăm người dân vô tội được tác giả dựng lại, kể lại bằng nghệ thuật tiểu thuyết sinh động. Ở đây, chính sử hình như lấn át dã sử, và đây là thế mạnh của tiểu thuyết này.

* “Thằng bé”, tượng đồng của Nguyễn Văn Huy (giải A Mỹ thuật):  “Đôi mắt” là một tác phẩm điêu khắc ấn tượng. Tác phẩm được thực hiện theo phong cách hiện thực, lối diễn đạt chân thực, giàu xúc cảm và thể hiện được tinh thần của nhân vật; bố cục tác phẩm chặt chẽ, có phong cách riêng. Đúng như tên gọi của tác phẩm, cái hồn nằm ở đôi mắt nhân vật, chính đôi mắt đã nói được rất nhiều điều.  

* “Những miền yêu thương”, chùm ca khúc của Nguyễn Duy Khoái (giải A Âm nhạc): Ở chùm ca khúc “Những miền yêu thương”, Nguyễn Duy Khoái đã khai thác được âm hưởng dân ca Quảng Nam nhưng tạo được giai điệu và tiết tấu mới. Hầu hết tác phẩm trong chùm ca khúc này viết về các vùng quê cụ thể ở Quảng Nam, hạn hẹp về không gian nhưng đặc trưng về bản sắc. Đặc biệt, các ca khúc có ca từ giàu tính văn học, có sức lan tỏa rộng.

* “Không gian văn hóa nhà cổ Hội An”, sách nghiên cứu của Trần Ánh (giải A Văn nghệ dân gian): Tuy chỉ dành 98/286 trang để đi sâu nghiên cứu hơn 90 ngôi nhà cổ trong phố cổ, nhưng những phân tích của tác giả tập sách “Không gian văn hóa nhà cổ Hội An” rất thuyết phục và nhất là đã đi sâu phân tích đặc trưng không gian văn hóa nhà cổ Hội An chứ không phải đặc trưng nhà cổ Hội An. Nói cách khác, đây là một công trình chuyên khảo công phu, khoa học, chuyên sâu về nghệ thuật, kỹ - mỹ thuật kiến trúc truyền thống ở các ngôi nhà cổ Hội An, đóng góp vào việc tìm hiểu, nghiên cứu Hội An gắn với quá trình xây dựng, tôn tạo và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở đây.

* “Phong trào Duy tân và bộ ba xứ Quảng”, phim tài liệu của nhóm tác giả Đình Phương, Ngô Văn Minh & Quang Phi (giải A Điện ảnh): Đây là bộ phim tài liệu về một số nhân vật và sự kiện trong quá khứ nhưng lại rất có ý nghĩa thời sự. Các tác giả đã chỉ ra được nhiều điều cần suy nghĩ về phong trào Duy tân, về cuộc sống hiện tại và tương lai. Bộ phim có sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh, hình ảnh và lời bình.

(BẢO ANH lược ghi)

PHAN CHÍ ANH