Văn hóa biển đảo ở Hội An

QUỐC HẢI 10/06/2015 08:25

Cuộc tọa đàm “Văn hóa biển đảo ở Hội An” vừa được tổ chức ở Hội An đã cung cấp nhiều thông tin thú vị.

Thiên nam tứ chí lộ đồ thư, thế kỷ XVII - Viện Nghiên cứu Hán Nôm Cộng hòa Pháp. Chú thích số 5 là Đại Chiêm hải môn.
Thiên nam tứ chí lộ đồ thư, thế kỷ XVII - Viện Nghiên cứu Hán Nôm Cộng hòa Pháp. Chú thích số 5 là Đại Chiêm hải môn.

Làm chủ biển khơi

Đối với Trần Thị Lệ Xuân, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa (QLBTDSVH) Hội An, khi tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề về “Văn hóa biển đảo ở Hội An” và nghe lại câu ca dao khá quen của vùng biển quê mình, chị không khỏi bồi hồi. “Làm nghề mà giữ tích xưa/ Đừng có chưa nhóc đã sợ, chưa lừa đã run...”. Chị bày tỏ: “Qua trao đổi, chúng tôi nhận thức được nhiều vấn đề liên quan đến đời sống của người dân địa phương gắn liền với biển đảo. Chúng tôi cũng tăng thêm hiểu biết về văn hóa truyền thống, có thêm tình yêu quê hương, đất nước và cũng nhận thức được là từ xa xưa, người dân địa phương đã có được tầm nhìn về biển đảo, thể hiện được chủ quyền biển đảo”. Không chỉ với Trần Thị Lệ Xuân, hơn 80 nhà nghiên cứu trẻ của trung tâm cũng đều biết rằng, từ xa xưa, đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân Hội An đã gắn liền với biển đảo. Tuy nhiên, do chưa được tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng nên sự nhận thức đó còn rời rạc, thiếu hệ thống.

Những hạn chế đó đã được bổ khuyết thông qua buổi sinh hoạt chuyên đề “Văn hóa biển đảo ở Hội An” do nhà nghiên cứu Trần Văn An - Phó Giám đốc trung tâm chủ trì. Ông An đã trình bày những nội dung cụ thể như: điều kiện tự nhiên liên quan đến biển đảo ở Hội An; các tư liệu ghi chép về biển đảo; những kinh nghiệm, tri thức dân gian liên quan đến biển đảo ở Hội An. Các yếu tố biển đảo trong văn nghệ dân gian ở Hội An như truyện kể, ca dao, hò vè, câu đố và các loại hình diễn xướng dân gian; biển đảo trong sinh hoạt ngành nghề như đánh bắt hải sản, nghề thủ công, gia công chế biến, buôn bán, dịch vụ ở Hội An hay tín ngưỡng dân gian liên quan đến biển đảo ở Hội An...  “Những tri thức về thời tiết, khí hậu, địa hình biển đảo thật thú vị. Hàng nghìn trang tư liệu quý về sự phân bố các khu vực đảo, khu vực khai thác hải sản,... khiến tôi choáng ngợp về sự hiểu biết của cha ông trước đây” - Võ Hồng Việt, cán bộ Trung tâm QLBTDSVH Hội An nói.

Đây là kết quả từ nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa biển đảo của nhà nghiên cứu Trần Văn An. “Qua nghiên cứu trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ dân gian này chúng tôi thấy rằng, người dân ở đây đã ra biển rất sớm, làm chủ biển rất sớm, đã tích lũy nhiều kinh nghiệm để nâng cao dần truyền thống đó. Khi dựa vào biển, đời sống vật chất và tinh thần sẽ phát triển; khi nào xa rời hoặc không mặn mà với biển thì chững lại về mặt kinh tế mà Hội An là một ví dụ. Qua đó có thể nói rằng, cha ông người Hội An và ít nhất là cha ông của những người dân duyên hải miền Trung đã ra biển rất sớm và có những giai đoạn ra biển xa hơn chúng ta bây giờ. Bằng chứng là họ từng đi buôn qua Singapore, Malacca, Trung Quốc... và truyền thống đi biển rất cao. Như vậy, từ rất lâu, người dân địa phương đã chiếm lĩnh biển và làm chủ biển khơi, cụ thể ở đây là biển Đông” - ông An nói.

Khẳng định chủ quyền

Tại Trung tâm QLBTDSVH Hội An đang lưu giữ hàng nghìn tư liệu liên quan đến biển đảo như các văn bản, bản đồ, ngư lưới cụ đánh bắt trên biển, hiện vật khảo cổ trên đảo và dưới đáy biển... Trong đó, nhiều hiện vật đã được triển lãm, trưng bày trong và ngoài địa phương; một số hiện vật liên quan đến đường hàng hải trên biển, “Con đường tơ lụa trên biển” nhiều thế kỷ trước còn được cho một số bảo tàng mượn để trưng bày tại Mỹ, Nhật Bản...

Theo thạc sĩ Trần Ánh - nhà nghiên cứu văn hóa Hội An, tư liệu Ba Tư, Ả Rập, Ấn Độ, Trung Hoa cho biết, ngay từ thời Champa, với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, sinh thái, Hội An với đảo Cù Lao Chàm là một địa chỉ nổi tiếng trên các tuyến giao thương bằng đường biển của các thuyền buôn trong khu vực biển Đông và xa hơn. Nhiều tư liệu đã nhắc đến Cù Lao Chàm như một hòn đảo cột mốc để xác định hướng đi trên biển và để ghé các bến cảng lớn của Champa, Phù Nam, Chân Lạp, Đại Việt. Từ thế kỷ XVII, Hội An từng là thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất của xứ Đàng Trong, nơi thương thuyền của các nước Á, Âu buôn bán, trao đổi hàng hóa tấp nập.

Nhắc vài tư liệu để thấy rằng, bức tranh về biển đảo trong mối quan hệ với cộng đồng cư dân Hội An trong lịch sử thật sinh động và đầy màu sắc. Các hình thái, loại hình văn nghệ dân gian vô cùng phong phú cho thấy biển đảo đã thấm đẫm trong sinh hoạt thường nhật của người dân. Đồng thời biển đảo đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa tinh thần và để lại dấu ấn sâu sắc trong ca dao, tục ngữ, các câu chuyện kể; cụ thể và rõ ràng hơn trong kho tàng tri thức dân gian về thời tiết, khí hậu, về y dược, về ẩm thực, kỹ năng đi biển hay kỹ thuật chế tạo và bảo dưỡng tàu thuyền, đặc biệt là về thói quen ứng xử, tục lệ, tín ngưỡng cùng nhiều hình thái văn hóa phi vật thể khác. Chỉ cần đọc và ngẫm nghĩ câu tục ngữ “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” sẽ thấy được những giá trị lớn lao của tri thức dân gian ở đây về biển.

 “Qua tiếp cận cho thấy từ rất lâu đời, nhận thức về biển của cha ông trên nhiều lĩnh vực đời sống là rất sâu sắc. Vì vậy, chúng tôi tổ chức sinh hoạt chuyên đề để tăng cường nhận thức về biển đảo, tăng cường tình yêu của anh em trong cơ quan nói riêng và người dân địa phương đối với biển đảo quê hương, từ đó, tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu để góp phần tuyên truyền về biển đảo theo chủ trương của Nhà nước” - nhà nghiên cứu Trần Văn An cho biết thêm.  

QUỐC HẢI

QUỐC HẢI