Gian tuồng cổ phố Hội
Thêm một không gian dành cho tuồng cổ ở phố Hội vừa ra mắt người dân và du khách, với mong mỏi mang lại một màu sắc mới cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Một gian phòng sống động với các thể nghiệm của hội họa, từ tranh sơn dầu, tranh trên giấy dó, nghệ thuật sắp đặt và mới đây là việc trưng bày thêm các mặt nạ tuồng. Không gian triển lãm này hiện đang nằm tại số 46 phố đi bộ Nguyễn Thái Học, cùng với việc nối dài các không gian công cộng tại nhà cổ ở Hội An. Người khởi phát và thực hiện ý tưởng trưng bày các mặt nạ tuồng tại đây là họa sĩ Trương Bách Tường, người gần 10 năm nay dạy vẽ miễn phí cho trẻ em phố cổ. Anh chia sẻ, có nhiều nguyên nhân khiến cho nghệ thuật hát bộ ngày càng thu hẹp lại. “Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là nghệ thuật hát bộ mang tính ước lệ, cách điệu cao từ trang phục, phương pháp kẻ mặt đến phong cách biểu diễn. Nó đòi hỏi người thưởng ngoạn phải có kiến thức phổ thông về bộ môn nghệ thuật này mới cảm nhận được nội dung của vở diễn” - anh nói. Chính vì vậy, trưng bày những đặc trưng của tuồng qua lối vẽ mặt của những nhân vật hát bộ là cách tốt để khơi gợi lòng yêu vốn quý văn hóa cổ truyền. “Trong vở tuồng Sơn Hậu và vài tuồng kinh điển được viết vào giữa thế kỷ 17 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, những phong cách kẻ mặt của các nhân vật thể hiện tính thiện, ác, anh hùng, tiểu nhân... Với không gian trưng bày, khán giả có thể đối chiếu và so sánh. Tôi mong muốn sẽ mang lại cho công chúng và các thế hệ trẻ có thể nắm bắt, thưởng thức được phần nào về một bộ môn nghệ thuật là di sản văn hóa của tiền nhân để lại” - họa sĩ Trương Bách Tường nói.
Không gian tuồng của họa sĩ Trương Bách Tường tại số 46 Nguyễn Thái Học. |
Sự kết hợp tinh tế giữa cái tĩnh sâu lắng của hội họa trong cái động của nghệ thuật biểu diễn tuồng mở ra một góc nhìn thú vị hơn về bộ môn này. Bản thân tuồng cùng lối vẽ mặt đã đạt đến trình độ nghệ thuật cao, nhiều hình tượng. Nhìn thấy những “khuôn mặt” tuồng hình thành từ bàn tay của nghệ sĩ Nguyễn Vĩnh Huế, với lối phối màu cũng như đường nét không lẫn vào đâu, như gặp được ký ức cũ, Trương Bách Tường cùng cộng sự bắt tay vào thực hiện ý tưởng đã ấp ủ từ lâu. Ở phòng tranh của anh, lâu nay bạn bè nghệ sĩ khắp mọi nơi đã chọn đây là điểm tổ chức triển lãm lý tưởng ở Hội An. Thêm một chiều kích nghệ thuật mới, như thêm một điểm nhấn cho không gian cổ xưa. Hơn 20 mặt nạ tuồng được lồng ghép khéo léo khiến người xem như bị lôi kéo vào một vở diễn. Nơi đây, như một bảo tàng nhỏ của bao nhiêu ký ức Hội An…
Thiếu nhi và du khách sẽ trải nghiệm vẽ mặt nạ tuồng từ những khuôn mẫu này. |
Họa sĩ Trương Bách Tường nói, trước đây Hội An có nghề làm đầu lân, đèn lồng bằng giấy bồi vào dịp trung thu, rất nổi tiếng trong cả nước. Qua quá trình dạy mỹ thuật miễn phí cho thiếu nhi Hội An, anh mong muốn cho các em tiếp cận mỹ thuật dân gian và nghề thủ công truyền thống của địa phương. “Bây giờ mình muốn kết hợp giữa nghề làm đầu lân bằng giấy bồi nhưng chuyển chủ đề của nó thành mặt tuồng trong nghệ thuật hát bộ. Qua đó có thể kết hợp giữa nghề thủ công truyền thống và mỹ thuật dân gian vẽ mặt tuồng. Đồng thời lồng ghép nội dung các vở diễn để có thể giúp các em hiểu thêm về một bộ môn nghệ thuật truyền thống. Không gian Hát bộ được dựng nên với mục đích trên, đồng thời có thể chuyển tải, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về nghệ thuật này, thông qua hội họa” - họa sĩ Trương Bách Tường chia sẻ.
Bằng cách làm sẵn những form mặt người bằng đất sét phơi khô, không qua nung, sau đó bồi giấy lên khuôn mặt đất sét, phơi khô xong sẽ lấy mặt ra. Bước thứ hai, họa sĩ Tường sẽ giải thích cho các em hoặc du khách nhận diện được phương pháp cách điệu tính cách nhân vật trong hát bộ. Qua đó mọi người sẽ phân biệt được đường nét, màu sắc tạo nên khuôn mặt và biết được tính cách nhân vật. Bước tiếp theo mọi người sẽ chọn nhân vật mà mình yêu thích và vẽ trực tiếp lên mặt nạ giấy bồi dựa theo mẫu sẵn có đang trưng bày. Không như không gian hội ngộ Cotic - cũng là một không gian của tuồng với tất cả hình thái biểu hiện của bộ môn này, ở gian tuồng của mình, họa sĩ Trương Bách Tường chỉ muốn mọi người thông qua hội họa, cụ thể là việc trải nghiệm cùng mặt nạ tuồng, sẽ khơi gợi, kích thích mối quan tâm dành cho bộ môn này.
Tái tạo một ký ức và truyền tải tình yêu với vốn văn hóa cổ truyền từ những điều tưởng chừng nhỏ nhất, con đường gần gũi này sẽ phát huy tác dụng. Một không gian nhỏ, nhưng sâu sắc… với những ai có lòng với nghệ thuật truyền thống…
AN NHIÊN