Đi "phượt" vì tình yêu Tổ quốc

PHAN CHÍ ANH 09/05/2015 10:31

Người đàn ông gầy gò, đen đúa, tóc dài ngang vai, răng rụng mất mấy chiếc, ăn mặc khá bụi bặm, đi trên chiếc xe gắn máy cà tàng ghé thăm chúng tôi. Đó là nhạc sĩ Đỗ Lập, người mà cách đây 5 năm đã rất nổi tiếng khi được nhiều tờ báo viết bài giới thiệu.

Xin “đất thiêng” tạc hình Tổ quốc

Lần đó, năm 2010, nhạc sĩ Đỗ Lập tròn 65 tuổi. Nhân dịp cả nước hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông lặng lẽ thực hiện ước nguyện được ấp ủ từ trước đó rất lâu. Với chiếc xe máy cà tàng và 5 triệu đồng trong túi, đầu tháng 3.2010, ông rời Hậu Giang mà không cho con cái biết, lên TP.Hồ Chí Minh, chọn bến Nhà Rồng làm điểm xuất phát cho hành trình xuyên Việt bằng xe máy của mình. Tại đây, trước giờ xuất phát, ông đã xin Ban quản lý di tích này để được hốt một nắm đất bỏ vào ba lô. Ròng rã hơn 2 tháng trời, nhạc sĩ Đỗ Lập đi qua 63 tỉnh thành trong cả nước. Mỗi nơi, ông đều chọn một địa điểm “thiêng liêng nhất” hoặc “có tính biểu tượng nhất” của địa phương rồi xin một nắm đất mang đi. Ví như ở Hà Giang, ông xin đất ở địa đầu Lũng Cú; tại Nghệ An là đất trong vườn nhà Bác Hồ ở làng Sen; ở Quảng Nam là đất trong khu phố cổ Hội An; với Cà Mau là nắm đất ở rẻo đất cuối cùng của Mũi.

Nhạc sĩ Đỗ Lập và bức ảnh chụp sa bàn bản đồ Việt Nam.Ảnh: P.C.A
Nhạc sĩ Đỗ Lập và bức ảnh chụp sa bàn bản đồ Việt Nam.Ảnh: P.C.A

Có một chi tiết khá thú vị là, trong chuyến xuyên Việt này, mãi khi nhạc sĩ Đỗ Lập đến Hà Nội thì các con của ông - vốn đều đã ra ở riêng, mới biết cha mình... mất tích. Ấy là khi một số tờ báo viết bài về chuyến đi đặc biệt của ông. “Lúc ấy, các con của tôi rất hoảng hốt và lo lắng. Nhưng khi nghe ý nguyện của tôi, chúng đều tôn trọng...” - nhạc sĩ Đỗ Lập kể lại.

Kết thúc chuyến “phượt” đặc biệt đó, nhạc sĩ Đỗ Lập mang về 63 nắm đất, được đánh số cẩn thận. Toàn bộ số đất này được ông dùng để đắp thành một sa bàn Tổ quốc Việt Nam; đất được lấy ở tỉnh nào thì được dùng để đắp thành hình bản đồ hành chính của tỉnh ấy. Sa bàn có kích thước 40x90cm, có tên là “Đất Việt”, được lồng trong khung kính, đặt trên một chiếc giá gỗ hình trống đồng được chế tác từ lõi cây mít do gia đình ông trồng từ năm 1978. Tháng 9.2010, “Đất Việt” được nhạc sĩ Đỗ Lập cung tiến lên Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau đó, tác phẩm độc đáo này đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Kết nối tình yêu biển

Tháng 12.2014, nhạc sĩ Đỗ Lập lại bắt đầu thực hiện thêm một chuyến xuyên Việt nữa, và điểm xuất phát cũng lại là bến Nhà Rồng. Chuyến đi này, như ông nói vui, là “đi có giấy phép hẳn hoi”: Được Hội VHNT Hậu Giang cấp giấy giới thiệu; được cả 4 đứa con đồng tình và chu cấp lộ phí.

Nhạc sĩ Đỗ Lập tên thật là Đỗ Thành Lập, sinh năm 1946, quê ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ông được đồng đội của cha (liệt sĩ chống Pháp) đưa ra miền Bắc từ năm 1954; trở lại miền Nam năm 1974. Hiện tại, ông là hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam, hội viên Hội VHNT Hậu Giang. Nhạc sĩ Đỗ Lập đã phát hành 5 đĩa nhạc, trong đó có hơn 10 ca khúc viết về Bác Hồ, viết về tình yêu biển đảo Tổ quốc...

Khác với chuyến đi năm 2010 - mỗi tỉnh chỉ dừng lại vài tiếng để “thỉnh” đất, lần này nhạc sĩ Đỗ Lập lưu lại mỗi nơi 4 - 5 ngày, để gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân và để “xin chữ ký thể hiện tình yêu biển đảo” của mọi người. Với 2 cuốn sổ lớn có chung tựa đề là “Chung một tấm lòng hướng về biển Đông”, hễ đi đến đâu là ông lại chìa ra, trò chuyện với mọi người về chủ quyền biển đảo và “xin chữ ký” ủng hộ. “Mọi người có thể chỉ ký tên, hoặc có thể viết cảm nghĩ của mình về chủ quyền biển đảo vào đó. Tuy nhiên, những ai có ý định viết vào đấy những lời lẽ mang tính kích động thì tôi từ chối ngay” - nhạc sĩ Đỗ Lập nói. Chủ tịch Hội VHNT Hậu Giang Phạm Sơn Hà cho biết thêm: “Nhạc sĩ Đỗ Lập là người xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân anh có lòng yêu nước nhiệt thành. Tôi thật sự yêu quý và tôn trọng những việc làm giàu ý nghĩa của anh”.

Khi đến Quảng Nam, nhạc sĩ Đỗ Lập đã thu thập được hơn 5.000 chữ ký, trong đó có cả chữ ký của một số người nước ngoài. Dự kiến khoảng 3 tháng nữa ông sẽ quay về, và lộ trình khi đó sẽ là tuyến đường Hồ Chí Minh. Sau chuyến đi này, toàn bộ chữ ký thu nhận được sẽ được nhạc sĩ Đỗ Lập in sang, đóng tập gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

PHAN CHÍ ANH  

PHAN CHÍ ANH