Ươm mầm hợp xướng từ tuổi thơ

LÊ QUÂN 09/05/2015 10:14

Tham vọng muốn hợp xướng Việt Nam lưu dấu sâu đậm trong nền âm nhạc quốc tế, hơn 20 năm nay, Đặng Châu Anh miệt mài cống hiến. Đầu tiên, từ những tâm hồn trẻ thơ…

Gặp chị trong vai trò nữ giám khảo duy nhất của cuộc thi Hợp xướng quốc tế lần IV tại Hội An, Châu Anh chia sẻ, lúc nào với hợp xướng, chị cũng dành trọn tấm lòng. Thành viên duy nhất của Hiệp hội Interkultul tại Việt Nam, làm việc trong môi trường năng động, đòi hỏi phải có đủ năng lực và năng lượng, nhưng không vì vậy mà cô giám khảo của “Đồ Rê Mí” bớt xinh đẹp đi. Hơn 40 tuổi, nụ cười tươi rói như trẻ thơ, ánh mắt long lanh, Châu Anh hút hồn người ngay từ cái nhìn đầu tiên. Càng trò chuyện, càng thấy chị đúng là sinh ra để dành cho âm nhạc, dành cho trẻ con.

Đặng Châu Anh trong những ngày diễn ra cuộc thi Hợp xướng quốc tế lần IV tại Hội An.Ảnh: Minh Hải
Đặng Châu Anh trong những ngày diễn ra cuộc thi Hợp xướng quốc tế lần IV tại Hội An.Ảnh: Minh Hải

Những ngày cuộc thi Hợp xướng quốc tế lần IV diễn ra tại Hội An, lúc nào cũng bắt gặp nụ cười thật tươi từ gương mặt chị. Năm nay, dàn hợp xướng Sol Art do chị chỉ huy không tham dự, nhưng hoài bão về một “hợp âm” xuất sắc vẫn không ngừng chảy. Chạnh lòng nghĩ tới một loại hình âm nhạc vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, Đặng Châu Anh nói: “Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa phải là một trong những cường quốc về hợp xướng. Mặc dù những năm trước đây, chúng ta từng có những đoàn hợp xướng chuyên nghiệp của học viện âm nhạc nhưng cho đến nay, hợp xướng của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở hình thức phong trào. Hợp xướng chỉ xuất hiện khi có các sự kiện lớn. Trong khi để tồn tại và phát triển mang tính chuyên nghiệp kinh điển, các đoàn hợp xướng cần duy trì hoạt động thường xuyên thì chúng ta chưa làm được”. Ở vai trò giám khảo của liên tục 4 lần cuộc thi Hợp xướng quốc tế diễn ra, chị cho biết, sau mỗi năm, các đoàn quốc tế tham dự càng chuyên nghiệp hơn, không gói gọn trong những đội hợp xướng nhà thờ hay từ các học viện âm nhạc. Trải nghiệm ở một sân chơi với sự đa dạng ở các thể loại tranh tài, cùng hơi thở nhạc hàn lâm kinh điển đến từ các quốc gia có nền âm nhạc hợp xướng lâu đời, Đặng Châu Anh nói sẽ là cuộc va chạm mang lại những kinh nghiệm rất lớn cho các đoàn hợp xướng Việt Nam. “Nếu khôn khéo, mình tranh thủ học được của họ rất nhiều thứ, từ cách trình diễn, phối khí, hát bè đuổi…” - Đặng Châu Anh nói.

Đặng Châu Anh hiện là giảng viên tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Chia sẻ về cách thức duy trì phát triển cho một đoàn hợp xướng nhí, Đặng Châu Anh nói, cần nhất là khơi gợi ở các em tình yêu với thể loại âm nhạc này, giúp các em nhận ra cái hay, cái đẹp của nó. Bên cạnh đó, cần đầu tư những tác phẩm dành cho hợp xướng, viết ra những bản tổng phổ phù hợp với chất giọng và khả năng của các em. Kỹ năng luyện thanh cũng là điều đóng vai trò quan trọng để làm nên một dàn hợp xướng hay.

Từ những giai điệu ngỡ rất khó để cảm thụ, Đặng Châu Anh từng bước dìu dắt trẻ thơ đi vào thế giới này. Và chị nói, muốn có một thế hệ âm nhạc mới, bắt kịp với nền văn minh âm nhạc thế giới, thì ngay từ nhỏ, cần để hợp xướng len lỏi vào tâm hồn các em. Năm 2008, cùng với các cộng sự, chị thành lập đoàn hợp xướng Sol Art, tập hợp các em tuổi từ 7 đến 15, có năng khiếu âm nhạc, mải mê tập luyện. Những thành tích đoàn hợp xướng thiếu nhi của chị đạt được tuy còn khiêm tốn, nhưng nhiều chuyên gia âm nhạc trong nước và thế giới đánh giá, vài năm nữa, Việt Nam sẽ đĩnh đạc đứng cùng các đoàn hợp xướng danh tiếng từ thế hệ này. Cũng như vậy, khi ở cuộc thi hợp xướng quốc tế lần III, chứng kiến sự góp mặt của một đội hợp xướng của Hội An, chị đã vô cùng thích thú. Lần thứ IV này, đội hợp xướng Hội An tiếp tục để lại nhiều ấn tượng và hy vọng trong lòng những người mê hợp xướng như Đặng Châu Anh. Chị nói: “Nếu kiên trì, tiếp tục duy trì phong độ như vậy, không bao lâu nữa, Hội An sẽ có một dàn hợp xướng dân gian đáng nể của thế giới”.

Mê mải trong thế giới của những giai điệu, âm thanh, bộn bề cùng bao nhiêu hoài bão, nhưng tấm lòng của cô giáo “hợp xướng” vẫn luôn tròn trịa dành cho trẻ thơ. Mỗi bận ở vai trò giám khảo của chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi mang tên “Đồ Rê Mí”, Đặng Châu Anh trở thành một người bạn, một thiên thần được rất nhiều bạn nhỏ yêu quý. Vẫn còn nhiều chuyện phải lo cho hành trình đưa hợp xướng Việt ra cùng thế giới, nhưng như tính cách lạc quan và nụ cười vui vẻ của mình, cùng với tình yêu, nhiệt huyết, Đặng Châu Anh đặt trọn tin tưởng vào một ngày rực rỡ không xa của hợp xướng Việt. Lặng thầm làm công việc chắp nối, lặng lẽ kiếm tìm những bản tổng phổ phù hợp với lứa tuổi trẻ thơ, sôi nổi cùng những hoạt động đường phố trong các kỳ liên hoan âm nhạc, hơn 40 tuổi, người phụ này nữ giữ cho mình những nét đẹp không lẫn vào đâu.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN