Nhà Quảng Nam học Lâm Quang Thự
Nghiên cứu về Quảng Nam có nhiều người nhưng để được vinh danh “nhà Quảng Nam học” (dù chỉ là tự phát) thì chỉ đếm đầu ngón tay, trong đó có tên cụ Lâm Quang Thự.
Từ sự tình cờ
Lâm Quang Thự được nhiều người nhắc đến với những nghiên cứu về địa chí Quảng Nam dù khá trễ, sau khi về hưu, lúc đang ở tuổi “cổ lai hy” và từ một sự tình cờ “để hưởng ứng chủ trương giáo dục con em Quảng Nam đang học tập trên đất Bắc hiểu biết và nhớ về quê hương, cội nguồn của Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng”. Nhưng đây lại là những cuốn sách được biên soạn khá công phu, khá đa dạng về lịch sử, địa lý và cả về văn hóa của Quảng Nam.
Lâm Quang Thự (1905-1990). |
Chỉ cần với hai tác phẩm, mỗi tác phẩm khoảng 200 trang là người ta đã ghi tên Lâm Quang Thự vào danh sách những nhà Quảng Nam học tiêu biểu. Quyển Quảng Nam - Địa lý - Lịch sử - Nhân vật được Ban liên lạc đồng hương Quảng Nam và Ủy ban Mặt trận tỉnh Thanh Hóa xuất bản lần đầu vào năm 1974 với số lượng rất lớn, 4.000 bản. Sách được chia làm 3 phần: Phần I trình bày sơ lược địa lý tỉnh Quảng Nam với đầy đủ các mục về địa giới, dân cư hành chánh, địa hình, khí hậu, sông ngòi, bờ biển, đường sá, tài nguyên, di tích, danh lam thắng cảnh... Phần II trình bày khái quát về các cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp của nhân dân trước năm 1930. Phần III giới thiệu khá kỹ về 9 nhân vật Quảng Nam tiêu biểu trong các phong trào yêu nước trước năm 1930.
Trong ba phần thì phần thứ I viết về địa lý là khó nhất nhưng lại được ông viết hay nhất. Khó vì ông là nhà nghiên cứu về tổ chức chính quyền chứ không phải là nhà nghiên cứu văn sử địa. Sách lại được viết trong thời kỳ chiến tranh, ông đã gần 70 tuổi, đang sống ở miền Bắc không có điều kiện đi điền dã lại thiếu các nguồn tư liệu để tham khảo. Nhưng cũng vì không chuyên sâu nên kiến thức địa lý ông đưa ra rất cô đọng, bằng cái nhìn của một nhà văn, nhờ thế đã tránh được sự lý giải dài dòng và sự liệt kê khô khan vốn là nhược điểm của bộ môn địa lý. Trong mục địa hình khi nói về dãy núi Bà Nà người đọc không những biết được cấu trúc (vị trí, độ cao, đặc điểm khí hậu...) mà còn thấy được cả nét lung linh sương khói của dãy núi được xem là đẹp nhất của Quảng Nam - Đà Nẵng này qua những hình tượng như: “những áng mây huyền ảo vây quanh các đỉnh núi”, “những khóm trúc già là đà nghiêng ngả” “cái tương phản giữa núi cao biển thẳm, mây trắng rừng xanh, cát vàng sóng bạc”. Hay khi nói về biển đảo ông viết: “bán đảo Sơn Trà, núi Sa Huỳnh và ngoài khơi kia, hòn Chàm, hòn Ré nhô lên mặt biển mênh mông, hình như hướng về Bà Nà ngưỡng mộ”… Viết với cảm quan thẩm mỹ như vậy tác giả đã vô tình nâng địa lý học lên một bước cao hơn mà sau này nhà địa lý học hàng đầu của nước ta là Lê Bá Thảo đã thể hiện trong tác phẩm Thiên nhiên Việt Nam.
Năm 1976, Lâm Quang Thự tiếp tục cho ra đời tác phẩm thứ hai viết về Quảng Nam, đó là cuốn Đất Quảng trong thơ ca cũng do Ban liên lạc đồng hương Quảng Nam và Ủy ban Mặt trận tỉnh Thanh Hóa xuất bản. Sách có cùng cấu trúc như quyển thứ nhất nhưng tập trung khai thác khía cạnh thơ văn, ca dao, hò vè…
Sau khi đất nước thống nhất, Lâm Quang Thự về quê tham gia viết chung với các tác giả khác hai cuốn về Quảng Nam, quyển Quảng Nam - Đà Nẵng (NXB Văn Học, 1983) và Danh nhân Đất Quảng (NXB Đà Nẵng, 1987).
Các tác phẩm viết về Quảng Nam được đánh giá rất cao, có ý nghĩa đặc biệt, nhất là hai cuốn đầu xuất bản ở miền Bắc. Đó là tấm lòng của những người con Quảng Nam luôn hướng về quê nhà. Là tài liệu cơ bản, cơ sở gần như là duy nhất nghiên cứu về địa lý, lịch sử, nhân vật và văn hóa của Quảng Nam - Đà Nẵng cho đến thời điểm 1980. Là công cụ hữu hiệu nhất cho đội ngũ giáo viên phổ thông trong việc giảng dạy lịch sử, địa lý, văn học địa phương và cả cho những người nghiên cứu văn học dân gian Quảng Nam.
Chính vì những ý nghĩa đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Đoàn đã hạ bút: “Cụ Lâm Quang Thự xứng đáng được tôn vinh là một trong những “nhà Quảng Nam học” đầu tiên trong thời kỳ hiện đại”.
Hành trạng
Lâm Quang Thự sinh ngày 14.9.1905 tại làng Cẩm Toại, tổng An Phước nay là xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Tộc Lâm của ông là tộc họ lớn với rất nhiều nhân vật nổi tiếng như Lâm Hữu Chánh (1818-1870), từng 7 lần đỗ tú tài, tham gia chống Pháp ở Đà Nẵng năm 1858, dưới trướng Nguyễn Tri Phương, sau theo Đỗ Thúc Tĩnh vào Nam kỳ tiếp tục chống Pháp. Lâm Hữu Chánh là người được Phạm Phú Thứ tiến cử bằng những lời hết sức ấn tượng: “là người lấy sự nghĩa thì làm ngay, khả kham những chức phòng bị các phủ huyện tối yếu” và được vua Tự Đức bổ làm Tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Lâm Văn Tín đỗ cử nhân võ làm hành tẩu vệ kim ngô chiến đấu giữ thành Đà Nẵng năm 1858. Lâm Hữu Đôn và Lâm Hữu Mẫn làm Bang tá Nghĩa hội huyện Hòa Vang và tỉnh Quảng Nam. Lâm Nhĩ (1865-1918) tham gia Nghĩa hội, phong trào Duy tân, kháng thuế và cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916, hy sinh ở Lao Bảo 1918.
Lâm Quang Thự là cháu ngoại của tú tài Trương Trọng Hữu (1860-1947). Trương Trọng Hữu bị Pháp bắt tra tấn và giết chết năm 1947, từng tham gia Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887), là thầy giáo của các trường Duy tân (1905-1908), tác giả viết sách giáo khoa cho các trường Duy tân Quảng Nam (tác giả các bài vè về Đo lường, Trái đất, Lịch sử nước Nam, Địa chí Quảng Nam…). Cụ Trương Trọng Hữu vừa là ông ngoại nhưng cũng là người thầy đầu tiên có ảnh hưởng rất lớn đến Lâm Quang Thự.
Thân phụ ông là tú tài Lâm Quang Tự, người sáng lập Trường Ấu học Cẩm Toại (về sau là trường Tiểu học An Phước), một trong những ngôi trường Duy tân đầu tiên của Quảng Nam.
Lúc nhỏ Lâm Quang Thự học ở Trường An Phước sau đó là Trường Pháp Việt ở Hội An. Năm 1921, ông ra Huế học ở Trường Quốc học. Năm 1925 tốt nghiệp và được bổ đi dạy tại Trường Pháp - Việt Nha Trang. Vì tham gia các phong trào đấu tranh nên ông bị bãi chức giáo học năm 1927. Từ đây, ông bắt đầu dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng. Năm 1929 được kết nạp vào tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Năm 1931 bị bắt giam sau đó bị đưa về quản thúc ở quê nhà. Năm 1932 làm công nhân đường sắt ở Đà Nẵng, tiếp tục bí mật hoạt động. Sau Cách mạng Tháng Tám là Chủ tịch Ủy ban hành chánh huyện Hòa Vang. Năm 1946, được bầu làm Đại biểu Quốc hội sau đó làm Ủy viên Ủy ban hành chánh liên tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Sau năm 1954 tập kết ra Bắc làm việc ở Văn phòng Quốc hội cho đến khi về hưu năm 1970.
Lâm Quang Thự mất ngày 16.6.1990, được an táng tại Hà Nội.
Vinh danh ông, ở TP.Đà Nẵng hiện có một con đường và một ngôi trường trung học cơ sở mang tên Lâm Quang Thự.
LÊ BÌNH TRỊ