Niềm tương ngộ một quê chung
Cầm trong tay tập bút ký “Ăn tô mì Quảng nói chuyện bao đồng”(*) của nhà văn Hoàng Nhật Tuyên, thú thật, tôi không thể nào không liên tưởng đến mỳ Quảng đã thành văn chương nghệ thuật, thành giai thoại, và nhất là thành… cố hương cho mọi sông suối trí nhớ mù khơi chảy về. Nào mỳ Quảng Bùi Giáng, mỳ Quảng Nguyễn Nhật Ánh, mỳ Quảng Lê Minh Quốc, mỳ Quảng Vũ Đức Sao Biển, và bây giờ đến mỳ Quảng Hoàng Nhật Tuyên. Lẽ đương nhiên, mỗi người một cốt cách văn vẻ, mỗi người một cung bậc nhớ thương riêng. Nhưng Hoàng Nhật Tuyên nhớ là nhớ chuyện bao đồng. Nghĩa là từ một bữa mỳ Quảng của những người “tha hương ngộ cố tri” trong một đêm nơi xứ người, để rồi biến cái đêm ấy thành... nghìn lẻ một đêm. Cũng từ đấy, tức là từ bữa mỳ Quảng đó, Hoàng Nhật Tuyên có dịp phơi mở cảm xúc của mình mà thành bút ký “Ăn tô mì Quảng nói chuyện bao đồng”.
Quê quán Hoàng Nhật Tuyên ở Đại Thạnh, Đại Lộc. Anh thuộc lớp nhà văn trưởng thành từ sau năm 1975. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng dường như anh em văn nghệ đất Quảng quê nhà còn có người chưa biết tới anh. Có chuyện đó là bởi, kể từ ngày tốt nghiệp Đại học Huế, Hoàng Nhật Tuyên cầm trên tay giấy bổ nhiệm công tác thẳng một mạch về tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa), làm lính, làm cán bộ, và nhiều năm đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. Cho đến nay anh đã xuất bản hơn mười đầu sách, bao gồm: tiểu thuyết, tập truyện ngắn, truyện dài viễn tưởng, truyện thiếu nhi… Tập bút ký “Ăn tô mì Quảng nói chuyện bao đồng” là tập sách đầu tiên Hoàng Nhật Tuyên viết về thể loại này.
Hẳn là khi chọn tên một bài bút ký để làm tiêu đề chung cho tác phẩm, ý của nhà văn có thể như một gói gắm tâm tình gửi về xứ sở. Cũng có thể hiểu đấy là cách gọi tên quê nhà cho hả nhớ. Kiểu như thi sĩ Bùi Giáng gọi tên quê trong thơ của ông: Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên/ Xiết bao tình nghĩa thần tiên mộng đầu/ Vĩnh Trinh, Lệ Trạch, Thanh Châu/ Thi Lai, Hà Mật nhìn đâu dáng người. Thơ ấy, phải là người Quảng, mà là người Quảng xa xứ đọc lên nghêu ngao trong một lúc nào đó nghe nỗi nhớ quê cồn cào trong lòng, thì trường âm thanh thảng thốt của nó bật lên mới chính là ngữ nghĩa của ngôn từ. Hoàng Nhật Tuyên, như anh đã viết: “Có điều tôi không thể làm thơ” (Ăn tô mỳ Quảng…), nhà văn nói thế nhưng tâm hồn anh quả là bát ngát men thơ. Hay nói một cách khác, văn phong Hoàng Nhật Tuyên, đọc bất cứ bút ký nào cũng đượm đầy hơi hướm thi sĩ. Từ Ăn tô mì Quảng… cho đến Đi qua những mùa hoa cỏ. Hay là từ Hội An miền nhớ cho đến Tết quê, hầu như cảm hứng thi sĩ trở thành bút lực nhà văn phơi mở ra từng thế giới: thân phận, tình yêu, con người, số phận… Ở mỗi đề tài, có thể là khoảnh khắc cháy lên nỗi nhớ (Tết quê), lại cũng có thể là tiếng nói từ miền thẳm của vô thức, ví như một bài thơ nào đó vụt hiện ra ứng vào thế giới (Lên đèo Cục Kịch ngắm bồng bênh mây). Có lẽ đây là đặc điểm nổi bật của bút ký Hoàng Nhật Tuyên suốt từ đầu đến cuối tập sách.
Bút ký, như người ta thường gán cái vị thế cho văn loại này là gạch nối giữa văn học và báo chí. Nói như vậy là bởi chất liệu làm nên một bài bút ký có một khuôn phép mà mỗi tác giả tự kiểm soát chính mình là không được phép hư cấu, mà tất cả phải từ hiện thực. Tuy nhiên, nếu như vậy thì tùy bút hay tản văn, tất cả chất liệu cũng phải đều từ hiện thực cả thôi. Trong văn học phương Tây người ta chỉ gọi mỗi từ: “essay” cho thể loại này. Có nghĩa là khi đọc văn loại của từng tác giả, người ta căn cứ trên văn phong để hiểu đấy là bút ký hay tùy bút, hay là tản văn, thậm chí gọi là tiểu luận cũng cứ được. Ví như khi đọc “porter” thì ta hiểu đấy là: bồng, bế hoặc ẵm (trẻ con). Cứ tùy vào văn cảnh cụ thể của từng tác giả mà xếp văn loại nào cho phù hợp.
Đọc bút ký của Hoàng Nhật Tuyên, tôi cũng cảm được cái phong cách “essay” của anh, nghĩa là tôi tự do tiếp cận. Khi thì cùng anh véo von bài dân ca trên bến sông quê nhà: Thuyền ai lên đến Bến Dầu/ Để cho ta gửi mấy câu ân tình; khi thì cùng nhà văn nghêu ngao mấy câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng: Thu này nằm nhớ Thu Bồn/ Con sông xứ Quảng linh hồn quê hương. Vâng, quả là chất chứa một tâm hồn thơ Hoàng Nhật Tuyên trên từng trang bút ký của anh. Thế nên, cái quê chung đất Quảng trong địa lý, đã đành rồi, tôi còn quê chung với anh một niềm tương ngộ - ấy là Thơ!
NGUYỄN NHÃ TIÊN