Lát cắt văn hóa Chăm
Từ những lát cắt trong sinh hoạt thường ngày của cư dân dọc lưu vực các sông của Quảng Nam, trong đó, dày dặn nhất phải kể đến vệt sông mẹ Thu Bồn, lần theo các dấu tích Chăm còn lưu lại, các nhà nghiên cứu đưa ra mối liên hệ giữa sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng hiện nay với các thời đại đã qua. Môi trường xung quanh các di tích Chăm trở thành điều đáng quan tâm nhất, cũng là những thông tin các nhà nghiên cứu muốn người dân lưu tâm.
Các nhà nghiên cứu đang tiến hành đo đạc bia ký Chăm trên sông Thu Bồn. Ảnh: N.T.Hỷ |
Nguồn Thu Bồn - hợp lưu giữa sông Tranh và sông Tiên, qua bến Tân An (Hiệp Đức), hình thành dòng sông chảy dưới Hòn Kẽm Đá Dừng. Từ đây, sông Thu chảy về Cửa Đại, trong hành trình lúc êm đềm, lúc cuộn chảy, Thu Bồn tách thành 2 nhánh sông, bao bọc cù lao Gò Nổi. Qua Gò Nổi, nhánh phía bắc chảy vào Hội An với tên gọi Sài Thị Giang, nhánh phía nam bao bọc các xã vùng đông Duy Xuyên, gọi là sông Bà Rén, sau đó hợp với dòng chính Thu Bồn, chảy ra Cửa Đại.
Giao thương trên sông
Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, đồng thời là người nhiều năm làm công tác nghiên cứu khảo cổ chia sẻ, dọc theo hai bên bờ Thu Bồn, từ vùng thượng nguồn xuôi về Cửa Đại, ngoài những di tích đặc biệt quan trọng như Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An, một di tích khác gắn liền với tín ngưỡng của cư dân sông nước là lăng Bà Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên). Cùng với dấu tích lăng Bà Thu Bồn, hàng loạt bia ký cổ được tìm thấy dọc lưu vực sông cho thấy tại đây đã từng hình thành những vùng văn hóa với sự quần cư rất lớn.
Ở buổi triển lãm “Vết tích Champa xứ Quảng - Từ nguồn xuống biển”, các nhà nghiên cứu đã công bố khá nhiều tư liệu liên quan đến nền văn hóa Chăm cổ, thông qua các dấu tích sưu tầm được cũng như các hình thái sinh hoạt lâu đời của người dân. Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nói, điều lớn nhất vệt văn hóa Thu Bồn còn lưu giữ đến ngày nay là các phong cách kiến trúc đại diện cho cả một nền văn minh. Những đền đài kỳ vĩ cho thấy đây từng là nơi tập trung các tầng lớp thương nhân, đủ giàu có để đầu tư cho các công trình kiến trúc nguy nga.
Liên quan đến một đoạn thành Triền Tranh vừa mới được phát lộ, từ trục sông Thu Bồn, các nhà khảo cổ cho rằng đây là một di tích có mối liên hệ chặt chẽ với thành Trà Kiệu, Mỹ Sơn và cửa Đại Chiêm. Hiện tại Sở VH-TT&DL vẫn đang tiến hành khoanh vùng, khai quật và lập phương án bảo tồn. |
Con đường giao thương trên sông mở ra nhiều nghiên cứu mang tính chiều sâu. Hiện tại, buôn bán trên sông, từ miền ngược tới miền xuôi vẫn còn được người dân dọc lưu vực sông Thu Bồn duy trì, tuy hàng hóa đã giảm đi rất nhiều từ khi đường bộ trở thành mạch giao thông chính. Theo nội dung trên văn bia Thạch Bích được tìm thấy tại xã Quế Lâm (Nông Sơn) - thượng nguồn Thu Bồn, ngay từ thế kỷ thứ VII, việc trao đổi hàng hóa đã trở nên tấp nập. Các lâm sản như trầm hương, vàng, trầu cau, hồ tiêu trở thành sản vật trao đổi giữa các thương nhân miền xuôi và miền thượng. Cũng theo các nhà nghiên cứu, khoảng thế kỷ thứ I - II trước Công nguyên, ở vùng Đông Nam Á đã xuất hiện các cảng thị, và các “quốc gia cảng thị” đã được hình thành, chi phối mọi hoạt động giao thông của một con sông lớn, từ vùng hạ lưu đến thượng nguồn. Uy thế của các tiểu vương dựa vào tư tưởng bên ngoài như đạo Hindu hoặc Islam. Dòng sông Thu Bồn khi ấy là con đường thủy đóng vai trò rất quan trọng trong việc giao thương của một trong những quốc gia cảng thị ở miền Trung xưa kia.
Sinh hoạt tín ngưỡng
Từ những tầng lớp thương nhân này, nói như nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, hình thành nên những đền đài - hoặc là nơi tập trung hàng hóa, như các đô thị hiện nay; hoặc là trung tâm tôn giáo, chính trị như Trà Kiệu, Đồng Dương. “Chính lớp thương nhân có tiền của mới đầu tư xây dựng đền đài” - nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nói. Còn giáo sư Fukui Yayao (nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á của Đại học Kyoto Nhật Bản) và giáo sư Trần Quốc Vượng, trong những bài nghiên cứu của mình, cho rằng, Mỹ Sơn - trên trục giao lưu Thu Bồn từ nguồn xuống biển, ngoài là một vùng đất thánh, còn có chức năng giao lưu văn hóa, kinh tế, chính trị giữa vương triều Champa với thủ lĩnh các tộc người miền núi. Chính vì vậy, sinh hoạt tín ngưỡng của những vùng đất này không phải là tín ngưỡng thuần nông mà nhuốm thêm các tập tục, thói quen của việc giao thương.
Những nét văn hóa phi vật thể, từ lễ hội đến các hình thái sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân vùng sông nước Thu Bồn, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đều khởi phát từ việc buôn bán trên sông. Những chuyến hàng buôn trên sông khi ấy hay gặp rủi ro, bất trắc, nhất là khi bão lũ. Để trấn an, họ thường tìm đến sự chở che từ các vị thần. Nhóm những nhà nghiên cứu về vệt văn hóa Thu Bồn kể lại, khi được một chủ ghe chở đến tìm bia Thạch Bích ở Hòn Kẽm Đá Dừng, người chủ ghe luôn tìm cách đưa phần mũi ghe tiếp cận với hòn Đá Bùa (tên người dân tại đây gọi tấm bia cổ). Cư dân sông nước Thu Bồn quan niệm, phần mũi ghe là điểm thiêng, nơi họ thường cúng tạ. Còn đuôi ghe là nơi sinh hoạt gia đình, nếu để tiếp xúc với chốn thiêng sẽ bị thần linh quở phạt. Cũng vậy, hệ thống những ngôi chợ trên sông hình thành từ nhu cầu trao đổi hàng hóa có từ lâu đời. Lễ hội Bà Thu Bồn, Bà Phường Chào hằng năm cũng xuất phát từ mối liên hệ mật thiết giữa miền xuôi và miền ngược, trong đó dòng Thu Bồn đóng vai trò huyết mạch, chuyên chở từ vật chất đến việc truyền tải những giá trị văn hóa. Trong cái nhìn địa văn hóa, từ vùng biển Cửa Đại đến thượng nguồn sông Thu, tín ngưỡng văn hóa là một sợi liên kết liền mạch.
LÊ QUÂN