Những đồng đội tóc bạc
“Trong số hơn 100 lãnh đạo, cán bộ của Ban Tuyên huấn cũ còn sống, phần lớn tuổi cao sức yếu, không ít đồng chí mang trong người những di chứng của chiến tranh, mắc nhiều trọng bệnh… không biết phần đời còn lại được kéo dài bao lâu nữa. Vì vậy, chúng tôi đã quyết tâm tự tổ chức buổi gặp mặt này” - nhà báo Ngô Quy Nhơn nói.
Một cuộc gặp dường lặng lẽ, không cờ hoa, không băng rôn, không đàn địch, cả đến một chiếc míc (micro) cũng không. Trong những ngày cả tỉnh đang náo nhiệt, ồn ã với bao nhiêu cuộc gặp mặt, khánh thành, khởi công những công trình chào mừng 40 năm giải phóng quê hương, thì cuộc gặp mặt của họ, lặng lẽ quá. Căn phòng chật cho gần 60 người già. Phần lớn, họ đọc thông báo của Ban liên lạc về cuộc gặp mặt trên báo Quảng Nam, và đến.
Thăm hỏi, động viên nhau trong ngày gặp lại. Ảnh: P.H |
Cụ Nguyễn Duy Kiêm (92 tuổi, ở Hội An), người nhiều tuổi nhất trong cuộc gặp mặt hôm ấy, cũng đi bằng cách đó. Giọng cụ đã khàn lắm, không còn rõ tiếng. Vậy mà cụ vẫn cố nói cho tôi nghe bằng giọng khàn đục ấy, đi chứ, ngày xưa khi tui là du kích Ba Tơ rồi về ban tuyên huấn, toàn đi bộ, chừ đi xe buýt, sướng quá trời, vô đây gặp đồng đội cũ, phải đi. Cụ rằng năm 2011, trong chuyến hành quân về vùng chiến khu Sơn – Cẩm – Hà của anh em Ban Tuyên huấn, vì sức khỏe không cho phép nên cụ không đi được, tiếc lắm. Mấy chục năm mới được gặp lại mà. Tôi còn nhớ sau chuyến hành quân về nguồn năm ấy, nguyên Tổng biên tập báo Quảng Nam – Đà Nẵng Ngô Quy Nhơn đã viết trong hồi ký của mình “Tiên Sơn ngày chúng tôi về khác xưa một trời một vực. Ký ức ùa về và tái hiện mồn một trong từng người nhưng không ai dám chắc trí nhớ của mình đúng với những tên người, tên đất ngày ấy giờ là ai, ở đâu? Ai cũng nhìn nhau rồi hỏi nhau đâu là nơi ngày xưa văn phòng ban và các tiểu ban từng nương đồi, nương núi dựng trại, dựng nhà? Đâu là nơi anh em thoát chết trong những trận bom pháo, tàu gáo, tàu rọ quần bắn? Đoạn sông nào đồng đội mình đã hy sinh? Đâu là nơi chúng ta cuốc đất làm ruộng, vỡ đồi trồng sắn trồng khoai? Chỗ ruộng nào chúng ta thả trúm bắt lươn? Khe suối nào chúng ta bắt ốc đá, cua đá về nấu với rau ranh, cải tàu bay… để cải thiện bữa ăn mỗi ngày?”. Tôi đem đoạn ký và đọc cho cụ Nguyễn Duy Kiêm nghe, cụ mím chặt môi, nhắm mắt, chừng thả trôi hồi ức về tháng năm ở đó. Cụ lắc đầu, tội ghê, nhiều người hy sinh khi còn trẻ lắm.
Tìm di ảnh cha Khi nghe ông Nguyễn Lê Nam đọc thư của anh Vũ Lê Thao (TP.Tam Kỳ) gửi đến, nhiều tiếng thở dài nén lại. Anh Thao là con của liệt sĩ Vũ Lê Thiện (quê Bình Triều, Thăng Bình), thời chống Mỹ công tác ở tuyên huấn thị xã. Tháng 2.1971, trong một trận càn của giặc, Vũ Lê Thiện hy sinh tại núi Đà Rằng (nay thuộc huyện Phú Ninh). Năm 1976 khi được Thị ủy Tam Kỳ báo tin, gia đình đã bốc mộ về nghĩa trang TP.Tam Kỳ. Nghe nói sau khi cha mình hy sinh, một đồng đội đã đem các kỷ vật của liệt sĩ Thiện gửi đâu đó nên anh Thao mong muốn đồng đội của cha trong ban tuyên huấn có ai biết, hoặc còn lưu giữ các kỷ vật, di ảnh của liệt sĩ Vũ Lê Thiện để có thể xin lại. “Sinh thời, khi mẹ còn sống nói con cố gắng tìm đồng đội của ba để hy vọng có thể còn bức chân dung của ba để thờ, nhưng con không biết tìm nơi đâu…”, thư viết. Vài tiếng xì xào, tôi nghe trong đó mỗi người tự nhận trách nhiệm ấy về mình, rồi sẽ liên lạc chỗ Hiệp Đức, chỗ Núi Thành, ngoài Đà Nẵng để tìm di ảnh đồng đội… |
Gần 60 người của Ban Tuyên huấn Quảng Nam thời chống Mỹ tại cuộc gặp mặt ở Tam Kỳ hôm đó, có lẽ đủ đầy cho 10 “binh chủng” tuyên huấn ngày ấy: tuyên truyền, huấn học, ca múa nhạc dân tộc, dân ca tuồng, minh ngữ, chiếu bóng, trường đảng, nhà in, giáo dục, văn phòng, sản xuất. Họ nhắc về những người đã hy sinh như anh Vũ Thiếp - nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Quảng Nam (1970-1972), anh Phạm Việt Dũng - nguyên Trưởng ban Tuyên huấn từ tháng 12.1972 đến tháng 8.1973. Họ ôm chầm nhau, và gọi tên từng người. Chị Hạnh văn công, chị Hương y sĩ trường đảng, chị Hồng vợ anh Lim phó ban tuyên huấn, chị Xuân trường đảng, anh Nam viết tin chậm, anh Hồng họa sĩ, chị Hồng viết tin, anh Đức nhạc sĩ, anh Sanh tuồng, anh Bích nhạc sĩ… Những trận cười của đồng đội một thời cứ thế giòn tan theo từng câu chuyện tếu táo của các anh, các chị giờ đã bạc tóc. Nhà báo Hoàng Hương Việt (80 tuổi) hơi tiếc nuối, tuổi cao sức yếu hết rồi, dễ gì đến được đông đủ thế này, giá mà các anh bên tuyên giáo đến đây vui với chúng tôi… “Chúng tôi không sao quên được nhiều lúc dưới mưa bom pháo nổ, các chiến sĩ đội điện ảnh vẫn thản nhiên chiếu phim cho dân xem, đến 2 - 3 giờ sáng mới về căn cứ. Các anh chị em đoàn văn công, vừa đàn vừa hát cho dân nghe hết bài này đến bài khác, không biết mệt là gì” - ông Nguyễn Phạm Quỳnh, nguyên phó phòng tuyên truyền Ban Tuyên huấn Quảng Nam (cũ) hồi tưởng. Nghe những lời của ông Quỳnh, vợ chồng anh Minh - chị Minh (đội điện ảnh) nhìn nhau cười, họ nhớ quá những lần ôm máy móc đi chiếu phim hết xóm này đến xóm nọ trên vùng núi Tiên Sơn heo hút...
Ngồi bên đồng đội cũ đến từ Đà Nẵng, bà Khưu Thị Hồng cầm tay NSND Trần Đình Sanh lắc lắc “Bây ơi lớn dữ ri hả. Hồi nớ chị nhớ thằng Sanh chừng này này, hát tuồng hay chi lạ”. Bà Hồng nói, cứ như người NSND ấy chỉ mới vừa qua tuổi thanh niên. Hình như trong họ, những người cùng sống, chiến đấu thời ở ban tuyên huấn là những người không tuổi. Giữa các tiết mục… văn nghệ, vì nhạc sĩ Minh Đức “kiên quyết” không chịu hát bài đã đi vào lòng bao thế hệ người Quảng Nam là “Thương em chín đợi mười chờ” nên NSND Trần Đình Sanh “giúp” anh làm việc ấy, thay vì ca một đoạn tuồng như yêu cầu của các cô, các bác. Nhạc sĩ Hoàng Bích với “Gửi người em gái quê hương”, nhạc sĩ Minh Đức với “Em hát mãi bài ca quê em”… Không nhạc, không trống, họ hát chay mà hay đến lạ. Và ông Trần Thanh Nam, 63 tuổi vẫn ngọt lịm bài dân ca khu V “Quảng Nam tung cánh chim bằng”, bài ruột của chị Phạm Thị Minh Tuyết (đội văn công, quê Thăng Bình). Vài ánh mắt quay tìm giữa những khuôn mặt nữ văn công nay đã là bà ngoại, bà nội. Chị Tuyết không đến hôm ấy.
Hồi đó, ở trên núi cao, anh chị em nhà in thức suốt đêm sắp chữ cho xong tờ báo, in bản tin chiến thắng để ngày mai kịp gửi đi các huyện, các ban ngành của tỉnh… Hồi đó, cùng với các cơ quan, ban ngành của tỉnh, các bộ phận của ban tuyên huấn cũng hối hả vào Tam Kỳ để tiếp quản Ty thông tin của ngụy quyền Sài Gòn. Hồi đó, người này người kia được giao nhiệm vụ viết bài tuyên truyền cho công tác đổi tiền lần thứ nhất vào đầu tháng 6.1975… Những mảnh ký ức rời rạc, chắp nối, lộn xộn tuyến thời gian mà họ nhắc nhau, kể nhau luôn được bắt đầu bằng chữ “hồi đó” thương như vậy. Hồi đó, họ đều còn rất trẻ.
PHAN HOÀNG